Lý do Nga khó có thể bị chặn khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT

0
111
(Nguồn: Reuters)

Có nhiều lý do khiến các ngân hàng Nga sẽ khó bị chặn khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.

(Nguồn: Reuters)

Mỹ và các quốc gia phương Tây khác đã cảnh báo Nga về những hậu quả kinh tế tàn khốc nếu có liên quan tới tình hình Ukraine. Lời đe dọa cấm Nga tiếp cận SWIFT, một hệ thống rất quan trọng đối với dòng tiền toàn cầu, đã được đưa ra, dù phía Chính phủ Nga đã bác bỏ các cáo buộc rằng họ đang lên kế hoạch đưa quân sang Ukraine.

Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng tiết lộ rằng, Tổng thống Biden đã nhìn thẳng vào mắt Tổng thống Nga Putin trong cuộc gặp trực tuyến mới đây và nói với ông ấy rằng, “những điều chúng tôi đã không làm trong năm 2014, chúng tôi đã chuẩn bị phải làm bây giờ”.

Người ta đồn đoán đó nhiều khả năng là lời cảnh báo về khả năng “bóp nghẹt” nền kinh tế Nga bằng những đòn trừng phạt mới từ Mỹ. Và đòn tấn công đó rất có thể là biện pháp cực đoan nhất – loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế được gọi là SWIFT – để chuyển tiền đi khắp thế giới, như đã từng làm đối với Iran.

Tuy nhiên, người đứng đầu VTB – ngân hàng lớn thứ hai của Nga khẳng định, hệ thống tài chính của nước này sẽ có thể đứng vững ngay cả khi bị ngắt kết nối khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng toàn cầu SWIFT, song nói thêm rằng ông không nghĩ một động thái như vậy có khả năng xảy ra.

Giám đốc điều hành VTB Andrey Kostin nói với kênh truyền hình nhà nước Rossiya 1 rằng dù kịch bản đó xảy ra, hệ thống ngân hàng Nga vẫn sẽ tồn tại. Nhưng ông không cho rằng tình hình sẽ phát triển đến mức đó, nhấn mạnh đó sẽ là một biện pháp rất nghiêm trọng chứ không đơn giản chỉ là một động thái “thiếu thiện chí”.

Nga đã thiết lập hệ thống thanh toán liên ngân hàng của riêng mình được gọi là SPFS để thay thế SWIFT. Giới chức Nga cho rằng động thái này sẽ giúp giảm nhẹ một phần tác động nếu các ngân hàng Nga thực sự bị chặn kết nối với SWIFT.

Đầu tháng này Giám đốc điều hành German Gref của ngân hàng hàng đầu nước Nga Sberbank cũng đã bác bỏ những báo cáo vô nghĩa rằng Mỹ có thể đưa ra các lệnh trừng phạt mới nhắm vào khả năng chuyển đổi đồng ruble thành USD và các loại tiền tệ khác.

Bà Maria Shagina, chuyên gia về lệnh trừng phạt của Trung tâm Carnegie Moscow đã ra một báo cáo kết luận rằng, một động thái như vậy sẽ tàn phá Nga, ít nhất là trong ngắn hạn: “Việc chặn Nga khỏi SWIFT sẽ chấm dứt tất cả các giao dịch quốc tế, kích hoạt sự biến động tiền tệ và khiến các dòng vốn lớn chảy ra khỏi nước Nga”.

Xem xét lại trường hợp của Iran, Mỹ từng gây sức ép buộc SWIFT ngắt kết nối với các ngân hàng Iran. Hậu quả là Tehran mất gần phân nửa doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ và 1/3 kim ngạch ngoại thương.

Theo bà Shagina, ảnh hưởng xảy ra cho kinh tế Nga cũng sẽ “tương đương”, bởi hơn 1/3 doanh thu liên bang của nước này phụ thuộc vào xuất khẩu dầu, khí tự nhiên.

Hệ thống SWIFT có trụ sở tại Bỉ, xử lý các khoản thanh toán quốc tế giữa hàng nghìn ngân hàng tại hơn 200 quốc gia.

Để đối phó đòn tấn công này, từ năm 2014, Nga đã từng bước bảo vệ hệ thống tài chính nội địa, nhằm giảm bớt mối đe dọa bằng cách phát triển hệ thống riêng để xử lý các giao dịch thẻ tín dụng nội địa. Nhưng đó lại là một biện pháp khác, cũng sẽ ảnh hưởng đến các nước châu Âu nhiều hơn Mỹ, vì họ đang làm ăn nhiều hơn với Nga.

Một số nhà phân tích kinh tế và chính trị đã nói, hạn chế quyền truy cập vào SWIFT sẽ là biện pháp cuối cùng được dùng đến. Arie W. Kruglanski, Giáo sư tâm lý học tại Đại học Maryland, cho rằng, khi đánh giá tác động của các lệnh trừng phạt, các nhà kinh tế thường bỏ qua khía cạnh tâm lý cốt yếu.

“Các biện pháp trừng phạt có thể phát huy tác dụng khi các nhà lãnh đạo quan tâm đến vấn đề kinh tế hơn bất kỳ điều gì khác”, nhưng ông Kruglanski không nghĩ rằng, nhà lãnh đạo Nga rơi vào trường hợp đó. Bởi theo ông, những người theo chủ nghĩa chuyên chế mạnh mẽ như ông Putin thường có con đường riêng, trong đó, các mối đe dọa nhiều khả năng làm gia tăng sự phản đối, hơn là khuyến khích sự thỏa hiệp.

Nhìn nhận về các đòn trừng phạt Nga liên quan đến Ukraine, chuyên gia Nixey của Chatham House cũng cho rằng, tác động không đáng kể.

“Rất nhiều điều mà người Nga đã học được để sống chung với các lệnh trừng phạt, một phần là do việc triển khai thường chậm chạp hoặc kém hiệu quả và quan trọng là các tác động lên nền kinh tế Nga có thể kiểm soát được”, ông nói thêm.

Tuy nhiên, thành công có thể được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau. Theo như ông Nixey, các biện pháp trừng phạt hồi năm 2014 rất có thể đã ngăn Điện Kremlin can thiệp quân sự thêm vào Ukraine. Nó chắc chắn không thể buộc Nga đảo ngược việc sáp nhập Crimea, nhưng có thể đã thuyết phục ông Putin không sử dụng các động thái quyết đoán hơn – ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.

H. Thủy

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here