Tọa đàm “Triển vọng và xúc tiến quan hệ thương mại Việt Nam – Na Uy trong bối cảnh mới”

0
49
(ĐSQVN tại Na Uy)
(ĐSQVN tại Na Uy)

Trong kế hoạch triển khai các hoạt động thiết thực kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Na Uy, nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Na Uy theo định hướng của ngoại giao phát triển lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm, ngày 25/11/2021, Đại sứ quán Việt Nam tại Na Uy đã chủ trì, phối hợp với Cơ quan Xúc tiến thương mại, đầu tư Na Uy (Innovation Norway), Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội và Cục Xúc tiến Thương mại – Bộ Công Thương Việt Nam cùng  các cơ quan hữu quan tổ chức Tọa đàm “Triển vọng và xúc tiến quan hệ thương mại Việt Nam – Na Uy trong bối cảnh mới”.

Tọa đàm được tổ chức dưới hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, với 2 điểm cầu ở Hà Nội (Việt Nam) và Oslo (Na Uy), có sự tham gia của gần 70 đại biểu từ các cơ quan hữu quan và gần 60 doanh nghiệp hai nước. Phiên họp toàn thể có sự tham dự và và phát biểu của đại diện lãnh đạo 2 Bộ Công Thương 2 nước, các tham luận của đại diện các cơ quan chức năng và doanh nghiệp của 2 nước về tình hình quan hệ thương mại giữa 2 nước cũng như tiềm năng, định hướng phát triển trong tương lai. Sau phiên họp toàn thể, các doanh nghiệp 2 nước đã tiến hành gần 30 cuộc tiếp xúc giao thương tại 7 phòng giao thương trực tuyến riêng theo các lĩnh vực, ngành hàng cụ thể mà mình quan tâm.

(ĐSQVN tại Na Uy)

Về tình hình thương mại hai nước, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Na Uy trong năm 2020 tăng 19,52 % so với năm 2019 đạt 528,5 triệu USD, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Na Uy đạt 216,9 triệu USD và nhập khẩu của Việt Nam từ Na Uy đạt 311,6 triệu USD. Riêng 9 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đã đạt 365,5 triệu USD, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Na Uy đạt 103,7 triệu USD và nhập khẩu của Việt Nam từ Na Uy đạt 261,8 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Na Uy gồm: hàng thủy sản, hạt điều, dệt may, giày dép, sắt thép, phương tiện vận tải và phụ tùng. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Na Uy gồm: hàng thủy sản, máy móc thiết bị, phụ tùng khác, phân bón hóa chất và sản phầm từ sắt thép. Các đại biểu dự Hội nghị đều nhất trí cho rằng tiềm năng của hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước còn lớn, có nhiều dư địa để thúc đẩy. Bà Janicke Andreassen – Thứ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Thủy sản Na Uy đánh giá cao những bước phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Na Uy và Việt Nam trong những năm qua, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế biển, năng lượng tái tạo, chống biến đổi khi hậu, phát triển bền vững…. Theo bà, việc Việt Nam tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) trong đó có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và một số các hiệp định khác, đã tác động tích cực đến trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Na Uy trong những năm gần đây.

(ĐSQVN tại Na Uy)

Nhằm thúc đẩy khai thác tiềm năng thương mại hai nước, giúp các doanh nghiệp Việt có thông tin để tiếp cận thị trường Na Uy, Ông Erling Rimestad – Vụ trưởng, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Thủy sản Na Uy đã thông tin tới các đại biểu, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam những cập nhật về tiến trình và những việc cần làm để sớm kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa khối EFTA và Việt Nam, một số cơ chế, chính sách thương mại của Na Uy, các quy tắc và quy định liên quan đến các mặt hàng thương mại quan trọng giữa Việt Nam và Na Uy. Bà Nguyễn Thị Lan Phương, Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công Thương Việt Nam đã thuyết trình cụ thể và chi tiết về những chính sách và quy định thương mại của Việt Nam liên quan đến các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) Việt Nam đã tham gia từ trước đến nay cũng như phản hồi của phía Việt Nam về tình hình và triển vọng của đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữ Việt Nam và EFTA. Các đại biểu tham dự đã được giới thiệu về những mặt hàng tiềm năng Việt Nam muốn thúc đẩy xuất khẩu sang Na Uy, trong đó tập trung vào các mặt hàng thủy sản, nông nghiệp… Các thông tin cụ thể về mặt hàng, giá trị xuất khẩu, lợi thế của mặt hàng Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực được truyền tải tới các tổ chức, doanh nghiệp Na Uy tham gia chương trình. Đại diện Hiệp hội Thủy sản Na Uy cũng giới thiệu đến các đại biểu, doanh nghiệp Việt Nam tham gia chương trình các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực thủy sản tại Na Uy cũng như những thị hiếu tiêu dùng của người dân Na Uy đối với mặt hàng thủy sản. Trong lĩnh vực năng lượng sạch, đại diện các tập đoàn lớn của Na Uy như Tập đoàn Equinor và Hiệp hội Norwegian Energy Partner cũng có những chia sẻ về tiềm năng của Na Uy và các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch với Na Uy (năng lượng gió, khí hóa lỏng, thu hồi các bon), những điểm cần lưu ý khi hợp tác với Na Uy trong lĩnh vực này.

Tại phiên giao thương, các doanh nghiệp đã chia thành 7 phòng giao thương trực tuyến để trực tiếp gặp gỡ, trao đổi tìm hiểu các nhu cầu rất đa dạng của từng doanh nghiệp như các sản phẩm từ gạo, đậu nành, tôm, cua, cá hồi, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ…  Phần lớn các doanh nghiệp đều đã đạt được những mục tiêu của mình qua việc tìm hiểu, chia sẻ nhu cầu và khả năng mỗi bên, từ đó đặt nền móng, xây dựng quan hệ hợp tác kinh doanh trong tương lai.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Na Uy)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here