Kinh nghiệm của một số nền kinh tế về đẩy mạnh thương mại điện tử và ứng dụng số nhằm hạn chế, thích ứng vơi các tác động của đại dịch Covid-19

0
87

     Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến triển vọng phục hồi tăng trưởng bền vững của kinh tế thế giới. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, tăng trưởng kinh tế thế giới dự kiến sẽ giảm từ 6% năm 2021 xuống dưới 5% năm 2022, đà phục hồi của nhiều nền kinh tế lớn và đang nổi chậm lại trước làn sóng dịch bệnh do biến chủng Delta. Việc nhiều nước tăng cường các biện pháp phong tỏa, giãn cách nhằm kiểm soát dịch bệnh là một trong những nguyên nhân của sự gián đoạn chuỗi cung ứng trên diện rộng; tình trạng tắc nghẽn mạng lưới vận tải biển được dự báo có thể kéo dài đến năm 2022. Đại dịch được đánh giá khiến số người nghèo tăng thêm hơn 100 triệu người trong năm 2020, làm giảm 8% thu nhập của người lao động và dự kiến khiến hơn 200 triệu người mất việc làm đến năm 2022.

     Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, nhiều nền kinh tế đã đẩy mạnh các biện pháp thích ứng, trong đó thương mại điện tử và các ứng dụng số được xác định là giải pháp quan trọng góp phần tháo gỡ, hạn chế các tác động bất lợi trước mắt của dịch bệnh cũng như nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững hơn. Theo đánh giá của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), tỷ trọng giao dịch thương mại điện tử trong tổng doanh số bán lẻ toàn cầu đã tăng từ 14% năm 2019 lên 17% năm 2020.

  1. Các nhóm biện pháp chủ yếu được các nền kinh tế áp dụng để phát triển kinh tế số

1.1. Xác định thương mại điện tử là động lực thúc đẩy phục hồi tăng trưởng. Nhiều nền kinh tế đã đưa thương mại điện tử và kinh tế số trở thành ưu tiên trong các chiến lược, chính sách phục hồi tăng trưởng và thích ứng với đại dịch Covid-19. Tại khu vực Đông Nam Á, Chính phủ Thái Lan ngày 30/8/2021 đã ban hành Chương trình Hành động quốc gia về Phát triển thương mại điện tử giai đoạn 1 năm 2021 – 2022 để thúc đẩy phục hồi tăng trưởng thông qua 4 chiến lược: (i) Phát triển thị trường thương mại điện tử trên cơ sở nâng cao khả năng cạnh tranh của các nền tảng thương mại điện tử và hệ thống luật pháp, chính sách thuế để tạo sự cạnh tranh thương mại công bằng; (ii) Phát triển hệ sinh thái và môi trường thương mại điện tử thông qua các biện pháp hỗ trợ về hạ tầng, tài chính, công nghệ thông tin, viễn thông; (iii) Xây dựng niềm tin và tính bền vững của thương mại điện tử; và (iv) Hỗ trợ các doanh nghiệp Thái Lan tận dụng những lợi ích của thương mại điện tử.

Thông qua Kế hoạch, Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu doanh thu của hoạt động thương mại điện tử đạt 5,35 nghìn tỷ Bạt vào năm 2022 (so với mức 4,03 nghìn tỷ Bạt năm 2019); tăng doanh thu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới thêm 5% mỗi năm. Kế hoạch cũng đặt mục tiêu kết nối thông tin về thương mại điện tử giữa Chính phủ với khu vực tư nhân và tăng số lượng các doanh nghiệp hoạt động thương mại điện tử ở mức 10.000 hàng năm.

 1.2. Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục kinh doanh

– Đơn giản hóa các thủ tục hành chính và kinh doanh nhằm hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và hạn chế tiếp xúc trực tiếp. Indonesia gần đây đã hình thành cơ chế “một cửa trực tuyến” (online single submission) nhằm thống nhất, cắt giảm các thủ tục và cấp mã số doanh nghiệp tham gia các hoạt động xuất – nhập khẩu (trước đây doanh nghiệp phải xin 3 giấy phép để kinh doanh nhập khẩu, và doanh nghiệp xuất khẩu cũng có quy trình xin giấy phép riêng). Malaysia ủy quyền cho công ty Dagang Net cung cấp các dịch vụ điện tử cốt lõi của cơ chế một cửa quốc gia trong giai đoạn 2021 – 2024 bao gồm khai báo điện tử, chứng thực điện tử, cấp phép điện tử và thanh toán điện tử nhằm đơn giản hóa các thủ tục thông quan, tạo thuận lợi cho trao đổi dữ liệu thương mại và tối ưu chi phí. UAE số hóa 100% quy trình cấp phép kinh doanh, bao gồm nộp đơn đăng ký, trả chấp thuận, nộp phí đăng ký và nhận giấy phép kinh doanh với chữ ký và con dấu điện tử có đầy đủ hiệu lực pháp lý.

– Đơn giản hóa các thủ tục thông quan, xuất nhập khẩu hàng hóa. Một số nước như Thái Lan, Philippines, UAE, Nam Phi… triển khai cấp giấy chứng nhận xuất xứ điện tử, chấp thuận bản sao chứng nhận xuất xứ khi doanh nghiệp làm thủ tục thông quan hàng hóa, khuyến khích nộp thuế qua phương thức thanh toán trực tuyến. Trung Quốc điều chỉnh linh hoạt các quy định về xuất nhập khẩu theo diễn biến tình hình dịch bệnh, cho phép kiểm tra quy trình sản xuất, chế biến thực phẩm của doanh nghiệp xuất khẩu nước ngoài theo hình thức trực tuyến, thay vì cử chuyên gia kiểm tra trực tiếp. UAE triển khai ứng dụng khai báo trực tuyến tại sân bay dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo, giúp giảm thời gian thông quan hàng hóa và hành khách còn dưới 4 phút.

Đài Loan nhiều năm qua đã đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử, đến nay đã tiến hành triển khai các dịch vụ hành chính điện tử (e-services) trên các lĩnh vực thuế, công thương, đăng ký kinh doanh, sở hữu trí tuệ. Về cơ bản, các dịch vụ hành chính công của Đài Loan trong thời gian qua không bị tác động lớn bởi các biện pháp giãn cách, phong tỏa do dịch bệnh. Nhằm tạo thuận lợi cho thương mại trong bối cảnh dịch bệnh khi các chứng thư kiểm dịch đối với sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi không được giao nhận kịp thời, Đài Loan tạm thời cho phép cơ quan kiểm dịch nước xuất khẩu chuyển bản sao chứng thư kiểm dịch theo đường ngoại giao hoặc thông qua các ứng dụng số để cơ quan quản lý của Đài Loan kiểm tra, xác nhận cho thông quan hàng hóa; đến nay, tuy cơ bản kiểm soát được dịch bệnh song Đài Loan vẫn gia hạn áp dụng biện pháp này để tạo điều kiện cho thông quan hàng hóa nhập khẩu.

1.3. Các biện pháp xúc tiến thương mại và đầu tư trực tuyến:

– Xây dựng các nền tảng xúc tiến thương mại – đầu tư trực tuyến. Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Trung Quốc và Đài Loan đã tổ chức nhiều hoạt động hội chợ, triển lãm xúc tiến thương mại – đầu tư dưới hình thức trực tuyến. Trong đó, Đài Loan xây dựng các nền tảng triển lãm trực tuyến (Istaging, Artogo, Eventx) với các hiệu ứng 2D, 3D và các phòng giao thương; phát trực tuyến các hoạt động triển lãm trên các nền tảng Youtube, Facebook; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các gian hàng trực tuyến. Đối với các hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ quan quản lý của Đài Loan đẩy mạnh chương trình mỗi xã, thị trấn một đặc sản nhằm hỗ trợ quảng bá, tiếp thị tích hợp và thiết lập hệ thống các sản phẩm đặc sắc của địa phương, hỗ trợ thiết kế bao bì sản phẩm và thiết kế nghiên cứu phát triển sản phẩm hoặc cải tiến công nghệ sản xuất.

– Đẩy mạnh bán hàng trực tuyến, nhất là qua các nền tảng thương mại điện tử lớn như Amazon, Alibaba… trên cơ sở xác định một số nhóm hàng ưu tiên (Thái Lan tập trung vào nông sản, phụ tùng ô tô, thực phẩm chế biến…). Trung Quốc từ giữa năm 2020 đã triển khai mô hình “Sản xuất tại Trung Quốc, bán trên Amazon” hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử quốc tế và áp dụng nhiều cơ chế, biện pháp mang tính đột phá như thiết lập hệ thống thông quan dành riêng cho thương mại điện tử xuyên biên giới B2B (từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp) với quy trình, thủ tục được đơn giản hóa tối đa.

Trung Quốc cũng rất chú trọng ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, bao gồm: (i) thúc đẩy chương trình chuyển đổi số toàn bộ chuỗi giá trị của sản phẩm nông nghiệp; (ii) triển khai mô hình hợp tác “3 nhà” (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà sản xuất), khuyến khích các doanh nghiệp cung cấp nền tảng số thành lập các trung tâm chuyên kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, bộ phận nông nghiệp kỹ thuật số để hỗ trợ toàn bộ quy trình sản xuất, bảo quản, phân phối và tiêu thụ nông sản, thiết lập miễn phí các gian hàng chuyên doanh nông sản trên nền tảng thương mại điện tử.

– Nhiều nước chú trọng cung cấp thông tin về thị trường cho các doanh nghiệp thông qua các ứng dụng số, trong đó Malaysia xây dựng nền tảng thông tin thị trường trực tuyến MyExport nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp truy cập, nắm bắt các thông tin thương mại thiết yếu như cảnh báo thị trường, nghiên cứu thị trường và sản phẩm, thống kê thương mại và thông báo đấu thầu quốc tế. Các thông tin được cập nhật hàng ngày bởi 46 văn phòng đại diện tại nước ngoài của Công ty phát triển ngoại thương Malaysia (MATRADE).

1.4. Khuyến khích sự phát triển của thương mại điện tử đi kèm với các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng và an ninh mạng.

Ban hành chiến lược, kế hoạch, khuôn khổ phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số gắn với các gói hỗ trợ kinh tế và các biện pháp tái cơ cấu, trong đó các biện pháp được chú trọng bao gồm: (i) Xây dựng các kế hoạch trung và dài hạn về phát triển thương mại điện tử và chuyển đổi số, bao gồm phát triển thanh toán điện tử, phát triển hạ tầng thương mại điện tử trên toàn quốc, bao gồm các khu vực nông thôn, xây dựng nền tảng kết nối trực tuyến các chợ truyền thống để giao hàng trực tiếp đến người tiêu dùng (Philippines, Đài Loan, nhiều nước phát triển tại Châu Âu); (ii) Triển khai các chương trình, dự án trọng điểm về phát triển thương mại điện tử, trong đó Trung Quốc đã thành lập 105 khu thí điểm thương mại điện tử xuyên biên giới (riêng trong năm 2020 đã thành lập thêm 46 khu thí điểm) với các biện pháp ưu đãi về quy trình thủ tục, chính sách ưu đãi về thuế, thuận lợi hóa các hoạt động giao dịch trên cơ sở chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan hải quan và các nền tảng thương mại điện tử về thông tin đơn hàng, tình trạng thanh toán, vận chuyển. Thụy Sỹ chú trọng cả ba hình thức thương mại điện tử là “doanh nghiệp với người tiêu dùng” (B2C), “doanh nghiệp với doanh nghiệp” (B2B) và người tiêu dùng với người tiêu dùng (C2C).

– Chú trọng các cơ chế khuyến khích thương mại điện tử về thuế, phí và tiếp cận công nghệ: các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghệ và thương mại điện tử thường gặp thách thức về năng lực tài chính, tiếp cận khách hàng và có xu hướng bị các tập đoàn lớn sáp nhập, mua lại. Vì vậy, nhiều nền kinh tế chú trọng các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ gia tăng nguồn lực và cải thiện năng lực cạnh tranh thông qua các biện pháp miễn giảm thuế, có thể lên tới 50%-100% đối với nguyên liệu đầu vào, và miễn giảm thuế thu nhập (Thái Lan, Philippines); ký hợp đồng với các tập đoàn công nghệ lớn để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ bán hàng trên các nền tảng thương mại quốc tế (Trung Quốc, Indonesia). Một số nền kinh tế chú trọng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận công nghệ thông qua các cơ chế hỗ trợ vốn, khuyến khích các doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào quá trình nghiên cứu, phát triển công nghệ và chuyển giao cho các tập đoàn mũi nhọn để thương mại hóa, tạo sự “lan tỏa”, xây dựng các trung tâm ươm tạo hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đặt tại các trường đại học có thế mạnh về công nghệ (Đài Loan).[1]

– Đẩy mạnh hoạt động thanh toán trực tuyến: nhìn chung các nền kinh tế đều xác định thanh toán trực tuyến là yếu tố đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của thương mại điện tử. Theo đó, các nước đã triển khai nhiều nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động thanh toán trực tuyến, bao gồm: (i) Phát triển các dịch vụ thanh toán di động thông minh, kết nối với thể thanh toán ngân hàng với khả năng bảo mật cao (Thụy Sỹ, Hàn Quốc)[2]; (ii) Khuyến khích người dân từ 15 tuổi trở lên mở các tài khoản ngân hàng (98% dân số từ 15 tuổi trở lên của Thụy Sỹ có tài khoản ngân hàng; (iii) Khuyến khích người tiêu dùng thực hiện thanh toán điện tử thông qua các ưu đãi về giá, cung cấp phiếu mua hàng giảm giá trên các nền tảng thương mại điện tử (Malaysia); (iv) Chú trọng mạng lưới vận tải hàng hóa, bao gồm hệ thống bưu chính và đội ngũ giao nhận (Hàn Quốc vẫn cho phép những người giao nhận hàng hóa được hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh trên cơ sở tăng cường xét nghiệm).

– Song song với các biện pháp khuyến khích, các nền kinh tế cũng tăng cường các biện pháp giám sát, bảo đảm an ninh mạng, bảo vệ người tiêu dùng, bao gồm xây dựng tiêu chuẩn đánh giá tín nhiệm đối với chủ thể kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử (Hàn Quốc và một số nước)[3]; ban hành một số văn bản pháp luật quy định nghĩa vụ của các pháp nhân kinh doanh, quyền lợi của người tiêu dùng và các cơ chế giải quyết tranh chấp nhằm xây dựng môi trường an toàn, thuận lợi, công bằng[4]. Israel dự kiến ban hành thuế kinh tế số trong quý IV/2021 nhằm siết chặt các quy định về thuế đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế số tại Israel, tránh tình trạng chuyển giá, trốn thuế. UAE áp thuế VAT 5% đối với hàng hóa và dịch vụ giao dịch qua các nền tảng TMĐT (áp dụng đối với công ty có trụ sở tại UAE). Trung Quốc tăng cường kiểm soát hoạt động niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài của các tập đoàn công nghệ lớn, nhấn mạnh cần tăng cường trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp công nghệ.

1.5. Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thương mại điện tử và kinh tế số, đưa các nội hàm về thương mại điện tử và kinh tế số vào khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương – CPTPP) và các hiệp định thương mại tự do khu vực quan trọng (như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực – RCEP), thúc đẩy đàm phán nhiều bên về thương mại điện tử trong khuôn khổ WTO. Ở cấp độ song phương, một số nền kinh tế như Mỹ, Singapore, New Zealand… tích cực thúc đẩy hình thành quan hệ đối tác số[5], chú trọng các biện pháp hợp tác về thương mại điện tử như chứng thực số, không đánh thuế đối với các giao dịch thương mại điện tử, chia sẻ dữ liệu người dùng…

Đài Loan đến nay đã thúc đẩy ký thỏa thuận hợp tác và vận hành thử nghiệm hệ thống chứng nhận xuất xứ điện tử E-C/O với các đối tác Singapore và New Zealand; đối với Việt Nam, Đài Loan đề xuất cơ chế chuyển đổi dữ liệu cấp chứng nhận xuất xứ qua mô hình chuyển đổi số đã được chính quyền Đài Loan ủy quyền cho tổ chức TRADE-VAN cung cấp dịch vụ (trao đổi dữ liệu chứng nhận xuất xứ điện tử thay vì gửi các bản sao chứng nhận xuất xứ qua hệ thống email) và thúc đẩy hợp tác thương mại điện tử qua website Taiwantrade.com của Hội đồng phát triển ngoại thương Đài Loan (TAITRA) và website BuyVietnam.com.vn của Bộ Công Thương.

Bên cạnh đó, cạnh tranh ảnh hưởng trong lĩnh vực thương mại điện tử và kinh tế số tiếp tục gia tăng. Trung Quốc và một số nền kinh tế đang nổi, đang phát triển như Indonesia, Nga… nhấn mạnh quan điểm “chủ quyền không gian mạng”, không ủng hộ tự do lưu chuyển thông tin qua biên giới, hạn chế việc thu thập, xử lý và chuyển dữ liệu ra khỏi lãnh thổ. Nhằm đối trọng, cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ và các nước phương Tây, Trung Quốc thúc đẩy sáng kiến “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” (Digital Silk Road – DSR), đẩy mạnh viện trợ, cho vay ưu đãi và đầu tư các dự án hạ tầng sử dụng công nghệ Trung Quốc tại các nền kinh tế đang và kém phát triển.

  1. Một số nhận xét và kiến nghị

Các hoạt động thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng tương đối mạnh mẽ trong khi kinh tế và thương mại toàn cầu chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Thương mại điện tử được đánh giá có các “ưu điểm” so với hoạt động thương mại truyền thống trong bối cảnh dịch bệnh như hạn chế các hoạt động tiếp xúc, giao dịch trực tiếp, tiết kiệm chi phí giao dịch và tận dụng được sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số. Bên cạnh đó, hoạt động thương mại điện tử và ứng dụng số cũng đặt ra yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn thông tin và bảo vệ người tiêu dùng.

Một số nước xác định đại dịch Covid-19 vừa là thách thức, đồng thời là cơ hội để tăng tốc phát triển thương mại điện tử, nâng cấp công nghiệp, chuyển đổi số, tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững. Theo đó, Chính phủ các nước đóng vai trò quan trọng định hướng và kiến tạo khuôn khổ chính sách, thể chế và môi trường thuận lợi cho sự phát triển, ứng dụng thương mại điện tử và các nền tảng số, cũng như hạn chế các tác động không thuận có thể nảy sinh.

Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển thương mại điện tử và ứng dụng số do tỷ lệ dân số trẻ, người sử dụng điện thoại thông minh và Internet cao. Chính phủ đã xác định ưu tiên về phát triển kinh tế số với mục tiêu đưa kinh tế số chiếm 20% tỷ trọng GDP năm 2025 và 30% tỷ trọng GDP năm 2030. Vừa qua, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan chú trọng đẩy mạnh các hoạt động thương mại điện tử, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến và kết nối cung cầu trên môi trường số nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy phục hồi tăng trưởng. Một số địa phương (như Bắc Giang) đã chú trọng các hoạt động tiếp thị, phân phối nông sản qua sàn thương mại điện tử trong bối cảnh dịch bệnh với kết quả tích cực.

Một số khuyến nghị đối với Việt Nam

Trên cơ sở các chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành và cơ quan liên quan cần phát huy tinh thần “biến thách thức thành cơ hội”, coi các tác động của đại dịch Covid-19 cũng là động lực để đẩy nhanh, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử và chuyển đổi số, lưu ý tận dụng các thế mạnh của Việt Nam và đồng thời giải quyết một số vấn đề trong phát triển thương mại điện tử liên quan đến chất lượng kết cấu hạ tầng phục vụ thương mại điện tử, hành lang pháp lý và chính sách ưu đãi dành cho thương mại điện tử…

– Tranh thủ việc thích ứng với Covid-19 để thúc đẩy một bước xây dựng Chính phủ số, gắn với đơn giản hóa và số hóa các thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và các hoạt động thương mại điện tử.

– Hoàn thiện chính sách, pháp luật, thể chế về thương mại điện tử. Nghiên cứu ban hành, triển khai các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các làng nghề truyền thống tiếp cận với hoạt động thương mại điện tử, các hoạt động quảng bá và xúc tiến trên các nền tảng trực tuyến.

– Nghiên cứu một số nhóm giải pháp đối với hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, bao gồm: (i) Nghiên cứu quy trình, thủ tục hải quan đặc thù cho hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới; (ii) Thúc đẩy việc ký kết hợp tác giữa các cơ quan hải quan với các sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế lớn liên quan đến nghiệp vụ hải quan; (iii) Đẩy nhanh thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN liên quan đến hàng hóa mua bán qua thương mại điện tử xuyên biên giới; (iv) Hỗ trợ, phổ biến, nhân rộng mô hình hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp thương mại điện tử lớn trên thế giới như Amazon, Ebay, Alibaba…

– Triển khai các biện pháp thông tin – truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp và người tiêu dùng về hoạt động thương mại điện tử; khuyến khích các doanh nghiệp, nhà cung cấp, siêu thị triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng trực tuyến.

– Chú trọng các biện pháp bảo đảm an ninh mạng và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong các hoạt động thương mại điện tử trên cơ sở phù hợp với yêu cầu phát triển thương mại điện tử, kinh tế số và phù hợp với các cam kết quốc tế.

– Tăng cường hội nhập quốc tế trong lĩnh vực thương mại điện tử và kinh tế số; chú trọng thúc đẩy hợp tác với các nền kinh tế có thế mạnh về công nghệ, nghiên cứu các đề xuất của các đối tác về hợp tác thương mại điện tử, trong đó có đề xuất của Đài Loan; tham gia quá trình xây dựng các luật lệ và quy tắc liên quan đến thương mại điện tử và kinh tế số./.

Bùi Vũ

[1] Các trung tâm ươm tạo tại Đài Loan thực hiện hai chức năng chính là quản lý về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghiệp và đào tạo khởi nghiệp.

[2] Tổng giá trị thanh toán thông qua các “ví điện tử” Samsung Pay và Naver tại hàn Quốc đạt 393 tỷ USD trong năm 2020.

[3] Hàn Quốc xây dựng hệ thống chứng nhận niềm tin điện tử (eTrust) để đánh giá mức độ an toàn, chất lượng của các “gian hàng” trên nền tảng TMĐT. Các “gian hàng” tại các sàn TMĐT được cấp chứng nhận eTrust được coi là đáng tin cậy đối với người tiêu dùng. Để được cấp chứng nhận eTrust, các chủ thể kinh doanh cần đáp ứng các tiêu chí liên quan đến sự thuận tiện và an toàn (quy trình đặt hàng, thanh toán, giao sản phẩm và đổi/trả), thông tin về công ty và sản phẩm (tuân thủ hướng dẫn ghi nhãn sản phẩm của Chính phủ), bảo vệ quyền riêng tư, dịch vụ hậu mãi và nhiều điều kiện khác.

[4] Như (i) Nghị định về Bảo vệ Người tiêu dùng trong Thương mại điện tử, trong đó quy định quyền lợi của người tiêu dùng, cơ chế giao dịch và các thủ tục hành chính cần thực hiện đối với các giao dịch trên các nền tảng TMĐT; (ii) Nghị định về Dán nhãn và Quảng cáo Công bằng, trong đó quy định phương thức, hình thức và nội dung quảng cáo sản phẩm trên các nền tảng TMĐT; (iii) Quy định về Giải quyết Tranh chấp cho người tiêu dùng, trong đó quy định các nội dung, nghĩa vụ của doanh nghiệp, chủ thể kinh doanh về hậu mãi; (iv) Quy định về Quyền sở hữu trí tuệ TMĐT nhằm ngăn chặn các hành vi bán hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ trên các nền tảng TMĐT.

[5] Singapore đã ký hiệp định về kinh tế số với Ốt-xtrây-li-a, Niu Di-lân và Chile.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here