Nhật Bản vừa công bố nâng dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của nước này trong tài khóa 2022 lên 3,2%, tăng mạnh so với con số 2,2% được đưa ra trước đó. Trong tài khóa này, Nhật Bản cũng triển khai các chính sách nhằm tăng cường năng lực xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản và thực phẩm.
Nâng dự báo tăng trưởng GDP tài khóa 2022 lên 3,2%
Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, trong tài khóa 2022, chi tiêu tiêu dùng cá nhân, vốn chiếm hơn 50% quy mô của nền kinh tế Nhật Bản, có thể tăng 4%, không thay đổi so với dự báo trước đó. Chi tiêu vốn có thể sẽ tăng 5,1%, cao hơn so với con số 4,2% trong dự báo được đưa ra hồi tháng 7/2021. Kim ngạch xuất khẩu có thể sẽ tăng 5,5% sau khi tăng 11,4% trong tài khóa 2021 nhờ sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Văn phòng Nội các Nhật Bản cũng dự báo GDP danh nghĩa của nước này có thể sẽ tăng 3,6% trong tài khóa 2022 lên mức cao kỷ lục 564.600 tỷ yen, cao hơn so với con số 2,5% trong dự báo trước đó.
Ở chiều ngược lại, Văn phòng Nội các Nhật Bản đã hạ dự báo tăng trưởng GDP trong tài khóa hiện nay từ 3,7% xuống còn 2,6%, chủ yếu do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 liên tục tái bùng phát ở nước này và tác động tiêu cực tới nền kinh tế.
Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) dự báo GDP thực tế của Nhật Bản có thể tăng 3% trong tài khóa 2022.
Trước đó, Chính phủ Nhật Bản dự báo GDP thực tế của nước này sẽ tăng bằng mức trước đại dịch (tức là quý IV/2019) trong năm 2021. Tuy nhiên, theo một quan chức của Chính phủ Nhật Bản, mục tiêu này có thể sẽ bị gác lại cho tới tháng 3/2022. Theo quan chức này, GDP thực tế của Nhật Bản trong tài khóa 2022 có thể đạt mức cao kỷ lục 556.800 tỷ yen, vượt qua mức kỷ lục 554.300 tỷ yen được ghi nhận trong tài khóa 2018.
Các dự báo trên sẽ được sử dụng làm cơ sở để ước tính nguồn thu từ thuế khi chính quyền của Thủ tướng Fumio Kishida xây dựng dự thảo ngân sách cho tài khóa 2022. Dự thảo ngân sách này, dự kiến sẽ được Chính phủ Nhật Bản thông qua vào ngày 24/12, có tổng trị giá lên tới 107.600 tỷ yen (khoảng 950 tỷ USD), tăng cao kỷ lục năm thứ 10 liên tiếp.
Dự thảo ngân sách tài khóa 2022 có thể cao kỷ lục năm thứ 10 liên tiếp
Chính phủ Nhật Bản sẽ soạn thảo dự thảo ngân sách cho tài khóa 2022 (bắt đầu từ 1/4/2022) với trị giá khoảng 107.600 tỷ yen (950 tỷ USD), mức cao kỷ lục trong năm thứ 10 liên tiếp.
Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch bổ sung 5.000 tỷ yen để dự trữ tài chính cho các quỹ ứng phó với đại dịch COVID-19 trong tương lai và chuẩn bị các khoản chi tiêu chung cho tài khóa sắp tới, qua đó nâng mức ngân sách vượt ngưỡng 100.000 tỷ yen trong năm thứ tư liên tiếp.
Theo các nguồn tin thân cận với vấn đề này, việc mở rộng ngân sách của Nhật Bản trong năm tới chủ yếu là do chi phí an sinh xã hội và chi tiêu quốc phòng tăng. Các nguồn tin này cũng cho biết, đợt phát hành trái phiếu Chính phủ mới để tài trợ ngân sách có thể sẽ đạt giá trị tổng cộng 36.900 tỷ yen, giảm từ mức 43.600 tỷ yen của đợt phát hành trái phiếu ban đầu trong tài khóa hiện tại.
Dự thảo ngân sách tài khóa 2022 của Nhật Bản được soạn thảo với giả định rằng chính phủ sẽ đạt doanh thu thuế kỷ lục 65.200 tỷ yen, tăng từ mức dự kiến đạt được trong năm nay là 63.900 tỷ yen.
Theo các nguồn tin, chi phí an sinh xã hội, chiếm khoảng 1/3 ngân sách của Nhật Bản trong những năm gần đây, sẽ tăng thêm vài trăm tỷ yen từ năm tài khóa 2021 do sự già hóa dân số của quốc gia này. Trong khi đó, chi tiêu quốc phòng có thể đạt mức kỷ lục 5.400 tỷ yen trong tài khóa tới, phản ánh cam kết của Thủ tướng Fumio Kishida trong việc tăng cường an ninh quốc gia để đối phó với sức mạnh quân sự từ bên ngoài.
Theo kế hoạch, nội các Nhật Bản sẽ thông qua dự thảo ngân sách vào ngày 24/12 tới.
Thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và thực phẩm
Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản triển khai các chính sách nhằm tăng cường năng lực xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản và thực phẩm trong tài khóa 2022.
Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ sửa đổi luật thúc đẩy các sản phẩm nông, lâm thủy hải sản và thực phẩm trong kỳ họp Quốc hội thường kỳ năm 2022, trong đó, đáng chú ý là việc thành lập các đoàn thể riêng biệt có trách nhiệm thúc đẩy phát triển từng nhóm hàng. Dự kiến Chính phủ Nhật Bản cũng dành khoảng 900 triệu yen để hỗ trợ các tổ chức này.
Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản cũng dự kiến thành lập các trung tâm hỗ trợ xuất khẩu tại 8 quốc gia, vùng lãnh thổ là đối tác nhập khẩu chủ lực như Mỹ, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu… Các trung tâm này có trách nhiệm phối hợp với các đại sứ quán của Nhật Bản ở nước ngoài để tăng cường các hoạt động kích thích nhu cầu tiêu dùng như giới thiệu về các quy chuẩn, thông lệ thương mại, quảng bá sản phẩm…
Dự kiến ngân sách trong năm tài khóa 2022 mà Chính phủ Nhật Bản dành để triển khai chính sách thúc đẩy lĩnh vực nông, lâm, thủy hải sản là 10,8 tỷ yen. Nếu tính cả khoản ngân sách bổ sung của năm tài chính 2021 mà Chính phủ Nhật Bản vừa thông qua, khoản kinh phí để hỗ trợ xuất khẩu mặt hàng liên quan trong khoảng thời gian 16 tháng lên đến 54 tỷ yen.
Hiện tại, Chính phủ Nhật Bản đang đặt mục tiêu đạt được kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nông, lâm, thủy sản và thực phẩm là 2.000 tỷ yen trong 7 năm và 5.000 tỷ yen trong 12 năm tới. Để đạt mục tiêu này, Chính phủ Nhật Bản đã lựa chọn 28 mặt hàng xuất khẩu chủ lực như thịt bò, rượu nhật, quả đào…, đồng thời thành lập các đoàn thể phụ trách phát triển từng nhóm hàng. Mục tiêu của Chính phủ Nhật Bản là thông qua hoạt động của tổ chức này thúc đẩy hợp tác của các địa phương, nhà sản xuất, nhà xuất khẩu… qua đó quảng bá và tạo ấn tượng về các thương hiệu đặc thù của Nhật Bản.
Đức Thịnh