Kiều hối năm 2021 lập kỷ lục, cao hơn 1 tỷ USD so với năm ngoái

0
208
An employee of a bank counts US dollar notes at a branch in Hanoi, Vietnam May 16, 2016. REUTERS/Kham

Bất chấp đại dịch Covid-19, lượng kiều hối đổ về Việt Nam năm 2021 vẫn tăng mạnh. Ngân hàng Thế giới và Tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư KNOMAD dự báo Việt Nam đang đứng thứ 8 trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương về lượng kiều hối trong năm nay.

Dự kiến năm 2021, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam sẽ đạt mức kỷ lục 18,1 tỷ USD, cao hơn 1 tỷ USD so với năm ngoài.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, lượng kiều hối về Thành phố trong 11 tháng qua ước đạt 6,2 tỷ USD, vượt con số cả năm 2020 là 6,1 tỷ USD. Trong khi đó, lượng kiều hối vẫn tiếp tục chuyển về, nên dự kiến cả năm 2021, TP.HCM sẽ thu hút được khoảng 6,5 – 6,6 tỷ USD kiều hối, bất chấp Covid-19 diễn biến phức tạp.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho hay, tính đến hết tháng 9/2021, kiều hối tại TP. Hồ Chí Minh đạt 5,1 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ. Như vậy, chỉ trong 2 tháng qua, kiều hối chuyển về TP. Hồ Chí Minh tăng khoảng 1 tỷ USD. Mặc dù đối mặt với làn sóng Covid-19 lần thứ tư tại Việt Nam, hay nỗi lo biến chủng của virus SARS CoV-2 gây khó khăn cho sự phục hồi kinh tế, nỗ lực kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp của nhiều quốc gia có lao động người Việt đang sinh sống, nhưng dòng kiều hối đổ về Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều.

Nguyên nhân khiến lượng kiều hối gia tăng mạnh trong năm nay được cho là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên nhiều người Việt ở nước ngoài đã chuyển tiền về hỗ trợ người thân. Bên cạnh đó, dòng kiều hối chuyển về nước còn để đầu tư vào các kênh như chứng khoán, bất động sản, thậm chí cả tiết kiệm.

Theo một số đơn vị kinh doanh ngoại hối, lượng kiều hối tăng hầu hết ở các thị trường, khi nhiều nền kinh tế lớn cũng đồng loạt đưa ra các gói hỗ trợ kích thích kinh tế. Hiện lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại Việt Nam quanh mức 5 – 6%/năm, dù có giảm so với trước nhưng vẫn cao hơn ở nước ngoài. Gửi tiền về nước vừa lãi cao mà bảo đảm an toàn hơn.

Còn theo một số công ty hoạt động trong lĩnh vực kiều hối, số lượng kiều hối tăng lên những tháng gần đây một phần đến từ sự phát triển các sản phẩm dịch vụ ngày càng đa dạng, cùng với đó là chi phí chuyển tiền cũng ở mức hợp lý hơn so với trước đây.

WB dự báo, tổng kiều hối về các quốc gia thu nhập thấp và trung bình tăng 7,3%, lên mức 589 tỷ USD trong năm 2021. Sự phục hồi này cao hơn mức ước tính trước đó và duy trì xu thế vững chắc của năm 2020, khi kiều hối chỉ giảm 1,7%, dù đại dịch Covid-19 đã kéo nền kinh tế thế giới vào suy thoái.

Ông Michal Rutkowski, Giám đốc Toàn cầu của WB về an sinh xã hội và việc làm cho biết, dòng kiều hối từ người di cư, cùng các chương trình hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt của chính phủ, đã giúp đỡ nhiều gia đình gặp khó khăn kinh tế do đại dịch Covid-19. Do đó, các quốc gia cần có chính sách tạo điều kiện cho dòng kiều hối để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế sau đại dịch.

“Kiều hối luôn luôn là một kênh ngoại tệ rất quan trọng cho nền kinh tế. Nguồn kiều hối chuyển về những năm qua chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Điều này không chỉ góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế trong nước, mà còn giúp ổn định nguồn ngoại tệ.Năm nay ước tính lượng kiều hối về là 18,1 tỷ USD, cao hơn con số 17,2 tỷ USD của năm 2020, tương đương với khoảng 5% GDP. Việc chuyển tiền kiều hối về Việt Nam cũng như những nước khác không bị ách tắc”, ông Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế cho biết.

Giới chuyên gia dự báo lượng kiều hối trong năm sau sẽ tăng lên mức 2,6%. Tuy nhiên, nếu việc chấm dứt các chương trình kích thích tài khóa và hỗ trợ việc làm khi nền kinh tế phục hồi cũng có thể tác động đến lượng kiều hối. Ngoài ra, rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế nói chung và kiều hối nói riêng ở quy mô toàn cầu là số ca nhiễm Covid-19 tăng trở lại và các biện pháp hạn chế đi lại được tái lập.

Gia An

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here