Nửa cuối năm 2021, dự báo nhu cầu dầu thô của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Đông Nam Á giảm sút do Covid-19, thị trường tiêu thụ các sản phẩm dầu khí tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Gần đây nhất, OPEC+ đã ban hành mức sản lượng áp dụng trong tháng 8, 9/2021. Theo đó, Saudi Arabia và Nga có thể tăng sản lượng 100.000 thùng/ngày mỗi tháng; các nước còn lại trongOPEC+ sẽ tăng khoảng 10.000 thùng/ngày. Nhu cầu phục hồi từ các nền kinh tế phát triển: Mỹ, Trung Quốc, Nhật và tốc độ tăng trưởng nhu cầu dầu thô của Ấn Độ, các nước Đông Nam Á, Hàn Quốc giảm do Covid-19 dự kiến hết năm 2021 mới có thể kiểm soát. Dự báo trong năm 2022, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến mọi hoạt động của nền kinh tế, khiến làm chậm quá trình phục hồi ở một số nền kinh tế, trong khu vực trong đó có Việt Nam.
Trong nước hiện nay do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu xăng dầu giảm mạnh do giãn cách xã hội nên không có thị trường tiêu thụ được sản phẩm lọc dầu. Các nhà máy lọc dầu như Dung Quất, Nghi Sơn đã chủ động điều tiết công suất cùng các giải pháp quyết liệt để giải quyết tình trạng tồn kho nhưng mức độ tồn kho tại các nhà máy vẫn ở mức cao – trên 85%.
Nhận diện những khó khăn thách thức từ thị trường tiêu thụ các sản phẩm dầu khí, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) cùng các đơn vị đã tập trung trao đổi, thảo luận đưa ra các giải pháp tháo gỡ. Trong bối cảnh hiện nay, thị trường giữ vai trò “sống còn” đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Với vị thế là doanh nghiệp giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế đất nước, Petrovietnam đã chủ động nắm bắt thời cơ, tiếp tục đẩy mạnh “quản trị biến động”, thường xuyên cập nhật dữ liệu, dự báo thị trường, đưa ra kịch bản tối ưu, đảm bảo hiệu quả cho các hoạt động của Tập đoàn.
Bên cạnh đó, Petrovietnam tiếp tục xây dựng các giải pháp, kế hoạch tiêu thụ các sản phẩm dầu khí, đẩy mạnh xuất khẩu song song với việc phát triển, củng cố, kiểm soát thị trường, tạo cơ sở phát triển và nắm bắt cơ hội tiêu thụ sản phẩm khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát kéo theo nhu cầu của thị trường tăng trong thời gian tiếp theo.
Trong đó, việc chủ động đẩy nhanh hoàn thành các chỉ tiêu trong năm đã giúp Petrovietnam sớm lập kế hoạch để triển khai hiệu quả nhất các hoạt động trong giai đoạn khó khăn. Ngày 19/11/2021, Petrovietnam đã hoàn thành chỉ tiêu 7,99 triệu tấn dầu của Kế hoạch sản lượng khai thác trong nước năm 2021, về đích trước thời hạn 42 ngày.
Trong 10 tháng đầu năm 2021, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn bởi đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 dẫn đến giãn cách xã hội và đứt gãy chuỗi cung cấp vật tư, thiết bị, nhưng với sự chỉ đạo sát sao của của Đảng ủy và Lãnh đạo Petrovietnam, toàn thể CBCNV Tập đoàn cùng các nhà thầu/người điều hành mỏ đã cố gắng vượt bậc để đạt thành tích cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Việc về đích sớm kế hoạch sản lượng khai thác dầu trong nước là nỗ lực rất lớn của Petrovietnam trước đà suy giảm sản lượng tự nhiên của các mỏ dầu khí hiện hữu sau thời gian dài khai thác và công tác đầu tư phát triển mỏ mới gặp nhiều vướng mắc về cơ chế. Với việc tăng cường áp dụng các giải pháp khoa học, kỹ thuật, công nghệ, các giải pháp nâng cao thu hồi dầu, đội ngũ kỹ sư và người lao động Petrovietnam đã hết sức cố gắng, nỗ lực nhằm đạt sản lượng khai thác tối đa trong điều kiện an toàn kỹ thuật cho phép để tận dụng cơ hội thị trường trong giai đoạn giá dầu tích cực nhằm bảo vệ nguồn thu, đóng góp cao nhất cho ngân sách nhà nước.
Kết quả đó đã giúp Petrovietnam đóng góp quan trọng vào ngân sách quốc gia. Trong vô vàn khó khăn của 10 tháng đầu năm 2021, Petrovietnam nộp ngân sách nhà nước ở mức rất cao, đạt 75,4 nghìn tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch năm 2021 và vượt 23% so với cùng kỳ năm 2020. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp lớn gặp khó khăn, thua lỗ dưới tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid -19, những đóng góp quan trọng của Petrovietnam thực sự là tâm huyết, tấm lòng của gần 60.000 người lao động Dầu khí; thể hiện tình cảm, trách nhiệm với đất nước trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Chu Văn