- Tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam
Nhiều năm trở lại đây, tăng trưởng bao trùm được nhắc đến nhiều trong các báo cáo, các bài diễn văn, bài tạp chí, hội thảo,… Tăng trưởng bao trùm mở ra cơ hội cho mọi người nâng cao chất lượng cuộc sống mà không ai bị bỏ lại phía sau.
UNDP định nghĩa tăng trưởng bao trùm vừa là kết quả, vừa là quá trình. Tăng trưởng bao trùm bảo đảm rằng mọi người có thể tham gia vào quá trình tăng trưởng về cả khía cạnh tham gia vào việc ra quyết định để tổ chức tiến trình tăng trưởng và tham gia vào chính sự tăng trưởng đó. Tăng trưởng bao trùm cũng đảm bảo rằng mọi người chia sẻ một cách công bằng các lợi ích của tăng trưởng và rằng tất cả mọi người có thể tham gia. Tham gia mà không chia sẻ lợi ích sẽ làm cho tăng trưởng trở nên không công bằng. Chia sẻ lợi ích mà không tham gia sẽ dẫn đến một nền kinh tế phúc lợi[1]. Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) coi tăng trưởng bao trùm là “nâng cao tốc độ tăng trưởng và mở rộng quy mô nền kinh tế, đồng thời bảo đảm sân chơi bình đẳng cho việc đầu tư và gia tăng cơ hội việc làm có năng suất, cũng như bảo đảm khả năng tiếp cận công bằng đối với những cơ hội này. Nó cho phép mọi thành phần xã hội tham gia và góp phần vào quá trình tăng trưởng một cách bình đẳng, không phân biệt hoàn cảnh của họ”[2].
Một cách hiểu khác của Ngân hàng Thế giới về vấn đề này, tăng trưởng bao trùm là điều kiện cần thiết để giảm nghèo và đòi hỏi phải có tầm nhìn dài hạn, nó phải được đặt trên nền tảng rộng lớn, tính chất liên ngành và đặt đa dạng hóa nền kinh tế lên hàng đầu. Tăng trưởng cần bao hàm phần lớn lực lượng lao động của đất nước, ở đó tính chất bao trùm nói về sự bình đẳng về cơ hội trong khả năng tiếp cận thị trường và nguồn lực, cũng như môi trường quản lý không thiên vị cho mọi doanh nghiệp và cá nhân[3]…
Sau 3 thập niên thực hiện đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã bước vào giai đoạn phát triển mới. Việt Nam đã chính thức bước vào quá trình chuyển đổi từ giai đoạn phát triển dựa chủ yếu vào gia tăng sử dụng nguồn lực sang giai đoạn phát triển nâng cao hiệu quả sử dụng và phân bổ nguồn lực, cũng như gia tăng việc ứng dụng công nghệ và phát huy sáng tạo. Việt Nam đang có những cơ hội và thách thức đan xen nhau và tác động lớn đến tăng trưởng bao trùm trong quá trình chuyển tiếp này. Những nền tảng quan trọng về kinh tế, giáo dục, y tế và an sinh xã hội đã tạo tiền đề quan trọng để nâng tăng trưởng bao trùm lên cấp độ mới. Việt Nam đã đạt được thành quả đáng ghi nhận trong việc giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Theo Báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hàng năm, chỉ số nghèo của Việt Nam liên tục được cải thiện. Tuy tỷ lệ nghèo của mỗi vùng đều có xu hướng giảm nhưng giữa các vùng vẫn có sự chênh lệch về thu nhập.
Trong lĩnh vực giáo dục, với mục tiêu mang đến sự cân bằng cho mọi người trong việc tiếp cận các cơ hội kinh tế, Chính phủ Việt Nam thường xuyên quan tâm đến việc đưa giáo dục đến cho người dân. Theo kết quả “Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019”, cả nước có khoảng 91,7% dân số trong độ tuổi đi học phổ thông hiện đang đi học. Trong vòng 20 năm qua, tỷ lệ dân số trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng hiện không đi học (chưa bao giờ đi học hoặc đã thôi học) giảm đáng kể, từ 20,9% trong năm 1999 xuống 16,4% trong năm 2009 và 8,3% năm 2019.
Nhìn lại chặng đường phát triển vừa qua, bên cạnh những cơ hội đạt được, nền kinh tế Việt Nam phát triển còn chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng, năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, tăng trưởng của Việt Nam có xu hướng chậm lại, một phần do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, song chủ yếu do các động lực tăng trưởng hiện nay của Việt Nam đã đến ngưỡng giới hạn. Vấn đề đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh và bền vững gặp nhiều thách thức, do trong ngắn đến trung hạn vẫn cần phải giải quyết đến hậu quả của giai đoạn tăng trưởng nóng cuối thập niên trước để lại. Trong trung đến dài hạn vẫn còn nhiều thời gian để tạo ra những động lực tăng trưởng mới dựa vào nâng cao hiệu quả sử dụng và phân bổ nguồn lực áp dụng công nghệ và phát huy sáng tạo[4].
Hệ thống giáo dục và y tế không đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn phát triển mới: Tương phản mới về những kết quả tiếp cận bình đẳng và chất lượng ở các cấp tiểu học và trung học cơ sở được quốc tế thừa nhận; chất lượng ở cấp mầm non và cấp cao đẳng, dạy nghề, đại học ở Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn phát triển mới và cũng là các cấp học có sự phân hóa giàu nghèo cao, do việc tiếp cận gắn nhiều với khả năng chi trả của người dân. Những bất cập trong quản trị giáo dục, y tế,… không đi kèm với những tiêu chuẩn và điều tiết phù hợp của Nhà nước đã tạo ra các kết quả đầu ra không tương xứng với những đầu tư lớn của Nhà nước và các gia đình trong lĩnh vực này.
- Một số giải pháp để thực hiện và thúc đẩy mô hình tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam
Để thúc đẩy nâng cao tăng trưởng bao trùm trong bối cảnh mới, cần có các giải pháp toàn diện để mở rộng việc làm có năng suất, cải thiện hệ thống dịch vụ, giáo dục, y tế, an sinh xã hội…
Xây dựng hệ thống tài chính bao trùm: phát triển hệ thống tài chính theo hướng phủ rộng là một thành phần quan trọng trong mô hình tăng trưởng bao trùm. Hệ thống tài chính lành mạnh và chắc chắn sẽ đóng vai trò then chốt nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, góp phần giảm ghèo gián tiếp thông qua tăng trưởng kinh tế, cũng như trực tiếp tác động lên các nhóm nghèo và yếu thế thông qua cá khoản hỗ trợ tài chính trực tiếp. Hệ thống tài chính bao trùm sẽ đảm bảo cho những người nghèo có thể tiếp cận các dịch vụ tài chính mà không phải gặp bất kì rào càn phân biệt nào[5]. Điều đó cho phép họ vay mượn và tiết kiệm để tích lũy của cải đầu tư vào giáo dục, hoạt động kinh doanh, qua đó giúp nâng cao mức sống của họ.
Nâng cao hiệu quả của nền kinh tế bằng cách đẩy mạnh các cải cách trong nước song hành với nỗ lực tăng cường hội nhập quốc tế. Thực hiện hiệu quả cải cách hành chính công và chống tham nhũng quyết liệt. Nhà nước cũng cần đẩy nhanh tiến độ cải cách cơ cấu trong các lĩnh vực đầu tư công, tài chính ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước và nông nghiệp; đẩy nhanh sự phát triển của khu vực tư nhân; cải thiện tính hiệu quả và linh hoạt của thị trường lao động.
Vốn nhân lực là yếu tố quyết định đến thành công và tiến bộ của mỗi quốc gia, là yếu tố quan trọng tác động đến tăng trưởng kinh tế của một nước. Trình độ phát triển nguồn nhân lực là thước đo chủ yếu đánh giá mức độ tiến bộ xã hội, công bằng và phát triển bền vững. Thực tiễn ở nước ta, nguồn nhân lực tồn tại một số hạn chế. Trước những hạn chế này, cần có một số chính sách như sau: Thứ nhất, nâng cao nhận thức của người lao động về vai trò của việc nâng cao trình độ đến cải thiện năng suất lao động và qua đó nâng cao thu nhập của họ. Từ chỗ nhận thức được tầm quan trọng của đào tạo nghề, các chính sách hướng đến việc giúp người lao động, đặc biệt là nhóm lao động trẻ có cơ hội nắm bắt và lựa chọn được những thông tin cần thiết về chương trình đào tạo nghề phù hợp với công việc của họ. Thứ hai, với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, xây dựng mạng lưới thị trường lao động giúp kết nối nhanh chóng giữa người tìm việc và việc tìm người. Với nhóm giải pháp này, cần đặc biệt lưu ý đến việc kiểm soát và thiết lập những chế tài để ngăn chặn sự tồn tại của những trung tâm giới thiệu việc làm kém uy tín, gây tổn hại cho người lao động, đặc biệt là nhóm lao động trẻ. Thứ ba, dự báo được chính xác nhu cầu của thị trường lao động để có định hướng đúng đắn cho người học (đối tượng lao động trẻ của đất nước) về công việc trong tương lai, tránh tình trạng ngành đào tạo nhiều nhưng không có cầu về lao động, gây ra thất nghiệp cho nền kinh tế, trong khi ngành nghề khác có nhu cầu lao động thì lại không có lao động đáp ứng được nhu cầu về công việc. Công việc dự đoán này, ngoài trách nhiệm của các ban ngành có liên quan, cũng kể đến vai trò không nhỏ của các cơ sở đào tạo, trong đó có các viện đào tạo, các trường đại học, viện nghiên cứu và các cơ sở đào tạo nghề khác.
Cải cách hệ thống giáo dục, đào tạo hợp lý: trong bối cảnh hội nhập hiện nay, đặc biệt trước sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, có thể thấy rằng công nghệ và con người là 2 yếu tố then chốt, trong mô hình tăng trưởng nội sinh. Khác với các yếu tố đầu vào như vốn, lao động, đất đai, tài nguyên thiên nhiên luôn bị ràng buộc bởi trần giới hạn thì 2 yếu tố này có thể tăng lên và là chìa khóa để cho các quốc gia có thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Do đó, Việt Nam cần có chiến lược giáo dục và đào tạo theo hướng hỗ trợ cho các ngành khoa học và công nghệ, khuyến khích tinh thần học tập suốt đời, liên tục trên cơ sở tận dụng những công nghệ học tập mới dựa trên Internet. Ngoài ra, với tinh thần “trao cơ hội như nhau” và “không phân biệt đối xử”, Nhà nước cần tập trung cho phát triển giáo dục ở khu vực nông thôn, các vùng sâu, vùng xa bằng các chính sách đãi ngộ thỏa đáng để huy động, thu hút các giáo viên có trình độ cao về làm việc ổn định và lâu dài.
Công bằng trong chăm sóc sức khỏe là một nội dung quan trọng và là ưu tiên hàng đầu trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Việt Nam. Nhóm chính sách hỗ trợ y tế cho nhóm đối tượng này có thể được chia thành một số nhóm: (1) các chính sách hướng đến những vấn đề cần ưu tiên nhất trong chăm sóc sức khỏe đối với người nghèo, (2) các chính sách nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của họ đối với các dịch vụ y tế công, và (3) các chính sách hỗ trợ tài chính để giúp người nghèo và những người sống ở các vùng khó khăn có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Nhìn chung, Việt Nam đã thực hiện tốt việc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và cải thiện mức sống của người dân. Tỷ lệ nghèo giảm mạnh, tuy nhiên tốc độ giảm nghèo giữa các khu vực địa lý hoặc thành thị – nông thôn vẫn còn sự khác biệt lớn. Những bất bình đẳng về y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội,… vẫn còn tồn tại cho thấy cần phải có những giải pháp cụ thể hơn để hoàn thiện cho những mục tiêu tăng trưởng bao trùm của Việt Nam.
THS. TRẦN NGUYỄN MỸ LINH (Viện Thông tin Khoa học xã hội)
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] UNDP, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (2015), Tăng trưởng vì mọi người: Báo cáo phát triển con người Việt Nam 2015 về tăng trưởng bao trùm, NXB Khoa học xã hội, tr12.
[2] ADB (2012), “Framework ò Inclusive Growth Indicators 2012”, Key Indicators for Asia and the Pacific 2011: Special Supplement, page 4.
[3] World Bank (2009) What is Inclusive Growth? https://siteresources.worldbank.org/INTDEBTDEPT/Resources/4689801218567884549/WhatIsInclusiveGrowth20081230.pdf
[4] UNDP. Báo cáo tóm tắt chính sách: Báo cáo phát triển con người Việt Nam năm 2015 về tăng trưởng bao trùm, tr.3.
[5] Bùi Kiều Anh (2020), “Bất bình đẳng trong tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam”, Tạp chí Kinh tế tài chính Việt Nam số 2, tr.25
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- (2012). Framework of Inclusive Growth Indicators 2012. In Key Indicators for Asia and the Pacific 2011: Special Supplement, page 4. Philippines: ADB.
- Bùi Kiều Anh (2020), “Bất bình đẳng trong tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam”, Tạp chí Kinh tế tài chính Việt Nam, số 2, tr.25.
- Đỗ Sơn Tùng, Ma Ngọc Ngà (2014), “Thực trạng tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, số 431, tr.36.
- Hồ Thanh Thủy (2018), “Tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập”, Tạp chí Lý luận chính trị, số 6, tr.35.
- UNDP, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (2015), Tăng trưởng vì mọi người: Báo cáo phát triển con người Việt Nam 2015 về tăng trưởng bao trùm, NXB Khoa học xã hội, tr.
- UNDP (2015). Báo cáo tóm tắt chính sách: Báo cáo phát triển con người Việt Nam năm 2015 về tăng trưởng bao trùm, 3.
- World Bank. (2009). What is Inclusive Growth? Retrieved from: https://siteresources.worldbank.org/INTDEBTDEPT/Resources/4689801218567884549/WhatIsInclusiveGrowth20081230.pdf.