Cơ hội và khả năng phát triển năng lượng gió tại Việt Nam?

0
116
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC) (Nguồn: TTXVN)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC) và Chủ tịch Tập đoàn kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Năng lượng điện gió Orsted. (Nguồn: TTXVN)

Bên lề Hội nghị COP26 tại Glassgow, Scotland, Vương quốc Anh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC), Chủ tịch tập đoàn kiếm giám đốc điều hành Tập đoàn năng lượng điện gió Orsted và Giám đốc điều hành Lego.

Thông tin với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) và Chủ tịch Tập đoàn kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Năng lượng điện gió Orsted cho biết, đã nghiên cứu kỹ và khẳng định Việt Nam có tiềm năng rất lớn, cơ hội, lợi thế cạnh tranh cao cho phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió.

Không những thế, Việt Nam có cơ chế, môi trường đầu tư thông thoáng, nguồn nhân lực có chất lượng, con người năng động, sáng tạo và thân thiện; hệ thống logistics phát triển… Do đó, thời gian qua, các doanh nghiệp này đã đầu tư hàng tỷ USD vào xây dựng các dự án điện gió tại Việt Nam.

Đại diện các tập đoàn cũng bày tỏ tin tưởng và mong muốn tiếp tục đầu tư lâu dài ở Việt Nam và mở rộng đầu tư thêm sang một số lĩnh vực liên quan như phát triển mạng lưới truyền tải điện, phân phối điện… Đề nghị Chính phủ Việt Nam chỉ đạo các bộ, ngành giải quyết nhanh các thủ tục để các dự án sớm được triển khai.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn, đánh giá cao các tập đoàn, doanh nghiệp đã nghiên cứu về tiềm năng cơ hội, lợi thế cạnh tranh phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió tại Việt Nam. Phân tích, đánh giá của các doanh nghiệp phù hợp với các nhà nghiên cứu mà các nhà tư vấn quốc tế đã nghiên cứu. Đặc biệt, phù hợp với chủ trương chuyển đổi sử dụng năng lượng và quá trình giảm thải khí carbon của Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện thể chế sát thực tế, phù hợp tình hình để thúc đẩy phát triển trong thời gian tới. Hiện nay, Việt Nam đang tổ chức đào tạo nguồn nhân lực bài bản, có hệ thống để có nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng quá trình chuyển đổi năng lượng đạt hiệu quả, bền vững lâu dài. Việt Nam xác định lựa chọn công nghệ hiện đại, phù hợp với hoàn cảnh đất nước hiện tại. Xây dựng chính sách phù hợp, huy động nguồn lực tài chính, trong đó có hợp tác công – tư để có nguồn tài chính đầu tư cho chuyển đổi này, trên nguyên tắc hợp lý, hài hòa, phù hợp, đáp ứng khả năng thu hồi vốn, nhưng phải có hiệu quả cao nhất.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị, các tập đoàn tiếp tục nghiên cứu, phân bổ đầu tư đều ở các khu vực của Việt Nam, phù hợp với yêu cầu và phát huy hiệu quả đầu tư. Việc xây dựng hệ thống truyền tải điện phải hiệu quả, tránh lãng phí. Phân phối điện phù hợp, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của từng vùng, địa phương. Đặc biệt, cần tính toán giá điện hợp lý, trên tinh thần đảm bảo lợi ích của các bên.

Trước đó, đầu tháng 9, trong chuyến thăm và làm việc tại EU của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, biên bản ghi nhớ (MoU) về Hợp tác chiến lược trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, giữa T&T Group và Tập đoàn năng lượng điện gió Orsted được đánh giá cao, hứa hẹn đem lại nguồn cung lớn về năng lượng tái tạo thông qua các dự án điện gió ngoài khơi đầu tư mới tại Bình Thuận và Ninh Thuận. Dự án có tổng công suất lắp đặt ước tính gần 10 GW và tổng giá trị đầu tư khoảng 30 tỉ USD (dự kiến được phân kỳ đầu tư trong thời gian 20 năm).

Theo đó,T&T Group và Tập đoàn năng lượng điện gió Orsted sẽ sử dụng kinh nghiệm, năng lực, phát huy hết thế mạnh và khả năng của mỗi bên nhằm đem lại hiệu quả tích cực cho các dự án, đồng thời góp phần thúc đẩy, hỗ trợ việc hình thành và phát triển cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng, khung pháp lý hiệu quả cho điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Với hơn 3.200 km bờ biển và tốc độ gió ổn định ở mức cao, Việt Nam được đánh giá là có một số điều kiện tốt nhất để phát triển điện gió ngoài khơi ở Châu Á.

Theo WB, ước tính tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam khoảng gần 500 GW. Bên cạnh tiềm năng mang đẳng cấp thế giới này, nhu cầu điện năng ngày càng tăng nhanh của Việt Nam đem đến nhu cầu cấp bách về các nguồn điện mới đáng tin cậy, có quy mô lớn trong những thập kỷ tới. Những yếu tố này kết hợp với tiềm năng chuỗi cung ứng mạnh mẽ của Việt Nam đã thuyết phục Orsted và T&T Group tin rằng, điện gió ngoài khơi có vai trò quan trọng trong cơ cấu nguồn điện tương lai của Việt Nam.

Sebastian Hald Buhl, Giám đốc quốc gia của Orsted Việt Nam nhận định, biên bản ghi nhớ này là bước tiến quan trọng của Orsted trong việc thiết lập chỗ đứng vững chắc tại Việt Nam và thể hiện khát vọng trong việc trở thành đối tác lâu dài đáng tin cậy tại đây.

Tầm nhìn của Orsted là tạo ra một thế giới vận hành hoàn toàn bằng năng lượng xanh, thông qua phát triển, xây dựng và vận hành các trang trại điện gió ngoài khơi, trên bờ, trang trại điện mặt trời, nhà máy lưu trữ năng lượng, nhà máy năng lượng sinh học và cung cấp các sản phẩm năng lượng cho khách hàng. Đặt trụ sở chính tại Đan Mạch và Chính phủ Đan Mạch sở hữu cổ phần chi phối, Orsted là tập đoàn hàng đầu thế giới về điện gió ngoài khơi với hơn 6.000 nhân viên. Đến nay, Orsted đã phát triển và xây dựng 28 trang trại điện gió ngoài khơi với tổng công suất lắp đặt gộp là 7,6 GW công suất gió ngoài khơi và 2,3 GW đang được xây dựng. Mục tiêu của Orsted là lắp đặt 30 GW tổng công suất điện gió ngoài khơi trên toàn thế giới vào năm 2030.

Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here