UNCTAD kêu gọi việc tăng tài trợ thích ứng với biến đổi khí hậu

0
33
(minh hoạ)
(minh hoạ)

Báo cáo Thương mại và Phát triển 2021 của UNCTAD công bố ngày 28/10/2021 kêu gọi cách tiếp cận thích ứng với khí hậu, theo đó các nền kinh tế phát triển cần bảo đảm rằng các thể chế đa phương có thể hỗ trợ các nước đang phát triển quản lý các sức ép do biến đổi khí hậu để tránh ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển.

Các ước tính chỉ ra rằng chi phí thích ứng với khí hậu hàng năm ở các nước đang phát triển có thể lên tới 300 tỷ USD vào năm 2030 và có thể lên tới 500 tỷ USD vào năm 2050 nếu các mục tiêu giảm thiểu bị vi phạm, tuy nhiên, nguồn tài trợ hiện tại chưa bằng một phần tư so với con số ước tính cần vào năm 2030. Báo cáo cảnh báo rằng việc dựa vào tài chính tư nhân sẽ không đủ cung cấp trên quy mô lớn hoặc cho các quốc gia cần nhất. Tổng thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan cho rằng việc thực hiện cam kết 100 tỷ đô la mỗi năm cho Quỹ Khí hậu Xanh là điều bắt buộc tại Glasgow và thế giới cần các chiến lược phối hợp đa phương toàn cầu để đối phó với thách thức do biến đổi khí hậu.

Báo cáo của UNCTAD khuyến nghị rằng các cải cách nên tập trung vào:(i) duy trì và tăng cường ODA cho thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu (nếu các nước G7 đạt mục tiêu 0,7% ODA vào năm 2020, thì sẽ có thêm 155 tỷ USD để đáp ứng các mục tiêu phát triển); (ii) việc xóa nợ và tái cơ cấu nợ cho các nước đang phát triển cần được đưa vào chương trình nghị sự về khí hậu; (iii) các ngân hàng phát triển đa phương cần thêm vốn để tài trợ cho việc thích ứng với khí hậu thông qua các khoản viện trợ không hoàn lại và các khoản vay cực kỳ ưu đãi (những khoản này có thể được tài trợ bởi trái phiếu xanh hoặc thông qua việc chuyển đổi mục đích trợ cấp nhiên liệu hóa thạch); (iv) Làm cho thương mại phục vụ cho thích ứng với khí hậu.

Báo cáo của UNCTAD nêu quan ngại rằng, nhiều sáng kiến ​​cải cách hệ thống thương mại quốc tế tiếp tục xem nhẹ sự chia rẽ sâu sắc và sự bất cân xứng trong cấu trúc nền kinh tế toàn cầu; các quy tắc thương mại quốc tế được thiết kế kém sẽ cản trở quá trình chuyển đổi xanh, trong khi chính sách thương mại quốc gia có thể đóng vai trò bổ sung tốt nhất trong việc đạt được các mục tiêu về thích ứng với khí hậu.

Đặc biệt đáng lưu ý, UNCTAD cảnh báo rằng việc thúc đẩy tự do hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ liên quan đến môi trường sẽ mang lại lợi ích chủ yếu cho các nhà xuất khẩu ở các nước phát triển và hạn chế không gian tài chính ở các nước đang phát triển. Báo cáo ước tính rằng các nước đang phát triển và kém phát triển nhất sẽ mất 15 tỷ USD doanh thu thuế quan mỗi năm nếu theo đuổi cách tiếp cận này.

Bên cạnh đó, UNCTAD cũng khuyến cáo cần thận trọng đối với Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Các-bon (CBAM) có thể gây thiệt hại ở nhiều nước đang phát triển vì cơ chế này làm suy yếu năng lực xuất khẩu của các nước này và khiến việc chuyển đổi cơ cấu trở nên khó khăn hơn. UNCTAD cho rằng các công nghệ xanh quan trọng nên được phân loại là hàng hóa công cộng và có khả năng tiếp cận cho tất cả mọi người.

Ngoài ra, UNCTAD cũng khuyến nghị cộng đồng quốc tế có thể hỗ trợ các sáng kiến ​​nhằm chuyển đổi các quy tắc quản lý quyền sở hữu trí tuệ, mở rộng tính linh hoạt trong Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) cho các nước đang phát triển đối với hàng hóa và dịch vụ liên quan đến khí hậu, chẳng hạn như thông qua một Tuyên bố Bộ trưởng WTO về TRIPS và biến đổi khí hậu. Điều này có thể tạo cơ sở cho các cơ chế đổi mới nhằm thúc đẩy khả năng tiếp cận các công nghệ xanh quan trọng được bảo hộ bằng sáng chế để hỗ trợ các nỗ lực thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu.

(Phái đoàn Việt Nam tại Geneva)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here