1. Các vấn đề về vận tải ở Mỹ sẽ kéo dài đến năm 2022
Các nhà kinh tế và một số lãnh đạo doanh nghiệp gần đây cho rằng việc hàng hoá bị dồn ứ tại các cảng lớn, cùng với việc thiếu hàng và giá cả tăng cao có thể sẽ không được giải quyết cho đến giữa năm 2022. Hiện không có các giải pháp tức thời cho tình trạng mất cân bằng cung cầu cơ bản tại các cảng của Mỹ. Áp lực đã bắt đầu giảm bớt nhưng chỉ thực sự giảm khi vượt qua thời kỳ cao điểm các kỳ nghỉ lễ và Tết âm lịch vì khi đó lưu lượng container sẽ giảm dần.
Việc Tổng thống Biden cố gắng khắc phục bằng cách ra lệnh cho các cảng hoạt động 24/7 chỉ giúp ích được một phần. Tình trạng thiếu lao động vẫn đang diễn ra và sự thiếu phối hợp giữa một số khâu bên trong chuỗi cung ứng của Mỹ đã làm giảm tác dụng của động thái này.
Các nhà phân tích dự báo tắc nghẽn chuỗi cung ứng có thể sẽ kéo dài ở một mức độ nào đó ít nhất là đến giữa năm 2022 đồng thời giá cước vận tải trong năm tới có thể sẽ vẫn cao hơn mức trước đại dịch. Lãnh đạo các công ty bị ảnh hưởng do hàng hóa bị vận chuyển chậm đã phải triển khai các chiến lược khác nhau để giảm thiểu thiệt hại và giữ cho hàng hóa của mình được lưu thông trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Mỹ đã phụ thuộc vào một chuỗi cung ứng không được xây dựng để phản ứng kịp với sự thay đổi lớn của nhu cầu. Tuy nhiên, các nhà kinh tế dự báo cán cân sẽ nghiêng về nền kinh tế dịch vụ để nguồn cung có thể bắt kịp với nhu cầu. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã quyết định không tăng lãi suất để tránh lạm phát, và hy vọng nền kinh tế sẽ sớm cân bằng trở lại.
2. Mỹ cần tận dụng Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12
Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12 (MC12) dự kiến tổ chức vào cuối tháng 11/2021. Nhân sự kiện này, Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) đã thực hiện nghiên cứu và đưa ra 4 khuyến nghị cho Chính phủ Mỹ thực hiện tại MC12, như sau:
1. Vai trò lãnh đạo của Mỹ: Mỹ cần phải hành động vì WTO hiện đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng đang tồn tại. MC12 mang đến cơ hội lớn để thể hiện rõ tầm nhìn của Mỹ về hệ thống thương mại đa phương, đưa ra các ưu tiên cho việc cập nhật bộ quy tắc của WTO và tái tập trung giải quyết tranh chấp của WTO trong việc tuân thủ các nghĩa vụ hiện hành của WTO.
2. Các cam kết về vắc xin: Mỹ, Liên minh Châu Âu và Ấn Độ cần phối hợp với nhóm nhỏ các thành viên quan trọng của WTO để xây dựng một Thỏa thuận về thương mại và đầu tư vắc xin ngừa Covid-19 nhiều bên. Thỏa thuận cần được MC12 đồng ý và tập trung vào việc đẩy nhanh quá trình sản xuất thêm 16 tỷ liều vắc xin ngừa Covid-19 càng sớm càng tốt cho thế giới.
3. Thương mại và biến đổi khí hậu: Mỹ cần dẫn đầu các nỗ lực của WTO, và cùng với các quốc gia phát thải carbon lớn khác góp phần giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy quá trình chuyển đổi toàn cầu sang tăng trưởng phát thải thấp. Các nhà phát thải carbon hàng đầu cần tham gia các cuộc đàm phán đa phương để thông báo về các chính sách khử cacbon đang thực hiện, thời gian thực hiện các nỗ lực nhằm đáp ứng các cam kết do quốc gia xác định trong thỏa thuận khí hậu toàn cầu.
4. Phục hồi lại cơ chế giải quyết tranh chấp: Mỹ nên đưa ra các đề xuất cụ thể để khôi phục chức năng giải quyết tranh chấp. Những đề xuất như vậy sẽ đóng vai trò là bước đầu tiên thiết yếu không chỉ để đảm bảo các cuộc đàm phán mới của WTO về các vấn đề cấp bách mà còn để đảm bảo ổn định thương mại thế giới, nền tảng của nền kinh tế toàn cầu.
3. Giá nhà ở Mỹ tăng trong tháng 8 với tốc độ kỷ lục
Giá nhà ở Mỹ đã tăng vọt trong tháng 8 với số lượng gần mức kỷ lục so với năm ngoái, khi người Mỹ đổ xô mua nhà, khiến giá nhà tăng lên trong khi số lượng bất động sản ngày càng giảm. So với tháng 8 năm ngoái, chỉ số giá nhà tại 20 thành phố của S&P CoreLogic Case-Shiller đã tăng 19,7%, chỉ thấp hơn mức tăng 20% của tháng 7, đây là mức tăng lớn nhất được ghi nhận từ năm 2000. Giá nhà đang ở mức cao nhất trong lịch sử ở cả 20 thành phố trong chỉ số. Doanh số bán nhà khá ổn định trong hầu hết năm nay. Nguyên nhân là do nhiều người mong muốn có không gian tốt hơn trong khi chờ đợi đại dịch Covid-19 chấm dứt. Tỷ lệ thế chấp cũng ở mức thấp lịch sử, mặc dù đã tăng trong những tuần gần đây và nhiều người Mỹ đã trở nên giàu hơn kể từ sau đại dịch do giá cổ phiếu tăng đều đặn, giúp họ có thể mua được một ngôi nhà mới. Phoenix ghi nhận mức tăng giá lớn nhất trong số 20 thành phố của chỉ số này trong hơn 2 năm. Giá nhà ở Phoenix trong tháng 8 đã tăng 33,3% so với năm ngoái, giá nhà ở San Diego tăng 26,2%, cao thứ hai và giá nhà ở Tampa tăng 25,9%, mức tăng lớn thứ ba.