Dòng vốn FDI vào Bangladesh tăng nhẹ

0
142
(minh hoạ)
(minh hoạ)

Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Bangladesh trong năm tài chính 2020-2021 vừa qua (FY21) so với cùng kỳ năm ngoái tăng 6%, lên 2,51 tỷ USD và tiếp tục xu hướng tăng, nhưng các nước cùng nhóm Bangladesh có dòng đầu tư từ các nhà đầu tư bên ngoài cao hơn. Theo các chuyên gia phân tích, dòng FDI vào Bangladesh thấp hơn nhiều so với kỳ vọng do các quy định nghiêm ngặt và sự phức tạp của bộ máy hành chính.

Đầu tư mới, hay vốn chủ sở hữu (equity capital), không đạt được như mong đợi trong FY21. Các công ty nước ngoài hoạt động tại Bangladesh phần lớn đã tái đầu tư thu nhập của họ trong năm, giúp quốc gia này duy trì xu hướng FDI ổn định. Theo Ngân hàng Bangladesh, FDI vốn chủ sở hữu tăng 12,08% lên 816 triệu USD, tuy vậy vẫn làm các chuyên gia kinh tế thất vọng vì vẫn chưa đạt 1 tỷ USD. Thu nhập tái đầu tư ở mức 1,58 tỷ USD, tăng 4,63% so với cùng kỳ năm trước. Các khoản cho vay nội bộ công ty (intra-company loans) giảm mạnh xuống còn 105 triệu USD so với 1,32 tỷ USD trong FY20.

Chính phủ Bangladesh đặt mục tiêu thu hút 32 tỷ USD vốn FDI trong giai đoạn kế hoạch 5 năm lần thứ 7 (FY16-FY20), nhưng Bangladesh chỉ thu hút chưa tới 10 tỷ USD. Mustafizur Rahman, chuyên gia của Trung tâm Đối thoại Chính sách (CPD) cho biết các nước khác, như Việt Nam, thường huy động được từ 8-10 tỷ USD vốn FDI mỗi năm. Nhưng tình hình thu hút vốn FDI ở Bangladesh không được như mong muốn là do nạn nhũng nhiễu.

Dưới danh nghĩa thủ tục, các cơ quan quản lý mất nhiều thời gian xem xét khi cấp phép cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong một số trường hợp, nhà đầu tư nước ngoài buộc phải thay đổi kế hoạch do họ phải hoàn thành thủ tục đầu tư trong một thời hạn nhất định do công ty mẹ quy định.

Theo ông, các quy định và quy trình của Bangladesh liên quan đến FDI cũng phức tạp hơn nhiều nước khác. Mặc dù chính phủ Bangladesh đã giảm thời hạn lock-in đầu tư nước ngoài từ 3 năm xuống còn 1 năm (các nhà đầu tư nắm giữ 10% cổ phần hoặc quyền điều hành trong một công ty không được phép bán cổ phần trong thời hạn quy định này), giúp các nhà đầu tư thoái vốn khỏi Bangladesh dễ dàng hơn; nhiều quốc gia cùng hạng với Bangladesh quy định thời hạn này là 6 tháng.

Ông Md Sirazul Islam, Chủ tịch điều hành của Cơ quan chính phủ về Phát triển Đầu tư Bangladesh (Bida) đánh giá dòng vốn FDI trong năm tài chính vừa qua là tích cực do xét đến tình hình kinh tế đang gặp khó khăn bởi đại dịch gây ra. Ông cho biết Bangladesh gần đây đã triển khai một loạt các sáng kiến để thúc đẩy dòng vốn FDI. “Sẽ mất 3 đến 4 năm để các sáng kiến đó có được kết quả”, tuy nhiên dấu hiệu tích cực dòng vốn FDI mới là kết quả của các biện pháp này.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here