The Diplomat cho biết kể từ khi khởi động Sáng kiến Vành đai Con đường năm 2013, Bắc Kinh đã định nghĩa lại khái niệm viện trợ phát triển. Một báo cáo mới của AidData về 13.000 dự án viện trợ của Trung Quốc cho thấy Trung Quốc chủ yếu dựa vào các khoản vay và tín dụng OOF.
Từ năm 2000 đến năm 2017, Mỹ đã cung cấp 73% tài chính phát triển toàn cầu của mình thông qua ODA, trong khi Trung Quốc chỉ cung cấp 12% tài chính theo cách này. Đáng chú ý là kể từ khi bắt đầu BRI vào năm 2013, Trung Quốc đã chuyển sang cơ cấu thiên về OOF ít ưu đãi hơn.
Báo cáo cũng tiết lộ rằng Trung Quốc đã và đang sử dụng tiền của mình một cách chiến lược, đặc biệt là ở những khu vực quan trọng về địa chính trị trên thế giới. Trong nhiều năm, Trung Quốc đã cố gắng phá vỡ ảnh hưởng của Ấn Độ trong khu vực và kể từ đầu thiên niên kỷ, họ đã cố gắng thực hiện điều này bằng cách rót hơn 80 tỷ USD vào khu vực, gần một phần mười tổng chi tiêu được thu thập trong bộ dữ liệu AidData. Cũng theo báo cáo, cách tăng tỷ trọng OOF trong tổng cho vay có thể khiến các chính phủ lâm vào cảnh khốn cùng đột ngột do làm mờ ranh giới giữa nợ công và nợ tư nhân nhưng do chính phủ bảo lãnh.
Theo AidData, từ năm 2013 đến năm 2017, Trung Quốc đã chi ra nhiều hơn gấp đôi lượng tài chính phát triển ở nước ngoài so với Mỹ. Quy mô tài chính phát triển chưa từng có của Trung Quốc đã làm giảm vai trò của phương Tây và gây ra những hậu quả đáng kể cho cả các đối thủ địa chính trị cũng như các nước tiếp nhận trong những năm tới.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)