1. Xuất khẩu dược phẩm tăng nhờ xuất khẩu thuốc điều trị Covid-19
Theo dữ liệu của Cục Xúc tiến Xuất khẩu, xuất khẩu dược phẩm của Bangladesh trong quý đầu tiên của năm tài chính hiện tại FY22 (Quý III/2021) đạt 56 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước là 42,17 triệu USD, nhờ thuốc điều trị Covid-19 và các ưu đãi tài chính của chính phủ.
Từ năm ngoái, Bangladesh bắt đầu xuất khẩu phiên bản thuốc điều trị Covid-19 là Remdesivir, khi nhu cầu loại thuốc này tăng cao. Loại thuốc điều trị này đã giúp tăng trưởng xuất khẩu, mỗi quý thêm 10 triệu USD. Ít nhất 10 công ty, bao gồm Eskayef, Square, Beacon, Acme và Incepta đang xuất khẩu thuốc này. Nhiều công ty dược được Anh, Australia và Liên minh Châu Âu công nhận chất lượng, vì vậy đã cho phép xuất sản phẩm sang cả các nước phát triển.
Bangladesh chủ yếu xuất khẩu các loại thuốc liên quan đến chữa trị các bệnh sốt rét, bệnh lao, ung thư, bệnh phong, thuốc gan, penicillin, streptomycin… Bangladesh xuất khẩu dược phẩm sang 151 quốc gia, đặc biệt là các nước Châu Mỹ Latinh, Châu Phi, Cộng đồng các quốc gia độc lập hay ASEAN, và đáp ứng được 98% nhu cầu trong nước.
2. Nhu cầu đối với hàng may mặc Bangladesh tăng
Sản xuất của Bangladesh và Ấn Độ hồi phục trong quý III/2021, nhờ các thương hiệu phương Tây tăng tìm kiếm nguồn cung ứng thay thế để bù đắp thiếu hụt do ngừng hoạt động sản xuất ở Đông Nam Á và sự suy giảm sản xuất của Trung Quốc.
Theo báo cáo hàng quý của QIMA được công bố, người mua gia tăng tìm kiếm nguồn hàng ở Bangladesh lên 49% trong quý III/2021 so với giai đoạn trước đại dịch là quý III/2019, với đơn đặt hàng từ các thương hiệu có trụ sở tại Hoa Kỳ tăng 88% trong tháng 8 và 108% vào tháng 9, so với cùng kỳ năm ngoái. QIMA, hoạt động tại 85 quốc gia, là công ty kiểm soát chất lượng, đánh giá nhà cung cấp, kiểm tra sản phẩm và giúp hơn 15.000 thương hiệu toàn cầu, nhà bán lẻ, nhà sản xuất. Nhu cầu đối với Ấn Độ tăng 67%.
Với hai đợt ngừng hoạt động ở Đông Nam Á và sự suy thoái sản xuất của Trung Quốc, người mua đã chịu nhiều áp lực trong việc tìm kiếm nguồn thay thế vào quý III/2021. Nam Á đã chứng tỏ vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu này.
Đáng chú ý, bên cạnh việc tìm kiếm nguồn cung ứng không chỉ giới hạn ở danh mục hàng dệt may, mặt hàng truyền thống quen thuộc của Nam Á, mà còn có các sản phẩm sản phẩm tiêu dùng, bao gồm đồ gia dụng và đồ làm vườn, hộp đựng thực phẩm và đồ chơi.
Báo cáo cho rằng, mặc dù có thể chỉ là sự thay đổi tạm thời, tỷ trọng của hàng Trung Quốc trong nhu cầu các thương hiệu Mỹ và Châu Âu vẫn thấp hơn so với năm 2019, cho thấy rằng ngay cả khi mọi việc trở lại bình thường ở Trung Quốc, các thương hiệu vẫn tiếp tục đa dạng hóa nguồn cung hàng của họ giữa các khu vực địa lý với mức độ ưu tiên khác nhau.
So với trước đại dịch năm 2019, nhu cầu tìm kiếm và đánh giá hàng cung ở Việt Nam giảm 36,5% trong quý III/2021, một đất nước mà hàng may mặc và giày dép chiếm phần quan trọng trong hàng xuất khẩu, trong bối cảnh hơn 1/3 các nhà máy may mặc tạm thời đóng cửa trong những tuần gần đây do Covid-19.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA) Faruque Hassan cho biết nhu cầu về hàng may mặc đã tăng lên trong những tháng gần đây với tình hình Covid-19 toàn cầu được cải thiện, thúc đẩy người mua sau một năm rưỡi đại dịch. Ông kỳ vọng đơn đặt hàng may mặc ở Bangladesh sẽ tăng hơn nữa do cắt điện ở Trung Quốc và đóng cửa nhà máy ở Việt Nam.
Theo dữ liệu của Cục Xúc tiến Xuất khẩu, trong tháng 7-9 của năm tài chính FY22, Bangladesh đã xuất khẩu hàng may sẵn được 9,05 tỷ USD, tăng 11,48% so với 8,12 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)