Tương lai xe điện tại Bangladesh

0
66
(Internet)
(Internet)

Bangladesh hiện đang tiệm cận với xu hướng toàn cầu chuyển sang sử dụng xe ô tô điện nhằm gìn giữ môi trường và cắt giảm chi phí. Khi khai trương một số nhà máy điện mới vào tháng 9/2021, Thủ tướng Hasina đã đề cập đến một hệ thống giao thông chạy bằng điện. Các sáng kiến của chính phủ, các công ty tư nhân và cộng đồng quốc tế cho thấy một tương lai đầy hứa hẹn đối với xe điện ở Bangladesh. Trên thực tế, Bangladesh đang triển khai các bước để sản xuất xe điện tại nước mình.

Các công ty ô tô trong nước như Bangladesh Auto Industries Ltd (BAIL) và Nitol Motors đã bàn thảo với nhau từ năm 2019 để thiết lập các nhà máy để sản xuất ở Bangladesh. Các chính sách quản lý đối với xe điện (EV) cũng đang được chuẩn bị để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu xe điện.

Kế hoạch của chính phủ:

Công ty vận tải nhà nước – Tổng công ty Vận tải Đường bộ Bangladesh (BRTC), sẽ triển khai 50 xe buýt điện vào hệ thống giao thông công cộng, chạy trên các tuyến đường dài, như từ Dhaka đến Chattogram. Dự án sẽ được Chính phủ Bangladesh tài trợ và thông qua các khoản vay nước ngoài. Nếu kế hoạch triển khai đúng theo dự kiến, xe buýt điện này sẽ hoạt động trong vòng hai hoặc ba năm tới.

Cơ quan quản lý Giao thông Đường bộ Bangladesh (BRTA) cũng đang dự thảo chính sách để xúc tiến việc nhập khẩu và sản xuất trong nước xe điện. Dự thảo đề cập đến kế hoạch xây dựng các trạm sạc điện cho xe điện và biểu giá. Dự thảo này đang được rà soát và sẽ được trình lên Bộ Giao thông Đường bộ và Cầu đường để hoàn thiện.

Hướng dẫn Đăng ký và Sử dụng Xe điện của BRTA, được bắt đầu soạn thảo vào tháng 11/2018 và đang được hoàn thiện. Hướng dẫn này để quản lý lưu hành những chiếc xe kéo điện hiện nay đang chạy bất hợp pháp.

Mặt khác, Chính sách Phát triển Công nghiệp Ô tô 2021 do Bộ Công nghiệp soạn thảo đã được Nội các đồng ý. Mục tiêu là phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước và từng bước trở thành nước xuất khẩu. Chính sách này đưa ra những đề xuất táo bạo như miễn giảm thuế và ưu đãi tài chính cho các nhà đầu tư sản xuất xe điện và phụ tùng, hạn chế đối với xe cũ, ưu đãi tài chính cho nghiên cứu và phát triển, một số ưu đãi, lợi ích khác.

Dự án tư nhân:

Bangladesh Auto Industries Limited (BAIL), một công ty ô tô trong nước, hợp tác của các công ty từ Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Ý để sản xuất xe điện tại Bangladesh từ năm 2020. Dự án này được cho là theo kế hoạch sẽ hoàn thành xây dựng nhà máy trên khu đất rộng 100 mẫu Anh tại khu kinh tế Mirsarai vào cuối năm 2020 và bắt đầu đi vào sản xuất vào tháng 6/2021. Tuy nhiên, kế hoạch đã bị lùi lại do đại dịch toàn cầu vì các nhà cung cấp không thể vận chuyển các thiết bị cần thiết về đúng hạn.

Nitol Motors, hợp tác với một công ty Mỹ và hai công ty Trung Quốc, cũng có kế hoạch bắt đầu sản xuất xe điện vào năm 2020 nhưng phải trì hoãn kế hoạch vì đại dịch, dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất vào giữa năm 2023. Theo kế hoạch, dự án có chi phí là 3,5 tỉ Tk (khoảng gần 400 triệu USD), Nitol sẽ sản xuất 20.000 chiếc mỗi năm. Xe có phạm vi hoạt động 200km và có giá thành 1,0-1,2 triệu Tk (từ 12-14 nghìn USD). Mẫu xe có tên là Suvare có tốc độ tối đa 120km/h. Nhà máy ở Ishwardi của Nitol và một trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Dhaka đã được thành lập.

Hợp tác quốc tế:

Việc Bangladesh sẵn sàng cung cấp đất và nguồn lực để phát triển sản xuất xe điện ở nước này đã bắt đầu thu hút các công ty quốc tế. Omega Seiki, một thành viên của Mạng lưới Anglian Omega có trụ sở tại Ấn Độ, có kế hoạch đầu tư 1 tỉ Rs (1,16 tỉ Tk, hay 14 triệu USD) để thiết lập các dự án phát triển xe điện ở Bangladesh. Một công ty tư vấn môi trường và năng lượng có trụ sở tại Anh, Ricardo-AEA, đang thuyết phục chính phủ Vương quốc Anh đầu tư vốn vào lĩnh vực này. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc cũng đã đề xuất cung cấp 17,8 triệu USD để hỗ trợ cơ sở hạ tầng trạm sạc.

Rào cản:

Sự phối hợp giữa các cơ quan chính phủ liên quan đến xe điện vẫn chưa rõ nét và điều đó tạo ra rào cản chủ yếu.

Theo UNDP, việc thiếu cơ sở hạ tầng, lo ngại về tuổi thọ của pin lithium-ion, chi phí và việc bảo trì xe điện, thiếu các hướng dẫn và quy định kỹ thuật sẽ khiến người tiêu dùng và nhà đầu tư tiềm năng mất động lực.

Chi phí đăng ký đối với xe điện cao hơn xe động cơ đốt và việc giá thành pin vẫn còn rất đắt; phần lớn các linh kiện và thiết bị vẫn đang phải nhập khẩu. Bangladesh vẫn chưa có các khoản trợ cấp cho sản xuất xe điện.

Xe điện đối với người dùng Bangladesh:

Tanveer Mostafa, Giám đốc Tập đoàn Megha Group of Industries, người sử dụng chiếc Tesla Model S P100D từ năm 2017, rất vui về những thay đổi trong thời gian gần đây, nhận xét “Hầu như không mất chi phí bảo dưỡng vì xe (điện) có rất ít bộ phận chuyển động”. Ông cho biết, trong bốn năm qua, chỉ phải thay một vài chiếc lốp và thay nước rửa kính. Ông cho rằng người dân Bangladesh sẽ đón nhận xe điện một cách tích cực vì chi phí thấp hơn nhiều cho mỗi km. Theo ông, giá xe điện sản xuất trong nước thấp sẽ thu hút người mua Bangladesh.

Tương lai xe điện:

Thị phần của xe điện trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang tăng nhanh và ô tô thông thường đang giảm. General Motors thông báo rằng họ sẽ ngừng bán ô tô chạy bằng xăng và dầu vào năm 2035. Ủy ban châu Âu đã tiết lộ một đề xuất sẽ cấm bán xe chạy xăng và diesel có hiệu lực vào năm 2035. Anh cấm tất cả các xe ô tô chạy xăng và diesel thông thường vào năm 2030; xe hybrid có thời hạn đến năm 2035 với điều kiện là đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt nhất định.

Lý do chính đằng sau sự quan tâm đối với xe chạy điện của thế giới là do chúng không phát khí thải, chi phí thấp hơn cho mỗi km, có ít bộ phận chuyển động hơn giúp việc bảo dưỡng dễ dàng hơn…

 Bangladesh không thể ở trong kỷ nguyên dùng chất đốt mãi mãi. Bangladesh là một đất nước chịu nhiều áp lực về môi trường, và để gìn giữ môi trường, Bangladesh cần phải thực hiện quá trình chuyển đổi nhanh hơn nữa. Mối quan tâm của chính phủ về môi trường cần được thể hiện dưới dạng các quy định và sự phối hợp phù hợp giữa các cơ quan liên quan. Các khoản chi trợ cấp cho nghiên cứu và phát triển công nghệ xe điện. Các chính sách được thực hiện cần hướng tới việc khuyến khích sản xuất linh kiện trong nước và giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here