Bangladesh tụt hậu so với Việt Nam trong cải cách để thu hút FDI

0
1200
(Internet)
(Internet)

Các nhà phân tích chính sách nhận định những cải cách đồng loạt và cởi mở trong chính sách kinh tế đã giúp Việt Nam phát triển như hiện nay, trong khi Bangladesh vẫn còn tụt hậu trong các lĩnh vực đó và không theo kịp sự phát triển của Việt Nam. Ví dụ, Việt Nam thông qua chính sách đổi mới để đổi mới chính sách kinh tế vào những năm 80 của thế kỷ trước, đã mang lại một cuộc cải cách lớn về các chính sách kinh tế và thu hút rất nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cuối cùng Việt Nam trở thành một hình mẫu về điểm đến FDI.

Theo các chuyên gia, mặc dù vị thế kinh tế của cả Bangladesh và Việt Nam tương đương nhau trong những năm 90, Việt Nam đã đạt được thành công đáng khen ngợi trên nhiều lĩnh vực, còn Bangladesh bị tụt lại rất xa. Ví dụ, xuất khẩu của Bangladesh và Việt Nam vào khoảng 5 tỷ USD trong những năm 90, nhưng năm ngoái, Bangladesh xuất khẩu gần 38,75 tỷ USD, trong khi đó Việt Nam đạt 280 tỷ USD. Họ cho rằng Việt Nam có thể tạo ra sự khác biệt lớn như vậy chỉ trong vòng 30 năm vì sự cởi mở trong các chính sách kinh tế và chính trị.

Đây là những nhận định được đưa ra trong Hội thảo trực tuyến “Thành tựu xuất khẩu vượt trội của Việt Nam: Bài học cho Bangladesh” do Viện Nghiên cứu Chính sách (PRI) của Bangladesh tổ chức ngày 17/9 với sự tham gia của một Bộ trưởng, các nhà kinh tế, lãnh đạo cơ quan thương mại và doanh nhân.

Sadiq Ahmed, Phó Chủ tịch PRI cho biết Việt Nam đã thực hiện các biện pháp mạnh mẽ ngay từ giai đoạn đầu để ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện duy trì ổn định kinh tế vĩ mô ở tất cả các giai đoạn của quá trình phát triển. Ông cho biết doanh thu từ thuế tính trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Bangladesh là khoảng 9% GDP, một trong những nước có mức thấp nhất trên thế giới, so với 26% GDP của Việt Nam. Việt Nam điều hành tỷ giá hối đoái linh hoạt và trở thành một mắc xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Mustafizur Rahman, chuyên gia của Trung tâm Đối thoại Chính sách (CPD), cho biết Việt Nam đã cải cách luật đầu tư thông minh và triển khai các chính sách thương mại chiến lược giúp Việt Nam thu hút tốt FDI, góp phần tạo ra một cơ chế thuế quan thuận lợi cho Việt Nam trong thương mại quốc tế. Ví dụ, chế độ Tối huệ quốc (MFN) đối với Việt Nam với mức thuế quan trung bình là 11,09%, trong khi mức thuế MFN của Bangladesh với các nước cao hơn.

Đề cập đến Samsung và Youngone, Rehman Sobhan, Chủ tịch CPD, cho biết vấn đề thuận lợi hóa kinh doanh ở Bangladesh vẫn là một yếu tố chính cần thay đổi để thu hút FDI. Samsung, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc, muốn đầu tư vào Bangladesh vào năm 1996 và một tập đoàn khác của Hàn Quốc là Youngone Corporation, có hoạt động kinh doanh lớn ở Bangladesh, đã đàm phán để đưa Samsung đến Bangladesh. Cuối cùng, Samsung đã không đến đây vì Youngone không thể giao đất trong khu chế xuất (EPZ) Chattogram của mình do một số tranh chấp liên quan đến đất đai. Samsung thành lập nhà máy ở Việt Nam, và Bangladesh đã mất cơ hội. Ngoài ra, ông cũng đặt câu hỏi đối với việc đa dạng hóa đối với các mặt hàng may mặc ở Bangladesh khi Bangladesh có một thời gian dài phát triển ngành may mặc.

Syed Nasim Manzur, Giám đốc điều hành của Apex Footwear Ltd, nhà xuất khẩu giày dép hàng đầu của Bangladesh, cho biết hiện Việt Nam là nhà xuất khẩu giày dép lớn thứ hai trên toàn thế giới với giá trị xuất khẩu 22,07 tỷ USD trong năm ngoái, trong khi vị trí của Bangladesh đứng vị trí thứ 17 về xuất khẩu giày trên toàn cầu với giá trị hơn 1 tỷ USD vào năm ngoái.

Manzur cho biết nhiều nhà đầu tư toàn cầu đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư vì ở đó môi trường kinh doanh tốt và sự cởi mở trong các chính sách kinh tế và thương mại. Việc kinh doanh dễ dàng hơn, kết nối tốt hơn, tỷ giá hối đoái tốt hơn, chế độ thuế quan tốt hơn và chính sách hải quan tốt hơn đã giúp Việt Nam thu hút FDI trong khi Bangladesh không làm tốt trong các lĩnh vực này. Ông đưa ra ví dụ, thời gian thông quan hàng hóa trung bình của hải quan Việt Nam là 2-3 ngày trong khi ở Bangladesh thời gian trung bình để thông quan hàng hóa của hải quan là 2-3 tuần.

M Syeduzzaman, cựu Bộ trưởng Tài chính cho biết Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ không chỉ trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa mà còn cả sản phẩm và máy móc nông nghiệp. Việt Nam đứng thứ hai về xuất khẩu cà phê sau Brazil trên toàn cầu và cũng là quốc gia rất mạnh về xuất khẩu máy móc và sắt thép.

Các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong tăng trưởng kinh tế đáng ghen tị của Việt Nam. Việt Nam là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và đã ký Hiệp định FTA với Liên minh châu Âu (EU). Cựu Bộ trưởng nhận xét việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007 đã giúp Việt Nam mở cửa nền kinh tế và thương mại.

Nazneen Ahmed, chuyên gia kinh tế của Văn phòng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Bangladesh cho biết quan hệ đối ngoại nồng ấm với các quốc gia khác nhau cũng giúp Việt Nam thu hút FDI. Ngoài các chính sách thương mại, Bangladesh cần xây dựng quan hệ đối ngoại, chủ yếu tập trung vào ngoại giao kinh tế.

Rizwan Rahman, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Dhaka, nhấn mạnh nhu cầu cải thiện các cơ sở kho bãi, hải quan và cảng để tạo thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here