Ngày 16/9, Phó Chủ tịch điều hành Uỷ ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis đã kêu gọi cải tổ khẩn cấp Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ông khẳng định sẵn sàng xem xét những cải cách lớn đối với hệ thống giải quyết tranh chấp thương mại.
Phát biểu này được ông Dombrovskis đưa ra trong chuyến thăm Geneva (Thụy Sỹ), nơi ông đã gặp Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala. Phó Chủ tịch EC đã trình bày các ưu tiên của Liên minh châu Âu (EU) đối với tương lai của WTO, hai tháng trước thềm hội nghị cấp bộ trưởng của tổ chức này, diễn ra từ ngày 30/11-3/12 tại Geneva.
Phó Chủ tịch Dombrovskis cho rằng bộ mặt thương mại đã thay đổi đáng kể kể từ khi thành lập WTO. Tuy nhiên, các quy tắc quản lý tổ chức này không thay đổi. Theo ông, với hình thức và điều kiện hiện tại, WTO đang trong thế “trên đe dưới búa”. Do đó, “WTO đang cần cải tổ khẩn cấp”. Các nhà ngoại giao và chuyên gia đồng ý rằng WTO trong nhiều năm đã bất lực trong việc khởi động lại các cuộc đàm phán quy mô lớn.
Trong những năm vừa qua, WTO đã gặp nhiều thách thức, trong đó, một số thách thức liên quan tới “cuộc khủng hoảng chủ nghĩa đa quốc gia”, còn những thách thức khác có thể xem là kết quả của nhiều yếu tố gắn với cam kết pháp lý của các thành viên WTO từ khi thành lập tổ chức này vào năm 1995.
Các cam kết này không chỉ gây mất cân bằng cho quá trình toàn cầu hoá mà còn làm gia tăng tình trạng phân cấp giàu nghèo, bất bình đẳng, mất việc làm và bất ổn an ninh.
Sự phản đối mạnh mẽ xu thế toàn cầu hoá và các thỏa thuận thương mại đã làm gia tăng sức ép của chủ nghĩa dân tộc về kinh tế và làm thay đổi điều khoản tham gia của nhiều quốc gia phát triển tại WTO. Phản ứng này xảy ra sau những quan ngại lâu năm của các nước đang phát triển, cho rằng, các thoả thuận của WTO không cân bằng và có định kiến với các lợi ích thương mại của họ.
Họ chỉ ra sự bất công khi phải giảm mạnh thuế suất mà không được hưởng lợi từ việc giảm thuế tương ứng trong các lĩnh vực xuất khẩu thế mạnh của mình. Sự thiếu cân bằng thể hiện rõ nét trong ngành nông nghiệp, trong khi các nước phát triển có thể tiếp tục hỗ trợ người nông dân thì các nước đang phát triển phải hạn chế các biện pháp tăng cường an ninh lương thực.
Cơ chế quy định trợ cấp công nghiệp của WTO giới hạn chính sách cần thiết để nuôi dưỡng các ngành công nghiệp của những nước đang phát triển, tuy nhiên lại cho phép các nền kinh tế phát triển hỗ trợ các ngành công nghiệp công nghệ cao, mang lại thịnh vượng cho họ.
Nền tảng của tất cả các vấn đề này là việc quy tắc sở hữu trí tuệ tạo điều kiện cho độc quyền nhưng làm giảm khả năng chuyển giao công nghệ, yếu tố giúp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển lan tỏa đều khắp.
Mặc dù phần lớn các nước đang phát triển không có nhiều vai trò trong những cuộc đàm phán ban đầu của WTO, song họ đã chấp nhận kết quả với hy vọng các biện pháp thương mại đơn phương và phân biệt đối xử trong quá khứ sẽ được thay đổi và quá trình cải tổ nông nghiệp sẽ tiếp tục, ngày càng có sự linh hoạt trong quy định pháp lý về thương mại và công nghiệp.