Diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản: Từ sáng kiến đến thực tế khơi thông điểm nghẽn chuỗi giá trị nông sản

0
124
Diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản” sẽ giúp các nhà vườn, hợp tác xã, nông dân cũng sẽ hiểu hơn quy luật, tín hiệu thị trường từ đó sản xuất đáp ứng yêu cầu thị trường.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức thành công buổi ra mắt diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản” với sự tham gia trực tuyến của 63 tỉnh, thành và gần 200 doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong cả nước.
Đây là một trong những sự kiện có tính thời sự trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều chuỗi sản xuất, cung ứng, lưu thông, tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố bị đứt gãy, diễn đàn sẽ giúp hình thành những chuỗi mới, giải quyết nhiều tồn tại của ngành.

Diễn đàn có nhiệm vụ trọng tâm là thông tin xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu nông sản, vật tư nông nghiệp và sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn; thông tin thống kê, tổng hợp, dự báo, phục vụ quản lý sản xuất, xúc tiến thương mại và kết nối cung cầu nông sản; thông tin chuyển đổi số, đẩy mạnh áp dụng mã số vùng trồng, tổ chức liên kết chuỗi, truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn chất lượng nông sản; đào tạo, nâng sao năng lực tổ chức sản xuất và thúc đẩy kết nối cung cầu nông sản, sản phẩm du lịch nông thôn; đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các chuỗi hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, qua diễn đàn này, các nhà vườn, hợp tác xã, nông dân cũng sẽ hiểu hơn quy luật, tín hiệu thị trường từ đó sản xuất đáp ứng yêu cầu thị trường.

Từ sáng kiến hay của Tổ công tác ở phía Nam trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản trong bối cảnh các tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ, như: xây dựng trang web, mạng xã hội: facebook, zalo và số điện thoại đường dây nóng… Đến nay, Tổ công tác đã hình thành được 1.300 đầu mối cung ứng; 58 kho tập kết hàng hóa nông sản, thực phẩm với số lượng tiêu thụ lên đến 1.000 tấn/ngày trong thời gian Tp. Hồ Chí Minh siết chặt giãn cách xã hội.

Nhiều đơn hàng lớn được kết nối, tiêu thụ thành công đã góp phần tích cực việc hỗ trợ cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho các địa phương, tạo hiệu ứng cao trong xã hội. Điển hình là chương trình nông sản combo 10kg/túi đã và đang có sức lan tỏa lớn, được nhiều tỉnh, thành áp dụng và nhân rộng mô hình tại các tỉnh Bình Dương, Tiền Giang…

Diễn đàn được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo thành lập trên tinh thần kế thừa hoạt động kết nối, tiêu thụ nông sản của Tổ công tác phía Nam của Bộ. Diễn đàn nhằm hình thành, kết nối giữa các khâu từ sản xuất, chế biến, thu hoạch, lưu thông, đến tiêu thụ nông sản… để từ đó tạo mối “liên kết – hợp tác” chặt chẽ, nhiều chiều giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp và nông dân.

Diễn đàn hiện được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chỉ đạo thành lập, trên tinh thần kế thừa hoạt động kết nối, tiêu thụ nông sản của Tổ công tác 970. Mục đích là để hình thành, kết nối các khâu sản xuất, chế biến, thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ nông sản… Qua đó, tạo mối “liên kết – hợp tác” chặt chẽ, nhiều chiều giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp và bà con nông dân.

Thời gian qua, Tổ công tác phía Nam và phía Bắc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có sự phối hợp chặt chẽ, liên tục cập nhật, thông tin với Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, với các bộ, ngành, địa phương để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, xử lý những ách tắc, vướng mắc trong các khâu sản xuất, chế biến, thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ nông sản…

Diễn đàn sẽ được tổ chức theo từng chủ đề ngành hàng nông sản theo từng  mùa vụ được gắn với từng vùng miền và các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đó là tổ chức các phiên diễn đàn thông tin kết nối cung cầu nông sản, lương thực thực phẩm cho Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung – Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và các vùng bị giãn cách do dịch COVID-19.

Diễn đàn cũng kết nối cung – cầu vật tư đầu vào, thúc đẩy sản xuất các vụ sản xuất quan trọng còn lại trong năm: tôm nuôi vụ 2, vụ 3, lúa vụ Thu Đông và Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long, vụ Đông ở miền Bắc… Tại các diễn đàn, các nhà quản lý, chuyên gia các lĩnh vực sẽ thảo luận, tư vấn về phương thức tổ chức sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản và việc kết nối, thúc đẩy phát triển sản xuất gắn với thị trường.

Các kết quả hoạt động thông tin của diễn đàn sẽ thông tin dự báo nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm), mạng lưới cung ứng, thu mua, các đầu mối như: hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, doanh nghiệp…

Khi tham gia, thành viên của diễn đàn sẽ được hỗ trợ quảng bá, giới thiệu thông tin, và tham gia những chuỗi kết nối cung – cầu nông sản do Ban Chỉ đạo Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) thiết lập. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều chuỗi sản xuất, cung ứng, lưu thông, tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố bị đứt gãy, diễn đàn sẽ giúp giải quyết 3 tồn tại của ngành nông nghiệp nước nhà.
Cụ thể: (1) Khắc phục điểm nghẽn của một nền sản xuất “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”. (2) Hoạch định chính sách, tìm kiếm, đàm phán, kết nối thị trường tiêu thụ nông sản. (3) Phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng của doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp, nhằm tạo ra các sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn, trách nhiệm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của thị trường.

Diễn đàn xây dựng dữ liệu quản lý vùng trồng, thông tin nguồn cung nông sản theo từng vùng, tiểu vùng: thủy sản, trái cây, rau màu, lúa gạo đặc sản, chăn nuôi, lâm sản, dược liệu… Giới thiệu nông sản thế mạnh địa phương, thông tin thời vụ gieo trồng, thời điểm thu hoạch, sản lượng, chất lượng, giúp cơ quan quản lý nhà nước trong chỉ đạo sản xuất, giúp địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản.… Đây cũng là cơ sở để thực hiện việc chuyển đổi số nông nghiệp trong thời gian tới.

Theo Ban chỉ đạo diễn đàn này, ngoài đẩy mạnh kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản, còn cung cấp thông tin dự báo nông sản, đặc sản, mạng lưới cung ứng, thu mua. Song song đó, ban chỉ đạo cũng tổ chức xây dựng dữ liệu quản lý vùng trồng, bản đồ, thông tin quảng bá và tư vấn cho các địa phương, doanh nghiệp phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Ngoài ra, diễn đàn này cũng sẽ thường xuyên tổ chức các “Chợ online’ hay còn gọi triển lãm nông sản ảo. Trên chợ này sẽ hiển thị thông tin bên mua bên bán, các gian hàng trưng bày được hiển thị trên màn hình máy tính với không gian 3D, 4D để người mua có thể nhìn thấy sản phẩm chân thật nhất.

Tính đến ngày 31/8, Tổ công tác 970 đã hình thành được 1.300 đầu mối cung ứng; 58 kho tập kết hàng hóa nông sản, thực phẩm với số lượng tiêu thụ lên đến 1.000 tấn một ngày trong thời gian TP. Hồ Chí Minh siết chặt giãn cách xã hội.

BOX

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau: Hoạt động kết nối cung cầu, với sự hỗ trợ của các tỉnh, đặc biệt là Tổ công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh đã tiêu thụ được hơn 4.000 tấn nông sản các loại. Diễn đàn tạo điều kiện tháo gỡ khá nhiều cho sản xuất, tiêu thụ nông sản. Tuy vậy, số nông sản đã tiêu thụ được còn khiêm tốn so với lượng nông dân sản xuất ra.

Ông Hoàng Văn Duy, Tổng giám đốc Mekong Sea Food Group: Thời gian qua, doanh nghiệp được hỗ trợ và kết nối với nhiều hợp tác xã, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố đang có nguồn cung dồi dào về những sản phẩm doanh nghiệp cần. Qua Tổ công tác, công ty đã chốt được khoảng 300 tấn thực phẩm.

Tuy nhiên, hạn chế của các cơ sở cung cấp nguyên liệu đầu vào mới chỉ đáp ứng được nguyên liệu thô, chưa có sơ chế. Cùng với đó, mối liên kết giữa các công ty với nhau trong việc hợp tác, xuất đơn hàng lớn còn gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op): Nhờ sự hỗ trợ của Tổ công tác, Saigon Co.op đã tiếp xúc được với 47 điểm cầu, 1.344 điểm kết nối, thu mua hàng nghìn tấn nông sản. Một số hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản, gói combo hàng hóa đã giúp doanh nghiệp cung cấp thêm hàng hóa đến bà con ở Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương.

Thời gian tới, Saigon Co.op sẽ tăng cường kết nối với nguồn nông sản của từng địa phương. Hiện đơn vị đã có mặt tại 47/63 tỉnh thành, nên Saigon Co.op sẽ kết nối thêm với các tỉnh còn lại. Saigon Co.op cũng sẽ thu mua, kết nối với các vùng, địa phương chưa có sự hiện diện của đơn vị và mong muốn các địa phương, bà con hỗ trợ giới thiệu.

Saigon Co.op đang thực hiện nhiều kênh bán hàng khác nhau, phù hợp với xu thế, tình hình dịch bệnh. Ngoài sàn điện tử, còn có gói mua chung, đi chợ hộ. Việc phát triển nông sản tại các địa phương cũng nên theo xu hướng này. Phát triển sản phẩm phù hợp nhu cầu online, ngay cả khâu đóng gói.

Sản phẩm nông sản không thiếu nhưng phần đang thiếu là nguyên liệu phụ trợ cho nông sản hoàn chỉnh như một số nhà cung cấp thiếu bao bì, hỗ trợ đóng gói nông sản. Ngành nông nghiệp cần có sự liên kết để đảm bảo sản xuất thông suốt.

Bích Hồng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here