1. Tổng thống Mỹ Joe Biden tìm cách thúc đẩy chương trình “Mua hàng Mỹ” trước chuyến thăm tới bang Pennsylvania
Ngày 28/7/2021, Financial Times dẫn tin cho biết Tổng thống Biden đang lên kế hoạch tăng tỷ lệ nội địa hóa đối với các chương trình mua sắm chính phủ liên bang nhằm củng cố và thúc đẩy triển khai chương trình “Mua hàng Mỹ” (Buy America). Đề xuất được cho là sẽ giúp chính quyền đẩy nhanh các nỗ lực giải quyết các tác động của đại dịch COVID-19 đối với chuỗi cung ứng, đặc biệt là vấn đề thiếu hụt nguồn cung.
Theo Financial Times, kế hoạch của Tổng thống Biden sẽ cần lấy ý kiến công chúng trước khi đi vào triển khai. Khi đó, các yêu cầu sẽ được điều chỉnh lên ngưỡng cao hơn buộc các sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu về tỷ lệ xuất xứ theo luật pháp Mỹ. Theo luật hiện hành, các sản phẩm có thể được thông qua nếu 55% tỷ lệ giá trị thành phẩm được sản xuất tại nước Mỹ, song Nhà Trắng đang có ý định nâng tỷ lệ trên lên mức 60% và tăng dần lên mức 75% trong 8 năm tiếp theo.
Theo tài liệu được Nhà Trắng công bố, kế hoạch sẽ giúp xóa bỏ các tồn tại trong quy định hiện hành, đồng thời cho phép các doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh chuỗi cung ứng của mình để tăng cường sử dụng các thành phần do Mỹ sản xuất. Đề xuất của chính quyền Biden cũng bao gồm nội dung nhằm ổn định nguồn nhu cầu cho các nhà sản xuất hàng hóa quan trọng trong nước thông qua các ưu đãi mới về giá, một chương trình đặc biệt cần thiết nhằm duy trì nguồn cung sản phẩm cho chính phủ.
Financial Times cho biết, Tổng thống Biden đã đưa vấn đề mua sắm trong nước làm nền tảng trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ 2020, đặc biệt là đối với cử tri vùng công nghiệp Trung Tây nước Mỹ. Trước đó, vào tháng 1/2021, ngay sau khi nhậm chức, ông Biden đã ký sắc lệnh hành pháp nhằm thúc đẩy mua sắm trong nước thông qua việc xây dựng các quy tắc mới. Đề xuất được cho là sẽ không ảnh hưởng đến nghĩa vụ thương mại quốc gia.
Tuy nhiên, đã có nhiều quan chức và giám đốc điều hành từ các đối tác của Mỹ đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về chương trình “Mua hàng Mỹ” của chính quyền Biden, cho rằng các điều khoản của chương trình mang tính phân biệt đối xử và nhằm mục đích làm suy yếu cạnh tranh quốc tế. Financial Times cũng đánh giá chương trình có thể sẽ khiến nhiều nhà cung ứng quốc tế cho chính phủ Mỹ tỏ không hài lòng và làm gia tăng căng thẳng đối với các đồng minh của Mỹ như Canada và một số nước Châu Âu, vốn từ lâu đã phản đối các nỗ lực thắt chặt quy định mua sắm của Mỹ.
2. Tăng trưởng GDP quý II/2021 của Mỹ thấp hơn kỳ vọng dù chi tiêu tiêu dùng tăng mạnh
Ngày 29/7/2021, Bloomberg dẫn công bố của Bộ Thương mại Mỹ về GDP quý II/2021 của Mỹ là 6,5%, thấp hơn nhiều so với dự báo 8,4% do các nhà kinh tế đưa ra trong khảo sát của Bloomberg. Việc mức tăng trưởng không đạt mức kỳ vọng được cho là do các tác động từ việc chuỗi cung bị hạn chế đã ảnh hưởng đến nền kinh tế, bất chấp bối cảnh chi tiêu tiêu dùng của Mỹ đạt mức tăng lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Bloomberg cho biết, báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ đã tập trung nêu về sự phục hồi mạnh mẽ trong nhu cầu của các hộ gia đình và thách thức mà các công ty đang phải đối mặt để có thể bắt kịp nhu cầu đó. Tiêu dùng cá nhân theo đó đã vượt quá dự báo do việc gia tăng nhanh chóng các chi tiêu cho dịch vụ ăn uống bên ngoài. Các tác động từ tiêm chủng và viện trợ chính phủ đã khiến chi tiêu tiêu dùng tăng lên 11,8%, mức tăng lớn thứ hai kể từ năm 1952.
Báo cáo cũng cho thấy nền kinh tế Mỹ cũng đang dần khắc phục được các thiệt hại do đại dịch gây ra. Thời gian tới, mức tăng trưởng kinh tế sẽ gặp nhiều trở ngại khi các khoản hỗ trợ liên bang ngày càng giảm, trong khi biến thể mới của COVID-19 đang lây lan nhanh chóng và tình trạng thiếu hụt lao động vẫn đang kéo dài. Chỉ số tiết kiệm của người dân Mỹ cũng đã giảm từ 20,8% trong Quý I/2021 xuống còn 10,9% trong Quý II, cho thấy người dân đã bắt đầu tiêu vào nguồn tiền tiết kiệm được.
Theo số liệu của Cục dự trữ liên bang (FED), chỉ số giá tiêu dùng cá nhân không bao gồm chi phí thực phẩm và năng lượng đã tăng lên 6,1% trong Quý II/2021, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1983. Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc theo kịp nhu cầu đang gia tăng từ phía người tiêu dùng. Hiện tượng này cũng góp phần đẩy chi phí sinh hoạt lên cao, trong khi các doanh nghiệp cũng không thể nâng mức lương hiện tại cho người lao động.
Ngoài ra, theo một số khảo sát gần đây, tình trạng thiếu hụt nguồn cung và các thách thức về khâu vận chuyển đang được cho sẽ là tình trạng khó khăn kéo dài đối với các tập đoàn lớn như Apple, Whirlpool, Fastenal… Bloomberg đánh giá đối với chính quyền Biden, những thiếu hụt trong nguồn cung thời gian tới sẽ tạo động lực cho chính quyền triển khai một chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng rộng lớn hơn.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)