Kiểm duyệt ở Trung Quốc gây nguy hiểm cho các công ty Hoa Kỳ

0
53
(VCG)
(VCG)

Các nhà phân tích thông tin với Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) rằng chế độ kiểm duyệt ngày càng chặt chẽ của Trung Quốc gây ra những thách thức lớn cho các công ty Mỹ và đe dọa trở thành hình mẫu cho các quốc gia khác.

Tháng 1/2021, theo yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện lúc bấy giờ là Chuck Grassley (R-IA), ITC đã mở một cuộc điều tra về việc kiểm duyệt như một rào cản thương mại phi thuế quan theo Mục 332 của Đạo luật Thuế quan năm 1930.

Tháng 5/2021, cơ quan này đã chia cuộc điều tra thành hai phần – phần đầu tiên tập trung vào việc xác định các hoạt động kiểm duyệt của nước ngoài ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Hoa Kỳ và phần thứ hai tập trung vào các tác động kinh tế của các hoạt động đó. Ngày 01/7/2021, ITC đã tổ chức một phiên điều trần công khai dành riêng cho hai cuộc điều tra. ITC đã nghe ý kiến ​​từ các nhà phân tích về khó khăn trong việc định nghĩa kiểm duyệt và các tác động đa dạng của nó đối với các công ty Hoa Kỳ – đặc biệt là các tính toán liên quan đến hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc.

Phó giáo sư Aynne Kokas của Đại học Virginia nói với ITC rằng các công ty Mỹ hiện nay phụ thuộc hơn bao giờ hết vào thị trường Trung Quốc, nhưng hạn chế đối với thị trường này đang tăng hàng ngày; các hãng phim Hollywood sẵn sàng chịu khuất phục trước kiểm duyệt – hoặc cách mà các công ty cho rằng các nhà kiểm duyệt sẽ phản ứng – để duy trì quyền tiếp cận thị trường điện ảnh Trung Quốc, thị trường đã trở thành lớn nhất thế giới năm 2020. Phó giáo sư Kokas cho rằng việc Hiệp định Điện ảnh Hoa Kỳ-Trung Quốc hết hạn vào năm 2017 (hiệp định cho phép phân phối 34 phim Mỹ hàng năm ở Trung Quốc) khiến các hãng phim dễ bị tổn thương hơn trước những ý kiến ​​bất chợt của các nhà kiểm duyệt. Hiện có cả một ngành công nghiệp của các cựu quan chức, hoặc thậm chí quan chức đương nhiệm, cung cấp tư vấn cho các hãng phim những cách thức họ có thể phát triển bộ phim và được chấp nhận ở Trung Quốc.

Nhiều nhân chứng nói với ITC rằng các hoạt động kiểm duyệt của Trung Quốc tác động đến nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt lĩnh vực công nghệ. Theo Nigel Cory, Phó giám đốc phụ trách chính sách thương mại của Quỹ Công nghệ Thông tin và Đổi mới, Google đã mất hơn 32 tỷ USD doanh thu từ các hoạt động tìm kiếm trong giai đoạn 2013-2019 sau khi hầu như bị rút khỏi thị trường Trung Quốc; các dịch vụ đám mây của Amazon và Microsoft “bị hạn chế nghiêm trọng” bởi Trung Quốc và mất tổng cộng gần 2 tỷ đô la giai đoạn 2017- 2018.

Các nhân chứng cho biết, giáo dục, bán lẻ và thậm chí cả sản xuất cũng bị ảnh hưởng bởi các hoạt động kiểm duyệt của Trung Quốc. Ví dụ, theo Tim Brightbill từ công ty luật Wiley Rein, các nhà sản xuất có thể bị “hạn chế về những gì họ có thể muốn làm hoặc nói vì họ lo sợ cho chuỗi cung ứng của mình”. Theo ông, các lo ngại này cũng đè nặng lên các doanh nghiệp có công ty con ở Trung Quốc hoặc những doanh nghiệp muốn có công ty con ở đây.

Các nhà phân tích nói với ITC rằng các phương cách mà Trung Quốc và các quốc gia khác thực hiện kiểm duyệt là rất nhiều và phức tạp. Nathalie Maréchal, giám đốc quan hệ đối tác và chính sách cấp cao của Ranking Digital Rights, một chương trình nghiên cứu độc lập thuộc Quỹ New America, đã liệt kê các chiến lược của chính phủ mà cô gọi là “kiểm soát thông tin”. Cô cho rằng các hoạt động kiểm duyệt vượt ra ngoài việc ngăn chặn lời nói để kiểm soát các cuộc thảo luận của công chúng và do đó thao túng người dân trong và ngoài nước, thường gây những hậu quả hoặc thậm chí với mục đích vi phạm nhân quyền. Các chiến lược này có thể bao gồm “các rào cản kỹ thuật đối với việc tiếp cận”, như ngừng hoạt động của nhà cung cấp dịch vụ Internet; các hoạt động xóa nội dung trên các phương tiện truyền thông xã hội, bao gồm các trách nhiệm trung gian buộc các nền tảng phải “kiểm duyệt tích cực” nội dung của người dùng; “các biện pháp nhằm gây ra hiệu ứng lạnh”, bao gồm các chương trình giám sát và các yêu cầu về bản địa hóa dữ liệu; và “các chiến dịch gây ảnh hưởng trực tuyến” nhằm kiểm duyệt bằng cách phân tán sự chú ý.

Các nhà phân tích cho rằng ở Trung Quốc và các nơi khác, tác động tổng hợp của những chiến lược này có thể khiến việc vạch ra ranh giới giữa các hành động của chính phủ và các hành động của các công ty rất khó khăn. Phó giáo sư Maria Repnikova của Đại học Bang Georgia, nói với ITC rằng chế độ kiểm duyệt của Trung Quốc ngày càng trở nên phức tạp và đôi khi không thể đoán trước trong bối cảnh kỹ thuật số đang thay đổi nhanh chóng. Ngoài ra, Repnikova cho biết các công ty cũng phải đối mặt với tình cảm dân tộc, đôi khi bị chính quyền châm ngòi, có thể gây ra các vụ tẩy chay của người tiêu dùng tẩy chay và các vụ bê bối dư luận. Ví dụ, sự cố gần đây liên quan đến Tesla, trong đó có khách hàng khiếu nại về hệ thống phanh bị lỗi, đã lan truyền mạnh mẽ và dẫn đến việc một cơ quan truyền thông nhà nước cáo buộc Tesla là “kiêu ngạo” và Tesla cuối cùng đã phải đưa ra lời xin lỗi công khai. Brightbill lưu ý rằng Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc có thể sẽ mở rộng hơn chế độ kiểm duyệt của Trung Quốc thông qua các dự án “định hướng viễn thông” bao gồm các công cụ để kiểm duyệt nội dung.

Các nhà phân tích cũng nhấn mạnh với ITC rằng nhiều quốc gia khác, bao gồm cả các đồng minh của Hoa Kỳ, cũng triển khai các chiến lược kiểm soát thông tin. Ví dụ, Nigeria đã thông báo cấm Twitter sau khi Twitter gỡ bài của Tổng thống Nigeria vì Twitter cho rằng tin đó vi phạm chính sách chống lạm dụng của công ty. Ấn Độ trong năm 2020 đã tắt Internet hơn 40 lần.

Các ủy viên của ITC đã hỏi các nhân chứng các khuyến nghị về cách phân tích các chi phí do tác động kiểm duyệt. Các nhà phân tích cho biết những chi phí như vậy có thể bao gồm việc tuân thủ liên quan đến việc giám sát nội dung nhạy cảm tiềm ẩn, chi phí hoạt động lớn hơn do các rào cản kỹ thuật như sự chậm lại của Internet và mất doanh thu do chọn không kinh doanh ở các thị trường bị hạn chế. Aaronson cảnh báo ITC rằng tính toán các chi phí như vậy dựa trên “các tính toán gián tiếp” và một diện rất rộng các vấn đề.

Các nhân chứng cũng đưa ra một số ý kiến về những thách thức trong việc giải quyết kiểm duyệt thông qua chính sách thương mại. Brightbill cảnh báo rằng mặc dù các hoạt động kiểm duyệt của Trung Quốc – cũng như của Nga – có khả năng vi phạm Mục 301 (b) của Đạo luật Thương mại năm 1974, nhưng hành động khắc phục hậu quả có thể “thúc đẩy” các quốc gia đó “tiến xa hơn đến sự cô lập về kỹ thuật số”. Mục 301 (b) bị vi phạm nếu “một hành động, chính sách hoặc thông lệ của nước ngoài là không hợp lý hoặc phân biệt đối xử và tạo gánh nặng hoặc hạn chế thương mại của Hoa Kỳ”. Theo Brighbill, một chiến lược khả thi khác có thể là “hành động có đi có lại”, bao gồm khả năng hạn chế quyền truy cập vào các trang web phổ biến của Trung Quốc ở Mỹ. Theo ông, “chính quyền rõ ràng sẽ phải rất cẩn thận trong việc đánh giá chi phí và lợi ích của những hành động này.”

Ủy ban yêu cầu các những người tham gia phiên điều trần nộp ý kiến bằng văn bản trước ngày 12/7/2021. Các góp ý của công chúng đối với báo cáo đầu tiên của Ủy ban sẽ cần được nộp trước 22/7/2021 và các góp ý đối với báo cáo thứ hai của Ủy ban sẽ cần được nộp trước 14/01/2022. ITC cũng đang tiến hành khảo sát ý kiến của các công ty để phục vụ cho cuộc điều tra.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here