Kuwait công bố kế hoạch phát triển kinh tế lần thứ ba

0
79
(Internet)

Bộ trưởng Bộ Tài chính kiêm Bộ trưởng Nhà nước về Kinh tế và Đầu tư Khalifa Hamadeh cho biết để đạt được các mục tiêu của Tầm nhìn Kuwait 2035, sau khi đã cân nhắc các bài học kinh nghiệm rút ra từ việc thực hiện các kế hoạch trước đây, Kuwait sẽ triển khai kế hoạch phát triển thứ ba cho giai đoạn 2020-2025 nhằm tăng cường khu vực kinh tế tư nhân, biến nó làm động lực của tăng trưởng kinh tế.

Ông chỉ ra rằng kế hoạch phát triển này sẽ tạo cơ hội để mở rộng vai trò của khu vực tư nhân trong cung cấp dịch vụ, từ đó củng cố nền kinh tế và tạo cơ hội việc làm cho tất cả mọi người.

Kế hoạch phát triển Kuwait 2020-2025 lần thứ ba ban hành bởi Tổng thư ký Hội đồng Tối cao về Kế hoạch và Phát triển quy định rằng nhằm hỗ trợ phát triển tay nghề cao trên thị trường lao động, Kuwait cần thu hút nhiều hơn nữa các lao động người nước ngoài có kỹ năng cao.

Kế hoạch khẳng định nỗ lực tái cơ cấu bộ máy chính phủ nhằm đơn giản hóa cơ cấu, quyền hạn, cách thức quản trị cũng như đưa ra một hệ thống thuế đối với hàng hóa chọn lọc có giá trị gia tăng.

Bên cạnh đó, chương trình tư nhân hóa được kỳ vọng rằng sẽ giúp Kuwait đạt được phát triển kinh tế bền vững với sự phối hợp của người dân và khu vực công, cũng như cải thiện môi trường kinh doanh để khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ

Bản kế hoạch lưu ý rằng dầu mỏ hiện chiếm 90% doanh thu nhà nước, 90% kim ngạch xuất khẩu và 50% GDP của Kuwait và quốc gia này vẫn dựa vào dầu mỏ như một nguồn tài chính chủ chốt cho ngân sách chung của quốc gia. Với chi phí khai thác dầu thấp so với các nước khác và giá dầu cao, Kuwait đã có một vị thế tài chính vượt trội kể từ những năm 1950.

Tuy nhiên, trong những năm qua, chi phí sản xuất dầu đã tăng lên và dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng, ngay cả khi giá dầu giảm. Giá dầu giảm gần đây là một lời nhắc nhở về tính chất biến động của thị trường dầu mỏ. Giá dầu đã giảm từ 100 USD/thùng xuống dưới 40 USD trong vòng chưa đầy hai năm.

Giá dầu giảm khiến Kuwait mất 60% doanh thu và ngân sách quốc gia trong năm tài khóa 2014/2015 ghi nhận thâm hụt tài chính lần đầu tiên sau 15 năm. Kể từ đó, ngân sách đã ghi nhận thâm hụt định kỳ, ngay cả khi chi tiêu tiếp tục tăng.

Thu nhập của công dân vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ dầu, đặc biệt khi gần 80 phần trăm công dân làm việc trong khu vực công và ngân sách, tiền lương và trợ cấp chiếm khoảng 70 phần trăm ngân sách chung của quốc gia.

Kế hoạch phát triển thứ ba nhấn mạnh tình hình tài chính nghiêm trọng mà Kuwait phải đối mặt và nhu cầu cấp bách về cải cách. Một số điểm nổi bật bao gồm:

Một là chi phí cải cách kinh tế và tài chính sẽ tăng lên theo thời gian nếu Kuwait trì hoãn lâu hơn trong việc giải quyết tình huống khó xử này. Trên thực tế, việc giải quyết vấn đề này đã trở nên rất khó khăn trong nhiều năm qua và dẫn đến những hậu quả kinh tế đầy nghiêm trọng.

Hai là trước tình hình giá dầu như hiện nay, và do sự phụ thuộc hoàn toàn của tài chính công vào một nguồn thu nhập duy nhất, Kuwait ngày nay phải đối mặt với một thách thức đặc biệt và nghiêm trọng đe dọa khả năng tiếp tục cung cấp một cuộc sống tốt cho người dân và đáp ứng các nhu cầu cơ bản của họ, cũng như việc quốc gia này không có khả năng thực hiện các nghĩa vụ trong khu vực và quốc tế.

Ba là thâm hụt ngân sách chung của quốc gia trong năm năm tới, trong trường hợp không có cải cách kinh tế và tài chính, dự kiến ​​sẽ đạt từ 45 đến 60 tỷ KD.

Bốn là do tỷ lệ chi tiêu hiện tại và giá dầu giảm, Kuwait có thể mất đi nguồn ngân sách cho Quỹ Thế hệ tương lai và Quỹ dự trữ quốc gia vào năm 2035.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Kuwait)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here