Tin Kinh tế Bangladesh

0
83
(Internet)
(Internet)

1. Xuất khẩu RMG sang thị trường Mỹ giảm

Nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ từ 5 nước hàng đầu, trong đó từ Trung Quốc, Campuchia và Việt Nam tăng trong khi nhập khẩu từ Bangladesh và Ấn Độ giảm trong 4 tháng đầu năm 2021.

Theo dữ liệu OTEXA của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4/2021, nhập khẩu hàng may mặc của Hoa Kỳ từ Trung Quốc tăng 19,86% lên 4,66 tỷ USD so với 3,89 tỷ USD trong giai đoạn tương ứng của năm trước, xuất khẩu từ Campuchia và Việt Nam sang Hoa Kỳ cũng tăng lần lượt là 8,91% và 8,56% so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam đã xuất khẩu các mặt hàng may mặc trị giá 4,55 tỷ USD sang Hoa Kỳ từ tháng 1 đến tháng 4/2021, cho thấy sự phục hồi nhanh chóng. Campuchia cũng đã xuất khẩu 1,02 tỷ USD trong giai đoạn này.

Trong bốn tháng đầu năm nay, Bangladesh đã xuất 796,22 triệu mét vuông các mặt hàng may mặc, tăng so với 748 triệu mét vuông trong cùng kỳ năm ngoái.

Các nhà xuất khẩu hàng may mặc đánh giá đại dịch Covid-19 là một nguyên nhân đã làm suy yếu khả năng cạnh tranh xuất khẩu hàng may sẵn RMG của Bangladesh.

Faruque Hassan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA), cho biết theo dữ liệu OTEXA, đơn giá của các mặt hàng may mặc do Bangladesh sản xuất giảm mặc dù lượng hàng xuất khẩu sang Mỹ cao hơn. Ông nói rằng các nhà xuất khẩu Bangladesh đang nhận các đơn đặt hàng thấp hơn chi phí sản xuất để duy trì hoạt động của các nhà máy và duy trì việc làm.

2. Tiềm năng công nghiệp xe máy ở Bangladesh

 Với lưu lượng giao thông và nhu cầu phương tiện giao thông cá nhân ngày càng tăng, nhiều người chọn đi xe hai bánh thay vì ô tô. Ngành công nghiệp này cho thấy tiềm năng lớn với mức tăng trung bình ổn định 60% doanh số bán hàng trong suốt thời gian từ năm 2015 đến 2019.

Hiện tại, có nhiều nhà sản xuất xe máy đáng chú ý đang hoạt động tại thị trường Bangladesh như Bajaj, TVS, Runner, Walton, Hero Honda, Suzuki, Jamuna Automobiles và một vài thương hiệu khác. Bajaj Auto của Ấn Độ đã bắt đầu sản xuất tại Bangladesh từ năm 2015. Tính đến trước đại dịch, Bajaj chiếm thị phần đáng kinh ngạc là 53%, tiếp theo là TVS với 12%, Runner là 8%, Walton là 6%, Hero Honda là 9% và các hãng khác là 12%. Rõ ràng, một trong những thách thức lớn nhất mà ngành này đang phải đối mặt là sự cạnh tranh từ các thương hiệu Ấn Độ hiện đang thống trị thị trường xe máy nước này.

Tuy nhiên, do đại dịch, thị trường xe máy Bangladesh đã sụt giảm, lần đầu tiên trong nhiều năm. Thị trường thu hẹp khoảng 9,3% – từ 550.000 chiếc xuống còn 480.000 chiếc vào năm 2020. Với sự tác động của Covid, thị trường xe máy toàn cầu đã giảm 14% so với năm trước xuống còn 56,5 triệu vào năm 2020. Ấn Độ – doanh số giảm 5 triệu chiếc, Indonesia, Philippines và Việt Nam cũng giảm với lần lượt 2,9 triệu, 0,7 triệu và 0,5 triệu.

Chính phủ Bangladesh đã nhanh chóng có phản ứng trước sự sụt giảm của thị trường. Để giữ ổn định, chính phủ cắt giảm 50% thuế đăng ký phương tiện, có hiệu lực từ tháng 2/2021. Đặc biệt, ngành công nghiệp xe máy còn được hưởng ưu đãi thuế GTGT, mức thấp hơn kể từ năm 2018. Đã có những đề xuất giải pháp với BRTA (Cơ quan Giao thông Đường bộ Bangladesh) đơn giản hóa thủ tục, giảm thiểu phức tạp liên quan đến việc đăng ký phương tiện; các đại lý được phép đăng ký trước, nhưng hiện tại, BRTA chưa thể kích hoạt giải pháp này vì  không có luật nào hỗ trợ việc này. Điều này sẽ khuyến khích người dân mua nhiều xe máy hơn.

Hiện tại, thuế nhập khẩu đối với loại xe máy hai bánh là 45%, làm cho giá cả tổng thể cao hơn đáng kể so với các nước láng giềng. Do đó, các công ty lớn đã thành lập các nhà máy lắp ráp trong nước để giảm chi phí cho người tiêu dùng cuối cùng. Honda Bangladesh đã đầu tư khoảng Tk 4,6 tỉ (khoảng 55 triệu$) trong vài năm qua, đã tác động vào giá của thị trường của xe máy. Ví dụ, một trong những mẫu xe của hãng là Dream 110 có giá bán lẻ khoảng 149.000 Tk (khoảng 1800 $) cách đây 5 năm đã giảm xuống còn 89.000 Tk. Tương tự đối với tất cả các thương hiệu khác.

Xe máy ở Bangladesh vẫn đắt hơn so với các nước trong khu vực, chủ yếu là do không sản xuất được linh kiện trong nước và Bangladesh đang phải nhập khẩu. Chi phí thuế nhập khẩu và vận tải cộng lại nằm trong giá bán lẻ cuối cùng. Runner Automobiles Ltd là nhà sản xuất Bangladesh duy nhất xuất khẩu xe ra nước ngoài nhưng cạnh tranh khó khăn. Theo các chuyên gia thị trường, các nhà sản xuất nên thiết lập các liên kết cục bộ để sản xuất phần lớn các bộ phận và linh kiện trong nước. Phải có các khoản đầu tư vào sản xuất các bộ phận và linh kiện, và chính phủ cần có các biện pháp khuyến khích, nếu không ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung, ngành công nghiệp xe máy riêng sẽ không thể phát triển hết tiềm năng. Và chỉ khi đó các nhà sản xuất Bangladesh mới có thể cạnh tranh về giá trong một thị trường khốc liệt về giá cả.

3. Đầu tư nước ngoài Bangladesh giảm

Theo World Investment Report 2021 (WIR 2021) của UNCTAD được công bố hôm 21/6, dòng vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (FDI) của Bangladesh tiếp tục giảm trong năm 2020. FDI ròng của Bangladesh ra nước ngoài đã giảm xuống còn 12 triệu USD trong năm ngoái (2020), từ 28 triệu USD vào năm 2019. FDI của Bangladesh ra nước ngoài cao nhất là 142 triệu USD trong năm 2017.

WIR 2021 cũng cho thấy, năm 2020, các doanh nghiệp đa quốc gia (MNE) từ các nền kinh tế phát triển đã giảm đầu tư ra nước ngoài 56%, xuống còn 347 tỷ USD. Kết quả là tỷ trọng của khối này trong FDI ra nước ngoài toàn cầu giảm xuống mức thấp kỷ lục 47%. Báo cáo cho biết “Các sự cố do đại dịch COVID-19 trên khắp thế giới đã làm chậm lại các dự án đầu tư hiện có và triển vọng suy thoái khiến các doanh nghiệp đa quốc gia phải đánh giá lại các dự án mới”. Dòng vốn FDI toàn cầu đã bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch, đã giảm 35% vào năm 2020 xuống còn 1 nghìn tỷ USD.

Mặt khác, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Bangladesh ở mức thấp trong lịch sử của Bangladesh, đã giảm 10,8% xuống 2,6 tỷ USD vào năm ngoái (2020), khó có khả năng tăng lên trong tương lai gần vì các cam kết đầu tư vẫn thiếu nhiệt. Các dự án đầu tư được công bố vào năm 2020 cho thấy một dấu hiệu của xu hướng FDI giảm trong vài năm tới. Báo cáo cho biết: “với Bangladesh và Sri Lanka, dòng vốn FDI sẽ mất nhiều thời gian hơn để phục hồi do cam kết đầu tư của các nước này vẫn còn yếu”. Sự thu hẹp này là do đầu tư vào sản xuất hàng may mặc, một ngành xuất khẩu chính và khu vực chính nhận FDI bị giảm. Báo cáo cho biết là đầu tư vào sản xuất hàng may mặc bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong năm 2020 và không có dấu hiệu phục hồi vào đầu năm 2021.

Bangladesh có tiềm năng lớn thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là sản xuất vắc xin. “Kể từ những năm 1980, Bangladesh đã liên tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ phát triển của ngành công nghiệp dược phẩm trong nước. Theo thời gian, các biện pháp này đã giúp cải thiện môi trường sản xuất, bao gồm cả việc cung cấp nhân sự có tay nghề cao và hợp lý hóa các quy định thương mại và công nghiệp”.

Bangladesh, là một quốc gia kém phát triển nhất (LDCs) cho đến năm 2026, được ưu đãi với các bằng sáng chế của các nhà sản xuất thuốc phương Tây cho đến năm 2033, theo thỏa thuận của Tổ chức Thương mại Thế giới. “Trong số các nước LDCs, Bangladesh đã chứng tỏ khả năng sử dụng ưu đãi này khi một trong những công ty dược phẩm của họ, Beximco Pharma, đã tung ra phiên bản thuốc điều trị viêm gan C do Gilead Sciences phát triển vào năm 2015”.  Việc sản xuất vắc-xin COVID-19 cũng sẽ được tận dụng với lợi thế này. Báo cáo cho biết “Thành công của ngành dược phẩm Ấn Độ được cho là nhờ vào việc sử dụng tính linh hoạt này”. Chính phủ Bangladesh đang tích cực thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào ngành dược phẩm, nhà máy khí đốt tự nhiên hóa lỏng, nông nghiệp và fintech.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here