Tin Kinh tế Mỹ

0
55
(Twitter)
(Twitter)

1. Mỹ dự định đầu tư mạnh vào khai thác đất hiếm, nhưng đang gặp trở ngại

Ngày 20/6/2021, Wall Street Journal cho biết khi Mỹ và các đồng minh không muốn dựa vào Trung Quốc và tự tìm các nguồn đất hiếm nhưng họ gặp phải trở ngại lớn là thiếu các công ty và dự án khả thi. Mỹ và các nước phương Tây khác đang gấp rút đảm bảo nguồn cung cấp và năng lực xử lý ở trong nước đối với đất hiếm, lithium và boron, những khoáng chất cần thiết cho các công nghệ đang phát triển như xe điện, vệ tinh và tuabin gió.

Thượng viện vừa thông qua một dự luật lưỡng đảng trị giá 250 tỷ USD nhằm tăng cường chi tiêu của chính phủ vào nghiên cứu và phát triển công nghệ để bắt kịp Trung Quốc. Khoản tiền này bao gồm cả việc đầu tư cho khai thác và chế biến các khoáng sản quan trọng ở trong nước và với các nước đồng minh. Các nhà phân tích cho rằng dự luật là một bước đột phá vì nó rất toàn diện, nhưng vấn đề bây giờ là tìm ra các dự án phù hợp để thực hiện.

Bộ Năng lượng đã đầu tư 19 triệu đô la vào các dự án ở các mỏ than cũ để nghiên cứu khai thác đất hiếm từ chất thải than và tro, những mảnh vụn còn sót lại khi khai thác hoặc đốt nhiên liệu. Năm 2019, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ đã công bố một nghiên cứu kết luận rằng rất khó có thể lấy được đất hiếm từ tro than ở quy mô thương mại và không có đủ khoáng chất trong chất thải than để khai thác.

Phát ngôn viên của Bộ Năng lượng rằng cần ưu tiên cung cấp cho các cộng đồng thiệt thòi tri thức thu hồi đất hiếm và các khoáng sản quan trọng khác từ than và các sản phẩm phụ, đồng thời tạo công ăn việc làm. Lầu Năm Góc và Bộ Năng lượng đã tài trợ cho một số công ty khai khoáng quan trọng, nhưng có thông tin là nhiều công ty nhận tài trợ có mối quan hệ với Trung Quốc hoặc thiếu bề dày kinh nghiệm.

Tháng 11/2020, Lầu Năm Góc cho biết họ sẽ đầu tư 2,3 triệu USD vào công ty TDA Magnetics, có trụ sở tại California. Tuy nhiên, theo một nguồn tin và tài liệu hải quan, TDA không sản xuất nam châm, mà nhập khẩu các khối vật liệu nam châm từ đất hiếm, thường từ Trung Quốc, sau đó chế tạo thành các miếng nam châm tùy chỉnh.  Nam châm đất hiếm có thể là chìa khóa trong phần cứng quân sự, như tên lửa và máy bay, và Mỹ có các quy tắc quản lý nghiêm ngặt nơi các thành phần đó được sản xuất. TDA chia sẻ quyền sở hữu và ít nhất một người quản lý với một công ty khác có tên Tridus Magnetics and Assemblies và công ty này là một liên doanh với một nhà sản xuất nam châm Trung Quốc.

Bộ Quốc phòng từ chối bình luận về bất kỳ mối liên hệ nào với Trung Quốc nhưng nói rằng họ không yêu cầu TDA sản xuất nam châm. Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng cho biết TDA sẽ nghiên cứu và phát triển một chuỗi cung ứng khả thi có khả năng thiết lập và duy trì nguồn cung cấp vật liệu từ đất hiếm ở trong nước và an toàn.

Việc Trung Quốc khai thác và xử lý phần lớn đất hiếm trên thế giới khiến Mỹ khó có thể tránh được Trung Quốc. Ví dụ, Lầu Năm Góc đang tài trợ cho một cơ sở chế biến đất hiếm tại mỏ Mountain Pass ở California. Nhưng công ty Shenghe Resources Holding Co., một công ty do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn, sở hữu khoảng 8% cổ phần của chủ sở hữu mỏ đó.

Trước tình trạng khan hiếm trong nước, Mỹ đang tìm kiếm các quốc gia đồng minh để giúp đỡ việc khai thác và xử lý đất hiếm. Lầu Năm Góc đã tài trợ cho Công ty Lynas Rare Earths Ltd., công ty muốn xây dựng một nhà máy chế biến đất hiếm ở Texas. Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (DFC) đã đầu tư 25 triệu đô la vào TechMet Ltd. có trụ sở tại Ireland cho các dự án tái chế khoáng sản quan trọng.

2. Giá cổ phiếu các công ty công nghệ Mỹ biến động đa chiều

Ngày 20/6/2021, Wall Street Journal đưa tin cổ phiếu của một số công ty công nghệ sẽ tăng trong khi một số khác sẽ giảm trong năm 2021. Trong năm 2020, cổ phiếu của các công ty công nghệ lớn Facebook, Apple, Amazon, Netflix, và công ty mẹ của Google là Aphabet (nhóm công ty này được gọi tắt là FAANG) đều có mức tăng cao, trung bình 16%, do người Mỹ phải chuyển sang làm việc, mua sắm và giao lưu tại nhà. Tuy nhiên, năm nay khi kinh tế hồi phục và tiêm chủng làm giảm đại dịch ở Mỹ, cổ phiếu của các công ty này sẽ không cùng tăng như trước. Các nhà đầu tư đã mở rộng tầm nhìn của họ ra ngoài những cái tên quen thuộc nêu trên.

Trong khi cổ phiếu của Alphabet và Facebook lần lượt tăng 37% và 21%, các công ty khác trong nhóm này tăng chậm hơn. Cổ phiếu của Amazon tăng 7,1%, thấp hơn mức tăng trung bình 11% của các công ty trong S&P 500. Apple và Netflix thậm chí còn tệ hơn, giá cổ phiếu của các công ty này giảm 1,7% và 7,4% trong năm nay.

Hàng trăm công ty trong S&P 500 đã từng bị đại dịch tấn công mạnh nhưng nay đã vượt qua Apple – công ty lớn nhất của Mỹ theo giá trị thị trường, ví dụ công ty du lịch Carnival tăng 30% trong năm, và American Airlines tăng 41%. Các cổ phiếu tăng giá lớn khác hầu hết là các công ty năng lượng. Các công ty công nghệ khác gặp khó khăn trong năm 2020 cũng đang phát triển mạnh, như Cisco Systems tăng 16% và Intel tăng 12%.

Theo các chuyên gia, các nhà đầu tư sẽ không mua các cổ phiếu đắt tiền khi kinh tế phát triển trở lại và lạm phát đang bùng lên khiến Fed phải cân nhắc khả năng tăng lãi suất. Trước đó, Fed cho biết họ dự kiến sẽ tăng lãi suất sớm hơn vào cuối năm 2023.

Các nhà phân tích ước tính lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu của Amazon đã tăng hơn 40% từ cuối tháng 12 đến tuần trước. Nhưng vì giá cổ phiếu của Amazon chỉ tăng 7,1%, nên tỷ lệ giá /thu nhập của cổ phiếu đã giảm từ gần 73 lần xuống còn khoảng 55 lần. Tương tự, tỷ lệ giá/thu nhập của cổ phiếu của Netflix giảm từ gần 60 vào cuối năm 2020 xuống còn khoảng 43 vào tuần trước. Tỷ lệ giá/thu nhập của cổ phiếu của Apple giảm xuống còn khoảng 25 lần từ mức hơn 32 lần vào cuối tháng 12/2020. Xu hướng giảm giá cổ phiếu của các công ty này đã bắt đầu từ tháng 11 khi có tin một số loại vắc xin sắp được đưa ra. Khi đó, các nhà đầu tư đã bắt đầu chuyển dịch đến các cổ phiếu có giá trị thấp và sẽ phát triển nhanh khi đại dịch qua đi.

Trong khi đó, các công ty công nghệ lớn khác như Alphabet và Facebook lại tăng trưởng khi kinh tế mở cửa trở lại do sự tăng vọt về quảng cáo. Lợi nhuận của Facebook trong Quý II đã tăng gần gấp đôi so với một năm trước đó. Trong khi đó, thu nhập của Alphabet tăng hơn gấp đôi. Các chuyên gia cho rằng sự tăng trưởng này là do khi kinh tế mở cửa trở lại thì nhu cầu quảng cáo tăng cao trong khi Facebook và Google là những kênh quảng cáo hiệu quả.

Ngược lại, Netflix khiến các nhà đầu tư thất vọng do tốc độ tăng trưởng thuê bao của họ đã chậm lại khi nền kinh tế mở cửa trở lại. Công ty trực tuyến khổng lồ này đã có thuận lợi trong năm 2020 khi nhiều người bị buộc phải ở nhà và số lượng người đăng ký đã tăng lên 200 triệu trong năm 2020. Nhưng khi kinh tế mở cửa trở lại thì ưu thế này của Netflix không còn nữa.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here