Mục đích của Mỹ trong việc gây áp lực với Việt Nam trong vấn đề thâm hụt thương mại hàng hoá

0
155
(ảnh minh hoạ)

Mục đích của Mỹ trong việc gây áp lực với Việt Nam trong vấn đề thâm hụt thương mại hàng hoá là gì? Đây có lẽ là một trong những câu hỏi cấp thiết, cần được giải đáp trong bối cảnh Mỹ thường xuyên bày tỏ quan ngại đối với tình trạng thâm hụt thương mại hàng hoá với Việt Nam; thậm chí tiến hành điều tra, áp thuế đối với các sản phẩm xuất khẩu, cùng với các cáo buộc về thao túng tiền tệ, trợ giá. Đối với những tổ chức, cá nhân theo quan điểm của Chủ nghĩa Trọng thương, mục đích của các biện pháp này đơn thuần nhằm cải thiện tình trạng thâm hụt thương mại, bảo hộ thị phần của các sản phẩm Hoa Kỳ và bảo vệ việc làm tại thị trường trong nước thông qua việc triển khai các biện pháp thuế quan, phi thuế quan và buộc Việt Nam nhập khẩu nhiều hơn hàng hoá của Mỹ.

Tuy nhiên, bài viết cho rằng mục đích thực sự các biện pháp này nhằm buộc Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của Mỹ trong một số lĩnh vực dịch vụ chủ chốt[1] tiếp cận thị trường Việt Nam, sử dụng thặng dư cán cân thương mại dịch vụ để từng bước cân bằng lại thâm hụt cán cân thương mại hàng hoá; đồng thời, thể hiện nỗ lực của các chính quyền trong vấn đề bảo hộ quyền lợi, thị phần của các doanh nghiệp sản xuất trong nước nhằm phục vụ các vấn đề chính trị – xã hội. Nhận định trên xuất phát từ hệ quả của quá trình phi công nghiệp hoá (deindustrialization) – vốn diễn ra mạnh mẽ tại Mỹ từ những năm 1970, dẫn đến thay đổi toàn bộ cơ cấu nền kinh tế Hoa Kỳ theo hướng “trọng” dịch vụ (đặc biệt là tập trung phát triển lĩnh vực tài chính – ngân hàng), giảm bớt vai trò của ngành công nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất – chế tạo. Quá trình trên, cùng với những thành tựu của cuộc Cách mang Công nghiệp 4.0 và quá trình toàn cầu hoá khiến cho vấn đề thất nghiệp đối với nhóm lao động phổ thông tại Mỹ trở nên nghiêm trọng, buộc Chính quyền phải thể hiện nỗ lực để giải quyết tình trạng trên.

  1. Quá trình phi công nghiệp hoá tại Mỹ

Quá trình phi công nghiệp hoá diễn ra mạnh mẽ tại  kể từ những năm 1970 được cho là động lực chính thay đổi kết cấu của toàn bộ nền kinh tế Hoa Kỳ theo hướng tập trung phát triển, mở rộng các lĩnh vực dịch vụ, thay vì tập trung đầu tư mở rộng lĩnh vực sản xuất – chế tạo[2]. Đây là quá trình tất yếu, được cho là bắt nguồn từ 02 nguyên nhân chính, gồm (i) sự gia tăng về thu nhập bình quân và thay đổi nhu cầu của người dân; (ii) sự phát triển về khoa học – công nghệ trong lĩnh vực sản xuất – chế tạo (Przywara, 2017). Sự gia tăng thu nhập bình quân quyết định nhu cầu tiêu dùng trong các hộ gia đình; theo đó, trong giai đoạn phát triển trước 1970, chi tiêu tại các hộ gia đình chủ yếu phục vụ những nhu cầu cơ bản (như chi phí nhà cửa, sinh hoạt, bảo hiểm). Khi thu nhập gia tăng, tỉ lệ phần trăm thu nhập dành cho các nhu cầu cơ bản giảm xuống, trong khi tỉ lệ của các khoản chi dành cho các hoạt động dịch vụ, giải trí gia tăng (là động lực để phát triển và tạo thêm việc làm trong các lĩnh vực dịch vụ). Quá trình phi công nghiệp hoá cũng được định hình, đẩy mạnh nhờ sự phát triển khoa học công nghệ (đặc biệt là công nghệ tự động hoá, dây chuyển sản xuất), tạo điều kiện để nâng cao năng suất lao động, đẩy nhanh tốc độ tích luỹ tư bản, dẫn đến sự suy giảm về nhu cầu đối với các vị trí việc làm phổ thông trong lĩnh vực sản xuất – chế tạo, dẫn đến suy giảm số lượng việc làm phổ thông (Bloom, McKenna và Prettner, 2018; Frey và Osborne, 2017).

Xu hướng này dẫn đến sự thay đổi đáng kể trong cơ cấu kinh tế của Mỹ. Đến năm 2020, theo thống kê, ngành dịch vụ đóng góp trên 70% vào tổng GDP của Hoa Kỳ, với 05 lĩnh vực chủ chốt, gồm tài chính – ngân hàng, dịch vụ liên quan đến bất động sản, truyền thông, vận tải và công nghệ; trong đó, chỉ riêng lĩnh vực tài chính – ngân hàng, bảo hiểm và dịch vụ liên quan đến bất động sản đóng góp khoảng 22% vào tổng giá trị GDP nước này (Statista, n.d.).

Vấn đề nằm ở chỗ tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ, đặc biệt là lĩnh vực tài chính – ngân hàng và bảo hiểm được cho là tỉ lệ nghịch với tốc độ tăng trưởng năng suât lao động (Cecchetti và Kharroubi, 2015), số lượng việc làm đối với nhóm lao động phổ thông và tạo ra những nguy cơ đối với “kinh tế thực”. Nguyên nhân là do để tạo ra lợi nhuận, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất – kinh doanh cần thường xuyên nâng cao năng suất lao động, tạo ra sản phẩm mới thông qua việc đầu tư cho công tác nghiên cứu và phát triển công nghệ (R&D); tuyển dụng, đào tạo nhân sự; cải thiện phương thức quản lý và xây dựng kết cấu hạ tầng – vốn cần nhiều thời gian, nguồn lực và có tính rủi ro cao. Ngược lại, khi đầu tư vào lĩnh vực tài chính – ngân hàng, các doanh nghiệp có thể “dễ dàng” tạo ra lợi nhuận (thông qua thu lợi từ mức chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay; tiếp nhận, phát mại tài sản thế chấp; mua – bán nợ; đầu tư trực tiếp, mua cổ phần tại các dự án, doanh nghiệp; chứng khoán hoá các dự án đầu tư) bằng việc tăng cường huy động vốn. Trong trường hợp kinh doanh thua lỗ, các tổ chức tài chính cũng là đối tượng được Chính phủ Hoa Kỳ ưu tiên cung cấp tín dụng với nhiều ưu đãi nhằm tránh tình trạng sụp đổ của toàn bộ nền kinh tế, dẫn đến việc nhóm này có xu hướng nới lỏng các điều kiện cho vay, bất chấp rủi ro (risk-taking attitude) trong quá trình kinh doanh để tối đa hoá lợi nhuận. Thực trạng này khiến ngay cả các tập đoàn gia hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất – chế tạo (như Ford, Roll Royce, General Electrics) cũng tập trung huy động nguồn vốn tái đầu tư để mở rộng lĩnh vực cho vay cá nhân, đầu tư, dịch vụ hậu mãi thay vì tập trung nghiên cứu phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất lao động (Massucato, 2018).

Vì sao Chính phủ Mỹ không thực hiện các biện pháp siết chặt đối với các lĩnh vực tài chính – ngân hàng nhằm cân bằng lại cơ cấu kinh tế? Bài viết cho rằng, Chính phủ Mỹ khó có thể thực hiện các biện pháp trên do (i) Mô hình kinh tế tự do tại Mỹ và (ii) Tác động của các biện pháp vận động hành lang. Việc Mỹ nới lỏng các biện pháp quản lý kinh tế thông qua giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; thúc đẩy tiến tình tư nhân hoá các doanh nghiệp nhà nước; “độc lập hoá” Ngân hàng Trung ương (Cục Dự trữ Liên bang) đã khiến Chính phủ mất đi công cụ để hoạch định, triển khai, điều chỉnh đồng bộ chính sách tiền tệ để phù hợp với nhu cầu, ưu tiên phát triển ngành, lĩnh vực trong từng giai đoạn phát triển. Các chính sách nới lỏng này tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại đẩy nhanh tốc độ huy động vốn, mở rộng hoạt động kinh doanh và trở thành các “Ngân hàng Trung ương” trong thị trường do quy mô ngày một tăng của các khoản nợ của ngân hàng đối với các hộ gia đình, tổ chức kinh tế và cả Chính phủ Liên bang (nói cách khác, các ngân hàng thương mại mới là các chủ thể điều tiết, định hình và chi phối thị trường tài chính nước này), từng bước làm giảm vai trò điều tiết của Cục Dự trữ Liên bang và hiệu quả của các chính sách tiền tệ vĩ mô (Massucato, 2018).

Cũng bởi lý do trên, việc thay đổi, làm chậm quá trình phi công nghiệp hoá tại Mỹ hoặc thắt chặt các biện pháp quản lý tiền tệ được cho là “bất khả thi”. Với nguồn lực trên 500 triệu USD/năm (The Economist, 2019), nhóm vận động cho lĩnh vực tài chính – ngân hàng tạo ra các rào cản đối với những nỗ lực của Chính phủ nhằm siết chặt quản lý đối với lĩnh vực này. Theo một số đánh giá, các nhóm này được đánh giá là đã  thành công trong việc ngăn cản bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào theo hướng siết chặt các quy định quản lý đối với hoạt động kinh tế, thay đổi danh mục ưu tiên trong chi tiêu công và rộng hơn là thay đổi toàn bộ cơ cấu kinh tế của Mỹ (Mahbubani, 2020).

Có thể nói, những thành tố trên đã góp phần khởi động, đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá tại Mỹ, tạo ra môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp có nguồn lực và ảnh hưởng lớn tối đa hoá lợi nhuận thông qua tăng cường đầu tư lĩnh vực tài chính ngân hàng. Tình trạng này không những tạo nên áp lực đối với toàn bộ nền “kinh tế thực”, năng suất lao động (do sự thay đổi về ưu tiên trong danh mục tái đầu tư) mà còn gây nên nguy cơ đối với vấn đề việc làm trong lĩnh vực sản xuất – chế tạo (Balli và Tekeoglu, 2020) và một số lĩnh vực dịch vụ. Vấn đề việc làm đối với nhóm lao động phổ thông càng trở nên cấp bách do sự sụt giảm về khả năng tiếp cận chương trình đào tạo từ phía lao động và quy mô, ảnh hưởng của các công đoàn lao động trong nội bộ các doanh nghiệp (Fadulu, 2019).

Điều này không có nghĩa là tỉ lệ có việc làm trong nhóm lao động phổ thông hoạt động trong ngành dịch vụ sẽ gia tăng tại Mỹ; ngược lại, số lượng việc làm này cũng có xu hướng giảm do tác động của Cách mạng Công nghiệp 4.0 và quá trình toàn cầu/khu vực hoá. Những thành tựu khoa học của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 được cho là gây nên tác động không nhỏ đối với nhóm lao động phổ thông trong ngành dịch vụ tại Mỹ do (i) giúp nâng cao suất lao động thông qua việc thay thế nhiều vị trí việc làm (nhất là các vị trí chỉ yêu cầu lao động phổ thông), thay vì áp dụng công nghệ để nâng cao năng suất lao động; tạo thêm vị trí việc làm bằng việc nghiên cứu ra sản phẩm, loại hình kinh doanh mới thâm dụng lao động (Schwab, 2016); (ii) thay đổi trong thói quen của người tiêu dùng bằng việc xây dựng các nền tảng mua sắm trực tuyến (với thời gian vận chuyển ngắn, chi phí thấp và nhiều ưu đãi) để khách hàng mua hàng tại nhà thay vì mua trực tiếp  tại các cửa hàng truyền thống. Xu hướng này dẫn đến tình trạng đóng cửa, phá sản hàng loạt đối với các doanh nghiệp, cửa hàng hoạt động trong ngành dịch vụ, đặc biệt là lĩnh vực bán lẻ – lĩnh vực được cho là thâm dụng lao động (Tabuchi, 2016; Loeb, 2020; Wahba, 2021; Thomas, 2021)[4]; (iii) thay đổi yêu cầu đối với vị trí việc làm truyền thống (yêu cầu “lao động thích nghi” thay vì “lao động chuyên môn hoá”). Do sự phát triển hiện đại của khoa học công nghệ, các doanh nghiệp lớn tại Hoa Kỳ có xu hướng yêu cầu lao động có khả năng đảm đương, thực hiện cùng lúc nhiều vị trí việc làm (để cắt giảm chi phí),  khiến nhiều lao động không đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh mới (WEF, 2016).

Quá trình toàn cầu, khu vực hoá cũng được cho là tác động tiêu cực đến vấn đề việc làm do các tập đoàn đa quốc gia chuyển một phần công đoạn sản xuất – kinh doanh sang các quốc gia đang phát triển để tối đa hoá lợi nhuận. Trên thực tế, các doanh nghiệp có xu hướng tìm kiếm các thị trường có xu hướng thắt chặt các quy định về quyền sở hữu tài sản, bảo vệ quyền lợi và không phân biệt đối xử với nhà đầu tư nước ngoài (Liu, 2019); nhưng nới lỏng các quy định về điều kiện lao động, chất lượng sản phẩm, tổ chức công đoàn; chi phí nguyên liệu, năng lượng, thuê đất và lao động cạnh tranh để đầu tư, chuyển một phần công đoạn sản xuất – kinh doanh[5] (điểm đến thường là các quốc gia đang phát triển khu vực Đông Âu, Đông – Nam Á và Nam Mỹ). Vấn đề này không những được cho là tạo nên tác động tiêu cực đối với số lượng việc làm phổ thông tại Hoa Kỳ, mà còn góp phần khiến cho mức lương trung bình của nhóm lao động trên không tăng so với mức vào những năm 1960 , xuất phát áp lực cạnh tranh về chi phí nhân công của các chủ nhà máy, công xưởng tại Hoa Kỳ với nhà máy tại các quốc gia đang phát triển.

Những thành tựu của Cách mạng Công nghiệp 4.0 và quá trình toàn cầu/khu vực hoá được cho tạo ra tình trạng thất nghiệp, bất bình đẳng, sự suy giảm về thu nhập của nhóm lao động phổ thông[6]; đồng thời tạo thêm nhiều vị trí việc làm mới (như free-lancer, lái xe công nghệ, KOL). Mặc dù vậy, thất nghiệp đối với nhóm lao động phổ thông vẫn được coi là vấn đề cấp thiết đối với các chính quyền Mỹ do (i) hệ quả về mặt chính trị – xã hội và (ii) bất bình đẳng về vấn đề tiếp cận giáo dục. Tỉ lệ thất nghiệp không chỉ đơn thuần là một thành tố kinh tế, mà còn là một trong những nhân tố quyết định để đánh giá mức độ tín nhiệm của chính quyền sở tại (yếu tố quyết định sự thành bại của các kỳ vận động tranh cử tiếp theo của các nhân, đảng cầm quyền); thậm chí, trong trường hợp không kiểm soát được tỉ lệ thất nghiệp, Mỹ có nguy cơ đối mặt với tình trạng biểu tình, bạo loạn, lật đổ (tiêu biểu như các cuộc biểu tình diễn ra vào các năm 2008, 2011, 2016 xuất phát từ sự yếu kém trong việc điều hành kinh tế của Chính phủ). Thêm vào đó, ngay cả khi tạo ra việc làm mới, một bộ phận của nhóm lao động phổ thông cũng khó có khả năng tiếp cận với công việc mới nêu trên do sự hạn chế về khả năng tiếp cận giáo dục do học phí của các chương trình đào tạo bậc cao đẳng, đại học trở lên ngày một tăng, nhanh hơn gấp nhiều lần so với thu nhập trung bình của nhóm lao động phổ thông.

  1. Vấn đề thâm hụt thương mại hàng hoá Việt – Mỹ

Với việc duy trì tình hình chính trị – xã hội ổn định; đàm phán, ký kết, thực thi 16 Hiệp định thương mại tự do ở cả cấp độ song và đa phương; tăng cường đầu tư vào lĩnh vực giáo dục – đào tạo, xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng và cải cách thủ tục hành chính, Việt Nam được đánh giá là một trong những “điểm sáng” trong thu hút đầu tư nước ngoài tại khu vực. Trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam ghi nhận tổng cộng trên 160 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký, tăng khoảng 75% so với giai đoạn 2011-2015 (Cục Đầu tư nước ngoài, 2021). Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là “chất xúc tác” góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân. Ở góc độ vi mô, dòng vốn này tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tiếp nhận phương thức quản lý, kinh nghiệm sản xuất, công nghệ mới và nguồn vốn; tạo động lực để nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ thị phần và thu hút lao động chất lượng cao, tạo tiền đề để các doanh nghiệp hội nhập quốc tế, đầu tư ra nước ngoài.

Tuy nhiên, mặt không thuận của thành công đối với công tác thu hút đầu tư nước ngoài là khiến cho vấn đề thâm hụt thương mại Việt – Mỹ thêm nghiêm trọng. Trong bối cảnh tình hình chính trị – xã hội và dịch bệnh diễn biến đặc biệt bất ổn, gây nên tình trạng gián đoạn, đứt gãy các chuỗi cung ứng, các công ty (đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ) có xu hướng đẩy nhanh hơn nữa chiến lược đa dạng hoá chuỗi cung ứng nhằm giảm thiểu rủi ro, tránh sự phụ thuộc quá mức vào nguồn cung nguyên liệu đến từ Trung Quốc. Với những lợi thế trên và khả năng kiểm soát dịch bệnh tương đối tốt, Việt Nam được lựa chọn là một trong những điểm đến đầu tư lý tưởng. Trong khi đó, dòng vốn này vẫn chủ yếu “đổ” vào lĩnh vực công nghiệp sản xuất – chế tạo (Thuý Hiền, 2020), khiến cho tổng giá trị xuất khẩu của một số sản phẩm mũi nhọn sang Mỹ tăng đột biến (như dệt may, da giày, linh kiện và thiết bị điện tử, thép).

Tình trạng này buộc chính quyền Mỹ phải có các biện pháp nhằm giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại và thể hiện nỗ lực của chính phủ nhằm đưa một số công đoạn sản xuất – chế tạo từ Việt Nam và các quốc gia thứ ba về Hoa Kỳ. Bài viết cho rằng, Mỹ cũng “nhận thức” được những lợi thế của Việt Nam và các quốc gia đang phát triển về chi phí, khả năng tiếp cận thị trường[7], tỉ giá hối đoái (thấp hơn so với đồng USD), cũng như tương quan về trình độ phát triển, nên việc khuyến khích, ép buộc các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trên quay trở lại Mỹ dường như là “bất khả thi” (ngay cả khi gây áp lực bằng các biện pháp điều tra, áp thuế)[8].

Thay vào đó, để giải quyết dứt điểm tình trạng này, Mỹ có lẽ đã lựa chọn phương án gây sức ép, buộc Việt Nam thay đổi hành lang pháp lý trong nước theo hướng thắt chặt các quy định về sở hữu trí tuệ, nới lỏng quy định về quản lý và kiểm duyệt nội dung, thông tin và chuyển lợi nhuận về nước để các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ (đặc biệt là tài chính – ngân hàng, thương mại điện tử, quảng cáo) tiếp cận thị trường Việt Nam. Bằng chứng là, Mỹ đã nhiều lần nêu nội dung trên ở cả cấp độ song phương (trong các cuộc họp báo, tiếp xúc, công bố chính thức) và cấp độ đa phương (tại Hội đồng Thương mại dịch vụ, Hội đồng thương mại dịch vụ tài chính trong khuôn khổ WTO); đồng thời thể hiện quyết tâm thúc đẩy sự phát triển, liên kết kinh tế số trong năm 2021 (USTR, 2021). Trong ngắn hạn, việc ngành dịch vụ (đặc biệt là lĩnh vực tài chính – ngân hàng) tiếp cận được thị trường Việt Nam có thể giúp Mỹ từng bước cân bằng lại tình trạng thâm hụt thương mại hàng hoá thông qua thặng dư cán cân thương mại dịch vụ, xuất phát từ lợi thế cạnh tranh về quy mô của lĩnh vực này so với Việt Nam; trong dài hạn, có thể giúp Mỹ từng bước làm giảm tình trạng thâm hụt thương mại hàng hoá thông qua các sự can thiệp hoạt động tài chính tại thị trường Việt Nam, góp phần can thiệp vào tỉ giá hối đoái trong nước. Ở góc độ chính trị – xã hội, bước đi này cũng giúp các chính quyền Mỹ thể hiện nỗ lực trong việc giành lại quyền và lợi ích cho cử tri thuộc nhóm lao động phổ thông tại đây (hiện chiếm trên 60%) nhằm phục vụ các mục đích bầu cử, đánh giá tín nhiệm./.

Vũ Đức Trung

[1] Gồm đầu tư, bảo hiểm, tài chính – ngân hàng và thương mại điện tử

[2] Theo số liệu của World Bank, tổng giá trị của lĩnh vực sản xuất – chế tạo đóng góp vào GDP của Hoa Kỳ giảm từ mức 16% vào năm 1998 xuống mức 11,2% vào năm 2018; trong khi tổng giá trị của ngành dịch vụ đóng góp vào GDP tăng từ mức 71,8% vào năm 1998 lên mức 76,9% vào năm 2018.

[3] Đại dịch Covid-19, các biện pháp giãn cách xã hội và các gói hỗ trợ kinh tế từ phía chính phủ Mỹ càng khiến cho số lượng người thất nghiệp không có thay đổi đáng kể, xuất phát tâm lý sợ bị lâm nhiễm của người lao động và giá trị của các gói hỗ trợ kinh tế (cao hơn so với bình quân thu nhập từ các công việc phổ thông), vô hình chung khiến người lao động không muốn tham gia thị trường lao động ngay cả khi có nhiều vị trí việc làm (The Economist, 2021). Tuy nhiên, các tác động này không phải là xu hướng mang tính dài hạn, vì vậy bài viết sẽ không tập trung đi sâu phân tích tác động của những yếu tố trên đối với vấn đề việc làm tại nước này.

[5] Trên thực tế, khó có thể đánh giá chính xác tác động của việc các công ty chuyển một phần công đoạn sản xuất – kinh doanh ra nước ngoài đối với vấn đề việc làm sở tại do vấn đề thất nghiệp có thể là hệ quả của sự thay đổi trong hàng loạt chính sách kinh tế (như điều chỉnh lãi suất ngắn, dài hạn; tỉ giá nội tệ, thuế thu nhập doanh nghiệp) và các vấn đề xã hội khác như bất ổn chính trị, thiên tai, dịch bệnh. Mặc dù vậy, bài viết cho rằng thực trạng trên tại các tập đoàn đa quốc gia cũng có những tác động tiêu cực nhất định đối với vấn đề việc làm tại Hoa Kỳ, xuất phát từ thặng dư tỉ suất lợi nhuận đến từ các quốc gia (đang phát triển) tiếp nhận đầu tư.

[6] Sự huỷ diệt mang tính sáng tạo – “creative destruction” (Schumpeter, 1950).

[7] Do Việt Nam vẫn được đánh giá là quốc gia đang phát triển, được hưởng nhiều ưu đãi về thuế theo quy định của WTO.

[8] Theo một số báo cáo năm 2020 – giai đoạn mà Cuộc chiến Thương mại Mỹ – Trung được cho là đỉnh điểm, trên 80% doanh nghiệp Mỹ được phỏng vấn cho biết không có ý định đưa các doanh nghiệp quay trở lại Mỹ do tỉ suất lợi nhuận và quy mô thị trường tại Trung Quốc và một số khu vực đang phát triển khác.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here