Khi một số quốc gia Mỹ Latinh tiếp tục chiến đấu với đại dịch COVID-19, nhiều nước cũng đang cân nhắc xem họ sẽ trả những khoản nợ nần gia tăng đáng kể trong thời kỳ đại dịch như thế nào. Tỷ lệ nợ trên GDP của khu vực Mỹ Latinh và Caribe đã tăng từ 68,9% vào năm 2019 lên ước tính 79,3% vào năm 2020, khiến khu vực này trở thành khu vực mắc nợ nhiều nhất trong số các quốc gia đang phát triển.
Tuần này, Argentina đã kích hoạt thời gian gia hạn 60 ngày để cố gắng đạt được thỏa thuận về khoản nợ với Câu lạc bộ Paris. Argentina cũng như các nước Mỹ Latinh khác như Colombia và Costa Rica đã phải đối mặt với sự phản kháng của công chúng đối với các chương trình trước đại dịch của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm cắt giảm chi tiêu. Tuy nhiên, việc cắt giảm chi tiêu có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề đã đẩy 22 triệu người Mỹ Latinh vào cảnh nghèo đói vào năm 2020. Trong khi đó, các chuyển đổi xanh cần thiết để đáp ứng các cam kết của Hiệp định Paris đòi hỏi nhiều chi tiêu công hơn. Sự phục hồi chậm trễ ở các nước thu nhập thấp và trung bình có thể trở thành lực cản đối với toàn bộ nền kinh tế toàn cầu.
IMF đặc biệt có ảnh hưởng đối với các quốc gia mắc nợ dễ bị tổn thương trong khu vực. Qũy này đã cho các nước Mỹ Latinh vay lên tới 66 tỷ đô la trong thời kỳ đại dịch. IMF cho biết các khoản vay COVID-19 dựa trên kỳ vọng rằng các quốc gia sẽ ưu tiên chi tiêu cho các vấn đề như y tế, hỗ trợ những người dễ bị tổn thương và biến đổi khí hậu. IMF dự kiến hầu hết các nước Mỹ Latinh sẽ bắt đầu cắt giảm chi tiêu công tổng thể từ đầu năm nay và tiếp tục như vậy cho đến ít nhất là năm 2026.
Về nợ song phương, Trung Quốc đã đồng ý hợp tác với Câu lạc bộ Paris như một phần của thỏa thuận G-20 để đình chỉ nợ cho 73 quốc gia thu nhập thấp và xây dựng một khuôn khổ chung để tái cơ cấu nợ. Đây có thể là một bước quan trọng nhằm hướng tới sự minh bạch hơn đối với các khoản vay của Trung Quốc.
Về trái chủ tư nhân, theo Ngân hàng Thế giới, vào trước đại dịch, hơn một nửa nợ công nước ngoài của Mỹ Latinh là của các trái chủ tư nhân. Các trái chủ không bị ràng buộc theo bất kỳ cách nào để đình chỉ hoặc cơ cấu lại các khoản nợ theo khuôn khổ chung của G-20, mặc dù IMF đã kêu gọi họ làm như vậy. Argentina, Belize, Ecuador và Suriname đã cơ cấu lại nợ trái chủ tư nhân kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Các biện pháp giảm nợ được mô tả ở trên vẫn không thay đổi và không giải quyết được áp lực nợ ở Mỹ Latinh. Một biện pháp quan trọng nữa đang được triển khai là khả năng phê duyệt 650 tỷ đô la trong Quyền rút vốn đặc biệt của IMF, các khoản dự trữ có thể được chuyển đổi sang tiền tệ. Ngoài ra, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới Carmen Reinhart cho biết bà hy vọng khuôn khổ tái cơ cấu G-20 sẽ được mở rộng cho các nước có thu nhập trung bình.
Nhiều đề xuất đã được đưa ra, đặc biệt là sau khi các nhà hoạch định chính sách thấy sự hiệu quả của việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ áp dụng hạn mức tín dụng chéo để hỗ trợ một số ngân hàng trung ương và các nền kinh tế khi đại dịch bùng phát (Ở Mỹ Latinh, Mexico và Brazil được hưởng lợi. Ở nhiều nước không được lợi, vốn ồ ạt chảy ra ngoài). Cựu giám đốc tài chính quốc tế của Cục Dự trữ Liên bang Edwin Truman đề xuất một mạng lưới hoán đổi ngân hàng trung ương nhằm tạm thời tăng khả năng cho vay của IMF. Costa Rica đã đề xuất một quỹ khẩn cấp do các nước phát triển tài trợ, cung cấp các khoản vay 50 năm miễn các điều kiện tài chính và tiền tệ. Một số quốc gia vùng Caribe đã đề xuất giảm nợ để đổi lấy các bước hướng tới thích ứng với biến đổi khí hậu và “các điều khoản về bão” nhằm điều chỉnh việc trả nợ sau các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico)