Tin Kinh tế Mỹ

0
107
(Twitter)
(Twitter)

1. Số việc làm mới trong tháng 5/2021 đã cải thiện, song chưa đủ để FED tiến hành cắt giảm các biện pháp hỗ trợ

Ngày 04/06/2021, CNBC dẫn thông báo của Bộ Lao động Mỹ cho biết nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm được 559.000 việc làm mới trong tháng 5/2021, thấp hơn so với mức kỳ vọng là 671.000 việc làm. Cũng theo báo cáo, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống 5,8% từ mức 6,1% trong tháng 4/2021. Theo các chuyên gia, đây là một con số không đủ mạnh để FED suy nghĩ về việc cắt giảm các biện pháp hỗ trợ như giảm mua trái phiếu; song cũng không phải là một con số quá thấp để có thể nghi ngờ về tiến trình phục hồi của kinh tế Mỹ.

Trưởng bộ phận chiến lược toàn cầu của Trung tâm NatWest Markets, ông John Briggs cho rằng tình hình kinh tế đang ở mức ổn và tiến triển tốt hơn so với tháng trước, song cũng cảnh báo về các tác động của chỉ số tiêu dùng CPI sẽ được công bố vào tuần tới. Các dữ liệu như chỉ số CPI tháng 4 cho thấy khả năng lạm phát sẽ cao hơn mức dự kiến. Điều này đang làm lan tỏa các suy đoán việc FED sẽ nới lỏng các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế.

Một số nhà chiến lược kỳ vọng ngân hàng trung ương có thể sẵn sàng thảo luận về việc cắt giảm mua trái phiếu vào thời điểm tổ chức cuộc họp tại Hội nghị kinh tế Jackson Hole của FED vào cuối tháng 8/2021. Song một số nhà phân tích thị trường dự đoán khả năng FED sẽ đưa vấn đề này thảo luận tại cuộc họp giữa tháng 6/2021 nếu báo cáo việc làm lần này tiếp tục có tín hiệu tích cực.

Nhà kinh tế học Thomas Simons của trung tâm Jefferies cho biết số liệu tháng 05 phù hợp với các chỉ số khác về tình trạng thiếu lao động mà giới đánh giá đã đưa ra thời gian gần đây, cho rằng chỉ số sẽ được cải thiện khi các chương trình trợ cấp thất nghiệp đặc biệt kết thúc vào cuối mùa hè. Nhà kinh tế trưởng tại trung tâm Barclays, ông Michael Gapen lại tỏ lạc quan hơn, cho rằng chỉ số gần với dự đoán của ông, song vẫn tỏ quan ngại về khả năng thuyết phục người lao động trở lại thị trường việc làm và dự báo quá trình này sẽ diễn ra trong ít nhất 02 đến 03 tháng. Vì vậy, nhiều khả năng nếu cuộc họp tháng 06 của FED tập trung vào các biện pháp hành động sớm hơn dự kiến thì cũng sẽ không có nhiều tiến triển, kể cả khi chỉ số CPI sắp tới bật đèn xanh cho một hành động tương tự như vậy.

2. Việc G7 nhất trí về mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% có thể định hình lại nghĩa vụ thuế của các tập đoàn đa quốc gia

Ngày 05/6/2021, the Washington Post dẫn tin cho biết, tại cuộc họp ở London (Anh), các nước G7 đã công bố thỏa thuận lịch sử nhằm thiết lập mức thuế doanh nghiệp tối thiểu trên phạm vi toàn cầu, thực hiện bước đi đầu tiên nhằm đảo ngược sự sụt giảm về việc đóng thuế của các tập đoàn đa quốc gia trong suốt 04 thập kỷ qua. Đây được xem là một bước đột phá lớn đối với Chính quyền Biden trong nỗ lực theo đuổi việc đưa ra mức sàn với các loại thuế mà các tập đoàn đa quốc gia trên toàn thế giới phải trả.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen phát biểu tại cuộc họp đã khẳng định Mỹ cần làm việc với các nước khác nhằm ngăn chặn các tập đoàn chuyển trụ sở sang một địa điểm khác nhằm hưởng mức thuế ít hơn, điều đã khiến mức thu thuế từ nhóm này đã giảm đáng kể trong suốt 40 năm qua. Bà Yellen khẳng định các Bộ trưởng Tài chính G7 đã đưa ra một cam kết quan trọng giúp tạo động lực to lớn hướng tới đạt mức thuế toàn cầu tối thiểu mạnh mẽ từ 15%. Mức thuế này sẽ chấm dứt cuộc chạy đua giảm thuế doanh nghiệp, đảm bảo công bằng cho tầng lớp trung lưu và người lao động tại Mỹ cũng như trên toàn thế giới. Bộ trưởng Yellen cũng cho rằng thỏa thuận này cũng phản ánh sự hồi sinh trong hợp tác đa phương vốn không được chú trọng dưới thời Tổng thống Trump.

Theo thỏa thuận, Mỹ dự kiến sẽ từ bỏ một số quyền đánh thuế lợi nhuận ngoài nước của một số tập đoàn công nghệ hàng đầu có trụ sở tại Mỹ. Thỏa thuận này cũng cho phép các nước đánh thuế lợi nhuận đối với các tập đoàn đa quốc gia có lợi nhuận cao nhất lên tới mức 20%. Dù không chỉ đích danh, song quyết định cho thấy các nước Châu Âu sẽ thúc đẩy đánh thuế với hoạt động của các công ty như Apple và Amazon tại các nước này.

Về phản ứng trong nước, nhiều nghị sỹ đảng Cộng hòa đã chỉ trích quyết định này của Chính quyền Biden, cho rằng động thái sẽ khiến các công ty Mỹ chuyển ra nước ngoài, làm tổn hại đến việc làm và đầu tư tại Mỹ. Tuy nhiên, Nhà Trắng lại có lập luận khác, cho rằng thỏa thuận thuế quốc tế giúp Chính quyền có thể nâng thuế suất trong nước mà không đẩy các công ty đa quốc gia ra nước ngoài, do theo thỏa thuận thì các công ty này vẫn sẽ phải nộp mức thuế tối thiểu.

Theo Washington Post, thỏa thuận về thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu là bước mở đầu trong các nỗ lực nhằm thay đổi hệ thống luật thuế quốc tế. Các nhà đàm phán đang kỳ vọng sẽ đạt được thỏa thuận về thuế kỹ thuật số toàn cầu mới tại cuộc họp các nhà lãnh đạo G20 tại Ý vào tháng 07/2021 sắp tới.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here