Doanh nghiệp Việt tại sao vẫn hạn chế hưởng lợi từ các ưu đãi của CPTPP?

0
74
Ảnh minh họa

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một hiệp định thương mại tự do giữa 11 quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương: Australia, Brunei Darussalam, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Được ký vào ngày 8/3/2018 và có hiệu lực vào ngày 30/12/2018, sau khi đa số các bên ký kết phê chuẩn hiệp định. Hiệp định này ràng buộc các thành viên, đại diện cho khoảng 13,5% thương mại hàng hóa toàn cầu, với 30 chương giúp cho việc tiếp cận đầu tư và thương mại tự do hơn.

Hiệp định CPTPP được đánh giá tác động tích cực tới xuất khẩu hàng Việt, đồng thời giúp Việt Nam có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn. Về cơ bản, những cam kết xóa bỏ thuế quan mạnh mẽ của CPTPP đã góp phần tạo ra những tác động tích cực trong việc thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu.

Dự kiến, với mức độ cam kết sâu rộng trong Hiệp định CTPPP, trong bối cảnh các điều kiệnHiệp  kinh tế căn bản được giữ nguyên, Ngân hàng Thế giới (WB) tính toán xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ tăng thêm 4,2%; và với giả định có sự tăng trưởng về năng suất, mức tăng xuất khẩu sẽ là 6,9% vào năm 2030.

Bên cạnh đó, việc có quan hệ FTA với các nước CPTPP sẽ giúp Việt Nam có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn (hiện đang dựa quá nhiều vào các thị trường tại Đông Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước ASEAN. Đây là yếu tố then chốt giúp Việt Nam nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế.

Theo khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), CPTPP là hiệp định thương mại tự do được doanh nghiệp biết đến nhiều nhất ở Việt Nam, với 69% doanh nghiệp từng nghe nói hoặc hiểu biết sơ bộ. 5 doanh nghiệp được hỏi thì có 1 doanh nghiệp cho biết có hiểu biết nhất định về các cam kết của Hiệp định CPTPP. Tuy nhiên, trong số 20 doanh nghiệp được hỏi thì chỉ có duy nhất 1 doanh nghiệp biết rõ về các cam kết của Hiệp định CPTPP liên quan tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mình.

Đánh giá trong nhóm các doanh nghiệp về mức độ hiểu biết các cam kết Hiệp định CPTPP cũng không đồng đều. Cụ thể, các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài có tỷ lệ hiểu biết về Hiệp định CPTPP cao nhất chiếm 29,7%, tiếp đến là các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước có tỷ lệ 27,3%. Các doanh nghiệp dân doanh thuộc nhóm ít hiểu biết về CPTPP nhất cũng đạt được mức 22,6%.

Mặc dù, đa số các doanh nghiệp tham gia khảo sát của VCCI đều đánh giá tích cực về tác động chung của Hiệp định CPTPP nhưng chỉ có 24,7% doanh nghiệp Việt cho biết đã từng được hưởng các lợi ích cụ thể từ hiệp định này. Nói cách khác, trong 4 doanh nghiệp được hỏi thì có tới 3 doanh nghiệp chưa nhận được lợi ích trực tiếp từ Hiệp định CPTPP ngoài các tác động chung.

Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) là nhóm nhận được nhiều lợi ích từ Hiệp định CPTPP nhất trong việc thúc đẩy hợp tác, liên kết với đối tác nước ngoài. Các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước chưa được hưởng lợi ích nào từ Hiệp định CPTPP liên quan tới việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tham gia các gói thầu mua sắm công ở các thị trường Hiệp định CPTPP hay liên kết, hợp tác với đối tác nước ngoài. Song song đó, các doanh nghiệp dân doanh bày tỏ sự hưởng ứng với những thay đổi tích cực về môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính bên cạnh những ưu đãi thuế quan – nhóm lợi ích phổ biến nhất mà họ nhận được từ Hiệp định CPTPP.

Phân tích kết quả khảo sát của VCCI về những rào cản, hạn chế doanh nghiệp tiếp cận các lợi ích từ Hiệp định CPTPP, các huyên gia của VCCI cho biết, có hơn 75% doanh nghiệp cho rằng không biết có lợi ích gì từ Hiệp định CPTPP để tận dụng; hơn 32% doanh nghiệp cho biết không đủ các điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định CPTPP; hơn 16% doanh nghiệp cho biết các văn bản thực thi phía Việt Nam ban hành chậm trễ, khó hiểu.

Bên cạnh đó, có gần 14% doanh nghiệp gặp vướng mắc khi xin cấp chứng nhận xuất xứ cho hàng xuất khẩu; gần 13% doanh nghiệp gặp vướng mắc khi liên hệ/làm thủ tục với các cơ quan khác của Việt Nam… Như vậy có thể thấy, cơ bản và chủ yếu vẫn là các nguyên nhân chủ quan, xuất phát từ chính vấn đề nội tại của doanh nghiệp cùng các vướng mắc từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước.

Riêng việc tận dụng các ưu đãi về thuế quan, có không ít doanh nghiệp không tận dụng được lợi thế này, xuất phát từ cả hai nguyên nhân khách quan và chủ quan. Cụ thể, 45% doanh nghiệp được hỏi cho biết, không nắm được và không có thông tin về ưu đãi thuế; 40% doanh nghiệp không đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ, 20% doanh nghiệp gặp vướng mắc về thủ tục hay để lỡ hạn xin cấp chứng nhận xuất xứ và 15% doanh nghiệp thiếu các giấy tờ vận chuyển cần thiết…. Về mặt khách quan, 43% doanh nghiệp đề cập việc thuế nhập khẩu ưu đãi tối huệ quốc (MFN) đã là 0% nên không cần thiết sử dụng ưu đãi thuế quan và 37% doanh nghiệp khác cho hay đã sử dụng ưu đãi thuế theo các FTA khác…

Ngoài ra, trong thực tế, tỷ trọng xuất khẩu vào các nước thành viên CPTPP của không ít doanh nghiệp Việt còn “khiêm tốn”. Nguyên nhân là khó đáp ứng các quy tắc xuất xứ của Hiệp định CPTP. Chẳng hạn, ở ngành dệt may, nếu các nước châu Âu chỉ yêu cầu hàng dệt may đảm bảo quy tắc xuất xứ từ vải thì các nước của Hiệp định CPTPP lại yêu cầu từ sợi. Như Tổng công ty May 10, một trong những doanh nghiệp hàng đầu về may xuất khẩu của Việt Nam cũng chỉ có khoảng 30% mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế. Do đó, doanh nghiệp đang cố gắng liên kết với các nhà sản xuất vải. Các nhà sản xuất vải lại tiếp tục hợp tác với nhà sản xuất sợi để nghiên cứu các sản phẩm được hưởng ưu đãi thuế quan.

Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here