Làn sóng Covid-19 mới: Tìm cơ hội cho xuất khẩu tôm và dệt may

0
69
(Internet)
(Internet)

Mặc dù làn sóng Covid-19 đang gia tăng ở các quốc gia Châu Á, tuy nhiên xuất khẩu hai ngành hàng chủ lực của Việt Nam là tôm và dệt may được nhận định sẽ có thêm lợi thế.

Xuất khẩu tôm thêm lợi thế từ làn sóng Covid mới

Theo Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước đã đạt 2,5 tỷ USD, tăng mạnh 13% so với cùng kỳ trong 4 tháng đầu năm 2021. VASEP mới đây đã đưa ra dự kiến rằng, trong các nhóm hàng xuất khẩu thủy sản thì tôm và cá tra sẽ tăng lần lượt 10% và 7% trong quý II/2021 này. Và đến cuối năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có thể được hưởng lợi từ 2 cơ hội chính là giành thị phần từ đối thủ cạnh tranh có sản lượng sản xuất bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 và tiếp tục tăng trưởng từ mảng bán lẻ và bán hàng trực tuyến trong khi nhu cầu từ kênh nhà hàng sẽ sớm phục hồi.

Nhận định về dự báo của VASEP, các chuyên gia phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI chỉ ra rằng, do làn sóng Covid mới Ấn Độ gia tăng nên nước xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới, gặp khó khăn với sản xuất và xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Ấn Độ sản xuất khoảng 650.000-700.000 tấn tôm trong năm 2020 (giảm 30% so với cùng kỳ). Làn sóng Covid-19 gần đây ở Ấn Độ đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, trái ngược với nhiều dự báo về việc sản lượng sản xuất tôm ở Ấn Độ sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2021. Do đó, điều này tạo cơ hội cho các đối thủ cạnh tranh (cụ thể là Ecuador, Indonesia, và Việt Nam) cải thiện thị phần trong các nước nhập khẩu – đặc biệt là ở Mỹ. Đây là cơ sở để VASEP dự báo xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu toàn cầu tăng nhẹ trong khi nguồn cung từ nhiều nước sản xuất sẽ giảm do Covid.

Trên thực tế, theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA), xuất khẩu tôm nguyên liệu nước ấm của Ấn Độ sang Mỹ đã giảm 9% so với cùng kỳ về sản lượng và giảm 10% so với cùng kỳ về giá trị trong quý I/2021. Trong khi đó, các nước đối thủ cạnh tranh của Ấn Độ tiếp tục tăng trưởng. Cụ thể, Ecuador là nước hưởng lợi tức thì, với mức tăng trưởng 37% so với cùng kỳ về sản lượng và 44% về giá trị trong quý I vừa qua. Ecuador có lợi thế cạnh tranh nhờ giá bán bình quân thấp nhất trong số nhóm 5 nước hàng đầu – cạnh tranh trực tiếp với Ấn Độ.

Trong khi đó, Việt Nam có cơ hội mở rộng thị phần tại Mỹ, với kết quả khả quan trong quý I/2021 cụ thể tăng 41% so với cùng kỳ về sản lượng và 10% so với cùng kỳ về giá trị. Với tôm nguyên liệu, giá xuất khẩu của Việt Nam vẫn ở mức khá cao so với các đối thủ cạnh tranh (do tỷ trọng tôm sú có giá bán bình quân cao hơn). Theo SSI, hiện giá bán bình quân đối với tôm thẻ chân trắng nguyên liệu vẫn khá ổn định với 10 USD/kg.

Bên cạnh đó, theo SSI, dịch Covid-19 cũng đã làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng, trong đó nhu cầu đối với tôm chế biến đã tăng lên đáng kể. Đây luôn là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trước Ecuador tại thị trường Mỹ và đối với tất cả các đối thủ cạnh tranh trên thị trường thế giới (EU và Nhật Bản ưa chuộng tôm chế biến).

Với cá tra, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra được hưởng lợi từ nhu cầu tại Mỹ phục hồi. VASEP cho biết, xuất khẩu cá tra Việt Nam tăng 3% so với cùng kỳ trong quý I/2021 và 26% so với cùng kỳ trong nửa đầu tháng 4/2021, trong đó xuất khẩu sang Mỹ (thị trường hàng đầu) tăng trở lại lần lượt ở mức 16% và 120% so với cùng kỳ. Dữ liệu cho thấy ngành thủy sản phục hồi vững chắc.

VASEP cũng dự kiến giá bán bình quân từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2021 đã chạm đáy (do cả các yếu tố chu kỳ và nhu cầu dễ ảnh hưởng do dịch bệnh) và giá bán bình quân của tất cả các thị trường sẽ phục hồi vào cuối năm.

Dệt may khả quan hơn nhờ làn sóng dịch chuyển đơn hàng mới

Tương tự với ngành hàng dệt may, theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam đạt 9,7 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ trong giai đoạn 4 tháng đầu năm 2021 do sự phục hồi mạnh mẽ tại Mỹ, thị trường xuất khẩu chính.

Về tăng trưởng của ngành này, Hiệp hội Dệt may Việt Nam chỉ ra, do tận dụng lợi thế của khối thị trường của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) khi thị trường này ghi nhận tăng 21,2% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, tại Mỹ cũng đạt tăng trưởng mạnh 84% so với cùng kỳ trong khi EU tăng 52%.

Với đà trên, SSI dự báo sẽ duy trì đến quý III/2021. Lý do, hầu hết các công ty có đủ đơn đặt hàng để sản xuất đến hết tháng 9/2021. Tại thị trường Mỹ, Việt Nam tiếp tục giành được thị phần từ Trung Quốc, khi thị phần của Trung Quốc giảm từ 28,5% trong tháng 12/2020 xuống 23,6% trong tháng 3/2021. Thị phần của Việt Nam tăng từ 12,7% lên 15,6% so với cùng kỳ. Đặc biệt, khi nhìn vào dữ liệu lịch sử một năm từ tháng 3/2020 đến tháng 3/2021, thị phần bị mất của Trung Quốc đã mang lại lợi ích cho tất cả các đối thủ cạnh tranh.

Một điểm đáng lưu ý khác được ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong những tháng đầu năm, những nước cạnh tranh với Việt Nam như Trung Quốc, Indonesia, Myanmar gặp nhiều biến động nên khả năng sản xuất và xuất khẩu sụt giảm. Ngoài ra, Campuchia cũng đang bị dịch bệnh hoành hành, dẫn đến quá trình dịch chuyển đơn hàng diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn so với dự đoán.

Với thuận lợi này, ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Công ty Myone Fashion chia sẻ rằng, trong thời gian qua một đối tác top đầu về việc phân phối mặt hàng thời trang tại thị trường Italia đã đến công ty tìm hiểu về quy trình sản xuất, xem mẫu mã sản phẩm… Hiện hai bên đang xúc tiến việc hợp tác với nhau, hứa hẹn trong thời gian tới họ sẽ đặt những lô hàng lớn để Myone sản xuất. “Sở dĩ có được đối tác này là do sự biến động chính trị tại Myanmar, hoạt động sản xuất tại đây gần như đóng băng, và những đối tác của họ dần chuyển đơn hàng sang nước khác và Việt Nam là quốc gia đang có lợi thế”- ông Tâm tiết lộ.

(Thuỳ Dương/congthuong.vn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here