Báo cáo đánh giá về xu hướng phát triển kinh tế, chính trị, xã hội thế giới

0
83
(Internet)
(Internet)

Ngày 17/5/2021, Tổ Nghiên cứu Phục hồi sau Covid-19 của Singapore (Emerging Stronger Taskforce – EST) đã ra Báo cáo dài 118 trang, nêu các đánh giá về xu hướng phát triển kinh tế, chính trị, xã hội thế giới và đề xuất các biện pháp để biến Singapore thành một trung tâm công nghệ, sáng tạo và kinh doanh của khu vực.

Tổ EST được Phó Thủ tướng Singapore Heng Swee Keat thành lập tháng 5/2020, là bộ phận thuộc Hội đồng Kinh tế Tương lai (FEC). EST có ba nhiệm vụ: (i) Đánh giá các thay đổi mang tính hệ thống trên thế giới dưới tác động của Covid- 19, (ii) Xem xét tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19 đối với nền kinh tế, doanh nghiệp và người lao động của Singaore, (iii) Đưa ra các khuyến nghị cho Hội đồng Kinh tế Tương lai (FEC) của Singapore về các biện pháp giúp nước này duy trì khả năng thích ứng và tạo ra các nguồn tăng trưởng mới trong tương lai. Tổ này có 23 thành viên, gồm quan chức chính phủ (Bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc gia), lãnh đạo các tập đoàn lớn (công nghệ, dầu khí, hàng không, y tế, ngân hàng…) và học giả của Singapore.

Đại Sứ quán xin tóm tắt các nội dung chính trong Báo cáo trên như sau:

1. Sáu thay đổi về kinh tế, chính trị quốc tế thời Covid-19:

Thứ nhất, trật tự toàn cầu đang thay đổi. Thậm chí trước đại dịch Covid-19, làn sóng chủ nghĩa dân tộc đã khiến nhiều nước có xu hướng hướng nội; trật tự toàn cầu đã phân chia và phân mảng rõ rệt hơn. Căng thẳng địa chính trị và kinh tế gia tăng trên nhiều khu vực và phương diện như công nghệ, tài chính và thương mại.

Thứ hai, quá trình hợp nhất các doanh nghiệp tăng tốc trên phạm vi toàn cầu. Các doanh nghiệp thế giới có thể sẽ tăng cường hoạt động hợp nhất để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính và củng cố vị thế của mình. Các công ty lớn với nguồn vốn dồi dào sẽ mua lại các doanh nghiệp gặp khó khăn. Điều này có thể làm các công ty Singapore, vốn thận trọng trong đầu tư, bị tụt hậu.

Thứ ba, chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu đang định hình lại, cân bằng giữa tính hiệu quả và khả năng “chịu sốc”. Trong các chuỗi cung ứng phức tạp hiện nay, các doanh nghiệp thường ưu tiên tính hiệu quả để tiết kiệm chi phí. Nhưng cách tiếp cận này đã khiến các công ty kém linh hoạt trong thời kỳ đại dịch và hiện nay phải tranh giành nhau các nguồn cung cấp thay thế. Nhiều doanh nghiệp và nhiều nước đang nhanh chóng đa dạng hóa hoạt động của họ.

Thứ tư, quá trình chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo được đẩy nhanh. Các doanh nghiệp trên toàn cầu đã buộc phải chuyển nhanh sang công nghệ từ khi Covid-19 xuất hiện, đẩy nhanh xu hướng hướng tới một nền kinh tế toàn cầu được kết nối kỹ thuật số. Nghiên cứu và phát triển được tăng cường và chu kỳ phát triển sản phẩm trở nên ngắn hơn, đặc biệt là trong các lĩnh vực như khoa học y sinh và chăm sóc sức khỏe. Văn hóa đổi mới sẽ là động lực phát triển ở các doanh nghiệp thành công.

Thứ năm, sở thích của người tiêu dùng đã thay đổi. Việc người dân ít di chuyển trong thời gian dài từ khi có Covid-19 dẫn đến xu hướng chuyển sang mua sắm các dịch vụ, giải trí trực tuyến và giao lưu cộng đồng ảo. Người tiêu dùng cũng có xu hướng ý thức hơn về các tiêu chuẩn an toàn, sức khỏe và vệ sinh cũng như tính bền vững của môi trường.

Khi các nền kinh tế mở cửa trở lại, các hành vi tiêu dùng sẽ không trở lại chuẩn mực trước đại dịch. Nhu cầu đi du lịch giảm sút sẽ thúc đẩy các lựa chọn thay thế như hội nghị kinh doanh kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến hoặc đi nghỉ giải trí ngay ở khách sạn gần nhà. Các doanh nghiệp phải dự đoán nhu cầu mới và thích ứng.

Thứ sáu, nhu cầu phát triển bền vững gia tăng. Những năm gần đây, ngày càng nhiều tiếng nói của các tổ chức quốc tế và cá nhân kêu gọi bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế và xã hội bền vững, chống biến đổi khí hậu và giảm thiểu bất bình đẳng. Đại dịch càng làm chú ý đến tính bền vững, khi các quốc gia và doanh nghiệp tìm cách chống lại những cú sốc kinh tế tương tự trong tương lai. Những phát triển này sẽ tạo cơ hội mới trong nền kinh tế xanh, và các doanh nghiệp sẽ phải phát triển những thế mạnh mới. Ngày càng có nhiều nhận thức rằng tăng trưởng kinh tế phải bền vững.

2. Năm đề xuất của Tổ EST đối với chính phủ Singapore:

Một là, tận dụng cơ hội tăng cường số hóa trên nhiều tiền tuyến. Singapore có thể thực hiện khát vọng Quốc gia Thông minh của mình bằng cách xây dựng các nền tảng số vững chắc. Với các doanh nghiệp, Singapore xây dựng các không gian thương mại hàng hóa và dịch vụ ảo để hỗ trợ việc tạo ra các sản phẩm mới và trải nghiệm kỹ thuật số, cũng như tham gia vào thương mại hàng hóa và dịch vụ. Với nguồn nhân lực, sử dụng các giải pháp đào tạo trực tuyến để giúp các công ty Singapore khai thác các nguồn lực toàn cầu và đồng thời phục vụ tốt hơn nhu cầu toàn cầu. Điều này cũng có thể mở ra cơ hội mới cho người Singapore làm việc ở nước ngoài. Singapore có thể định vị lại mình như một thành phố an toàn và thông minh cho thương mại, kinh doanh, làm việc và giải trí.

Hai là, tìm kiếm cơ hội tăng trưởng từ tư duy bền vững. Singapore nên định vị mình là một trung tâm phát triển bền vững để phục vụ nhu cầu toàn cầu trong bối cảnh các ngành kinh tế xanh đang phát triển, đồng thời thực hiện các cam kết chống biến đổi khí hậu. Cần phối hợp để thúc đẩy Singapore thành một trung tâm thương mại và dịch vụ Carbon, phát triển một thị trường Carbon được xây dựng dựa trên chất lượng và lòng tin.

Singapore cũng nên tăng cường khả năng “chống sốc” của mình trong lĩnh vực lương thực thông qua những tiến bộ trong lĩnh vực nông nghiệp như canh tác nông nghiệp trong môi trường thẳng đứng ở trong các toà nhà. Ngoài ra, Singapore cần tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc và trách nhiệm giải trình của các chuỗi giá trịthông qua số hóa đầu cuối.

Ba là, hướng tới phát triển ở cấp toàn cầu với Singapore là hạt nhân. Chính phủ Singapore cần hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp lớn mang tính sáng tạo tầm quốc tế thông qua đổi mới, quốc tế hóa, mua bán, sáp nhập và phát triển nhân tài. Đồng thời, Singapore cũng phải tạo điều kiện cho nhiều công ty nội địa thành công, bao gồm cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp siêu nhỏ.

Chính phủ Singapore cần có dự đoán về tương lai phát triển để nâng cao kỹ năng và đào tạo lại kỹ năng cho lao động. Điều này đòi hỏi việc xác định rõ mức độ gián đoạn công việc và khả năng định vị nhu cầu đào tạo để xây dựng kế hoạch đào tạo lực lượng lao động, để các doanh nghiệp và người lao động có thể linh hoạt hơn và sẵn sàng cho tương lai.

Bốn là, thể chế hóa các mối quan hệ đối tác công-tư thông qua các Liên minh Hành động (AfAs). Các Liên minh hành động (AfAs) là quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp hàng đầu và các cơ quan liên quan trong khu vực công. Các hình thức này đã có những kết quả bước đầu và cần được thể chế hóa. Thời gian tới, AfAs trong lĩnh vực kinh tế nên được thành lập dưới sự quản lý của Hội đồng Kinh tế Tương lai (FEC) và đóng vai trò như một nền tảng hỗ trợ hợp tác giữa khu vực tư nhân với khu vực côngvà là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế chuyển đổi.

Năm là, củng cố quan hệ đối tác quốc tế, đặc biệt ở Đông Nam Á. Singapore nên định vị mình là một đối tác tham gia phục hồi và tăng trưởng toàn cầu, đồng thời thúc đẩy quan hệ đối tác cùng có lợi với các nước láng giềng. Để thực hiện được mục tiêu này, Singaore có thể làm việc với các quốc gia trong khu vực ở tất cả các cấp, cả giữa các doanh nghiệp và khu vực công.

Singapore phải có đóng góp đặc biệt cho Đông Nam Á vì ASEAN là thị trường lớn thứ ba ở châu Á sau Trung Quốc và Nhật Bản và lớn thứ năm ở phạm vi toàn cầu. Do vậy, cần thiết lập nhiều nền tảng hơn để đưa các công ty có quan tâm trong khu vực lại gần nhau, thúc đẩy hợp tác khu vực ở cấp độ doanh nghiệp.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here