Tin Kinh tế Mỹ

0
92
(AFP)
(AFP)

1. Kinh tế Mỹ đang phục hồi theo mô hình chữ K

Ngày 4/5/2021, theo CNBC, nền kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi song đang đi theo mô hình chữ K, có nghĩa là sự bất bình đẳng đang còn tồn tại giữa các nhóm người lao động. Mùa hè tới, hoạt động kinh tế của Mỹ dự kiến sẽ trở lại mức trước đại dịch nếu chính quyền tăng cường tiêm vắc-xin và thúc đẩy các gói hỗ trợ; thị trường việc làm theo đó cũng sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, tình hình vẫn chưa có dấu hiệu khả quan đối với nhóm lao động có mức lương thấp.

Cụ thể, theo dự án hợp tác giữa Đại học Harvard và Brown, gọi là Opportunity Insights, hiện số lượng việc làm trong nhóm thu nhập thấp (ít hơn 27.000 USD/năm) vẫn đang ở mức thấp hơn 30% so với thời điểm trước đại dịch, trong khi số lượng việc làm trong nhóm lao động thu nhập cao (hơn 60.000 USD/năm) đã quay trở về mức trước đại dịch. Theo số liệu của Cục Thống kê Lao động, Bộ Lao động Mỹ, hiện có hơn 3 triệu việc làm trong lĩnh vực nhà hàng và khách sạn vẫn chưa được phục hồi, chiếm khoảng 1/3 trong tổng số 8,4 triệu việc làm đã bị mất từ khi đại dịch diễn ra. Điều này cũng cho thấy nhóm lao động có mức lương thấp dễ bị tổn thương trong nền kinh tế Mỹ. Chủ tịch FED Jerome Powell trong buổi điều trần vào tháng 03/2021 tỏ vui mừng trước các tín hiệu phục hồi của nền kinh tế Mỹ, song cũng khẳng định việc cần tiếp tục quan tâm tới hàng triệu lao động vẫn đang chịu tác động từ đại dịch, trong đó có nhóm lao động lương thấp trong lĩnh vực dịch vụ, nhóm lao động gốc Phi, Tây Ban Nha và các nhóm thiểu số khác.

Đánh giá về mô hình phục hồi chữ K, CNBC cho rằng một số loại hình tài sản nhất định, trong đó chủ yếu là thị trường chứng khoán và bất động sản, có khả năng phục hồi tốt. CNBC cho rằng các lợi ích tài chính đang dồn vào nhóm người da trắng, giàu có và học vấn từ đại học trở lên. Một số nhà kinh tế cho rằng nhóm lao động này cũng đã nhanh chóng có lại được việc làm bị mất và tích trữ được nhiều tiền hơn do ít nhu cầu chi tiêu trong bối cảnh đại dịch bùng phát. Chính sự khác biệt giữa những người sớm quay lại giai đoạn trước đại dịch và một nhóm lao động vẫn đang ở phần đáy khiến nhiều nhà kinh tế nhận định kinh tế Mỹ đang đi theo mô hình phục hồi chữ K. Nhà kinh tế chuyên ngành lao động tại Đại học Minnesota, Phó Giáo sư Aaron Sojourner cho biết đa số người dân Mỹ không sở hữu tài sản trong thị trường chứng khoán hay bất động sản; giá trị đang gia tăng từ những thị trường này chỉ tập trung vào một nhóm nhỏ và mô hình phục hồi chữ K đang phơi bày sự thật bất bình đẳng này.

Một số ý kiến cũng cho rằng dù quá trình phục hồi không cân bằng, song cơ bản tất cả các nhóm trong nền kinh tế đang được cải thiện, chỉ là với tốc độ khác nhau. Bản thân các số liệu thống kê cũng sẽ có những khác biệt nếu đánh giá trong tổng thể. Stan Veuger, nhà kinh tế học tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), tỏ tự tin rằng việc Chính quyền Mỹ chủ trương mở rộng quy mô các chương trình bảo hiểm thất nghiệp và các biện pháp tương tự sẽ giúp bù đắp vào các tổn hại mà nhóm lao động thu nhập thấp phải gánh chịu. Nhìn chung các ý kiến đều cho rằng triển vọng phục hồi kinh tế thời gian tới vẫn còn phụ thuộc nhiều vào mức độ rộng khắp của việc tiêm chủng cũng như viễn cảnh đánh bại đại dịch COVID-19, điều hiện rất khó có thể dự đoán.

2. Trưởng USTR Katherine Tai điều trần tại Ủy ban Tài chính Thượng viện tuần tới

Ngày 5/5/2021, Inside Trade đưa tin cho biết trưởng USTR dự kiến điều trần về chương trình nghị sự thương mại của Chính quyền Biden trước Ủy ban Tài chính Thượng viện vào thứ Tư ngày 12/5/2021. Inside Trade dự đoán khả năng bà Tai sẽ nhận được nhiều câu hỏi về quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong sự kiện điều trần hàng năm này.

Trong sự kiện Global BoardRoom do báo Financial Times tổ chức, bà Katherine Tai đã cho biết kế hoạch làm việc cùng với các nhà đàm phán Trung Quốc thời gian tới để thúc đẩy lợi ích của Mỹ và có đánh giá về hiệu quả thực hiện của Trung Quốc đối với thỏa thuận thương mại Giai đoạn một; cho biết Mỹ tôn trọng thỏa thuận và sẽ tìm hướng để mở rộng thỏa thuận này. Bà Tai cũng cho biết việc dỡ bỏ các điều khoản thuế áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc dưới Chính quyền Trump sẽ phụ thuộc vào việc đối thoại với quan chức Trung Quốc cũng như đánh giá hiệu quả của Thỏa thuận giai đoạn một.

Tại sự kiện nêu trên, bà Tai (khi được hỏi về quan hệ thương mại với Đài Loan) cho biết bất kỳ cam kết thương mại nào với Đài Loan cũng cần được kết hợp với các mục tiêu chính sách đối nội và đối ngoại của Chính quyền Biden, đồng thời phản bác các ý kiến cho rằng hiệp định thương mại tự do là cách duy nhất để tăng cường can dự thương mại với khu vực này. Trưởng USTR nhấn mạnh người lao động Mỹ sẽ là yếu tố được ưu tiên cân nhắc hàng đầu trong bất kỳ đối thoại thương mại nào với Trung Quốc cũng như các nước khác, tiếp tục khẳng định cam kết thực hiện tầm nhìn lấy người lao động làm trung tâm của Tổng thống Biden.

Cuộc điều trần sắp tới tại Ủy ban Tài chính Thượng viện sẽ là cuộc điều trần đầu tiên của bà Katherine Tai dưới vai trò là trưởng USTR. Theo người phát ngôn của Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện, TNS Ron Wyden (Oregon), cam kết cung cấp các hướng dẫn chính sách nhằm cải thiện tính minh bạch trong bộ máy của USTR mà bà Tai từng hứa cung cấp tại điều trần phê chuẩn hồi tháng 02/2021 sẽ sớm được công bố. Hiện USTR chưa có bình luận về các biện pháp này. Inside Trade cho biết thêm Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện cũng dự kiến tiến hành điều trần với trưởng USTR Katherine Tai trong những tuần sắp tới.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here