Báo cáo Công nghệ và Đổi mới năm 2021

0
98
(Internet)
(Internet)

Ban thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) gần đây công bố Báo cáo Công nghệ và Đổi mới năm 2021 với chủ đề “Đón nhận những làn sóng công nghệ: Đổi mới sáng tạo với sự bình đẳng”. Báo cáo nhấn mạnh thế giới đang trong quá trình chuyển đổi số với sự ra đời của các “công nghệ tiên phong” như trí tuệ nhân tạo (AI), rô-bốt, công nghệ sinh học và công nghệ nano; những công nghệ này đã mang lại lợi ích to lớn, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và sự phát triển thần tốc của các loại vắc-xin; nhưng cũng đặt ra những quan ngại về tác động nghiêm trọng nếu xã hội thiếu khả năng thích ứng, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển; cân bằng đổi mới sáng tạo với công bằng xã hội là cách thức mà các nước đang phát triển có thể đón làn sóng các công nghệ tiên phong nhằm theo đuổi các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Đặc biệt, Báo cáo của UNCTAD cũng đưa ra các khuyến nghị chính sách để tranh thủ công nghệ tiên phong phục vụ phát triển bền vững. Đồng thời UNCTAD cũng đưa ra xếp loại chỉ số sẵn sàng thích ứng với các công nghệ tiên phong, trong đó Việt Nam được xếp thứ 66/158 nước được xếp loại (thuộc nhóm trung bình cao). Dưới đây là một số nội dung chính nổi bật của Báo cáo:

1. Đón nhận làn sóng công nghệ mới, tiềm năng và chỉ số sẵn sàng thích ứng

Các công nghệ tiên phong (frontier technologies) là một tập hợp các công nghệ mới tận dụng việc số hóa và tính kết nối để kết hợp các công nghệ này nhằm nhân rộng tác động. Báo cáo của UNCTAD đề cập đến 11 loại công nghệ: trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (big data), chuỗi khối (blockchain), 5G, in 3D, rô- bốt, phương tiện bay không người lái, công nghệ sửa gen, công nghệ nano, quang điện (Solar PV).

Tiềm năng: Những công nghệ này có thể được sử dụng để thúc đẩy năng suất và cải thiện sinh kế. Ví dụ như AI kết hợp với rô bốt học có thể chuyển đổi các tiến trình sản xuất và kinh doanh. In 3D cho phép sản xuất khối lượng thấp nhanh hơn và rẻ hơn cũng như tạo mẫu đầu tiên nhanh chóng và nhân bản cho các sản phẩm mới.

Kết hợp lại 11 công nghệ mới này tạo ra thị trường trị giá 350 tỷ USD và đến năm 2025 có thể tăng lên 3.200 tỷ USD. Các công ty tài chính đã sử dụng các công nghệ này để đưa ra những quyết định tín dụng và quản lý rủi ro, ngăn chặn giả mạo, thương mại, ngân hàng cá nhân hóa và tự động hóa tiến trình. Ngành sản xuất đã sử dụng chúng cho việc quản lý dự đoán, kiểm soát chất lượng và các công việc kết hợp giữa người và robot. Rất nhiều nhà cung cấp lớn cho các công nghệ này là từ Mỹ – cái nôi của nhiều nền tảng điện toán đám mây. Trung Quốc cũng là một nhà cung cấp lớn, điển hình là các công nghệ 5G, phương tiện bay không người lái và quang đện. Đối với mỗi loại công nghệ này, Mỹ và Trung Quốc chiếm khoảng 30-70% bằng sáng chế và công bố.

Chỉ số sẵn sàng thích ứng với công nghệ tiên phong: Chỉ có một vài nước đang tạo ra các công nghệ tiên phong nhưng tất cả các nước cần phải chuẩn bị thích ứng với chúng. Để đánh giá khả năng của các quốc gia trong việc sử dụng, vận dụng và thích ứng công bằng với các công nghệ tiên phong này, Báo cáo của UNCTAD đã đưa ra “chỉ số sẵn sàng”. Chỉ số này bao gồm 5 thành tố: triển khai ICT, kỹ năng, hoạt động R&D, hoạt động công nghiệp và tiếp cận tài chính.

Dựa trên các thành tố này, Báo cáo xếp loại Chỉ số sẵn sàng đối với 158 nước, trong đó chỉ số sẵn sàng cao nhất là Mỹ, tiếp theo là Thụy Sỹ, Anh, Thụy Điển, Singapore, Đài Loan và Hàn Quốc. Một số nền kinh tế đang chuyển đổi và đang phát triển cũng có thứ hạng cao như Trung Quốc (hạng 25), Nga (hạng 27).

Việt Nam thuộc nhóm trung bình cao, xếp thứ 66 (0,49 điểm), với xếp loại về triển khai ICT là 74, về kỹ năng đứng thứ 111, về hoạt động R&D đứng thứ 66, về hoạt động công nghệp đứng thứ 22 và về tiếp cận tài chính đứng thứ 15. Các nước ASEAN khác, thuộc nhóm cao có Singapore xếp thứ 5, Malaysia đứng thứ 31; thuộc nhóm trung bình cao có Philippines thứ 44, Thái Lan thứ 46, Brunei thứ 69; Indonesia thứ 82 thuộc nhóm trung bình thấp; và thuộc nhóm thấp gồm Campuchia thứ 113, Lào thứ 127, và Myanmar thứ 121.

Cũng có một số nước có thứ hạng tốt hơn so với mức GDP đầu người của họ, bao gồm Ấn Độ (xếp thứ 43) và Philippines (44). Về R&D, Trung Quốc và Ấn Độ thực hiện tốt, một phần bởi vì các nước này có nguồn cung dồi dào nhân lực kỹ thuật cao nhưng khá rẻ; đồng thời có thị trường trong nước lớn, vốn thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia. Việt Nam và Jordan cũng đang làm tốt, do chính sách hỗ trợ tốt của chính phủ. Những nước kém sẵn sàng nhất là ở châu Phi cận Sahara và các nước đang phát triển nói chung.

Trong những thập kỷ số hóa gần đây, thế giới đã chứng kiến sự thịnh vượng gia tăng. Người dân trên toàn cầu trung bình hiện sống thọ hơn và khỏe mạnh hơn. Tăng trưởng kinh tế nhanh ở các nền kinh tế mới nổi đã thúc đẩy sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu toàn cầu và giúp nhiều người thoát nghèo.

2. Thách thức về thay đổi công nghệ và tình trạng bất bình đẳng

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng nghèo dai dẳng và bất bình đẳng gia tăng. Của cải tập trung ở mức độ cao và cũng có những khoảng cách lớn trong các cơ hội tìm kiếm thu nhập cũng như trong các tiêu chuẩn giáo dục và y tế. Sự mất cân bằng này hạn chế tăng trưởng kinh tế và phát triển con người trong khi làm gia tăng tính dễ tổn thương, cho dù là trước đại dịch, khủng hoảng kinh tế hay biến đổi khí hậu và có thể nhanh chóng làm mất ổn định các xã hội.

Toàn cầu hóa và thay đổi công nghệ là những nguyên nhân chính cho bất bình đẳng thu nhập giữa các nước. Thay đổi công nghệ kết hợp với vốn tài chính nhằm tạo ra những mô hình kinh tế công nghệ (technoeconomic) mới – tập hợp của các công nghệ, sản phẩm, ngành công nghiệp, cơ sở hạ tầng và thể chế mà tạo ra đặc điểm của các cuộc cách mạng công nghệ.

Ở những nước tại trung tâm của những làn sóng công nghệ mới này, cách mạng công nghệ có hai giai đoạn. Giai đoạn 1 gọi là thiết lập khi công nghệ được giới thiệu vào trong những ngành công nghiệp chủ chốt – mở rộng khoảng cách giữa công nhân trong những ngành này và phần còn lại. Giai đoạn 2 là triển khai cũng mang tính không đồng đều: không phải mọi người đều có quyền tiếp cận ngay lập tức đối với với những lợi ích của tiến bộ khoa học như điều trị cứu sống mạng người hoặc tiếp cận với nước sạch. Kết quả là sự chia rẽ gia tăng mà có thể dẫn đến sự bất mãn của công chúng. Hiện nay, thế giới đang ở điểm cuối của giai đoạn triển khai “Thời đại công nghệ thông tin và truyền thông” (ICT) và bắt đầu định hình giai đoạn của một mô hình mới, bao gồm các công nghệ tiên phong và đôi khi được gọi là Công nghiệp 4.0.

Việc đón nhận những làn sóng công nghệ đang diễn ra ở các nước phát triển nhưng sự chia rẽ lớn giữa các nước ngày càng mở rộng sau các cuộc cách mạng công nghiệp và bất bình đẳng sâu sắc hơn giữa các nước – với khoảng cách nới rộng trong sự tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ xã hội và hàng hóa công từ giáo dục đến y tế, từ cơ sở hạ tầng ITC đến điện hóa. Việc triển khai ICT tạo ra một sự tập trung khổng lồ của cải vào việc sở hữu các nền tảng số chủ yếu. Thay đổi công nghệ ảnh hưởng đến bất bình đẳng thông qua những tác động của nó đối với việc làm, lương và lợi nhuận. Những bất bình đẳng này có thể nảy sinh giữa các nghề nghiệp, công ty và lĩnh vực cũng như giữa người lao động kiếm lương và chủ vốn. Một cấp độ khác mà bất bình đẳng xuất hiện là sự khác biệt trong các cấu trúc kinh tế của các nước. Đóng góp của mỗi phần này và các nhân tố khác đến bất bình đẳng thu nhập dựa vào nhiều yếu tố như trình độ phát triển của một nước, cấu trúc kinh tế và các chính sách xã hội, kinh tế và lao động cũng như quy mô của một ngành cụ thể hoặc công ty cụ thể. Do vậy, ở bất kỳ thời điểm nào trong bất kỳ quốc gia nào, thay đổi công nghệ có thể khiến bất bình đẳng tăng hoặc giảm.

Các công nghệ tiên phong có tiềm năng to lớn trong việc cải thiện đời sống con người và bảo vệ hành tinh. Ví dụ như trong đại dịch Covid-19, AI và dữ liệu lớn đã được sử dụng để soi bệnh nhân, theo dõi sự bùng phát dịch, truy dấu và tìm các ca nhiễm, dự đoán sự tiến triển của đại dịch và đánh giá nguy cơ lây nhiễm. Những ví dụ khác có thể kể đến từ việc sử dụng Internet vạn vật để theo dõi chất lượng nước ngầm ở Bangladesh đến việc sử dụng máy bay không người lái để cung cấp y tế cho các cộng đồng xa xôi ở Rwanda và Ghana.

Tuy nhiên công nghệ hiếm khi là một giải pháp tự thân. Các vấn đề như đói nghèo, biến đổi khí hậu hoặc bất bình đẳng trong y tế và giáo dục hiển nhiên rất phức tạp và đa chiều. Công nghệ, cho dù là tiên phong hay loại khác, có thể hỗ trợ các sáng kiến đủ loại từ xã hội, chính trị hay môi trường nhưng tất cả công nghệ cần phải được sử dụng cẩn trọng để tạo tác động tích cực, hơn là cản trở hoặc tạo ra những tác dụng phụ không mong muốn.

Các loại công nghệ có thể có tác động đối với sự chênh lệch khoảng cách nhưng bất bình đẳng cũng có thể định hình công nghệ để chúng phản ảnh, tái tạo và có lẽ khuyếch đại những thành kiến và phân biệt mang tính hệ thống. Hiện tại, hầu hết các công nghệ được tạo ra bởi các công ty ở phương Bắc (các nước phát triển) và chủ yếu do nam giới tạo ra. Chúng có khuynh hướng tập trung vào nhu cầu của người giàu, trong khi bỏ qua những đổi mới sáng tạo mà có thể làm lợi cho người nghèo. Thay đổi công nghệ cũng có thể được định hình bởi những bất bình đẳng giới, một phần bởi vì nam giới thường được coi là có nhiều khả năng hơn nữ giới trong việc học các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) và thực tế nhiều nam giới hơn nữ giới học các môn STEM. Công nghệ ảnh hưởng đến bất bình đẳng thông qua sự tiếp cận và thiết kế. Người dân bị ảnh hưởng với tư cách là những người tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ mà áp dụng những công nghệ tiên phong.

3. Đổi mới sáng tạo và sự bình đẳng

Việc Công nghiệp 4.0 sẽ tác động như thế nào đến sự bất bình đẳng giữa các nước sẽ phụ thuộc vào việc liệu các nước có đuổi kịp, vươn lên hay tụt hậu – điều mà đến lượt nó sẽ phụ thuộc vào các chính sách quốc gia và sự can dự của họ trong thương mại quốc tế. Một số nước, nhất là ở khu vực Đông Á, đã có thể bắt kịp thông qua học hỏi công nghệ, sao chép và đổi mới sáng tạo.

Tự động hóa và việc làm: Ngày nay, một quan ngại chính đó là các công nghệ tự động hóa như AI và robot sẽ làm giảm việc làm. Trên thực tế, kể từ khi bắt đầu cách mạng công nghiệp, công nhân đã dự đoán những công nghệ mới sẽ lấy đi việc làm. Tuy nhiên nhìn chung đến nay điều này đã không xảy ra, các công nghệ mới thay vào đó dường như tạo ra nhiều việc làm hơn với nhiều dạng thức khác nhau. Nhưng đối với các công nghệ tiên phong, tình thế có thể sẽ khác bởi vì những thay đổi đang diễn ra quá nhanh nên chúng có thể vượt quá khả năng thích ứng của các xã hội. Trước đây, nhiều việc làm được cho là an toàn bởi vì khó có thể dạy các máy tính làm thế nào để thực thi chúng. Tuy nhiên, hiện nay các máy tính có thể tự dạy chúng. Một số dự báo cho rằng trong 20 năm tới ở châu Âu và Mỹ khoảng 30-50% việc làm có thể được tự động hóa. Số khác dự báo một tác động khiêm tốn hơn – từ 8-14% trong tất cả các ngành nghề. Tuy nhiên, trong khi một số công việc sẽ biến mất, những công việc khác sẽ xuất hiện, như những công việc đòi hỏi sự thấu cảm, phán đoán đạo đức, mang tính phát minh sáng tạo, quản lý những thay đổi khó lường hoặc ra quyết định dựa trên việc thấu hiểu những thông điệp ngầm – tất cả đều phải do con người thực hiện. Dự đoán về việc mất việc làm cơ bản dựa trên tính khả thi kỹ thuật, tuy nhiên những nhân tố quan trọng hơn thường mang tính kinh tế. Ngay cả khi khả thi về mặt kỹ thuật, vốn có thể sẽ không thay thế cho lao động, mà phần lớn tùy thuộc vào giá cả tương đối. Đồng thời, nhu cầu chung về lao động có thể gia tăng bởi các tác động kinh tế vĩ mô.

Tác động của AI đối với bất bình đẳng giữa các nước sẽ phụ thuộc vào mức độ dạng thức của dữ liệu đầu vào. Nếu AI chủ yếu sử dụng “dữ liệu lớn” do người dùng tạo ra, điều này sẽ chủ yếu làm lợi cho Mỹ và Trung Quốc, hai nước có những nền tảng số cạnh tranh nhau vốn thu thập một lượng khổng lồ các dữ liệu như vậy. Nhưng nếu AI chủ yếu sử dụng dữ liệu lớn do Internet vạn vật thu nhập, điều này có thể mang lại cho các nền kinh tế khác với các cơ sở sản xuất mạnh như EU, Nhật Bản và Hàn Quốc. Kịch bản thứ ba liên quan đến việc cho phép các máy tính học hỏi nhiều hơn như con người thông qua việc tương tác lập lại của các mô hình AI. Điều này không chỉ làm lợi cho riêng Mỹ hay Trung Quốc mà đòi hỏi các nguồn lực và khả năng mà có thể được tìm thấy ở các nước phát triể, điều cho phép họ bứt phá trước các nước đang phát triển.

Nền kinh tế gig: Các công nghệ tiên phong đang được sử dụng để cung cấp dịch vụ thông qua các nền tảng số mà thúc đẩy sự hình thành “nền kinh tế gig”. Một số công việc được thực hiện ở địa phương nhưng cũng có “những công việc đám mây” mà có thể được thực hiện ở bất cứ đâu thông qua internet. Trong khi nền kinh tế gig cung cấp việc làm, chúng thường dựa trên những điều khoản không an toàn, tạo ra một tầng lớp bất an những nhà thầu phụ thuộc và các công nhân dựa trên nguồn cầu. Hệ quả cho bất bình đẳng sẽ phụ thuộc vào liệu các công nhân gig là người nghèo vốn bị thất nghiệp hay những người trung lưu tìm kiếm thêm các khoản thu nhập nhỏ. Bất bình đẳng chắc chắn sẽ gia tăng nếu những việc làm này thay thế cho các công việc được trả lương tốt hơn hoặc thay thế các công việc toàn thời gian bằng các công việc bán thời gian hoặc nếu lợi nhuận tăng nhanh hơn lương. Nền kinh tế gig cũng có thể thúc đẩy bất bình đẳng giới: phụ nữ ít có khả năng làm việc trên các nền tảng số và họ thường làm việc nhiều thời gian hơn nhưng lương lại thấp hơn nhiều so với nam giới.

Tiếp cận công nghệ: Một trong những khía cạnh quan trọng nhất là sự tiếp cận, vốn có thể được xem là bao gồm tập hợp 5A: mức độ có sẵn (availability), mức độ có thể trang trải (affordability), nhận thức (awareness), tiếp cận (assessibility), và khả năng sử dụng hiệu quả (ability for effective use). Tiếp cận công nghệ cũng có thể bị giới hạn bởi các quy chuẩn xã hội cho phụ nữ, các nhóm thiểu số và các nhóm yếu thế khác, thậm chí trong cùng một gia đình. Một khía cạnh quan trọng khác là thiết kế. Những người phát triển công nghệ cần lưu ý khi thiết kế cho người sử dụng rằng công nghệ có những hệ quả không mong muốn. Nhiều quan ngại cũng liên quan đến những thiết kế mang tính thành kiến và hệ lụy không chủ đích của AI, vốn có thể nảy sinh theo nhiều cách, hoặc vì chúng sử dụng các thuật toán thiên vị hoặc chúng sử dụng các dữ liệu thiên vị cho đào tạo. Ví dụ AI có thể duy trì những mô thức định kiến (stereotypes) và giảm lợi ích sản phẩm cho phụ nữ. Lợi ích cũng có thể được phân bổ không đồng đều trong trường hợp chỉnh sửa gen: hầu hết các nghiên cứu được thực hiện ở các nước giàu có hơn với viễn cảnh sở hữu độc quyền các công nghệ – điều có thể hạn chế sự đóng góp của chúng trong việc giúp đạt được SDGs, nhất là những công nghệ liên quan đến sản xuất lương thực và y tế. Sửa đổi gen cũng gây ra những chất vấn về đạo lý của cái tạo thành một con người lý tưởng. Điều này có thể tạo ra một tầng lớp người lớp dưới vốn không thể gánh nổi chi phí điều trị gen.

4. Thách thức cho các nước đang phát triển

Lý thuyết và các mô hình cho thấy những kênh tác động tiềm năng nhưng tác động thực tế sẽ tùy thuộc vào ngành bị tác động, khả năng của các quốc gia cũng như chính sách và chiến lược thực thi. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy rằng theo thời gian những công nghệ mới có khả năng sẽ lan tỏa sang nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế và các hoạt động xã hội. Trong những tình huống này, các nước đang phát triển nên chủ tâm thích ứng và sử dụng tự động hóa nhằm tăng năng suất, thúc đẩy đa dạng hóa kinh tế và tạo việc làm. Việc chuẩn bị cho người dân, công ty và các thể chế cho những thay đổi như vậy sẽ đòi hỏi các nước đang phát triển vượt qua một số thách thức như thay đổi nhân khẩu học (những nước có dân số trẻ hơn ít có động lực để tự động hóa) và thiếu lao động có kỹ năng số (thấp hơn khoảng 10-20% so với các nước phát triển), khả năng công nghệ và đổi mới sáng tạo thấp hơn, đa dạng hóa chậm, chi tiêu kém cho R&D, quyền sở hữu trí tuệ chặt chẽ và chuyển giao công nghệ nhỏ giọt, khoảng cách số (cơ sở hạ tầng số), nghèo thu nhập (rào cản xã hội khi người nghèo không thể tiếp cận với những hàng hóa và dịch vụ mới)…

Cũng có những e ngại rằng việc áp dụng rộng rãi các công nghệ tiên phong ở các nước phát triển sẽ làm giảm tính cạnh tranh lao động thấp của các nền kinh tế kém công nghiệp hóa hơn ở châu Á và châu Phi, gia tăng khoảng cách công nghệ giữa họ với các nước phát triển, làm cho việc bắt kịp, đa dạng hóa nền kinh tế của họ và tạo ra việc làm trở nên khó khăn hơn. Trong quá khứ, các nước như Trung Quốc, Mexico, Brazil và nhiều nước châu Á có thể theo lên bậc thang thu nhập cao hơn bằng cách chuyển giao lao động và vốn từ ngành nông nghiệp tương đối kém năng suất hơn sang các ngành chế tạo và dịch vụ năng suất cao hơn. Mối lo ngại hiện nay là các công nghệ tiên phong và Cách mạng 4.0 sẽ đảo ngược các tiến trình phát triển truyền thống này, làm cho chặng đường vốn đã khó khăn càng thêm trắc trở.

Một quan ngại khác cho các nước đang phát triển là các doanh nghiệp đa quốc gia có thể tận dụng các công nghệ tiên phong để giữ sản xuất tại địa phương hoặc chuyển về nước việc sản xuất chế tạo mà trước đây phải dịch chuyển sang nước ngoài. Tiến trình này có thể làm chậm lại sự chuyển đổi của những ngành công nghiệp truyền thống như may mặc, giày dép, và đồ điện tử công nghệ thấp từ Trung Quốc sang các nước kém công nghiệp hóa hơn ở châu Á và châu Phi. Khả năng đưa sản xuất về nước tuy nhiên sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác bao gồm sở hữu, quy mô sản xuất và vị trí của nước đó trong chuỗi cung ứng. Cũng có thể hợp lý trong việc tiếp tục giữ sản xuất ở các nước đang phát triển vốn đang có dân số gia tăng và tầng lớp trung lưu mở rộng – điều mang lại triển vọng về các thị trường đang tăng trưởng.

5. Định hướng chính sách sẵn sàng với công nghệ tiên phong

5.1. Các lĩnh vực chính sách chủ chốt mà quốc gia cần chú trọng: (i) chính sách định hướng thay đổi công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và giảm bất bình đẳng; (ii) các nước đang phát triển cần ứng dụng các công nghệ tiên phong trong khi tiếp tục đa dạng hóa nền tảng sản xuất của nước mình bằng cách làm chủ các công nghệ hiện có; (iii) củng cố hệ thống an sinh xã hội để bảo đảm an sinh cho người lao động có thể bị mất sinh kế.

Để vượt qua những thách thức này, các chính phủ và cộng đồng quốc tế cần phải định hướng chính sách phát triển những công nghệ mới và đang nổi lên để chúng có thể hỗ trợ phát triển bền vững và không bỏ ai lại phía sau. Ngay từ đầu, điều quan trọng là cần thiết lập các khuôn khổ đạo đức, nhất là cho việc triển khai AI. Nhiều sáng kiến tự nguyện đã hướng đến việc đảm bảo rằng các tiến trình và kết quả là công bằng, minh bạch, trách nhiệm và mang tính bao trùm. Tương tự, việc chỉnh sửa gen của loài người cần phải có sự đồng thuận rộng rãi về các vấn đề đạo đức và xã hội.

Việc giảm bất bình đẳng thu nhập giữa các nước có nghĩa là thúc đẩy công nghệ và thương mại cho chuyển đổi cấu trúc. Nếu các nước đang phát triển tạo ra các nền kinh tế mà cung cấp công việc được trả lương tốt hơn, họ sẽ tận dụng được mô hình công nghệ mới. Các nước đang phát triển và tất cả các lục địa như châu Phi không thể bỏ lỡ làn sóng thay đổi công nghệ này. Các chính phủ cũng có thể làm giảm nhẹ bất bình đẳng trong nước thông qua việc đánh thuế lũy tiến vào thu nhập, của cải hoặc thu nhập từ vốn. Họ cũng có thể cung cấp các dịch vụ như giáo dục một cách miễn phí cho tất cả mọi người. Các chính phủ có thể cũng tăng các chuyển giao xã hội như phúc lợi thất nghiệp để giảm nguy cơ người dân rơi vào cảnh nghèo.

Tài trợ cho đổi mới có thể đến từ các nguồn chính thức, nhưng cũng có những mô hình tài trợ thay thế bao gồm đầu tư tác động, vốn đầu tư mạo hiểm, gọi vốn cộng đồng (crowdfunding), và các quỹ đổi mới và công nghệ. Đã có một số thành công ví dụ như năm 2018, Quỹ bình đẳng hàng năm cho các công ty khởi nghiệp công nghệ ở châu Phi đã tăng gấp đôi lên hơn 1 tỷ đô la. Để tận dụng đầy đủ những công nghệ này, công nhân sẽ cần có khả năng trong khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) cũng như trong thiết kế, quản lý và khởi sự doanh nghiệp. Những công nhân mà không thể được đào tạo hay tái đào tạo và mất việc có thể dựa vào các cơ chế bảo vệ xã hội và phúc lợi việc làm (workfare) tốt hơn cũng như các dạng thức khác nhau của tái phân bổ thu nhập như thuế thu nhập âm và thu nhập cơ bản phổ thông. Cũng cần phải nhấn mạnh lại tầm quan trọng của các công đoàn trong việc bảo vệ quyền và quan ngại chính đáng của công nhân về việc làm của họ trong nền kinh tế số và mức độ tự động hóa gia tăng ở các nhiệm vụ. Tài chính cho các biện pháp như vậy có thể đến từ “thuế rô bốt” vốn sẽ tập hợp thu nhập từ các công nghệ thay thế cho công nhân. Hoặc cũng có một loại thế tự động hóa, kết hợp với việc xóa bỏ việc giảm thuế doanh thuế cho đầu tư. Mặt khác, thay vì đánh thuế các cá nhân hay công nghệ, tốt hơn là đánh thuế vào của cải được tạo ra.

Các chính phủ cũng nên cố gắng thúc đẩy các hệ sinh thái đổi mới mang tính hỗ trợ, dựa trên những đánh giá phân tích các hệ thống kỹ thuật khác nhau và tác động của chúng đối với phát triển bền vững và bao trùm. Các công nghệ được chọn cần phải được triển khai theo quy mô với kế hoạch chuyển giao kỹ thuật từ các nhà khoa học và kỹ sư sang doanh nghiệp và những người khác và thúc đẩy thu nhập của các hộ gia đình. Công nghệ cũng có thể được tích hợp trong các dịch vụ công do nhà nước cung cấp với sự lưu ý đặc biệt cho những lĩnh vực ít được phục vụ vốn không mấy thu hút về mặt thương mại đối với các công ty tư nhân. Những mạng lưới các nhà hoạt động, các học giả và những người thực thi chính sách có thể thử nghiệm những khả năng thay thế dựa trên tri thức địa phương và được thúc đẩy bởi các nhu cầu xã hội và môi trường.

Các chính sách đổi mới sáng tạo quốc gia cũng cần phải tương ứng với các chính sách công nghiệp. Việc giữ tính cạnh tranh cho các ngành công nghiệp quốc gia hay khu vực là mục tiêu trung tâm trong hầu hết các kế hoạch chiến lược cho công nghệ AI và Công nghiệp 4.0. Những kế hoạch này có thể tận dụng Khung đánh giá Chính sách Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (STI) của UNCTAD, vốn có thể dẫn đến các chính sách cụ thể để thúc đẩy các công nghệ tiên phong cho các thành phố thông minh và bền vững hơn, an ninh lương thực và nông nghiệp thông minh và tạo ra việc làm trong các nhà máy thông minh hơn. Trong nhiều trường hợp, điều này sẽ đòi hỏi tiếp cận các công nghệ được cấp bằng sáng chế. Một lựa chọn là cấp phép bắt buộc nhưng cũng có những thỏa thuận mang tính hợp pháp hơn, cùng với liên kết cấp bằng (patent pooling), thanh toán bù trừ (clearing houses) và cấp phép nguồn mở (open-source licensing). Đồng thời, các chính phủ có thể tài trợ cho R&D trong khi đòi hỏi rằng lợi ích của nghiên cứu đó phục vụ hàng hóa công.

5.2. Định hướng yêu cầu cơ bản nhằm đạt được kết quả công bằng: (i) quản trị quốc gia hiệu quả để định hướng thay đổi công nghệ; (ii) thúc đẩy hợp tác quốc tế để hỗ trợ các nước đang phát triển và củng cố một khuôn khổ toàn cầu về chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (STI) phục vụ phát triển; (iii) nâng cao nhận thức của người dân và đảm bảo rằng xã hội và các thiết chế định hướng thay đổi công nghệ theo hướng phát triển bền vững và bao trùm.

Quản trị quốc gia hiệu quả: các Chính phủ cần phải tạo ra tầm nhìn, sứ mạng và kế hoạch để tạo dựng và định hình thị trường cho đổi mới sáng tạo mang tính bao trùm và bền vững cũng như đầu tư vào nguồn lực con người và vật chất và hợp tác quốc tế. Cộng đồng các quốc gia cần phối hợp với nhau để xây dựng một khuôn khổ thể chế quốc tế mà bao gồm các quốc gia ở tất cả các giai đoạn phát triển công nghệ. Những chính sách và chương trình chính thức này sẽ cần được hỗ trợ bởi những hoạt động xã hội tích cực với việc người dân và các tổ chức hợp tác với nhau để tìm ra những điểm không tương thích giữa đổi mới kỹ thuật và phản ứng xã hội. Việc lấy SDGs là những nguyên tắc chỉ đường trung tâm sẽ đòi hỏi sự giám sát thường xuyên của các tổ chức xã hội dân sự. Để giảm thiểu bất bình đẳng, các chính phủ có thể dựa vào một phạm vi rộng các công cụ bao gồm các biện pháp quản lý thường kỳ và các công cụ kinh tế và tài khóa cũng như những chính sách thông minh hơn về thương mại, đầu tư, công nghiệp, đào tạo và đổi mới. Họ cũng có thể đảm bảo rằng các nhóm dễ tổn thương và thu nhập thấp có thể tiếp cận với các hàng hóa và dịch vụ mới có giá trị, một số trong đó có thể được trợ cấp hoặc cung cấp miễn phí.

Cần nhằm hai mục tiêu công nghệ để đuổi kịp và vươn lên đón đầu, theo đó các nước đang phát triển sẽ cần đón nhận các công nghệ tiên phong trong khi tiếp tục đa dạng hóa những nền tảng sản xuất của họ bằng cách vận dụng thành thạo các công nghệ hiện có. Họ cần phải để ý đến cả hai mục tiêu này. Điều này có nghĩa là tăng cường các hệ thống đổi mới trong khi đồng bộ hóa các chính sách STI và chính sách công nghiệp, xây dựng kỹ năng số cơ bản và thu hẹp khoảng cách trong cơ sở hạ tầng ICT.

Sự tiếp cận trong phạm vi cả nước đối với điện và ICT cần hướng đến việc thu hẹp khoảng cách giới và thế hệ. Thông qua các Chương trình nghị sự quốc gia về công nghệ số, các quốc gia có thể tập trung vào những người bị bỏ lại sâu nhất, tạo đòn bẩy cho cơ sở hạ tầng ICT và cải thiện tiếp cận internet thông qua các băng thông rộng cố định hoặc di động.

Những ưu tiên cho hợp tác quốc tế: Các nước đang phát triển cũng có thể dựa vào sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính thông qua hợp tác quốc tế và hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Cụ thể, sẽ cần phải xây dựng năng lực quốc gia mạnh hơn trong STI, có nghĩa là gia tăng các khoản ODA hiện nay tương đối nhỏ dành cho STI ở các nước kém phát triển nhất và các nước đang phát triển thu nhập thấp; thúc đẩy chuyển giao công nghệ cho các sản phẩm và dịch vụ liên quan ở địa phương, bao gồm tự do hóa tiếp cận đối với thương mại và công nghệ được bảo hộ bởi quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các công nghệ tiên phong, như khuyến khích phụ nữ và trẻ em gái học các môn STEM; cải thiện đánh giá kỹ thuật và đánh giá tầm nhìn xa nhằm hiểu rõ hơn tác động kinh tế xã hội và môi trường của các công nghệ mới và sáng tạo.

Thúc đẩy thảo luận mang tính bao trùm: Các nước đang phát triển, nhất là các nước kém phát triển nhất cần phải tham gia vào những tranh luận quốc tế về việc những công nghệ mới đã ảnh hưởng đến các quyền, sự riêng tư, sở hữu dữ liệu và an ninh mạng của các công dân như thế nào và nhất là về cách thức mà chúng có thể thúc đẩy SDGS. Các quan ngại của các nước đang phát triển cần phải được phản ảnh trong các khuôn khổ quy chuẩn và quy chế điều phối theo hướng cân bằng các quyền của cá nhân và tập thể trong khi khuyến khích sự đổi mới sáng tạo của khu vực tư.

Bắt kịp làn sóng, vai trò của Chính phủ: Các chính phủ và các thành phần trong xã hội cần chuẩn bị nhanh chóng. Các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước kém phát triển nhất, không được bỏ lỡ làn sóng mới thay đổi công nghệ đang diễn ra nhanh chóng. Các chính phủ tuy không thể biết công nghệ sẽ phát triển như thế nào nhưng có thể giúp định hình các con đường mà các công nghệ đó thực hiện trong nên kinh tế và xã hội quốc gia.

Mỗi quốc gia sẽ cần có các chính sách Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (STI) phù hợp với giai đoạn phát triển của mình. Đối với một số nước, điều này sẽ có nghĩa là thúc đẩy các công nghệ tiên tiến trong khi nỗ lực đổi mới để tận dụng tối đa các công nghệ hiện có để đa dạng hóa nền kinh tế của họ và nâng cấp các lĩnh vực truyền thống như nông nghiệp. Những nước khác có thể tham gia sâu rộng hơn với sự phát triển của công nghệ tiên phong.

Tất cả các quốc gia cần chuẩn bị cho con người và doanh nghiệp trong một khoảng thời gian thay đổi nhanh chóng. Đối với các nước đang phát triển, thành công trong thế kỷ XXI sẽ đòi hỏi phương pháp tiếp cận cân bằng – xây dựng một nền tảng công nghiệp vững chắc và thúc đẩy các công nghệ tiên phong sẽ giúp thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Chương trình nghị sự 2030 và tầm nhìn toàn cầu về xã hội lấy con người làm trung tâm, bao trùm và bền vững./.

(Phái đoàn Việt Nam tại Geneva)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here