Tin Kinh tế Mỹ

0
84
(AFP)
(AFP)

1. Báo cáo đặc biệt về Điều luật 301 của USTR nhấn mạnh nạn hàng giả tràn lan ở Trung Quốc

Ngày 30/4/2021, Inside Trade đã đưa tin về Báo cáo đặc biệt về Điều luật 301 của USTR. Báo cáo đề cập đến tình trạng thực thi và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của hơn 100 đối tác thương mại, trong đó đưa 9 đối tác vào danh sách theo dõi ưu tiên và 23 đối tác vào danh sách theo dõi (Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách theo dõi như năm 2020).

Theo báo cáo của USTR, việc bán hàng giả trên thị trường thương mại điện tử của Trung Quốc đã trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy việc mua sắm trực tuyến. Báo cáo năm nay tiếp tục đưa Trung Quốc vào danh sách theo dõi ưu tiên của USTR. USTR đánh giá mặc dù Trung Quốc đã thực hiện một số bước cải tiến theo thỏa thuận Giai đoạn Một Mỹ – Trung, nhưng các hành động này là chưa đủ để thay đổi một cách căn bản tình hình vi phạm ở Trung Quốc. USTR cho rằng vấn đề lớn nhất của Trung Quốc là việc nước này có nguồn hàng giả và hàng không bản quyền hàng đầu thế giới. Điều này cho thấy Trung Quốc đã không quyết liệt hạn chế việc sản xuất, buôn bán nội địa và để mặc xuất khẩu hàng giả tràn lan. Báo cáo cho biết Trung Quốc và Hồng Công hiện chiếm hơn 80% các vụ tịch thu hàng giả, hàng không bản quyền của Mỹ.

USTR năm nay đã chuyển Algeria từ danh sách theo dõi ưu tiên sang danh sách theo dõi. USTR cũng đưa Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất ra khỏi danh sách theo dõi do “Bộ Y tế và Phòng ngừa đã giải quyết các mối quan ngại về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm dược phẩm” cùng với việc đạt được những tiến bộ khác của nước này.

Theo Inside Trade, trước khi rời vị trí vào tháng 1/2021, cựu trưởng USTR Robert Lighthizer đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề buôn bán hàng giả trực tuyến. “Đó là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất mà chúng tôi đang lo lắng tại USTR và người kế nhiệm của tôi sẽ lo lắng về nó,” ông Lighthizer cho biết trong một cuộc phỏng vấn. Các nhà phân tích đã cảnh báo rằng sự bùng nổ của thương mại điện tử trong bối cảnh đại dịch đã “đổ thêm dầu vào lửa” trong vấn đề buôn bán hàng giả.

2. Thu nhập hộ gia đình Mỹ trong tháng 3 đã tăng lên mức kỷ lục 21,1%

Ngày 30/4/2021, WSJ dẫn số liệu của Bộ Thương mại cho biết thu nhập hộ gia đình Mỹ trong tháng 3 đã tăng lên mức kỷ lục 21,1%. Điều này phản ánh việc triển khai gói cứu trợ kinh tế 1,9 nghìn tỷ USD của Tổng thống Biden, trong đó mỗi người dân nhận được séc thanh toán 1.400 USD. Người dân Mỹ cũng đã chi tiêu nhiều hơn vào mua sắm, nhất là nhóm các mặt hàng có giá trị lớn như ô tô, đồ nội thất, đưa mức chi tiêu tháng 3 tăng mạnh lên 4,2%, mức tăng hàng tháng cao nhất kể từ giữa năm 2020.

Các nhà phân tích kinh tế đang hy vọng xu hướng trên sẽ tiếp tục diễn ra trong các tháng tới khi việc tiêm chủng đã trở nên phổ biến và nền kinh tế được mở cửa một cách rộng rãi hơn. Chuyên gia kinh tế tại công ty Barclays, Pooja Sriram cho biết việc nước Mỹ kiểm soát được các ca lây nhiễm COVID-19 sẽ là biện pháp lý tưởng giúp mở cửa trở lại lĩnh vực dịch vụ, nhấn mạnh yếu tố này là một khía cạnh quan trọng để đảm bảo rằng sự phục hồi kinh tế được tiếp tục. Theo công ty phân tích dữ liệu Earnest Research, hiệu ứng chi tiêu tiêu dùng của gói kích thích lần này lớn hơn do giá trị tiền mặt người dân nhận được lớn và phù hợp với giai đoạn Mỹ mở cửa kinh tế trở lại; tốc độ chi tiêu của người dân tại các bang Pennsylvania, Texas và Florida gấp đôi so với các bang như California hay New York cũng cho thấy tác động mạnh hơn của gói cứu trợ tại các bang sớm mở cửa lại kinh tế.

Chi tiêu tiêu dùng là yếu tố lớn nhất đằng sau tăng trưởng kinh tế ở Mỹ. Chi tiêu đã tăng mạnh trong suốt đại dịch khi người tiêu dùng tăng cường mua hàng hóa như ô tô, thiết bị gia dụng và đồ nội thất. Chi tiêu cho các dịch vụ trực tiếp như nhà hàng, tiệm làm móng và đi lại bằng máy bay đã bị ảnh hưởng nặng nề giai đoạn đại dịch, song sẽ tăng lên khi người dân được tiêm chủng. Trong tháng 3/2021, chi tiêu cho dịch vụ của người dân Mỹ đã tăng 2,2% so với một tháng trước đó.

Theo WSJ, khi nền kinh tế mở cửa trở lại trong những tháng tới, các hộ gia đình sẽ có xu hướng chi tiêu nhiều hơn từ số tiền tiết kiệm đã tích lũy được trong đại dịch, và chỉ số chi tiêu tiêu dùng mạnh là một trong những yếu tố có thể sẽ đẩy lạm phát lên cao trong ngắn hạn. Theo dữ liệu của FED, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân không bao gồm thực phẩm và năng lượng trong tháng 3 đã tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, Chủ tịch FED Jerome Powell trong cuộc họp báo giữa tuần trước cũng đã trấn an, khẳng định áp lực tăng giá xuất hiện từ quá trình mở cửa trở lại có thể chỉ là tạm thời.

3. Tăng trưởng sản xuất của Mỹ giảm nhẹ trong tháng 4/2021

Ngày 03/5/2021, The Hill dẫn số liệu của Viện Quản lý nguồn cung (ISM), cho biết chỉ số về mức tăng trưởng sản xuất của Mỹ trong tháng 04/2021 là 60,7%, giảm nhẹ so với tháng 3/2021 là 64,7% và thấp hơn dự đoán của các nhà kinh tế là 65%.

Theo chủ tịch ISM, ông Timothy R. Fiore, các công ty và nhà cung ứng của Mỹ đang phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong bối cảnh dịch COVID-19. Nguồn nguyên vật liệu khan hiếm, giá hàng hóa tăng và khó khăn trong việc vận chuyển sản phẩm đang tiếp tục ảnh hưởng đến tất cả các phân khúc của nền kinh tế sản xuất.

Tuy nhiên, một số ý kiến vẫn tỏ lạc quan với chỉ số tăng trưởng sản xuất của ISM. Nhà kinh tế trưởng tại công ty tài chính NationWide, ông David Berson cho biết tốc độ tăng trưởng chậm lại là “điều bất ngờ” và ông cho rằng ngành sản xuất sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong những tháng tới trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ nói chung đang phát triển với tốc độ chưa từng thấy kể từ năm 1984.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here