Thương mại điện tử thế giới – Vai trò ngày càng lớn của châu Á

0
322

Vào năm 2019, châu Á đã trở thành mạng lưới tích hợp thương mại khu vực lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Liên minh châu Âu (EU), với quy mô chiếm 58% tổng thương mại toàn cầu. Hệ thống thương mại của Đông Á có khả năng sẽ trở nên bao trùm và bền vững hơn với sự chuyển đổi nhanh chóng sang các nền tảng kỹ thuật số.

Châu Á đã trở thành mạng lưới tích hợp thương mại khu vực lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Liên minh châu Âu.

Hai nhà phân tích Homi Kharas và Meagan Dooley, thuộc Trung tâm Phát triển Bền vững của Viện Brookings, cho rằng thương mại Đông Á sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn vì quy mô hồi phục kinh tế của khu vực này đang lớn hơn và nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

Dẫn đầu cuộc cách mạng thương mại điện tử 

Đông Á hiện đang dẫn đầu cuộc cách mạng thương mại điện tử toàn cầu. Năm 2019, các nền tảng từ doanh nghiệp đến khách hàng (B2C) – thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, công nghệ quảng cáo, dịch vụ vận tải điện tử và truyền thông kỹ thuật số – đã tạo ra doanh thu 3.800 tỷ USD trên toàn cầu, trong đó 1.800 tỷ USD thuộc về châu Á.

Tính riêng lĩnh vực thương mại điện tử đã chiếm 1.900 tỷ USD doanh thu toàn cầu và 1.100 tỷ USD doanh thu khu vực. Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu, chiếm 45% tổng các giao dịch thương mại điện tử.

Tại châu Á, doanh số bán hàng trực tuyến chiếm 12% tổng doanh số bán lẻ, cao hơn so với 8% của châu Âu và khu vực Bắc Mỹ. Nền kinh tế kỹ thuật số dự kiến sẽ tạo thêm 1 tỷ USD vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của châu Á trong 10 năm tới.

Hơn bao giờ hết, phong trào thương mại điện tử đang phát triển, bao gồm các giao dịch xuyên biên giới. Thương mại điện tử theo mô hình doanh nghiệp với khách hàng (B2C) xuyên biên giới đã tạo ra khoảng doanh thu bán hàng ước tính 404 tỷ USD vào năm 2018, tăng 7% so với năm trước đó. Mặc dù, doanh số bán hàng nền tảng doanh nghiệp đến doanh nghiệp (B2B) chiếm 80% thương mại điện tử xuyên biên giới, nhưng B2C thể hiện mức tăng trưởng nhanh nhất.

So sánh giữa các nước, Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu toàn cầu, là “quê hương” của phần lớn các trang bán lẻ và đấu giá trực tuyến. Các giao dịch xuyên biên giới hiện chiếm khoảng 10% doanh số thương mại điện tử ở Trung Quốc.

Đại dịch COVID-19 thậm chí đã đẩy những con số này tăng cao hơn nữa khi người tiêu dùng đang chuyển sang mua sắm trực tuyến. Vẫn còn nhiều dư địa để lĩnh vực này tăng trưởng. Mức độ thâm nhập của những người mua sắm điện tử, hay tỷ lệ dân số trực tuyến tạo ra mua sắm trực tuyến, hiện vẫn ở mức dưới 50% ở châu Á, thấp hơn nhiều so với một số khu vực khác trên thế giới.

Việc thiếu hụt cơ sở hạ tầng công nghệ là một khía cạnh gây cản trở quá trình phát triển của thương mại kỹ thuật số tại châu Á, chỉ 56% khu vực này có thể truy cập Internet. Nhưng châu Á đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ kể từ năm 2010, trong đó đáng chú ý là Thái Lan (tăng 44 điểm phần trăm), Brunei (tăng 42 điểm phần trăm), Campuchia (tăng 39 điểm phần trăm) và Việt Nam (tăng 38 điểm phần trăm).

Các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang có thêm 125.000 người dùng (mạng Internet) mới mỗi ngày. Khoảng 94% khu vực đã được phủ sóng mạng 4G.

Những người tiêu dùng kỹ thuật số đại diện cho một thị trường mới. Ước tính rằng 40% chi tiêu Internet ở Trung Quốc và 30% ở Indonesia thể hiện khuynh hướng tiêu dùng mới, thay thế cho hoạt động mua hàng trực tiếp truyền thống.

Các nền tảng thương mại điện tử đang đẩy mạnh tiếp cận nhu cầu chưa được đáp ứng của người tiêu dùng. Các nền tảng này cũng thúc đẩy sự chú ý của người tiêu dùng, chẳng hạn như thông tin giảm giá, đưa thêm các lựa chọn và giảm chi phí giao dịch…

Lợi ích đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa

Các nền tảng kỹ thuật số đã góp phần mở rộng phạm vi tiếp cận của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME). Các nền tảng mới này cũng góp phần mở ra cơ hội cho những người sống ở các thành phố nhỏ, phụ cận và các khu vực nông thôn. Người dân Đông Á hiện đang sinh sống chủ yếu tại các vùng nông thôn, do đó tăng trưởng kỹ thuật số đang chuyển thành tăng trưởng toàn diện.

Các nền tảng thương mại điện tử góp phần kết nối người tiêu dùng trẻ và sống tại những vùng ven đô đến với nhiều thương hiệu quốc tế. Tmall, một trong những nền tảng thuộc hệ thống thương mại điện tử hàng đầu thế giới Alibaba, đang cung cấp mức giá ưu đãi cho các công ty quốc tế, cho phép những công ty này bán hàng trên nền tảng của họ mà không cần giấy phép hoạt động tại Trung Quốc.

Năm 2020, khoảng 29.000 thương hiệu đã tham gia vào nền tảng của Tmall, trong đó 80% hãng lần đầu tiên gia nhập vào thị trường Trung Quốc. Trong tổng số người dùng của Tmall, 45% đến từ các thành phố phụ cận của Trung Quốc. Nền tảng kỹ thuật số đang kết nối người tiêu dùng bên ngoài các đô thị lớn với một khu vực rộng lớn hơn.

Một tính năng giúp việc mua hàng xuyên biên giới trên nền tảng kỹ thuật số trở nên dễ dàng hơn chính là sự hiện diện của các loại ví điện tử, có thể được sử dụng để mua bất kỳ một sản phẩm nào trên nền tảng.

Các phương thức thanh toán ngày càng tích hợp. Ứng dụng thanh toán AliPay của Alibaba đang mua lại một số công ty khởi nghiệp địa phương trên toàn khu vực chuyên về phương tiện thanh toán trên điện thoại di động.

Sự phát triển của các công ty tài chính công nghệ (fintech) cũng đang mở rộng đáng kể quy mô và khía cạnh chuyên môn của lĩnh vực tài chính. Ngày càng nhiều cá nhân có quyền truy cập vào một loạt dịch vụ tài chính mà không cần có tài khoản nào tại một tổ chức tài chính định danh chính thức.

Các nền kinh tế hòa nhập ghi nhận xu hướng gia tăng số lượng MSME năng động hơn. Các nền tảng kỹ thuật số phục vụ MSME theo những cách khác nhau. Đầu tiên, chúng giúp giảm chi phí tài chính. Phí thẻ tín dụng đã khiến các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ mất trung bình 2% tổng doanh thu bán hàng. Tuy nhiên, AliPay và WeChat Pay không tính phí giao dịch trên các nền tảng thương mại kỹ thuật số của họ và chỉ thu 0,1% phí chuyển khoản với các giao dịch bên ngoài.

Thứ hai, các công ty thương mại điện tử và fintech đang sử dụng dữ liệu giao dịch và truyền thông xã hội theo thời gian thực để cải thiện đánh giá rủi ro và cung cấp các khoản vay cho các MSME. Mô hình cho vay trực tuyến của công ty tài chính Ant thuộc Alibaba được thiết kế để chỉ mất 3 phút cho việc điền thông tin và 1 phút để tiền được giải ngân vào tài khoản người bán mà không cần bất kỳ thao tác thủ công nào.

Dịch vụ dành riêng cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa (SME) có tên gọi là Mybank của công ty tài chính Ant đã phục vụ 25 triệu lượt khác hàng doanh nghiệp, tính đến năm 2020, thời điểm kỷ niệm 5 năm thành lập công ty. Mybank cũng tập trung vào việc lấp đầy khoảng cách tài chính cho các doanh nghiệp MSME do phụ nữ làm chủ, để góp phần tăng sự hòa nhập kinh tế xã hội.

Thứ ba, các nền tảng thương mại điện tử cung cấp cho các MSME một loạt hỗ trợ kỹ thuật và dịch vụ thông tin thị trường, giúp tăng năng suất và doanh thu xuất khẩu.

Kết thúc bài viết, các tác giả nhận định tăng trưởng Đông Á được hỗ trợ bởi các nền tảng kỹ thuật số sẽ mạnh mẽ và bao trùm nếu khu vực này đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và nguồn nhân lực. Theo tác giả, các chính phủ cũng cần phối hợp về cơ chế giám sát và quản lý để đảm bảo rằng các nền tảng mới có thể dễ dàng truy cập được và không bị lợi dụng cho các hoạt động phi pháp.

ASEAN đã thành lập một liên minh thanh toán điện tử để hỗ trợ sự phát triển của khuôn khổ thanh toán kỹ thuật số trong khu vực. Vì vậy, sẽ cần nhiều hành động hơn nữa thông qua các thỏa thuận và hợp tác quốc tế để bảo vệ quyền riêng tư của dữ liệu và tăng cường an ninh mạng.

Diệu Linh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here