Kinh tế Trung Quốc trong quý I năm nay tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 18,3%. Tờ Thời báo Hoàn Cầu đã có bài bình luận về sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc, trong đó cho rằng đây là con số tăng trưởng ấn tượng.
Trong quý đầu tiên của năm 2021, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 18,3% so với cùng kỳ năm 2020. Mức tăng này đã đưa tăng trưởng trung bình của quý I trong hai năm qua lên 5%.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn chưa thuyên giảm một cách cơ bản, kết quả này cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang dần phục hồi. Tỷ lệ tăng trưởng trung bình 5% là hiệu suất tốt nhất trong số các nền kinh tế lớn trên thế giới.
Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc có được đà tăng mạnh mẽ và đang đóng vai trò dẫn dắt trên thế giới. Một phần thiệt hại trong năm 2020 vẫn chưa được bù đắp một cách toàn diện bằng sức tăng trưởng kinh tế hiện nay. Vẫn còn nhiều dư địa để Trung Quốc phấn đấu tăng trưởng hơn nữa.
Cụ thể, hoạt động ngoại thương cũng đóng góp đáng kể vào mức tăng GDP, trong khi tiêu dùng trong nước vẫn chưa đạt được mức kỳ vọng. Tiêu dùng nội địa là chỉ dấu gần nhất của mục tiêu nâng cao chất lượng sống của người dân.
Tốc độ tăng trưởng 18,3% trong quý đầu tiên sẽ giúp Trung Quốc dễ dàng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP trên 6% trong năm 2021. Nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ, tốc độ tăng trưởng hàng năm có thể đạt 8%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dự đoán kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 8,4% trong năm nay. Điều này có thể trở thành hiện thực.
Trong khi đó, IMF dự báo mức tăng trưởng của Mỹ trong năm 2021 là 6,4%. Năm ngoái, tăng trưởng của Trung Quốc cao hơn Mỹ 5,8 điểm phần trăm. Năm nay, dự đoán khoảng cách chênh lệch sẽ là 2 điểm phần trăm; điều này cho thấy khoảng cách về quy mô kinh tế giữa hai nước sẽ tiếp tục được thu hẹp.
Mỹ đang triển khai chương trình tiêm chủng nhanh chóng cho người dân nước này. Điều đó đồng nghĩa với việc tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ không bị hạn chế bởi công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh.
Để duy trì vị trí dẫn đầu trong sự phục hồi kinh tế toàn cầu, Trung Quốc cần nỗ lực hoàn thành các mục tiêu kinh tế của nước này trong năm nay. Bên cạnh đó là việc đáp ứng nhu cầu của người dân Trung Quốc về cải thiện chất lượng sống, và những kỳ vọng của doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Bối cảnh đại dịch đã mang đến những thay đổi cũng như những cơ hội mới trong môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, một số thay đổi do cú sốc dịch bệnh không thể khôi phục được. Sự thay đổi lớn như vậy khiến một số người khó bắt kịp, do đó, giúp họ thích nghi với môi trường mới và vượt qua khó khăn càng sớm càng tốt sẽ là một trong những việc cần làm để đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế.
Trong hai năm qua, một số người đã không phải trải qua những thay đổi trong công việc, nhưng thu nhập của họ không tăng hoặc bị sụt giảm. Đây cũng là một khía cạnh cần được quan tâm để củng cố sự phục hồi kinh tế của đất nước.
Tăng trưởng kinh tế của Mỹ, nhìn chung, đã đạt được bằng cách in nhiều tiền hơn. Đây không phải là mô hình tăng trưởng kinh tế vững chắc và biện pháp này sẽ chỉ cải thiện phần nào mức sống của người dân Mỹ bình thường. Người ta có thể lập luận rằng dịch bệnh đã làm gia tăng thêm khoảng cách giàu nghèo trong xã hội Mỹ.
Từ thực tế đó, Trung Quốc cần coi trọng tính bao trùm của tăng trưởng kinh tế và đặt con người làm trung tâm. Tuy nhiên, điều đó cũng khiến công tác kinh tế của Trung Quốc trở nên khó khăn hơn, đòi hỏi Trung Quốc phải theo đuổi sự hiệu quả.
Một điểm đáng chú ý là đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao tăng nhanh trong quý I/2021. Sản xuất công nghệ cao tăng 41,6% và đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ công nghệ cao tăng 28,6%.
Đã có một số ví dụ về việc đầu tư nhiều vào công nghệ cao, nhưng không hiệu quả trong những năm gần đây. Trong những nỗ lực của Trung Quốc nhằm phá vỡ sự gò bó trong phát triển công nghệ cao, nhiều vấn đề có thể khó tránh khỏi. Tiếp tục rút kinh nghiệm, tổng kết kinh nghiệm, đẩy mạnh việc nâng cao hiệu quả đầu tư là điều cần thiết.
Mức tăng trưởng 18,3% trong quý đầu tiên của năm 2021 sẽ mang lại động lực cho sự phục hồi kinh tế thế giới. Sự cạnh tranh giữa các quốc gia sắp tới sẽ xoay quanh vấn đề nước nào có thể phát triển nhanh hơn, vững chắc hơn và tích lũy sức mạnh cho tăng trưởng lâu dài.
Tiến Trung