Tin Kinh tế Mỹ

0
80
(AFP)
(AFP)
1. Mỹ đưa Việt Nam, Thụy Sĩ ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ
Theo Reuter, trong báo cáo công bố ngày 16/4, Bộ Tài chính Mỹ cho rằng Việt Nam, Thụy Sĩ và Đài Loan đã vượt qua ngưỡng có thể thao túng tiền tệ theo luật thương mại năm 2015 của Mỹ, nhưng Bộ Tài chính Mỹ không chính thức coi đây là những đối tác đã thao túng tiền tệ.
Trong báo cáo ngoại hối đầu tiên dưới thời Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, Bộ Tài chính cho biết sẽ bắt đầu “tăng cường đối thoại” với Đài Loan và tiếp tục các cuộc đàm phán với Việt Nam và Thụy Sĩ sau khi chính quyền Trump gắn mác thao túng tiền tệ vào tháng 12/2020.
Bộ Tài chính cho biết Đài Loan, Việt Nam và Thụy Sĩ đã vượt các ngưỡng – thặng dư thương mại song phương hơn 20 tỷ USD với Mỹ, can thiệp ngoại tệ vượt quá 2% GDP và thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu vượt quá 2% GDP.
Mặc dù vậy, không đủ bằng chứng theo luật thương mại năm 1988 để kết luận rằng Việt Nam, Thụy Sĩ hoặc Đài Loan đang thao túng tỷ giá hối đoái để đạt được lợi thế thương mại hoặc ngăn cản việc điều chỉnh cán cân thanh toán.
Một quan chức Bộ Tài chính nói với các phóng viên: “Đối với giai đoạn 2020, chúng tôi chưa phát hiện đối tác nào thao túng tiền tệ”. Động thái này giảm bớt một số áp lực đối với Thụy Sĩ và Việt Nam khi được đưa ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ trong ít nhất 06 tháng.
Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) phủ nhận việc thao túng đồng franc và cho biết báo cáo sẽ không thay đổi chính sách tiền tệ của họ. “Xét về tình hình kinh tế và giá trị cao liên tục của đồng franc Thụy Sĩ, SNB vẫn sẵn sàng can thiệp vào thị trường ngoại hối khi cần”.
Một quan chức tại Ngân hàng trung ương Đài Loan cho biết quyết định của Mỹ cho thấy sự hợp tác tốt giữa Đài Bắc và Washington về vấn đề này và các nhà chức trách Mỹ hiểu “tình hình đặc biệt” của Đài Loan.
Các mặt hàng xuất khẩu tập trung vào công nghệ của Đài Loan sang Mỹ, bao gồm máy tính xách tay và chất bán dẫn, đã tăng vọt vào năm 2020 do sự bùng nổ xu hướng làm việc tại nhà do đại dịch gây ra.
Trong một tuyên bố hôm thứ Bảy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tỷ giá hối đoái linh hoạt được điều hành theo hướng kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và không tạo ra lợi thế thương mại không công bằng.
Trong một tuyên bố sau đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết họ hoan nghênh quyết định của Bộ Tài chính, đồng thời cho biết thêm: “Việt Nam sẽ duy trì các cuộc đối thoại và tham vấn với Mỹ về vấn đề này.”
Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ cũng cho biết cuộc khủng hoảng COVID-19 có khả năng tiếp tục ảnh hưởng đến vị thế tài khoản vãng lai trong năm tới khi sự phục hồi tăng nhanh ở một số nền kinh tế và tụt hậu ở những nền kinh tế khác, và thêm rằng những thay đổi này là nguyên nhân gây lo ngại.
Bà Yellen cho biết “Bộ Tài chính Mỹ sẽ tiếp tục làm việc để giải quyết vấn đề các nền kinh tế khác thao túng giá trị tiền tệ một cách giả tạo khiến người lao động Mỹ gặp bất lợi không công bằng”.
Bộ Tài chính sẽ tiến hành các cuộc đàm phán chính thức để thúc giục Việt Nam, Thụy Sĩ và Đài Loan xây dựng kế hoạch với các hành động cụ thể để giải quyết các nguyên nhân cơ bản của việc định giá tiền tệ thấp và mất cân bằng tài khoản vãng lai. Các cuộc đàm phán cũng sẽ giúp Bộ Tài chính xác định lý do 03 đối tác thương mại thực hiện các biện pháp can thiệp đáng kể vào thị trường tiền tệ.
Báo cáo của Bộ Tài chính cũng kêu gọi Trung Quốc cải thiện tính minh bạch liên quan đến các hoạt động can thiệp ngoại hối, chế độ quản lý tỷ giá hối đoái, mối quan hệ giữa ngân hàng trung ương và hoạt động ngoại hối của các ngân hàng quốc doanh và các hoạt động trên thị trường đồng nhân dân tệ ở nước ngoài.
Báo cáo lần này duy trì danh sách giám sát gồm 11 đối tác: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ireland, Ý, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Mexico..
Phản ứng trên thị trường ngoại hối không đáng kể, đồng franc Thụy Sĩ mạnh hơn chút ít và đồng peso của Mexico yếu hơn một chút.
Ngân hàng Trung ương Thái Lan cho biết họ không nhận thấy tác động đến dòng chảy kinh doanh hoặc khả năng thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô để bảo vệ sự ổn định trong nước khi vẫn nằm trong danh sách giám sát của Mỹ.
Ngân hàng Trung ương Thái Lan khẳng định nước này chưa bao giờ sử dụng tỷ giá hối đoái như một công cụ để đạt được lợi thế thương mại không công bằng, Trợ lý Thống đốc Chantavarn Sucharitakul cho biết trong một tuyên bố.
Thierry Wizman, chiến lược gia về lãi suất và tiền tệ toàn cầu tại Macquarie Group, cho biết: “Đây là một quyết định chính trị, không phải là một quyết định dựa trên quy tắc”, Bộ Tài chính dường như đang cố gắng xác định mục đích của các chính sách ngoại hối. “Có vẻ như chính quyền đang cố gắng không làm mất lòng các đồng minh, nhất là những đồng minh quan trọng nhất trong việc kiềm chế Trung Quốc”, Wizman nói.
2. Biden chọn Bianchi, White cho 02 vị trí Phó USTR
Tin Insidetrade, theo thông cáo của Nhà Trắng, Tổng thống Biden có kế hoạch đề cử bà Bianchi, một nhân viên Thượng viện lâu năm và một cựu cố vấn kinh tế cấp cao làm Phó Đại diện Thương mại Mỹ.
Bà Sarah Bianchi, được Phó Tổng thống Biden bổ nhiệm vào năm 2011 làm cố vấn chính sách kinh tế và đối nội hàng đầu của ông, có mối quan hệ lâu dài và sâu sắc với tổng thống, cũng từng là cố vấn cấp cao cho Viện Biden tại Đại học Delaware. Bà đã làm việc trong Hội đồng Chính sách Nội địa của Nhà Trắng và trong Văn phòng Quản lý và Ngân sách, cũng như các nhân viên của Ủy ban Y tế, Giáo dục, Lao động và Lương hưu của Thượng viện. Bà cũng là cựu phó trợ lý cho Tổng thống về chính sách kinh tế.
Nhà Trắng cũng cho biết Tổng thống Biden sẽ chọn ông Jayme White, cố vấn thương mại chính của Ủy ban Tài chính Thượng viện kể từ năm 2014, cho vị trí Phó USTR. Ông White được cho là có nhiều khả năng giành được đề cử kể từ chiến thắng của Biden năm ngoái. Chủ tịch Ủy ban Tài chính Ron Wyden (D-OR) năm ngoái đã công khai nói rằng ông White nên được đề cử cho vị trí này.
Nghị sỹ Jim McDermott (D-WA) nhận xét, White “đã đóng một vai trò trong gần như mọi vấn đề thương mại lớn và luật thương mại trong 20 năm qua”. Ông làm tại Thượng viện từ năm 2009, “ông White đã dẫn đầu nỗ lực tạo bình đẳng cho người lao động Mỹ, thông qua các cuộc đàm phán và thỏa thuận thương mại, và bằng cách cải cách luật thương mại của Mỹ để ứng phó tốt hơn với hoạt động ngoại thương không công bằng”. Các điều khoản chính – đặc biệt là các biện pháp có thể thực thi về lao động và môi trường – trong Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) là kết quả của những nỗ lực của ông ấy”. White đã hợp tác chặt chẽ với Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai trong quá trình đàm phán USMCA.
Đầu năm nay, các nguồn tin nói với Inside U.S. Trade rằng ông White là ứng cử viên cho vị trí phó USTR phụ trách khu vực Châu Á, Châu Âu, Trung Đông và vấn đề cạnh tranh trong lĩnh vực công nghiệp.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here