Tin Kinh tế Bangladesh

0
166
(Internet)
(Internet)

1. Công nghiệp hóa vẫn chưa đạt yêu cầu

Bangladesh đã thất bại trong việc công nghiệp hóa toàn diện trong 50 năm độc lập của mình do thiếu các chính sách phù hợp. Trong bốn thập kỷ qua, các ngành công nghiệp truyền thống của Bangladesh như đay và dệt đã bị các đời chính phủ hủy hoại vì tập trung phát triển lĩnh vực sản xuất đồ may sẵn (RMG), hướng đến xuất khẩu trong điều kiện toàn cầu thuận lợi.

Mặc dù sự tiến bộ của lĩnh vực hàng may sẵn của nước này là đáng chú ý, nhưng việc chỉ tập trung vào một lĩnh vực này đã khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương, khiến nước này hiện đang đi sau các nước như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Malaysia trong phát triển kinh tế. Nền kinh tế của tất cả các nước này đều ở trong tình trạng tương tự như Bangladesh vào những năm 90.

Các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng mặc dù có tiềm năng lớn, nhưng quá trình công nghiệp hóa của đất nước không thể đạt được tốc độ mong muốn nếu không có một chính sách toàn diện.

Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Chính sách Ahsan H Mansur cho biết: “Nhìn chung, lĩnh vực công nghiệp của Bangladesh đang hoạt động tốt, nhưng nếu xem xét kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy rằng quá trình công nghiệp hóa của chúng ta không bắt nguồn từ sâu xa và không đồng đều”. Ông cho biết đó là một thất bại trong chính sách công nghiệp của Bangladesh khi lĩnh vực sản xuất công nghiệp hầu như chỉ phụ thuộc vào ngành RMG. “Bên cạnh đó, lĩnh vực RMG chủ yếu là hàng may mặc thấp cấp với số lượng hạn chế và cũng là thất bại khi chúng ta không thể đa dạng hóa công nghiệp hóa của mình như Việt Nam, Indonesia và Malaysia, những nơi có điều kiện kinh tế tương tự như chúng ta trong những năm 90”.

Anu Muhammad, giáo sư kinh tế của Đại học Jahangirnagar, cho biết ngành công nghiệp đay thuộc sở hữu nhà nước là nền tảng chủ yếu nền công nghiệp của Bangladesh cho đến những năm 80, nhưng các chính phủ kế tiếp không có bất kỳ chính sách nào để khai thác tiềm năng của ngành công nghiệp thân thiện với môi trường này. Ông nhận xét “Đó là một quyết định sai lầm khi bỏ qua ngành công nghiệp đay vì nông nghiệp trong nước cung cấp 100% nguyên liệu đay thô và nhu cầu về các sản phẩm đay thân thiện với môi trường cũng có nhu cầu rất lớn trên thị trường toàn cầu”.

Giáo sư cũng cho biết nhiều quốc gia lân cận Bangladesh có nền kinh tế tương tự đã đạt được tiến bộ đáng kể trong quá trình công nghiệp hóa toàn diện, vì chính phủ của họ đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này, nhưng các đời chính phủ Bangladesh đã không theo đuổi bất kỳ chính sách nào như vậy. Ông nhận xét: “Ngành RMG Bangladesh đã phát triển do tình hình kinh tế toàn cầu thuận lợi nhưng ngành này lại không phát triển về chất để phù hợp với sự tăng trưởng của xuất khẩu hàng may mặc. Bên cạnh đó, sự phụ thuộc vào lĩnh vực RMG được trợ cấp cao là rủi ro cho nền kinh tế của đất nước. Giáo sư cũng cho rằng các đời chính phủ đã thất bại thảm hại trong việc đảm bảo phúc lợi cho người lao động, điều kiện làm việc thuận lợi và quyền của người lao động, tình hình lĩnh vực công nghiệp của đất nước đã trở nên tồi tệ hơn so với những năm 60.

Theo Anu Muhammad, Bangladedsh đã không tận dụng được tiềm năng của ngành dược phẩm, chế biến thực phẩm và sản xuất hàng công nghiệp nhẹ.

Cục Thống kê Bangladesh (BSS) ước tính đóng góp của khu vực công nghiệp vào tổng sản phẩm quốc nội của quốc gia là 31,13% trong năm tài chính 2020, thấp hơn 0,02 điểm phần trăm so với 31,15% trong năm tài chính 19. Tỷ trọng của khu vực công nghiệp trong GDP đã giảm 0,15% trong 5 năm qua, tỷ trọng trong năm tài chính 2016 là 31,28%.

Dữ liệu của BBS cho thấy GDP ngành chế tạo tăng với tốc độ rất chậm từ năm 2016 đến năm 2020. Tỷ trọng của ngành này trong GDP năm 2020 là 19,67% trong khi con số này là 18% vào năm 2016. Ông Mustafizur Rahman của trung tâm Đối thoại Chính sách khuyến nghị: “Khu vực công nghiệp của chúng ta đang đóng góp khoảng 30% GDP nhưng tỷ trọng của các ngành công nghiệp lớn rất thấp. Chúng ta cần chú trọng đến ngành công nghiệp này”.

Abul Kashem Khan, cựu chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Dhaka, cho rằng chính phủ sẽ phải đưa ra một chính sách cởi mở để tận dụng tiềm năng của công nghiệp hóa toàn diện, nếu không, cấu trúc nhân khẩu học của đất nước có thể trở thành một trở ngại. Theo ông “Cần có một chính sách năng động để thúc đẩy đa dạng hóa ngành công nghiệp”. Abul Kashem nhấn mạnh, hiện nay chính phủ nên xây dựng kế hoạch 10 năm một lần để thúc đẩy công nghiệp hóa vì đất nước đã bỏ lỡ cơ hội phát triển các ngành công nghiệp ô tô, cơ khí nhẹ, da và dược phẩm. Đòi hỏi sự nhất quán về chính sách, ông nói rằng các lĩnh vực đầu tư dài hạn không thể thực hiện được với các chính sách ngắn hạn. Ông cũng thúc giục chính phủ đưa một số đặc khu kinh tế sẽ đi vào hoạt động trong thời gian ngắn nhất có thể. Abul Kashem đề nghị chính phủ khuyến khích các ngành khác có tiềm năng để chúng cũng có thể phát triển nhanh như ngành RMG. Theo ông, thành công của Bangladesh trong công nghiệp hóa trong 50 năm qua là không đáng kể.

Cựu chủ tịch Aftab-ul-Islam của Phòng Thương mại Mỹ tại Bangladesh cho biết “Đầu tiên là chúng ta bỏ lỡ cơ hội chuyển đổi kỹ thuật số vào năm 1994 khi chính phủ từ chối kết nối với đường cáp quang quốc tế”. Ông nói, do sự từ chối đó, Bangladesh đã mất cơ hội trở thành một nước công nghiệp phát triển dựa trên công nghệ thông tin. Theo Aftab-ul-Islam, Bangladesh, cần vượt ra ngoài suy nghĩ truyền thống, phải phát triển cả vốn tri thức và vốn con người cho quá trình công nghiệp hóa trong tương lai. Ông cho biết, Hiệp hội Công nghiệp Nhỏ và Thủ công nghiệp Bangladesh (BSCIC) đã được thành lập để thúc đẩy công nghiệp nhỏ, chủ yếu là cơ khí nhẹ, trên toàn quốc nhưng đã không đạt được mục tiêu do tham nhũng và thiếu các chính sách thích hợp.

Tuy nhiên, chủ tịch điều hành Cơ quan Phát triển Đầu tư Bangladesh (BIDA), Md Sirazul Islam, cho rằng Bangladesh đã đạt được “sự phát triển theo tiêu chuẩn quốc tế” trong 50 năm qua. Đặc biệt, sự phát triển có được trong 10 năm qua gấp 3 lần sự phát triển đạt được trong thập kỷ trước. Ông nhận xét “Đúng là chúng ta phải làm nhiều hơn thế. Hạn chế của chúng ta là quá phụ thuộc vào lĩnh vực RMG và chúng ta cần đa dạng hóa”. Sirazul cho biết chính phủ đang nỗ lực để vượt qua những thách thức trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. “Chúng tôi đã đặt mục tiêu thu hút vốn FDI 9 tỷ USD cho giai đoạn 2019–20 nhưng chúng tôi chỉ đạt được một phần ba mục tiêu. Chúng tôi đang nghiên cứu phương thức quản trị và tạo điều kiện dễ dàng kinh doanh và chúng tôi cũng đang cố gắng loại bỏ các ràng buộc về chính sách”.

Giám đốc điều hành PRI Ahsan H Mansur nói rằng thứ hạng của Bangladesh sẽ được cải thiện nhờ chỉ số kinh doanh dễ dàng nhưng tình hình thực tế sẽ không cải thiện. Ông nhận xét “Chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để thu hút FDI nhưng ai sẽ làm điều đó? Mọi người đều đang quá tự mãn”. Mansur so sánh, xuất khẩu của Bangladesh và Việt Nam có giá trị tương đương nhau vào khoảng 2 tỷ USD vào năm 1990, nhưng hiện nay xuất khẩu hàng năm của Bangladesh trị giá khoảng 40 tỷ USD trong khi xuất khẩu của Việt Nam đã đạt giá trị 270 tỷ USD. Ông cho rằng “Đã đến lúc cần đưa ra những lời chỉ trích mang tính xây dựng, nếu không chúng ta sẽ mất nhiều hơn nữa”.

Theo các chuyên gia, sau khi độc lập, một số ngành, bao gồm dược phẩm, đay và hàng đay, da và sản phẩm da và cơ khí nhẹ, đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc đáp ứng nhu cầu nội địa nhưng các ngành này đã không thể cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Theo nhận xét của các chuyên gia, ngành dược phẩm đang đáp ứng khoảng 98% nhu cầu nội địa nhưng thị phần của ngành này trên thị trường toàn cầu trị giá 600 tỷ USD mới chỉ là danh nghĩa. Ngành công nghiệp đay của khu vực tư nhân đã phát triển nhưng xuất khẩu hàng năm của ngành này vẫn bị mắc kẹt ở mức khoảng 1 tỷ đô la trong một vài năm nay. Ngành công nghiệp da và hàng da cũng đang đáp ứng một tỷ trọng lớn nhu cầu trong nước, trong hơn 5 năm qua xuất khẩu hàng năm của ngành này cũng ở mức khoảng 1 tỷ đô la.

Các chuyên gia chỉ ra rằng, sự phát triển kinh tế của đất nước đã tạo ra nhu cầu nội địa và nhiều ngành công nghiệp vừa và nhỏ đã phát triển dựa trên nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, họ cho biết nhiều ngành công nghiệp thay thế nhập khẩu trong nước tồn tại được là nhờ sự bảo vệ của chính phủ trong nhiều năm dài. Với danh nghĩa bảo vệ ngành công nghiệp nội địa, thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu đang không khuyến khích một số ngành cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

2. Các cơ quan đầu tư thảo luận thúc đẩy đầu tư nước ngoài

Cơ quan Phát triển Đầu tư Bangladesh (BIDA), Cơ quan quản lý Khu kinh tế Bangladesh (BEZA), Cơ quan quản lý Khu chế xuất Bangladesh (BEPZA), Cơ quan quản lý Khu công nghệ cao Bangladesh và Tổ chức phát triển sáng kiến kinh doanh (BUILD) và các cơ quan đầu tư khác của chính phủ đã có cuộc thảo luận vào 31/3.

Các đại biểu tham dự đã đề xuất một số cải cách liên quan đến thuế thu nhập, VAT và hải quan đối với các nhà đầu tư của Ủy ban doanh thu quốc gia (National Board of Revenue – NBR) để thu ngân sách nhà nước từ giai đoạn 2021-22 cho “giai đoạn phục hồi kinh tế hậu Covid-19”.

Đề cập đến việc giảm thuế doanh nghiệp để thu hút đầu tư nước ngoài, Mohsina Yasmin, thành viên điều hành của BIDA, cho biết mức thuế doanh nghiệp ở Bangladesh cao hơn các nước láng giềng. Đó là lý do tại sao các nhà đầu tư nước ngoài không muốn đầu tư vào Bangladesh ngay cả khi có nhiều ưu đãi khác nhau. Theo bà, việc giảm thuế suất doanh nghiệp trong một số lĩnh vực nhất định sẽ làm tăng đầu tư vào nước này. Bà kiến nghị thành lập một nhóm nghiên cứu với sự phối hợp của NBR, nghiên cứu các vấn đề liên quan đến thuế.

BEPZA đề xuất giảm thuế suất thuế doanh nghiệp 2% mỗi năm, cũng như bãi bỏ luật thuế tối thiểu cho các công ty. Giám đốc điều hành BEPZA, ông Abdul Aziz, cho biết ngay cả khi một công ty thua lỗ thì họ cũng phải trả một khoản thuế tối thiểu, khiến tổ chức thua lỗ khó tồn tại. Theo ông, trong trường hợp này, luật thuế tối thiểu không nên được áp dung.

Giám đốc điều hành Cơ quan quản lý Khu công nghệ cao Bangladesh, Hosne Ara Begum cho biết nhiều công ty nước ngoài đang đến đầu tư vào Khu công nghệ cao. Bà cho biết Việt Nam và Trung Quốc đang quan tâm đến khu vực đầu tư này, nhưng họ đang do dự đầu tư vì họ nghi ngại sẽ không có được ưu đãi phù hợp về thuế.

BUILD cũng đưa ra một số khuyến nghị để thúc đẩy hiệu quả nền kinh tế sau COVID-19, Chủ tịch Abul Kasem Khan khuyến nghị giảm thuế doanh nghiệp, đơn giản hóa quy trình thu thuế.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here