1. Tổng thống Biden công bố Kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng
Ngày 31/3/2021, Tổng thống Biden đã công bố kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá hơn 2000 tỷ USD trong bối cảnh chính quyền của ông chuyển trọng tâm sang thúc đẩy phát triển kinh tế hậu đại dịch.
Kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng với tổng kinh phí trên 2000 tỷ USD kéo dài trong 8 năm, được tài trợ một phần bằng việc tăng thuế doanh nghiệp từ 21% lên 28%. Tổng thống Biden gọi kế hoạch đó là tầm nhìn để tạo ra “nền kinh tế mạnh nhất, chống chịu tốt nhất, sáng tạo nhất trên thế giới” và tạo ra thêm hàng triệu “việc làm lương cao”. Việc tăng thuế, kết hợp với các biện pháp được thiết kế để ngăn chặn lợi nhuận chạy ra nước ngoài, sẽ tạo nguồn cho kế hoạch cơ sở hạ tầng trong vòng 15 năm.
Kế hoạch bao gồm: (i) Đầu tư 621 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng giao thông như cầu, đường, phương tiện công cộng, cảng, sân bay và phát triển xe điện; (ii) Hỗ trợ trực tiếp 400 tỷ USD để chăm sóc người già và người khuyết tật; (iii) Đầu tư hơn 300 tỷ USD vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng nước sạch, mở rộng truy cập băng thông rộng và nâng cấp lưới điện; (iv) Đầu tư hơn 300 tỷ USD vào xây dựng và trang bị thêm nhà ở giá rẻ, cùng với việc xây dựng và nâng cấp trường học; (v) Đầu tư 580 tỷ USD vào các nỗ lực sản xuất, nghiên cứu và phát triển và đào tạo nghề của Mỹ.
Tổng thống Biden hy vọng kế hoạch này sẽ tạo ra việc làm trong ngành sản xuất và cải tạo cơ sở hạ tầng của Mỹ đang xuống cấp; đồng thời ông và các nghị sĩ Đảng Dân chủ cũng có kế hoạch chống lại biến đổi khí hậu và bắt đầu quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn.
Đây là sáng kiến lớn thứ 2 của Tổng thống Biden sau khi gói cứu trợ trị giá 1,9 nghìn tỷ USD được thông qua vào đầu tháng 3. Mặc dù đảng Dân chủ kiểm soát cả hai viện của Quốc hội với đa số rất nhỏ nhưng đang gặp nhiều khó khăn trong việc thông qua kế hoạch cơ sở hạ tầng. Nhìn chung đảng Cộng hòa ủng hộ các nỗ lực xây dựng lại đường xá, cầu, sân bay và mở rộng truy cập băng thông rộng, nhưng phản đối việc tăng thuế trong kế hoạch này.
Tổng thống Biden cho biết ông hy vọng sẽ giành được sự ủng hộ của Đảng Cộng hòa cho dự luật cơ sở hạ tầng này. Nếu đảng Dân chủ không thể có được sự ủng hộ của các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, họ sẽ phải cố gắng thông qua dự luật bằng biện pháp điều hòa ngân sách.
2. USTR công bố báo cáo thường niên đánh giá các rào cản thương mại, tiếp tục quan tâm vấn đề quyền sở hữu trí tuệ.
Ngày 31/3/2021, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) công bố Báo cáo đánh giá Thương mại Quốc gia (NTE) hàng năm, trong đó USTR liệt kê một danh sách những lo ngại về các rào cản thương mại trên toàn thế giới. Báo cáo cho rằng Trung Quốc vẫn “có nhiều việc cần làm” để cải thiện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ theo Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Mỹ.
Trưởng đại diện USTR, bà Katherine Tai tuyên bố “Báo cáo NTE năm 2021 xác định một loạt các thách thức và ưu tiên quan trọng nhằm định hướng các nỗ lực của Chính quyền Biden trong việc xây dựng chính sách thương mại phản ánh các giá trị của Mỹ và tái thiết đất nước.”
Trong phần báo cáo dài về Trung Quốc, NTE đánh giá một loạt các vấn đề, trong đó nhiều vấn đề nằm trong thỏa thuận giai đoạn 1 do chính quyền Trump đàm phán và có hiệu lực vào năm 2020. Ngoài các cam kết mua thêm hàng hóa của Mỹ, Trung Quốc đã đồng ý thực hiện một loạt các thay đổi đối với các luật và thủ tục của mình, bao gồm một số thay đổi đối với các phương pháp thực thi và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. USTR cho biết, mặc dù Trung Quốc đã thực hiện một số bước, nhưng vẫn chưa thực hiện được tất cả những gì đã hứa. Trung Quốc đã công bố một số biện pháp thực hiện chương sở hữu trí tuệ của Thỏa thuận giai đoạn 1, tuy nhiên Trung Quốc còn “nhiều việc phải làm” để đáp ứng Kế hoạch hành động về sở hữu trí tuệ đã được ban hành vào tháng 4/2020.
Báo cáo cho rằng Trung Quốc cần có hành động thực thi “chống các loại hàng giả có rủi ro về sức khỏe, an toàn”, cũng như chưa “đảm bảo việc chỉ sử dụng phần mềm được cấp phép trong các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp nhà nước”. NTE cũng đề cập đến một số lĩnh vực khác của thỏa thuận giai đoạn 1, và lưu ý Mỹ vẫn tiếp tục tiếp tục giám sát các bước tuân thủ của Trung Quốc.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)