Sự kiện Hỗ trợ thương mại (Aid for Trade) 2021 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) diễn ra từ ngày 23-25/3/2021, với trọng tâm thảo luận về chính sách thương mại ứng phó với đại dịch COVID-19 và huy động tài chính cho Sáng kiến Hỗ trợ thương mại để hỗ trợ sự phục hồi và thúc đẩy tính tự cường của các nước đang phát triển và các nước LDCs. Trong đó, một số vấn đề trọng tâm được triển khai và nhấn mạnh trong thảo luận cấp cao và thảo luận chuyên đề tại Sự kiện này, bao gồm: đại dịch Covid-19, nợ và tài chính; kết nối số và thương mại điện tử (trong đó có báo cáo toàn cầu của UNCTAD về thương mại điện tử); phục hồi xanh và bao trùm. Đây đồng thời là những vấn đề quan tâm thảo luận tại nhiều diễn đàn đa phương về kinh tế, thương mại và phát triển. Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva xin báo cáo một số nội dung chính và vấn đề trọng tâm của sự kiện trên như sau.
1. Bối cảnh hình thành và tầm quan trọng của Sáng kiến Hỗ trợ thương mại
Sáng kiến Hỗ trợ thương mại (Aid for Trade) được giới thiệu tại Hội nghị Bộ trưởng WTO tháng 12/2005 tại Hong Kong nhằm huy động nguồn lực giúp các nước đang phát triển và kém phát triển giải quyết các hạn chế nguồn cung và cơ sở hạ tầng liên quan đến thương mại. Tháng 2/2006, WTO thiết lập một Nhóm công tác nhằm hiện thực hóa sáng kiến này. Năm 2007, Sáng kiến này bước vào giai đoạn đầu tiên của việc thực hiện các khuyến nghị của Nhóm công tác. Hội thảo nhằm xác định các chỉ số theo dõi hỗ trợ thương mại đã được tổ chức vào ngày 15-16/9/2008.
Các tổ chức quốc tế tham gia Sáng kiến: WTO đã hợp tác và khuyến khích sự phối hợp với một số nước tài trợ và tổ chức quốc tế đối tác chính để thực hiện các hoạt động của Sáng kiến Hỗ trợ thương mại. Các TCQT đối tác chính gồm các ngân hàng phát triển khu vực (Ngân hàng phát triển Châu Phi, Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu, Ngân hàng phát triển liên Mỹ, Ngân hàng phát triển Hồi giáo), Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Ủy ban kinh tế vì châu Phi của Liên hợp quốc (UNECA), Ủy ban Kinh tế và xã hội châu Á – Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP), Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), Tổ chức Hải quan thế giới, Khuôn khổ Tăng cường liên kết và Cơ quan Phát triển tiêu chuẩn và thương mại.
Hệ thống theo dõi việc thực hiện Sáng kiến: WTO đã bắt đầu thiết lập hệ thống theo dõi thực hiện Sáng kiến Hỗ trợ thương mại ở ba cấp độ: i) theo dõi toàn cầu tổng chu chuyển hỗ trợ thương mại, do OECD phụ trách; ii) theo dõi cam kết của các nhà tài trợ nhằm cung cấp hỗ trợ bổ sung cho thương mại; iii) theo dõi nhu cầu của các nước đang phát triển đối với hỗ trợ bổ sung cho thương mại đã được đáp ứng như thế nào bởi cộng đồng tài trợ quốc tế, bao gồm các ngân hàng phát triển.
Chương trình làm việc và các hoạt động: Các hoạt động của Sáng kiến này được tiến hành trên cơ sở Chương trình làm việc 2 năm. WTO cũng đã tiến hành các báo cáo đánh giá toàn cầu và khu vực hàng năm. Tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 10 tại Nairobi, Kenya 15-28/12/2015, trong Tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng các Thành viên WTO, các Bộ trưởng nêu rõ công nhận tầm quan trọng và sự cần thiết tiếp tục sáng kiến trong việc hỗ trợ các nước đang phát triển, ưu tiên nhu cầu của các nước kém phát triển: “Chúng tôi công nhận tầm quan trọng của Sáng kiến Hỗ trợ thương mại trong việc hỗ trợ các Thành viên là các nước đang phát triển trong việc xây dựng năng lực về khía cạnh cung ứng và cơ sở hạ tầng liên quan đến thương mại và chúng tôi sẽ đáp ứng ưu tiên nhu cầu của các nước kém phát triển. Chúng tôi lưu ý kết quả của các cuộc đánh giá toàn cầu của WTO về hỗ trợ thương mại, cụ thể là Đánh giá toàn cầu lần thứ năm và ghi nhận sự cần thiết tiếp tục sáng kiến này”.
Đánh giá toàn cầu (Global Review) về Hỗ trợ thương mại được tổ chức 2 năm một lần, gần đây nhất là năm 2019. Các Đánh giá toàn cầu về Sáng kiến này giúp cho việc tăng cường theo dõi và đánh giá Hỗ trợ thương mại để tạo động lực mạnh mẽ cho cả nhà tài trợ và các bên nhận tài trợ thúc đẩy chương trình nghị sự Hỗ trợ thương mại.
2. Trọng tâm của Chương trình làm việc và Sự kiện Hỗ trợ thương mại năm 2021
2.1. Chương trình làm việc và thảo luận của Sự kiện Hỗ trợ thương mại 2021
Sự kiện Hỗ trợ thương mại 2021 thuộc Chương trình làm việc Hỗ trợ thương mại giai đoạn 2020-2022 được WTO thông qua ngày 11/2/2020 với chủ đề “Tăng cường thương mại kết nối và bền vững”, tập trung vào sự giao thoa giữa tăng trưởng xanh và kết nối số nhằm thúc đẩy tăng trưởng mang tính bao trùm, nhất là ở các nước LDCs. Theo đó, chương trình phân tích cơ hội mà sự kết nối số và tính bền vững mang lại cho việc đa dạng hóa kinh tế và xuất khẩu và giúp xây dựng năng lực cho các chủ thể kinh tế khác nhau hiện thực hóa những mục tiêu này. Chương trình cũng tìm hiểu tiến trình công nghiệp hóa và các mục tiêu tăng trưởng kinh tế hiện nay tương tác với mục tiêu bền vững và sản xuất trách nhiệm, hay còn gọi là “tăng trưởng xanh” với sự nhấn mạnh vào vai trò của phụ nữ, thanh niên và các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs). Các chương trình Hỗ trợ thương mại nhằm mục tiêu thúc đẩy sự kết nối sâu giữa các đối tác của Chương trình và trọng tâm hỗ trợ thương mại trong cộng đồng thương mại và phát triển.
Các nội dung của Sự kiện Hỗ trợ thương mại năm 2021 được thảo luận tại 39 phiên họp của Sự kiện từ ngày 23-25/3/2021, trong đó có 37 phiên thảo luận chuyên đề trên cơ sở Chương trình làm việc nêu trên, được tổ chức bởi các đồng chủ tọa gồm các nước tài trợ (như Anh, Hà Lan, Mỹ, Nhật, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Úc), tổ chức quốc tế và các nước nhận tài trợ (một số nước LDCs trong đó có Campuchia và một số nước Châu Phi)[1].
Một số vấn đề trọng tâm của Sự kiện bao gồm: (i) Covid-19, nợ và tài chính; (ii) kết nối số và thương mại điện tử (trong đó có báo cáo toàn cầu của UNCTAD về thương mại điện tử; đổi mới sáng tạo, kế hoạch phục hồi và chuyển đổi số sang thương mại bao trùm và bền vững); (iii) phục hồi xanh và bao trùm (trong đó có vấn đề hồi phục Covid-19 và Hỗ trợ thương mại – Cơ hội cho phát triển kinh tế bền vững và chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn; Tăng cường tính tự cường kinh tế của kinh tế phi chính thức thông qua các chính sách hỗ trợ thương mại; hợp tác Nam – Nam và Công nghệ số trong kinh tế bao trùm toàn cầu hậu Covid-19 để tăng cường xúc tiến thương mại).
2.2. Phiên khai mạc cấp cao
Phiên thảo luận cấp cao khai mạc Sự kiện Hỗ trợ thương mại 2021 diễn ra vào ngày 23/3/2021 do Tổng giám đốc Tổ chức thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala chủ trì với sự tham gia của lãnh đạo của 5 tổ chức quốc tế bao gồm Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD).
- a) Một số nội dung được nhấn mạnh trong phát biểu của các nhà Lãnh đạo các tổ chức quốc tế nêu trên
Cần phải giữ cho chu chuyển thương mại toàn cầu lưu thông để đảm bảo rằng các nước đang phát triển và kém phát triển được tiếp cận với các mặt hàng y tế thiết yếu để kiểm soát sự lây lan của COVID-19 và có thể tận dụng thương mại để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế bền vững. Thương mại dịch vụ cũng đang tăng nhưng với tốc độ chậm hơn, đặc biệt cần hợp tác toàn cầu để duy trì lưu chuyển hàng hóa và lương thực; đồng thời kiểm soát các hạn chế xuất khẩu.
Cộng đồng thương mại toàn cầu phải nhanh chóng hành động để giảm thiểu tác động nghiêm trọng của khủng hoảng COVID-19 đối với các nước đang phát triển và đặc biệt là các nước kém phát triển (LDCs) do các nước này chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do sự gián đoạn thương mại và kinh tế phát sinh từ đại dịch. Từ việc cung cấp các sản phẩm y tế như khẩu trang cho đến việc phê duyệt và sản xuất vắc xin, hệ thống thương mại đa phương đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phục hồi kinh tế và thương mại sau đại dịch.
Để có phục hồi kinh tế toàn diện, mạnh mẽ và xanh đòi hỏi thị trường mở và tiếp tục huy động tài chính để giúp các nước đang phát triển và các nước LDCs xây dựng khả năng chống chịu với các cú sốc trong tương lai và giảm nghèo cùng cực. Thông qua sự kiện Hỗ trợ thương mại, cộng đồng toàn cầu có thể giúp giải quyết nhu cầu thương mại của các quốc gia này để các nước có thể đóng một vai trò tích cực hơn trong thương mại toàn cầu và đáp ứng các mục tiêu phát triển. Các chiến lược cụ thể bao gồm thúc đẩy và tạo thuận lợi cho đầu tư, đầu tư vào hệ thống y tế, thực hiện các biện pháp tạo thuận lợi thương mại và giải quyết các vấn đề về nợ và cán cân thanh toán.
- b) Một số phát biểu cụ thể của các nhà Lãnh đạo tổ chức quốc tế nêu trên
Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala phát biểu tại phiên khai mạc Sự kiện, nhấn mạnh đại dịch hiện đang đảo ngược những thành tựu phát triển khó giành được, làm tăng thêm những vấn đề mà những người dễ bị tổn thương nhất phải đối mặt. Việc khôi phục hậu COVID-19 không được bỏ lại bất kỳ ai hay bất kỳ quốc gia nào ở phía sau. Bước đầu tiên hướng tới mục tiêu này phải là triển khai nhanh chóng sản xuất vắc-xin toàn cầu để chấm dứt đại dịch; các nước cần hợp tác thương mại nhiều hơn để giải quyết các nút thắt về nguồn cung, giảm bớt các rào cản pháp lý, tạo thuận lợi cho thương mại và tài trợ cho việc mua vắc xin. Ngoài ra, việc duy trì thị trường toàn cầu tiếp tục lưu chuyển là điều cần thiết cho sự phục hồi mạnh mẽ và bền vững. Các tổ chức quốc tế và Thành viên WTO hợp tác trong Sáng kiến Hỗ trợ Thương mại đã tạo ra sự khác biệt to lớn trong cuộc sống của người dân. Cần phối hợp cùng nhau đầu tư vào sự phục hồi của các đối tác thương mại, bởi vì việc xây dựng lại một nền kinh tế toàn cầu xanh hơn, công bằng hơn, thịnh vượng hơn mang lại lợi ích kinh tế cho tất cả các nước.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng đại dịch COVID-19 là một minh chứng cho thấy y tế và kinh tế là hai lĩnh vực gắn kết và phụ thuộc lẫn nhau. Khi sức khỏe gặp rủi ro, mọi thứ đều có nguy cơ gặp rủi ro. Nhưng khi sức khỏe được bảo vệ và thúc đẩy, các cá nhân, gia đình, cộng đồng, nền kinh tế và quốc gia có thể phát triển mạnh mẽ. Đại dịch này sẽ dần kết thúc, nhưng sẽ có thể có một đại dịch khác. Và các quốc gia sẽ tiếp tục đối mặt với vô số thách thức về y tế, làm suy giảm năng suất, thúc đẩy bất bình đẳng và kìm hãm các quốc gia. Chúng ta chỉ có thể thực sự thích ứng và phục hồi nếu chúng ta coi y tế không phải là một cái giá phải trả, mà là một khoản đầu tư cho một thế giới an toàn, công bằng và thịnh vượng hơn mà tất cả mọi người đều mong muốn.
Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho rằng, sự hồi phục trong thương mại, nếu được quản lý tốt, có thể tạo ra tăng trưởng và nâng mức sống ở các nước đang phát triển. Thương mại làm tăng cơ hội việc làm cũng như khả năng tiếp cận của các hộ nghèo với hàng hóa và dịch vụ giá cả phải chăng. Thương mại sẽ là trọng tâm của các nỗ lực xây dựng hướng tới sự phục hồi kỹ thuật số xanh hơn, toàn diện hơn. Thương mại cũng có thể đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo điều kiện để các quốc gia chuyển đổi nền kinh tế trở nên thông minh, xanh và công bằng hơn.
Chủ tịch WB David Malpass cho rằng khi các nước xây dựng chính sách cho việc phục hồi, họ có cơ hội để tham gia vào một con đường phát triển xanh, tự cường và toàn diện, thiết lập một nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ và lâu bền hơn. Để tái thiết tốt hơn, các nước cần trao đổi thương mại nhiều hơn. Nếu các quốc gia nỗ lực mở cửa nền kinh tế và giảm chi phí thương mại thông qua cải thiện hậu cần và kết nối, thì sự phục hồi hậu COVID-19 sẽ nhanh hơn và mạnh mẽ hơn nhiều. WB cần đảm bảo một sân chơi bình đẳng, được điều chỉnh bởi các quy tắc minh bạch và có thể dự đoán được. Việc giảm sự không chắc chắn về chính sách thương mại sẽ là yếu tố quan trọng để phục hồi đầu tư và tăng trưởng toàn cầu.
Tổng thư ký OECD Angel Gurria nhấn mạnh, đại dịch cho chúng ta thấy cần phải đảm bảo rằng thương mại và đầu tư tạo dấu ấn phát triển tối đa ở các nước đối tác. Cú sốc cuối cùng của cuộc khủng hoảng COVID-19 sẽ là đói nghèo. Các chương trình như Hỗ trợ thương mại là cần thiết để xây dựng tương lai tốt hơn. Nếu không có chu chuyển thương mại và đầu tư bền vững, thì sự phục hồi mạnh mẽ, tự cường, toàn diện và xanh mà các nước nỗ lực nhằm đạt được sẽ không thể thành hiện thực. Chỉ có sự phối hợp với tầm nhìn lãnh đạo chính trị đúng đắn mới có thể ứng phó với những thách thức phía trước.
Quyền Tổng thư ký UNCTAD Isabelle Durant cho rằng, để đảm bảo sự tiếp cận với các hàng hóa quan trọng, các nước cần duy trì cho hàng hóa lưu thông qua biên giới. Và các nước cần thúc đẩy thương mại bởi vì đây là động lực mạnh mẽ để tạo ra việc làm và thu nhập cũng như là một nguồn quan trọng cho trao đổi ngoại hối. Ngày nay, chúng ta có thể tạo ra một mặt trận đoàn kết và cam kết tái thiết, bao gồm Sáng kiến hỗ trợ thương mại. Triển vọng thế giới hậu COVID-19 vẫn còn hơi xa nhưng không thể mất thêm một ngày nào để tập trung vào phục hồi. Và với quyết tâm chung, ý chí tìm kiếm các giải pháp chung và đầu tư cho chủ nghĩa đa phương, chúng ta có thể đóng góp một cách có giá trị.
2.3. Một số vấn đề trọng tâm của Sự kiện Hỗ trợ thương mại 2021
(i) Covid-19, vấn đề nợ và tài chính
Tại phiên thảo luận do OECD chủ trì về vấn đề này, các diễn giả cho rằng đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế xã hội mà đại dịch này gây ra không chỉ dẫn đến những tác động không thể đo lường được trong thời gian qua mà còn có thể làm chệch hướng nỗ lực toàn cầu 5 năm tới nhằm đạt được Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Ở một số nơi trên thế giới, đại dịch đã nhanh chóng chuyển thành cuộc khủng hoảng nhân đạo, đe dọa đẩy toàn bộ người dân ở nơi đó vào tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng và đe dọa sinh mạng của hàng triệu phụ nữ, đàn ông và trẻ em. Theo Ngân hàng thế giới, đại dịch Covid-19 đã làm tăng khoảng 88-115 triệu người nghèo đói cùng cực trong năm 2020 và dự kiến con số này sẽ lên đến 150 triệu người trong năm 2021.[2] Chỉ vài tháng sau khi đại dịch bùng phát, 90/122 nước đang phát triển rơi vào suy thoái và OECD dự đoán rằng sự thiếu hụt tài chính cho SDGs ở các nước đang phát triển đã tăng 70% lên mức 4.200 tỷ đô la chỉ trong năm 2020. Trong khi nhiều nước phát triển đã có thể cung cấp tài chính cho các tài khóa ứng phó với cuộc khủng hoảng, các nước đang phát triển, vốn phải đối mặt với lãi suất và phí dịch vụ cao hơn, hoặc là đang phải vật lộn với việc trang trải các khoản nợ hoặc đang phải chuyển nguồn tài chính mà lẽ ra có thể được sử dụng để hỗ trợ các ngành y tế và xã hội sang cho việc trả nợ. Theo Liên hợp quốc, trong tổng số 11.000 tỷ đô la phản ứng tài khóa toàn cầu đã được thực hiện cho đến nay, 88% trong số đó được giải ngân bởi các nước thu nhập cao trong khi chỉ có 2.5% được các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển giải ngân.
Trong khi đó, phiên thảo luận do IMF chủ trì nhấn mạnh đại dịch Covid-19 đã đẩy nợ nước ngoài lên mức cao kỷ lục ở nhiều nước. Theo Khuôn khổ chung của IMF và WB về tính bền vững nợ, hơn một nửa các nước thu nhập thấp đang gặp rủi ro cao hoặc đã đối mặt với tình trạng căng thẳng nợ. Nguy cơ này cần phải được quản lý tốt nhằm trách bất ổn kinh tế vĩ mô và sự gián đoạn của chu chuyển thương mại. Phiên họp này tìm hiểu các thách thức kinh tế mà gánh nợ cao đặt ra cho nhiều nước, nhấn mạnh đại dịch đã trầm trọng hóa những thách thức đó đồng thời nghiên cứu các sáng kiến nợ quốc tế gần đây cũng như việc cải tổ cơ cấu nợ quốc tế. Điển hình là Sáng kiến hoãn dịch vụ nợ của G-20 (DSSI) cho phép 73 quốc gia đủ điều kiện tạm thời hoãn trả nợ cho các nhà tín dụng song phương chính thức của họ. Khuôn khổ chung cho Xử lý nợ vượt ra ngoài khuôn khổ DSSI, được G-20 và các thành viên Câu lạc bộ Paris thông qua, hướng đến việc giải quyết các khoản nợ chủ quyền không bền vững và đảm bảo sự tham gia rộng rãi của các nhà tín dụng với việc chia sẻ trách nhiệm công bằng. Phiên thảo luận cũng bàn về việc giải quyết các vấn đề hiện tại trong việc cải tổ kiến trúc nợ quốc tế.
Quyền Tổng thư ký UNCTAD Isabelle Durant nhấn mạnh khả năng tài trợ và thực hiện các biện pháp cứu trợ và hồi phục rất không đồng đều giữa các nước. Một nước phát triển chi trung bình khoảng 1.400 đô la mỗi đầu người cho kích thích tài khóa trực tiếp – gấp 80 lần so với mức mà các nước kém phát triển có thể cung cấp và gấp khoảng 20 lần khả năng của các nước đang phát triển khác. Trong khi điều này sẽ thúc đẩy sự hồi phục ở thế giới giàu có, tình trạng bất bình đẳng giữa các nước có khả năng sẽ gia tăng. Do bất bình đẳng là nguồn gốc của nhiều căng thẳng, tất cả chúng ta cần phải quan tâm đến vấn đề này.
Theo bà Durant, để tránh khoảng cách gia tăng, cần phải hành động trên mặt trận nợ, tăng cường sự tiếp cận với các nguồn tài chính để các nước có thể phản ứng và tái thiết nhanh hơn. Do nhiều nước có ít nguồn lực hơn đang mắc nợ cao, chúng ta cần xóa nợ chứ không chỉ là tái giãn nợ. Chúng ta cần phải tránh việc các nguồn lực của các nước này được sử dụng chủ yếu để trả nợ thay vì cứu vớt nền kinh tế của đất nước và sinh kế của người dân.
Liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bà Durant nhấn mạnh, FDI với vai trò là nguồn tài chính thiết yếu đối với nhiều nước phát triển đã giảm 42% trong năm 2020 và triển vọng năm 2021 không tốt, ngoại trừ đầu tư vào lĩnh vực công nghệ và y tế. Bà Durant cho rằng, việc xúc tiến và tăng tốc đầu tư là chìa khóa để khuyến khích đầu tư lĩnh vực tư quốc tế nhưng nó cần phải được hướng sang các ngành phát triển bền vững để hỗ trợ tái thiết lâu dài.
(ii) Kết nối số và thương mại điện tử
UNCTAD chủ trì một phiên thảo luận về tác động toàn cầu và khu vực của Covid-19 đối với thương mại điện tử. Đại dịch Covid-19 đã tăng tốc chuyển đổi số. Các giải pháp số ngày càng cần thiết để tiếp tục các hoạt động kinh tế xã hội từ xa như làm việc từ xa, điều trị y tế từ xa và giáo dục trực tuyến. Thương mại điện tử đã có bước tăng trưởng đột phá ở các nước đang phát triển với những tác động lâu dài. Tuy nhiên, trừ phi được giải quyết đúng đắn, sự chia rẽ về công nghệ số hiện nay có khả năng sẽ gây ra thêm nhiều sự bất bình đẳng hơn (bao gồm bất bình đẳng thu nhập gia tăng, mất việc làm do tự động hóa, bảo vệ khách hàng, tính riêng tư dữ liệu và tội phạm mạng). Trong bối cảnh đó, một nhóm gọi là “Thương mại điện tử cho tất cả” với nhiều đối tác tham gia đã hợp sức trong bối cảnh Covid-19 bùng phát với mục tiêu cùng đánh giá tác động của đại dịch đối với các khu vực khác nhau trên thế giới, những rào cản nào mà các quốc gia và doanh nghiệp phải đối mặt khi tìm cách nâng cao giải pháp số, những phản ứng chính sách nào đã được thực thi và cộng đồng quốc tế có thể làm gì tốt hơn để tận dụng tối đa sự phối hợp và thúc đẩy sự hỗ trợ toàn cầu.
Kết quả của nỗ lực tập thể này là UNCTAD đã công bố 1 báo cáo toàn cầu và 4 báo cáo khu vực về tác động của Covid-19 đối với thương mại điện tử, nhấn mạnh những nỗ lực và xu hướng chính đang tác động đến các khu vực đang phát triển khác nhau nhằm giải quyết thách thức từ đại dịch Covid-19 và đề xuất một số định hướng chính sách lâu dài mà các nước có thể xem xét trong giai đoạn hồi phục.
Báo cáo “Covid-19 và thương mại điện tử” của UNCTAD[3] nhấn mạnh Covid-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc chuyển đổi số và làm gia tăng tầm quan trọng của của việc giải quyết các rào cản hiện có đối với thương mại điện tử. Báo cáo cho rằng xu hướng thương mại điện tử gia tăng sẽ tiếp tục được duy trì trong quá trình hồi phục và kêu gọi các chính phủ, doanh nghiệp, người tiêu dùng và các đối tác phát triển quốc tế đảm bảo rằng thương mại điện tử đóng “vai trò tích cực và mạnh mẽ” trong các nỗ lực hồi phục quốc gia và quốc tế bởi kinh tế số và thương mại điện tử là “trung tâm của các mục tiêu phát triển bền vững”. Báo cáo cho rằng các nước cần có cách tiếp cận bao trùm, bao gồm nhiều bên liên quan trong toàn bộ chuỗi giá trị thương mại điện tử, bao gồm đánh giá mức độ sẵn sàng thương mại điện tử và định hình chiến lược, cơ sở hạ tầng và dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông, tiếp cận với tài chính cho thương mại điện tử, phát triển kỹ năng thương mại điện tử và tập huấn năng lực cho các doanh nghiệp ở các nước đang phát triển. Các chính phủ có thể hỗ trợ các cách tiếp cận này thông qua tập hợp dữ liệu hệ thống và đánh giá tác động của các chính sách và thực tiễn kinh doanh, tìm ra điểm thiếu sót cần phải can thiệp, phát triển các chiến lược thương mại điện tử mà được tích hợp vào chương trình phát triển quốc gia rộng hơn, thúc đẩy đối tác công tư để tăng nhận thức và sự tin cậy vào thương mại điện tử cho người tiêu dùng và buôn bán và tăng cường đối thoại giữa các bộ ngành và các bên liên quan để phối hợp hiệu quả hơn để giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là MSMEs, trong việc tham gia vào thương mại điện tử.[4]
Campuchia chủ trì (phối hợp với ITC) tổ chức phiên thảo luận về Đổi mới sáng tạo, kế hoạch phục hồi và chuyển đổi số sang thương mại bao trùm và bền vững, cụ thể là sáng kiến Hỗ trợ thương mại đã thúc đẩy chuyển đổi số ở các nước kém phát triển ở châu Á như thế nào. Phiên thảo luận đưa ra những bài học, nhấn mạnh những thực tiễn tốt nhất, thể hiện giá trị của đối tác và tầm quan trọng của việc chủ động phối hợp hành động giữa các chính phủ, lĩnh vực tư và các đối tác phát triển. Các kế hoạch và hành động phục hồi có chủ đích và kịp thời được các Bộ thương mại các nước thực hiện đã giúp MSMEs đối phó với tác động của đại dịch Covid-19. Hỗ trợ các MSMEs, hỗ trợ đổi mới sáng tạo, tài trợ hướng đến các nhóm ưu tiên (phụ nữ, thanh niên, các doanh nghiệp ở nông thôn) do Australia, EIF và UNDP hỗ trợ đã khiến việc chuyển đổi từ trực tiếp sang trực tuyến nhanh hơn, bao trùm và bền vững hơn, đẩy nhanh chuyển đổi số và chuyển tiếp cũng như cải thiện tính sẵn sàng số. Ví dụ, Kế hoạch trợ giúp kinh tế Covid-19 của Myanmar (CERP) ưu tiên đầu tư vào đổi mới sáng tạo và các nền tảng. UNDP và Australia đã đáp ứng lời kêu gọi hỗ trợ bằng cách phát triển những chương trình phản ứng với Covid-19 trong thời gian kỷ lục, hướng đến cả đổi mới sáng tạo (thông qua quỹ thách thức đổi mới sáng tạo thương mại điện tử) và một sự chuyển đổi từ trực tiếp sang trực tuyến (Hướng dẫn thực tiễn tốt – GPGs). Để hỗ trợ Campuchia trong ứng phó với Covid-19, UNDP đã làm việc với các lao động có kỹ năng, ủng hộ việc dấn thân của hơn 1.000 MSMEs của Campuchia vào thị trường thương mại điện tử và thúc đẩy việc áp dụng thương mại điện tử trên toàn đất nước với sự ủng hộ của chính phủ Australia, bổ sung cho EIF được tài trợ bởi Chiến lược thương mại điện tử, Dự án Go4eCam và các sáng kiến khác về việc tạo dựng môi trường quản lý năng động, các cơ sở và cơ hội cho MSMEs chuyển sang hình thức trực tuyến. UNDP, EIF, và Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia là những đối tác phát triển đầu tiên tái triển khai/tái định hướng các quỹ hiện có sang tài trợ cho ứng phó Covid-19, với những tác động đã được chứng minh trên thực tế. Điều này có thể được thực hiện bằng việc phối hợp các nguồn lực của nhà tài trợ và các cơ chế huy động được đề ra bởi EIF.
(iii) Phục hồi xanh và bao trùm
Tại Sự kiện hỗ trợ thương mại 2021, Quyền Tổng thư ký UNCTAD Isabelle Durant nhấn mạnh cần phải khuyến khích một sự hồi phục xanh hơn và bao trùm nếu chúng ta muốn tái thiết tốt hơn hậu Covid-19. Chia sẻ quan điểm này, Giám đốc điều hành Trung tâm thương mại thế giới (ITC) Pamela Coke-Hamilton cho rằng các tổ chức quốc tế và các quốc gia cần phải tập trung vào việc đa dạng hóa và tăng giá trị cho các lĩnh vực xanh, ví dụ trong dự án MARKUP của ITC thực hiện ở Đông Phi, ITC đã cùng với chính phủ Uganda và các MSMEs trong việc làm giảm và tái sử dụng nước trong quá trình chế biến cà phê để nó không gây ô nhiễm cho các dòng sông và các cộng đồng dân cư ở hạ nguồn. ITC cũng đã làm việc với các công ty trà ở Kenya để giảm mức tiêu thụ nhiên liệu trong quá trình sấy trà trong khi tăng chất lượng sản phẩm. Những mô hình này cần phải được nhân rộng trong bối cảnh hồi phục xanh hậu Covid-19 và các chính sách thương mại cần song hành với tính bền vững môi trường. Theo bà Coke-Hamilton, chương trình Aid for Trade có thể hỗ trợ đáng quý cho các MSMEs ở các nước đang phát triển thông qua hỗ trợ kỹ thuật, các cơ chế tài trợ cho đổi mới nhằm khuyến khích các mô thức phát triển xanh hơn và tạo ra việc làm. Bằng cách tái định hướng Sáng kiến Hỗ trợ thương mại vào những lĩnh vực có tác động cao này, chúng ta có thể đẩy nhanh quá trình hồi phục, bảo vệ nền kinh tế trước những cú shock trong tương lai và cuối cùng là tạo ra tương lai bền vững mà chúng ta mong muốn.
Phần Lan phối hợp với UNCTAD chủ trì một phiên thảo luận về “Hồi phục Covid-19 và Hỗ trợ thương mại – Cơ hội cho phát triển kinh tế bền vững và chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn” nhằm tìm hiểu mối liên hệ giữa chương trình Hỗ trợ thương mại, hồi phục bền vững và kinh tế tuần hoàn. Phiên thảo luận cho rằng các biện pháp hồi phục bền vững nên được đặt ở vị trí trung tâm trong quá trình hồi phục Covid-19. Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn tạo cơ hội cho thương mại, môi trường và việc làm bằng cách làm xanh hóa và đa dạng hóa các nền kinh tế và nền tảng sản xuất. Nó cũng có thể đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trong khi hỗ trợ việc đạt được các mục tiêu SDGs. Sự hỗ trợ cho xúc tiến thương mại và các lộ trình quốc gia, vốn quan tâm đến các thách thức và thế mạnh cá nhân, là những công cụ quan trọng và thành công trong việc giúp các nước chuyển hướng sang tuần hoàn. Hỗ trợ thương mại có thể hỗ trợ các quốc gia trong việc thực thi các lộ trình quốc gia và tạo ra cơ hội thương mại. Nhiều sáng kiến đã nổi lên, ví dụ như các hoạt động của Ngân hàng phát triển châu Phi nhằm hỗ trợ việc chuyển đổi và tạo điều kiện cho việc thực hiện các giải pháp kinh tế tuần hoàn ở các nước châu Phi thông qua các lộ trình quốc gia. SMEs cũng đang áp dụng các thực tiễn sản xuất tuần hoàn nhằm hiện thực hóa lợi ích của việc chuyển đổi xanh. Kết quả của phiên thảo luận này sẽ phục vụ cho đối thoại và Tuyên bố hành động của Diễn đàn kinh tế tuần hoàn thế giới (dự kiến diễn ra vào tháng 9/2021 do Canada chủ trì).
Hà Lan cũng tổ chức một phiên thảo luận về “Tăng cường tính tự cường kinh tế của kinh tế phi chính thức thông qua các chính sách hỗ trợ thương mại”. Dự đoán rằng 60% dân số đang có việc làm của thế giới là một phần của nền kinh tế phi chính thức. Ở châu Phi, gần như 90% lao động nông thôn và thành thị có công việc phi chính thức. Covid-19 đã cho thấy tính dễ bị tổn thương của các lao động phi chính thức: do thu nhập thấp hơn, năng suất thấp và tiếp cận hạn chế đối với các rổ an toàn xã hội, kinh tế phi chính thức đã chịu ảnh hưởng đáng kể từ đại dịch. Do đó, việc thúc đẩy tính tự cường trước những cú sốc kinh tế của những nhóm dễ bị tổn thương nhất là cần thiết để tái thiết tốt hơn. Điều này tạo thách thức cho những nhà hoạch định chính sách Hỗ trợ thương mại phải tìm cách để bao hàm tốt hơn kinh tế phi chính thức. Rõ ràng có một sự cần thiết để định hình và tìm hiểu vai trò của những người buôn bán phi chính thức trong các chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực và bao gồm kinh nghiệm và nhu cậu của họ trong chính sách Hỗ trợ thương mại. Tổ chức Lao động thế giới (ILO) và Ngân hàng thế giới phân tích tác động của Covid-19 và cách thức mà kinh tế phi chính thức được tích hợp trong hệ thống thương mại toàn cầu. Chương trình Xúc tiến thương mại Tây Phi cũng chia sẻ một cách tiếp cận bao hàm về việc những người buôn phán xuyên biên giới phi chính thức có đóng thể đóng góp như thế nào cho sự tự cường kinh tế rộng hơn.
Văn phòng Hợp tác Nam-Nam của Liên hợp quốc (UNOSSC) chủ trì một phiên thảo luận về “Vai trò của hợp tác Nam-Nam và Công nghệ số trong cơ cấu kinh tế bao trùm toàn cầu hậu Covid-19 để tăng cường xúc tiến thương mại”. Vai trò của việc số hóa đã trở nên quan trọng trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Trong khi việc số hóa đã được tích hợp trong nhiều lĩnh vực trước đại dịch, Covid-19 đã tạo ra tình trạng bình thường mới với việc giảm tiếp xúc trực tiếp và hạn chế di chuyển. Những thay đổi này nhanh chóng gia tăng việc số hóa các giao dịch giữa mọi người, mở ra một phạm vi mới các hàng hóa và dịch vụ có thể trao đổi thương mại và thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác chung mới giữa các nền kinh tế phương Nam, cả ở khía cạnh công nghệ lẫn tài chính.
Do vậy, để duy trì tỷ lệ tăng dần của thương mại Nam-Nam trong những thập kỷ vừa qua và sự tự cường của phương Nam trong bối cảnh gián đoạn liên quan đến Covid-19 đòi hỏi phải tìm hiểu toàn diện về mặt lý luận và thực tiễn về tính chất và tác động của thương mại Nam-Nam trong tái thiết tốt hơn hậu Covid-19, đặc biệt là trong các khía cạnh hợp tác và số hóa trong thương mại và đầu tư Nam-Nam; các mô thức và công cụ hợp tác Nam-Nam cho việc thúc đẩy hội nhập thương mại khu vực và tạo ra một định chế thương mại toàn cầu cân bằng hơn; hợp tác Nam-Nam và công nghệ tài chính (financial technology) trong cấu trúc kinh tế toàn cầu mang tính bao trùm cũng như các thách thức và triển vọng trong bối cảnh phục hồi bền vững.
[1] Cụ thể về chương trình các phiên họp trong 3 ngày, có thể truy cập tại trang điện tử của WTO https://www.wto.org/english/tratop_e/devel_e/a4t_e/gr21_e/gr21_e.htm.
[2] https://www.worldbank.org/en/news/press-release/2020/10/07/covid-19-to-add-as-many-as-150-million-extreme-poor-by-2021
[3] Toàn văn báo cáo của UNCTAD: https://unctad.org/system/files/official-document/dtlstict2020d13_en.pdf
[4] Các khuyến nghị trong báo cáo của UNCTAD cũng tương đồng với những thảo luận hiện tại giữa các Thành viên WTO về dự thảo văn bản về thương mại điện tử. Trong phiên thảo luận ngày 16/3/202, các thành viên đã bàn về dữ liệu chính phủ mở, bảo vệ khách hàng trực tuyến, thương mại không giấy tờ, mã nguồn và tiếp cận internet mở. Theo tin từ WTO, các thành viên đã gần đạt được thống nhất về dự thảo văn bản về chữ ký điện tử và xác minh điện tử.
(Phái đoàn Việt Nam tại Geneve)