Nợ nước ngoài của Bangladesh đạt mức kỷ lục vào năm 2020

0
196
(Internet)
(Internet)

Nợ nước ngoài đã tăng lên mức kỷ lục vào năm 2020 do vay nợ của chính phủ cao hơn. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng trung ương, tổng nợ nước ngoài vào tháng 12/2020 là 70,7 tỷ USD, nhiều hơn gần 16% so với thời điểm tháng 3 năm ngoái.

Trong tổng số nợ nước ngoài, tỷ trọng của khu vực công đã tăng lên 52,2 tỷ USD vào tháng 12/2020 từ 44,8 tỷ USD vào tháng 3 năm ngoái. Tuy nhiên, hầu hết các khoản vay nước ngoài của khu vực công có bản chất là dài hạn. Nợ nước ngoài của khu vực tư vào tháng 12 năm ngoái đã tăng lên 14,8 tỷ USD, tăng hơn 12% so với tháng 3 năm cùng năm. Trong tổng số tiền, khoản nợ được bảo lãnh (quốc gia – sovereign) là 3,8 tỷ USD.

Các nhà kinh tế cho biết các khoản vay nước ngoài tăng do triển khai cho các dự án lớn, hoạt động kinh tế chậm chạp, thu ngân sách kém và chi tiêu liên quan đến Covid của chính phủ. Họ đề nghị sử dụng hợp lý các khoản tiền vay để tránh rủi ro khi không trả được nợ. Họ cũng cảnh báo không có khả năng trả các khoản vay nước ngoài sẽ ảnh hưởng đến xếp hạng tín dụng của đất nước.

Tiến sĩ Ahsan H. Mansur, giám đốc điều hành tại Viện Nghiên cứu Chính sách Bangladesh (PRI), cho rằng: “Con số này (nợ) vẫn ở mức thấp so với GDP. Nhưng nguồn lực của Bangladesh có hạn để đáp ứng yêu cầu trả nợ ngày càng tăng”. Ông so sánh khoản nợ của Mỹ gần như tương đương với GDP của nước này, “nhưng nền kinh tế lớn nhất thế giới thu thuế cao hơn nhiều. Vì vậy, không cảm thấy khó khăn gì khi trả nợ”. Mặt khác, ông giải thích, việc thu thuế của Bangladesh vẫn ở mức rất thấp. Tiến sĩ Mansur nói rằng một phần lớn khoản nợ là chi tiêu cho các dự án lớn đang được thực hiện trên khắp đất nước. Nhiều dự án lớn đang được thực hiện bằng các khoản nợ nước ngoài, làm trầm trọng thêm tình hình. “Phần lớn các dự án lớn đang xây dựng hiện nay sẽ không thu được lợi nhuận tài chính. Vì vậy, nợ sẽ tăng thêm”.

Nhà kinh tế, Tiến sĩ Zahid Hussain cho biết, nợ đã tăng mạnh vào năm 2020 do Covid-19. Bangladesh trong năm 2020 đã nhận được khoảng 2,0 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các đối tác phát triển đa phương khác. Ông cho biết, phần lớn khoản vay từ các tổ chức đa phương nhằm giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương liên quan đến Covid-19. “Các mục tiêu của khoản nợ là khá ổn. Nhưng nếu chúng ta không sử dụng tiền hợp lý, nó sẽ tạo ra gánh nặng không cần thiết cho nền kinh tế”.

Tiến sĩ Mustafa K. Mujeri, Giám đốc điều hành tại Viện Tài chính và Phát triển, cho rằng đây là thời điểm chính phủ thực hiện các biện pháp để giảm nợ nước ngoài. Theo ông, nợ nước ngoài của Bangladesh đang gia tăng do nhiều tổ chức tư nhân cũng đang vay từ các nguồn nước ngoài. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo sử dụng hợp lý và hiệu quả các khoản nợ, “trước đây, có nhiều trường hợp khoản nợ đã bị sử dụng sai mục đích”.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here