Nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch thay máu, thay chất để sống khỏe. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ không thể vượt lên nếu các đại biểu Quốc hội vẫn tiếp tục nói về tình trạng trên nóng, dưới lạnh…
Doanh nghiệp vẫn rất khó vì Covid-19
Việc số lượng doanh nghiệp thành lập mới quý I/2021 giảm so cùng kỳ là thông tin dễ đoán sau hơn 1 năm Covid-19 hoành hành. Thậm chí, cũng không lạ khi đây là năm đầu ghi nhận sự giảm sút về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong quý 1/2021, tính trong giai đoạn 2016-2021.
Kết quả cuộc khảo sát nhanh của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tại 4 thành phố là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng và Đà Nẵng với 350 doanh nghiệp cho thấy, 24,2% doanh nghiệp đang thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh, trong đó có 75,3% các doanh nghiệp tạm ngừng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, 9,4% doanh nghiệp tạm ngừng để tái cơ cấu doanh nghiệp.
Cụ thể, 64,2% doanh nghiệp bị giảm doanh thu so với năm 2019, chỉ khoảng 21,5% có mức tăng. Song có tới 85% doanh nghiệp trả lời đại dịch Covid-19 có tác động tiêu cực. Trong đó, các khó khăn phổ biến là thị trường tiêu thụ sụt giảm (chiếm 59,9%); không thanh toán được các chi phí kinh doanh do thiếu nguồn thu (chiếm 59,5%); khó khăn trong thanh toán lương/bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (40,1%); khó khăn trong việc thanh toán các khoản vay (39,8%) và khó khăn trong thanh toán chi phí thuê nhà xưởng, văn phòng, địa điểm kinh doanh (39,1%).
So với kết quả 87,1% chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh, trong số 8.633 doanh nghiệp tư nhân trong nước tham gia khảo sát của Báo cáo Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam: Một số phát hiện chính từ điều tra doanh nghiệp năm 2020, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện cuối năm 2020, công bố hồi đầu tháng 3/2021, có thể thấy khó khăn của doanh nghiệp chưa thuyên giảm.
Nỗ lực của doanh nghiệp là chưa đủ, mà cần sự hỗ trợ của Chính phủ
Trong số các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19 có tên Công ty cổ phần Đầu tư K&G Việt Nam, đơn vị sở hữu thương hiệu Aristino. Thậm chí, Tổng giám đốc Tăng Văn Khanh còn phải dùng từ là may mắn vẫn sống sót khi nhìn lại 3 đợt bùng dịch đầy chật vật. Năm ngoái, có tháng Công ty bị giảm tới 98% doanh thu.
Tuy nhiên, đó không phải là điều ông Khanh trăn trở. “Chúng tôi đã thay đổi rất nhiều sản phẩm, cách bán hàng để hợp với thời… Covid, vẫn đang sống sót, đang kiếm tiền, có cửa hàng giữ được doanh thu như năm 2019, nhưng có thực sự khỏe để tiếp tục sống sót không nếu Covid-19 hay cái gì đó khủng khiếp hơn tái diễn. Quan trọng là chúng tôi có thể cạnh tranh được không”, ông Khanh đặt vấn đề khi chia sẻ về chiến lược tới đây của Công ty.
Câu hỏi thực sự khó khi nhìn sang hoạt động của những đối thủ ngoại tại thị trường Việt Nam. Ông Khanh nói, doanh thu một cửa hàng của Zara ở Hà Nội đã bằng cả doanh thu của K&G Việt Nam, dù họ chỉ có khoảng 250 người, trong khi Công ty đang có tới 1.000 nhân viên.
“Cứ nghĩ mình là anh hùng, giờ mới thấy mình yếu vì cách xa nền tảng, chuẩn mực của doanh nghiệp thế giới. Cách sống sót được duy nhất là làm theo các chuẩn mực quốc tế”, ông Khanh nói và cho biết, Công ty đang thực hiện các kế hoạch thay chất, thay máu dù không dễ dàng gì.
Tuy nhiên, việc cạnh tranh được với các doanh nghiệp ngoại không phải chỉ từ nỗ lực của từng doanh nghiệp, dù đây là điều kiện tiên quyết.
“Chúng tôi đã tìm hiểu để xem tại sao các doanh nghiệp Trung Quốc có thể có được mức giá cạnh tranh tốt như vậy. Năng suất lao động cao, doanh nghiệp có thời gian tích lũy là nguyên nhân, nhưng sâu xa hơn, họ có hệ sinh thái hỗ trợ lẫn nhau. Ví dụ trong ngành dệt may là cơ chế chính sách hỗ trợ công nghiệp phụ trợ, thiết lập chuỗi sản xuất tương trợ nhau. Từ đó từng doanh nghiệp tối đa hóa lợi thế cạnh tranh. Chúng tôi cũng muốn làm được như thế”, ông Khanh nói khi được đề nghị gửi đề xuất cho nhiệm kỳ Quốc hội, Chính phủ mới.
Mong muốn của ông Khanh không phải mới. Thậm chí, đầu tháng 3 năm nay, ngay khi Chính phủ bàn tới không gian cho doanh nghiệp Việt lớn lên, tâm tư về việc thiếu ngành công nghiệp hỗ trợ do thiếu cơ chế, chính sách phù hợp, thúc đẩy các mối liên kết giữa doanh nghiệp lớn và nhỏ, doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã được nói nhiều. Nhiều doanh nghiệp lo ngại, nếu việc hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng như các ngành công nghiệp khác chậm trễ, doanh nghiệp Việt sẽ bị bỏ xa về năng lực cạnh tranh.
“Chính phủ quan tâm đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng cần hành động nhiều hơn, quyết liệt và thực tiễn hơn. Đặc biệt, cấp thực thi đang là vấn đề mà doanh nghiệp cần thấy sự cải thiện mạnh mẽ. Đây sẽ là lý do để doanh nghiệp có niềm tin, sẵn sàng thay máu để đạt được sự phát triển vượt trội”, ông Khanh thẳng thắn.
Dư địa từ cơ chế dám làm
Hoạt động trong ngành công nghệ, ông Nguyễn Khoa Bảo, Tổng giám đốc FSI, một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về cung cấp dịch vụ, giải pháp chính phủ điện tử cũng tự xác định là may mắn trong dịch bệnh. Chưa bao giờ các doanh nghiệp công nghệ chứng kiến sự bùng phát của nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số lớn đến như vậy.
Tuy nhiên, ông Bảo cho rằng, tốc độ tăng trưởng của ngành có thể đột phá là nhờ Covid-19, nhưng tốc độ tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp lại từ nội tại của doanh nghiệp và từ sự thúc đẩy của cơ chế, chính sách.
“Khi khó khăn, doanh nghiệp có thể đứng lên được nhờ các chính sách hỗ trợ. Nhưng chúng tôi cần môi trường chính sách thuận lợi, thông thoáng. Nếu các tiêu chí để doanh nghiệp khoa học – công nghệ tiếp cận được các chính sách hỗ trợ khó quá, đòi hỏi nhiều thủ tục, chứng nhận thì nhiều doanh nghiệp sẽ nản, không muốn cố.
Trong bối cảnh chính phủ điện tử đang được thúc đẩy thì Chính phủ sẽ là khách hàng lớn, tiềm năng nhất của doanh nghiệp công nghệ nếu có cơ chế đặt hàng doanh nghiệp. Chúng tôi chờ đợi lãnh đạo Chính phủ, các tư lệnh ngành xây dựng thể chế, chính sách từ góc nhìn này. Đặc biệt, các cơ quan quản lý, các công chức nhà nước phải có cơ chế để dám làm cái mới, dám hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới”, ông Bảo chia sẻ tâm tư.
Không chỉ doanh nghiệp mong muốn điều này. Trong buổi thảo luận tại Quốc hội về các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 – 2021 của Chính phủ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) đã nhắc đến những chuyển động bộ máy hành chính nhà nước không nhỏ, nhưng chưa nhiều, chưa đều và chưa đồng bộ.
“Khi một cỗ máy đang vận hành, chỉ cần một số chi tiết nhỏ, thiếu đồng bộ, hay một quy trình lỡ nhịp thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hiệu suất hoạt động của bộ máy đó. Bộ máy hành chính nhà nước cũng tương tự như vậy”, bà Hoa nhấn mạnh.
Đặc biệt, bà chờ đợi về một cơ chế thông tin công khai, minh bạch, một hệ thống dữ liệu cập nhật và được đưa vào hệ thống để có thể chia sẻ và khai thác chung.
“Phải tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp được tiếp cận thông tin một cách bình đẳng, thuận lợi và hạn chế tình trạng lợi ích nhóm”, bà Hoa nói.
Nhưng đó cũng là nền tảng để doanh nghiệp phải thay đổi, tham gia cạnh tranh để thực sự khỏe mạnh, phát triển bền vững.
(Khánh An/baodautu.vn)