Tin Kinh tế Mỹ

0
142
(AFP)
(AFP)

1. Bất chấp cuộc trao đổi băng giá ở Alaska, các đặc phái viên về khí hậu của Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp gỡ trong tuần này

Theo WSJ, cuộc họp ngày 23/3/2021 sẽ là cơ hội thể hiện chiến lược của Chính quyền Biden đối với Trung quốc, khả năng thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề như biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19 trong khi vẫn cạnh tranh để giành ảnh hưởng toàn cầu và kiểm soát các công nghệ quan trọng.

Đặc phái viên khí hậu Mỹ, John Kerry, sẽ trao đổi với người đồng cấp Trung Quốc, Giải Chấn Hoa tại hội nghị trực tuyến về khí hậu vào 23/3/2021. Trung Quốc sẽ chủ trì cuộc họp của các quan chức hàng đầu từ hàng chục quốc gia châu Âu và Canada tại Hội nghị cấp Bộ trưởng thường niên về Hành động Khí hậu được Trung Quốc, Liên minh Châu Âu và Canada thành lập sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định Paris vào năm 2017. Quyết định của ông Kerry tham gia sự kiện này nhằm báo hiệu Mỹ đã trở lại hợp tác về biến đổi khí hậu.

Ứng phó với biến đổi khí hậu đã nổi lên như một lĩnh vực đầy hứa hẹn cho sự hợp tác của hai quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới. Tổng thống Biden đã đặt vấn đề này thành ưu tiên, tuyên bố đưa Mỹ trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu và tái gia nhập Hiệp định Paris, mà cựu Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng tuyên bố ông rất coi trọng vấn đề khí hậu, nhắc lại sự cần thiết của Trung Quốc trong việc hạn chế phát thải carbon.

Chính quyền Biden đang chịu áp lực chính trị trong nước phải tuân theo lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc. Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa và phe diều hâu đã cảnh báo ông Kerry và các cuộc đàm phán về khí hậu có thể bị Bắc Kinh sử dụng như một cách để chia rẽ chính quyền và làm mềm cách tiếp cận của họ. Li Shuo, cố vấn chính sách cấp cao của Greenpeace có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cũng lo lắng rằng Mỹ có thể cố gắng tận dụng hợp tác về khí hậu để có được những nhượng bộ của Trung Quốc trong các lĩnh vực khác.

Washington và Bắc Kinh đều thể hiện mong muốn tăng cường khả năng lãnh đạo và tập hợp các quốc gia để đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng trước hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc vào tháng 11. Biden dự kiến ​​sẽ công bố các mục tiêu khí hậu mới của Mỹ trước hoặc trong Hội nghị thượng đỉnh về môi trường toàn cầu vào ngày 22/4. Các quan chức Trung Quốc đã đề xuất lên lịch cho một cuộc gặp trực tuyến bên lề giữa Tập và Biden tại Hội nghị này. Ông Tập có thể đề xuất thêm các cam kết của Trung Quốc, như cam kết cấm đầu tư vào than ở trong và ngoài nước, thực hiện giới hạn lượng khí thải carbon.

Mỹ mong nhận được những cam kết mạnh mẽ hơn về khí hậu không chỉ từ Trung quốc, mà còn từ các quốc gia khác, đặc biệt là ở châu Á. Kevin Rudd, cựu thủ tướng Úc cho biết, sự hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc là cần thiết để tập hợp các quốc gia chuẩn bị tham dự hội nghị Liên Hợp Quốc vào cuối năm nay.

2. Trưởng USTR Katherine Tai trao đổi với người đồng cấp châu Âu và Anh về Trung Quốc, cải cách WTO, biến đổi khí hậu.

Đại diện Thương mại Mỹ mới được bổ nhiệm Katherine Tai trong tuần này đã thực hiện bước đầu tiên để đạt được mục tiêu cải thiện mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, thông qua việc trao đổi với những người đồng cấp châu Âu và Anh về cách giải quyết tranh chấp trợ cấp máy bay, các chính sách thương mại có thể chống lại biến đổi khí hậu, các vấn đề liên quan đến Trung Quốc và hợp tác cải cách WTO.

Trao đổi với người đồng cấp Dombrovskis của Liên minh châu Âu, hai bên cam kết duy trì “sự tham vấn thường xuyên” đối với các vấn đề “quan trọng”, gồm cải cách WTO;  đề xuất lập một Hội đồng Thương mại và Công nghệ xuyên Đại Tây Dương để thảo luận về việc thiết lập các tiêu chuẩn, công nghệ mới nổi và các vấn đề liên quan khác. “Họ cam kết củng cố hợp tác Mỹ-EU vì các mục tiêu chung, gồm hỗ trợ chính sách thương mại để giải quyết biến đổi khí hậu, lao động cưỡng bức và các vấn đề liên quan đến các nền kinh tế lớn phi thị trường, như Trung Quốc”. “Họ cũng thảo luận về mối quan tâm mạnh mẽ trong việc giải quyết tranh chấp liên quan đến trợ cấp máy bay, giải quyết tình trạng dư thừa thép và nhôm trên toàn cầu”; và ghi nhận tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ-EU “trong bối cảnh phục hồi toàn cầu sau đại dịch”.

Với Bộ trưởng Thương mại Anh, cả hai đề cập đến các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Anh, hy vọng sẽ nhanh chóng ký kết một thỏa thuận, nhưng chính quyền Biden không đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào về bước tiếp theo. Bà Tai lưu ý rằng bà “đang đánh giá” tình trạng của các cuộc đàm phán; xem xét các mục tiêu dựa trên tất cả những thay đổi đã diễn ra trong hai năm rưỡi qua”.

Trích dẫn “mối quan hệ đặc biệt” của Mỹ và Anh, USTR cho biết bà Tai và bà Truss “đã đồng ý giải quyết các hành vi thương mại không công bằng của các nền kinh tế phi thị trường, như Trung Quốc. Họ cũng đồng ý hợp tác trong các vấn đề như chấm dứt đại dịch COVID-19, giải quyết tranh chấp về trợ cấp máy bay dân dụng, cải cách WTO, biến đổi khí hậu, lao động cưỡng bức và hỗ trợ chính sách thương mại lấy người lao động làm trung tâm .”

Theo USTR, hai bên sẽ tiếp tục thảo luận về các chủ đề liên quan trong cuộc họp cấp bộ trưởng thương mại G7 trong tháng này. Anh là nước chủ nhà G7 năm nay. Cùng ngày 21/3/2021, bà Tai cũng trao đổi với Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Canada Mary Ng và Tổng Giám đốc WTO, Ngozi Okonjo-Iweala.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here