Global Trade Helpdesk cung cấp dịch vụ miễn phí hỗ trợ các doanh nghiệp

0
114
(Internet)
(Internet)

Gần đây, cổng điện tử quốc tế Global Trade HelpdeskHỗ trợ thương mại toàn cầu (https://globaltradehelpdesk.org/en) đang tăng cường cung cấp các dịch vụ miễn phí hỗ trợ trực tuyến về thương mại quốc tế cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), giúp các công ty có thể so sánh nhu cầu đối với sản phẩm của họ trên các thị trường, tìm hiểu thuế quan và các điều kiện tiếp cận thị trường khác, truy cập thông tin chi tiết về người mua, các quy trình xuất khẩu và tìm đối tác kinh doanh, đồng thời cũng hỗ trợ cho các nhà hoạch định chính sách thương mại và đầu tư. Cổng điện tử này được thành lập và đặt dưới sự lãnh đạo của 3 tổ chức quốc tế có trụ sở tại Geneva, Thụy Sỹ, gồm Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), Hội nghị của Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) vàTổ chức Thương mại thế giới. Qua tìm hiểu, Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva trân trọng giới thiệu một số nét nổi bật về sự ra đời và chức năng cơ bản của Cổng điện tử Hỗ trợ thương mại toàn cầu này như sau:

1. Sự ra đời của sáng kiến Cổng điện tử Global Trade Helpdesk

Sáng kiến này được ITC, UNCTAD và WTO công bố ngày 11/12/2017 tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 11 tại Buenos Aires, Argentina. Cổng điện tử này đóng vai trò như dịch vụ một cửa để các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách tiếp cận các dữ liệu thương mại và thông tin thực tế về các thị trường. Cổng điện tử này cung cấp cho các công ty đang tìm kiếm thị trường xuất khẩu tiềm năng các dữ liệu về thuế suất, tiêu chuẩn và thủ tục về y tế và an toàn, thủ tục xuất nhập khẩu, cũng như những mô thức và hiệp định thương mại hiện hành có liên quan.

Thông tin dữ liệu được bổ sung vào Cổng điện tử này trong vòng ba năm, kèm theo những thông tin về doanh nghiệp như đầu mối liên lạc của người bán và người mua cũng như thời gian và địa điểm của các hội chợ thương mại.

Ngoài dữ liệu thu thập được từ ITC, UNCTAD và WTO, Cổng điện tử này còn được chia sẻ thông tin từ nhiều tổ chức quốc tế và ngân hàng phát triển như Ngân hàng phát triển liên Mỹ (IDB), Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), nhóm  Ngân hàng thế giới, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp thế giới (FAO), Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), Phòng Thương mại quốc tế (ICC), Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO)…

Trong những năm tới, sáng kiến này sẽ tiếp tục mở rộng và tích hợp các thông tin tình báo thương mại cần thiết và tăng cường kết nối với các nguồn thông tin trong nước và quốc tế để cung cấp thông tin toàn diện nhất cho các nhà xuất khẩu toàn cầu.[1]

Ngày 26/6/2020, sau 3 năm xây dựng hệ thống dữ liệu, Cổng điện tử này đã chính thức đi vào hoạt động với đầy đủ chức năng, nhân dịp chào mừng ngày truyền thống 27/6 của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSEMs). MSMEs hiện nay chiếm tỷ lệ hơn 90% tổng số doanh nghiệp, 70% việc làm và 50% GDP toàn cầu.

2. Chức năng cơ bản của Cổng điện tử Global Trade Helpdesk

Cổng điện tử này hướng đến mục tiêu xây dựng nền tảng cho tăng trưởng dựa trên thương mại bền vững và bao trùm.

2.1. Các chức năng hỗ trợ cơ bản

Cổng điện tử này tập trung vào bốn hoạt động chính để tăng cường sự tiếp cận của MSMEs với các thông tin thị trường chính yếu: (i) phát triển một ứng dụng trực tuyến mang tính tương tác, tích hợp các thông tin thương mại và doanh nghiệp hữu quan và toàn diện; (ii) xây dựng một mạng lưới các đối tác quốc tế, khu vực và trong nước điều phối việc thu thập và phổ biến thông tin; (iii) đẩy mạnh nỗ lực thu thập thông tin nhằm tối đa hóa sự phối hợp đồng bộ và đảm bảo tính toàn diện và cập nhật của thông tin; và (iv) tăng cường năng lực nhằm mở rộng tính phổ biến của Cổng điện tử này đến các MSMEs để đưa ra các quyết sách thương mại dựa trên thông tin tốt hơn.

Bằng cách cung cấp thông tin miễn phí và dễ tiếp cận về thương mại và thị trường thông qua giao diện thân thiện với người dùng, cổng điện tử Cổng điện tử này tạo điều kiện cho các công ty trên toàn thế giới, nhất là MSMEs gia tăng sự tham gia vào các chuỗi giá trị ở khu vực và quốc tế và giúp họ giảm thiểu chi phí thương mại.

Cổng điện tử này cũng giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra các quyết sách về thương mại và đầu tư dựa trên việc được thông tin tốt hơn cũng như cải tiến sự hỗ trợ của các thể chế hỗ trợ đầu tư cho các khách hàng MSMEs của họ.

Cổng điện tử này không chỉ cung cấp thông tin mà còn giúp các doanh nghiệp thu thập thông tin như so sánh nhu cầu sản phẩm của họ giữa các thị trường, tìm hiểu thuế suất và các điều kiện tiếp cận thị trường khác, tiếp cận chi tiết về người mua, tìm hiểu tiến trình xuất khẩu trong nước và tìm kiếm đối tác doanh nghiệp. Theo khảo sát 28.000 doanh nghiệp ở 56 nước do ITC tiến hành (2010-2017), việc thiếu minh bạch là một trong những trở ngại lớn nhất mà các doanh nghiệp, nhất là MSMEs phải đối mặt.[2] Rất nhiều doanh nghiệp nhỏ thiếu nguồn lực và kỹ năng tiến hành phân tích thương mại. Vì vậy Cổng điện tử này sẽ đóng vai trò rất hữu ích giúp cho các công ty này tiếp cận thông tin thực tế miễn phí về các thị trường và sản phẩm liên quan đến ngành nghề của họ.

2.2. Tính năng mới của Cổng điện tử Global Trade Helpdesk nhằm ứng phó với Covid-19

Cổng điện tử này hiện nay đã được cải tiến và mở rộng nhằm giúp các công ty thích ứng với những thực tiễn thương mại mới trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã khiến thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài trên toàn cầu sụt giảm đáng kể và nhiều MSMEs có nguy cơ phải đóng cửa vĩnh viễn. Khi các nhà hoạch định chính sách lên kế hoạch phục hồi mạnh mẽ và bền vững hậu đại dịch, sự thành công hay thất bại của MSMEs – vốn chiếm phần lớn lực lượng lao động toàn cầu – sẽ đóng vai trò quyết định liệu sự hồi phục đó có mang tính bao hàm về mặt xã hội hay không. Khi các doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng không chắc chắn, giảm cầu và sự gián đoạn chuỗi cung ứng, việc họ có được thông tin cần thiết để hướng tới những khách hàng và thị trường mới sẽ là điều rất quan trọng.

Cổng điện tử này do đó đã được cải tiến về thiết kế và chức năng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các công ty, sau khi đã được thử nghiệm trên diện rộng với sự hỗ trợ của các văn phòng thương mại quốc tế ở các nước cũng như thành viên của Nhóm làm việc phi chính thức của WTO về MSMEs.

Người dùng hiện nay có thể cập nhật so sánh và ước tính xuất khẩu tiềm năng giữa các thị trường triển vọng khác nhau. Để đơn giản hóa việc nghiên cứu thị trường cho các doanh nghiệp, Cổng điện tử này hiện nay đã bao gồm các nguồn thông tin về các biện pháp hạn chế ứng phó Covid-19 từ các cơ quan quốc tế, bao gồm thông tin về những hạn chế tạm thời được ban hành nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng.

Cổng điện tử này cũng cung cấp thông tin cải tiến về thống kê thương mại, thủ tục xuất nhập khẩu và quá cảnh thương mại, danh mục công ty mới, thông tin hỗ trợ về quyền sở hữu trí tuệ cũng như các nguồn trực tuyến từ các cơ quan khác nhau để xây dựng kỹ năng phân tích thương mại và phân tích thị trường của các MSMEs.

Ngoài ra, Cổng điện tử này cũng thêm lựa chọn ngôn ngữ tiếng Nga, ngoài 4 ngôn ngữ hiện có là tiếng Ả-rập, tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha.[3]

2.3. Kết nối tập huấn sử dụng Cổng điện tử Global Trade Helpdesk

Mới đây nhất, Hiệp hội các Trung tâm thương mại thế giới (WTCA- http://www.wtca.org) – một hiệp hội về thương mại quốc tế liên kết hơn 320 trung tâm thương mại thế giới ở 92 quốc gia – đã giới thiệu cho các trung tâm thành viên cũng như các thành viên doanh nghiệp, người thuê và khách hàng của họ về Cổng điện tử.

WTCA đã tổ chức các khóa tập huấn trực tuyến ban đầu từ ngày 16-18/2/2021 với sự tham gia của 150 đại biểu đến từ các Trung tâm thương mại thế giới trên phạm vi toàn cầu nhằm thử nghiệm công cụ trực tuyến này. Theo WTCA, ý kiến phản hồi từ khóa tập huấn rất tích cực và WTCA dự định sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều webinar khác cho các trung tâm thương mại thế giới ở các nước và mạng lưới doanh nghiệm MSMEs của họ để chia sẻ về những kinh nghiệm và câu chuyện thành công từ việc sử dụng công cụ này.[4]

Ban Quản trị Trang Ngoại giao Kinh tế trực tuyến xin trân trọng thông tin để Quý Cơ quan/ doanh nghiệp tham khảo, tiếp cận và sử dụng Cổng điện tử nói trên.

[1] https://unctad.org/news/itc-unctad-wto-launch-global-trade-helpdesk

[2] https://globaltradehelpdesk.org/en/about/the-initiative

[3]https://www.intracen.org/news/Global-Trade-Helpdesk-provides-upgraded-trade-intelligence-to-micro-small-and-medium-sized-enterprises-supports-inclusive-post-pandemic-recovery/

[4]https://www.prnewswire.com/news-releases/world-trade-centers-association-introduces-the-global-trade-helpdesk-to-world-trade-centers-and-affiliated-business-members-301238856.html

(Nguồn: Phái đoàn Việt Nam tại Geneva)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here