Tin Kinh tế Mỹ

0
75
(CNN)
(CNN)

1. Mỹ tập hợp đồng minh để đối phó với sự phát triển công nghệ của Trung Quốc

Tổng thống Biden đã miêu tả mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc như là một sự xung đột giữa các giá trị: dân chủ và chuyên quyền. Tuy nhiên, ngôn từ của ông che giấu cách tiếp cận thực dụng của chính quyền hướng đến tập hợp các nhóm quốc gia cùng hợp tác về công nghệ với mục tiêu đi trước Trung Quốc về chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và những tiến bộ khác được cho là sẽ định hình kinh tế và quân sự trong tương lai. Các cuộc đối thoại sơ bộ của Mỹ với các đồng minh đã bắt đầu. Các liên minh có thể phối hợp chính sách nhằm không cho Trung Quốc có được công nghệ cần thiết để trở thành một quốc gia dẫn đầu thế giới.

Theo một quan chức chính quyền cấp cao, Mỹ có kế hoạch thành lập các liên minh khác nhau tùy thuộc vào từng vấn đề, theo cách tiếp cận mảng khối. Các nhóm khác nhau sẽ bao gồm hầu hết các cường quốc công nghiệp của Nhóm G7 và cộng thêm một số quốc gia khác. Các lĩnh vực có thể thành lập liên minh ngay là kiểm soát xuất khẩu, tiêu chuẩn kỹ thuật, điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, viễn thông 5G và các quy định quản lý công nghệ giám sát. Theo các chuyên gia công nghệ, danh sách này cần phải được rút ngắn lại, nếu không sẽ khó tổ chức và gây quá tải.

Công nghệ bán dẫn là vấn đề hàng đầu trong danh sách trên vì chip máy tính là sức mạnh của nền kinh tế hiện đại. Trung Quốc là thị trường bán dẫn lớn nhất thế giới, nhưng hơn 80% chip hoặc được nhập khẩu hoặc được sản xuất bởi các công ty nước ngoài tại Trung Quốc. Bắc Kinh đã chi hàng chục tỷ USD trong vài thập kỷ qua để cố gắng xây dựng một ngành công nghiệp nội địa đẳng cấp thế giới nhưng vẫn thua kém các đối thủ phương Tây. Chính quyền Biden muốn duy trì tình hình này.

Các nhà công nghệ mô tả thiết bị sản xuất chất bán dẫn là “điểm nghẽn công nghệ” bởi vì nó chỉ bị chi phối bởi ba quốc gia là Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan, do vậy việc hạn chế tương đối đơn giản. Một liên minh chất bán dẫn cũng có thể bao gồm các nhà sản xuất chip lớn ở châu Âu, Hàn Quốc và Đài Loan. Cùng với việc hạn chế công nghệ đối với Trung Quốc, các thành viên có thể cùng hợp tác trên lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D), bao gồm cả tài trợ cho các cơ sở sản xuất chất bán dẫn trị giá hàng tỷ đô la bên ngoài Trung Quốc.

Một nỗ lực cao như thế có thể sẽ gây lo ngại và dấy lên khả năng trả đũa từ Bắc Kinh, vốn đang nỗ lực để giảm bớt sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Việc bổ sung Đài Loan, nơi sản xuất chất bán dẫn lớn mà Bắc Kinh coi là một tỉnh nổi loạn vào liên minh, cũng sẽ làm Trung Quốc thêm lo ngại.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: Một liên minh bán dẫn do Mỹ lãnh đạo là “vi phạm các nguyên tắc của kinh tế thị trường và cạnh tranh bình đẳng, đồng thời gây chia rẽ thế giới và phá hủy các quy tắc thương mại quốc tế một cách giả tạo”, Bắc Kinh có rất nhiều đòn bẩy để sử dụng. Trung Quốc là nhà cung cấp chính trên thế giới về đất hiếm, một loại khoáng chất không thể thiếu trong sản xuất điện thoại di động, thiết bị điện tử và thiết bị quân sự.

Gần đây, Trung Quốc đã khởi đầu một loạt các quy định mới về đất hiếm và gây khó khăn cho các công ty nước ngoài về sự phụ thuộc của họ vào sản xuất của Trung Quốc, điều mà một số chuyên gia công nghệ coi là một phát súng cảnh cáo. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh “sẵn sàng đáp ứng nhu cầu hợp pháp của tất cả các quốc gia trên thế giới ở mức tối đa phù hợp với năng lực và trữ lượng tài nguyên đất hiếm thực tế của Trung Quốc”. Tổng thống Biden gần đây cũng đã ra lệnh nghiên cứu về sự phụ thuộc của Mỹ vào nguồn cung cấp đất hiếm từ nước ngoài. Các quan chức Mỹ đã và đang làm việc với Australia và các quốc gia khác để thúc đẩy sản xuất và chế tạo ra các chất tổng hợp thay thế cho loại khoáng sản này.

Theo Martijn Rasser, nhà phân tích công nghệ tại Trung tâm An ninh Mỹ mới tại Washington, D.C., việc Trung Quốc cắt giảm xuất khẩu đất hiếm sẽ phản tác dụng, phá hoại uy tín thương mại của Trung Quốc và khuyến khích sản xuất đất hiếm ở những nơi khác.

2. Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm tìm cách khôi phục chương trình cho vay năng lượng

Ngày 26/2/2021, Bộ trưởng Jennifer Granholm cho biết bà có kế hoạch khôi phục chương trình cho vay trị giá 40 tỷ đô la cho các dự án năng lượng và thúc đẩy cải thiện lưới điện của quốc gia sau hậu quả của sự cố mất điện trên diện rộng gây chết người vừa qua. Bà cũng cho rằng các nhu cầu của nền kinh tế hiện đại, hoạt động trên các công nghệ phát thải thấp, sẽ cần sự hỗ trợ của liên bang đối với ngành năng lượng.

Bà Granholm cho biết Chương trình sẽ cung cấp các khoản vay liên bang và bảo lãnh khoản vay cho các dự án khởi nghiệp và năng lượng trị giá 40 tỷ đô la đã được Quốc hội cho phép nhưng chưa được chính quyền Trump sử dụng đến. Khoản tiền đó có thể được bố trí cho các công ty đưa các công nghệ năng lượng mới ra thị trường, đặc biệt là cho các công ty phát điện, lưu trữ điện và cải tiến lưới điện… và bà  cũng muốn bảo đảm trách nhiệm giải trình của chương trình và tiền của chương trình phải được sử dụng hiệu quả.

Ngoài ra, bà cho rằng chính quyền Biden và Quốc hội cũng cần tinh giản quá trình cấp phép vào cuối năm nay và chi nhiều tiền hơn cho việc cải thiện lưới điện. Bộ Năng lượng có chức năng theo dõi nghiên cứu khoa học của Mỹ, kho vũ khí hạt nhân của đất nước, và cùng với nhiều chương trình năng lượng. Đây là cơ quan liên bang đầu mối về bảo đảm lưới điện và đảm bảo cung ứng điện đáng tin cậy. Công việc đó thường bị cản trở bởi hệ thống lưới điện manh mún trong đó các bang bảo vệ quyết liệt quyền kiểm soát khu vực của mình. Ví dụ như Texas đã nhiều năm hạn chế kết nối lưới điện của mình với phần còn lại của đất nước để cho các lãnh đạo địa phương tự chủ trong việc điều tiết thị trường điện của họ. Bà Granholm cho biết, là một phần của cải tiến, bà muốn thấy Texas gia tăng kết nối lưới truyền tải điện với các bang lân cận để tăng lựa chọn cung ứng điện khi có sự cố thiếu điện cục bộ, nhưng bà cũng thừa nhận các kết nối mới cần phải được lãnh đạo các bang cho phép.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here