Với việc kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Kỹ thuật số ASEAN (ADGMIN) lần thứ nhất vào tháng trước và một loạt chính sách kỹ thuật số được đưa ra, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã sẵn sàng tiến tới xây dựng một nền kinh tế kỹ thuật số tích hợp.
Ngay cả khi ASEAN đặt mục tiêu trở thành một bên đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu kỹ thuật số, thì vẫn có những lĩnh vực mà Trung Quốc và ASEAN có thể làm việc cùng nhau để đạt được một tình huống đôi bên cùng có lợi. Đây là quan điểm của học giả Zhai Kun (Đại học Bắc Kinh) và học giả Yuan Ruichen (thành viên nhóm nghiên cứu của Dự án Thử nghiệm Đổi mới Dữ liệu lớn Vành đai và Con đường) trong bài bình luận trên trang mạng ThinkChina.sg.
ASEAN đã tổ chức hội nghị Kỹ thuật số ASEAN cấp bộ trưởng (ADGMIN) lần đầu tiên thông qua hình thức trực tuyến trong ngày 21 và 22/1/2021, và đưa ra một loạt chính sách kỹ thuật số ngay tại cuộc họp này. Điều này cho thấy rằng sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN sẽ được cải thiện một cách toàn diện và mở rộng phạm vi cung cấp các cơ hội quý giá cho Trung Quốc trong việc tăng cường hợp tác kinh tế số song phương với các nước ASEAN.
Chính sách kỹ thuật số của ASEAN
Các bộ trưởng ASEAN đã khởi động Kế hoạch tổng thể kỹ thuật số ASEAN 2025 (ADM 2025) như một định hướng cho sự phát triển nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN trong 5 năm tới. Kế hoạch tổng thể này nêu rõ ASEAN hướng tới mục tiêu trở thành “cộng đồng kỹ thuật số và một khối kinh tế dẫn đầu, được hỗ trợ bởi các dịch vụ, công nghệ và hệ sinh thái kỹ thuật số an toàn và mang tính chuyển đổi”, đồng thời được yếu tố an ninh mạng bảo đảm để thúc đẩy một không gian kỹ thuật số tin cậy.
Để đạt được tầm nhìn đó, ADM 2025 đã vạch rõ tám kết quả mong muốn đạt được trong 5 năm tới, với nhiều hoạt động tạo thuận lợi được xây dựng chi tiết cho từng kết quả cụ thể. Những thời gian biểu này đã được thiết lập dựa trên xếp hạng mức độ quan trọng của các hoạt động. Một nhóm quản lý dự án đặc biệt cũng sẽ giám sát và thực hiện các kế hoạch này.
Các bộ trưởng ASEAN cũng đã phê duyệt Khung quản lý dữ liệu mới (DMF) và các Điều khoản hợp đồng mẫu cho luồng dữ liệu xuyên biên giới (MCC), vốn là các cơ chế thực hiện các sáng kiến từ Bộ khung ASEAN 2018 về quản trị dữ liệu kỹ thuật số. Hai tài liệu này có thể giúp các công ty, doanh nghiệp giảm chi phí đàm phán và tuân thủ hợp đồng, đồng thời cung cấp sự bảo vệ thích hợp cho các luồng dữ liệu cá nhân xuyên biên giới.
Bộ khung DMF cung cấp những hướng dẫn từng bước để các công ty cải thiện cấu trúc quản trị dữ liệu, quản lý rủi ro và các biện pháp phòng vệ. DMF giúp các công ty thiết lập một hệ thống quản lý vòng đời dữ liệu hiệu quả. Trong khi đó, MCC cung cấp các điều khoản và điều kiện mẫu để các công ty xây dựng hợp đồng truyền dữ liệu xuyên biên giới, thông qua việc làm rõ các định nghĩa quan trọng và nghĩa vụ của cả người gửi và người nhận dữ liệu.
Nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN đang đi vào làn đường tốc độ cao
Một loạt chính sách kỹ thuật số do ASEAN ban hành gần đây không chỉ bao gồm các thiết kế cấp cao nhất cho sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số mà còn bao gồm các biện pháp thực hiện cụ thể cũng như hướng dẫn về quản trị kỹ thuật số. Những nội dung này sẽ cải thiện năng lực cạnh tranh kỹ thuật số của khu vực ASEAN và có tác động đến cạnh tranh và hợp tác trong hệ sinh thái kỹ thuật số ở Đông Á và toàn cầu.
Nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN trước đây đang ở giai đoạn đầu và hiện đang đi vào “làn đường tốc độ cao”. Với sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, Internet vạn vật (IoT) và chuỗi khối (blockchain), một vòng quay cạnh tranh công nghệ mới đang diễn ra mạnh mẽ. Đẩy nhanh việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số để thúc đẩy phục hồi kinh tế trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19 đã trở thành một thực tế cấp thiết.
Đồng thời, các vấn đề như tăng trưởng bao trùm, phát triển bền vững, bảo vệ quyền riêng tư và an ninh liên quan đến nền kinh tế kỹ thuật số cũng thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Những yếu tố này đã thúc đẩy ASEAN cải thiện hơn nữa khuôn khổ phát triển nền kinh tế kỹ thuật số, “vào số” và tăng tốc.
ASEAN đang nỗ lực xây dựng một thị trường kỹ thuật số khu vực có tính cạnh tranh cao. Kế hoạch tổng thể không chỉ bao gồm các nội dung, điều khoản mang tính truyền thống như cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, phổ biến chính phủ điện tử và thúc đẩy số hóa công nghiệp, mà còn bao gồm các vấn đề mới nổi như chống độc quyền và chống cạnh tranh không lành mạnh, giảm lượng khí thải carbon và thúc đẩy tăng trưởng toàn diện.
Quan trọng hơn, ASEAN dự định thiết lập một thị trường kỹ thuật số tích hợp bằng cách giảm các rào cản đối với dòng chảy luồng dữ liệu xuyên biên giới, thực hiện giám sát chung, thống nhất các tiêu chuẩn kỹ thuật và phát triển các doanh nghiệp viễn thông cấp khu vực. Những điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi đáng kể cho dòng chảy tự do của các yếu tố sản xuất kỹ thuật số trong khu vực và xây dựng một thị trường kỹ thuật số tích hợp có tính cạnh tranh cao.
ASEAN sẽ trở thành một khu vực quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Trong thời đại kinh tế số, các yếu tố chính ảnh hưởng đến bố cục của chuỗi giá trị đang chuyển từ chi phí lao động, các nguồn tài nguyên thiên nhiên, công nghệ và thị trường sang các yếu tố như công nghệ số, nguồn vốn, thị trường và khối lượng dữ liệu. ASEAN hiện đang phát triển các lợi thế kỹ thuật số của mình trong khi tiếp tục tận dụng các yếu tố truyền thống.
Thông qua hợp tác kinh tế kỹ thuật số với Trung Quốc, quốc gia có nền công nghiệp hoàn chỉnh, thị trường rộng lớn và hệ sinh thái kỹ thuật số hàng đầu, ASEAN được kỳ vọng sẽ trở thành một khu vực quan trọng của chuỗi giá trị toàn cầu, đưa chuỗi giá trị Đông Á trở thành cực tăng trưởng của kinh tế thế giới.
Khi ASEAN tiếp tục cải thiện khuôn khổ quản trị kỹ thuật số của mình, DMF và MCC sẽ thúc đẩy sự phối hợp quản lý dữ liệu và các tiêu chuẩn dòng chảy luồng dữ liệu xuyên biên giới trong khu vực ASEAN. Các chính sách này sẽ giúp ASEAN thiết lập một môi trường kinh doanh kỹ thuật số minh bạch, đáng tin cậy và có trách nhiệm, làm nền tảng cho việc tiêu chuẩn hóa các luồng dữ liệu toàn cầu trong tương lai.
ASEAN cũng có ý định định hình lại vị trí trung tâm của mình trong bối cảnh cạnh tranh kỹ thuật số giữa các cường quốc lớn. Hợp tác kỹ thuật số xuyên biên giới đang trở thành trọng tâm của các cường quốc. Các lý do để ASEAN đưa ra kế hoạch tổng thể vào thời điểm này gồm ba điểm chính.
Đầu tiên là thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số trong nội khối và giải quyết những khác biệt để nâng cao vai trò lãnh đạo chung của ASEAN trong lĩnh vực kỹ thuật số. Thứ hai là tận dụng khối lượng dữ liệu khổng lồ của khối và “theo gương” EU để xây dựng một thị trường dữ liệu duy nhất hoặc thậm chí là một khu vực kỹ thuật số tương đối khép kín. Điều này sẽ giúp ASEAN tăng cường được năng lực đàm phán, thương lượng trong các cuộc đàm phán với bên ngoài. Thứ ba là nâng cao giá trị chiến lược của ASEAN đối với cả Trung Quốc và Mỹ bằng cách thúc đẩy kết nối kỹ thuật số nội khối và tránh áp lực từ việc phải chọn bên.
Tăng cường hợp tác kinh tế kỹ thuật số Trung Quốc-ASEAN
Sự hỗ trợ của Trung Quốc về công nghệ, dữ liệu, nguồn vốn và tri thức có thể góp phần thúc đẩy sự thành công của các chính sách kỹ thuật số của ASEAN. Thứ nhất là việc tăng cường hợp tác theo định hướng thị trường trong ngành công nghiệp kỹ thuật số. Việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và việc thông qua Sáng kiến Xây dựng Quan hệ Đối tác Trung Quốc-ASEAN về Kinh tế Kỹ thuật số đã mở ra một không gian rộng lớn cho hợp tác song phương trong ngành công nghiệp kỹ thuật số.
Trung Quốc nên tuân thủ các nguyên tắc ưu tiên của doanh nghiệp, định hướng thị trường và hướng dẫn của chính phủ, để khuyến khích doanh nghiệp kỹ thuật số của Trung Quốc đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng, thương mại điện tử, tài chính kỹ thuật số và các lĩnh vực liên quan khác của ASEAN.
Thứ hai, thúc đẩy hợp tác dựa trên công nghệ trong các thành phố thông minh. Thành phố thông minh là thử nghiệm quan trọng của hợp tác kinh tế kỹ thuật số Trung Quốc-ASEAN. Các thành phố có nền kinh tế kỹ thuật số phát triển ở miền Nam Trung Quốc có thể khai thác sự hợp tác 1-1 với các thành phố thí điểm được liệt kê trong Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN. Sự hợp tác này sẽ xây dựng nền tảng cho các công ty hàng đầu của Trung Quốc như Huawei, ZTE và China Mobile tận dụng lợi thế công nghệ của họ.
Thứ ba, củng cố hợp tác an ninh mạng được chính sách định hướng. An ninh mạng có thể sẽ là lĩnh vực hàng đầu và sự hỗ trợ quan trọng cho hợp tác kinh tế kỹ thuật số Trung Quốc-ASEAN. Trung Quốc và ASEAN nên thiết lập một cơ chế hợp tác an ninh mạng đa cấp tập trung vào việc xây dựng năng lực an ninh, đặt nền tảng cho việc xây dựng hệ thống quản trị khu vực trong tương lai.
Thứ tư, tạo điều kiện cho hợp tác xây dựng quy tắc kỹ thuật số được hỗ trợ từ kinh nghiệm. Các quy tắc quốc tế về quản trị kỹ thuật số, tập trung vào dòng chảy luồng dữ liệu xuyên biên giới, thuế kỹ thuật số và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đang ngày càng được tăng cường. Trung Quốc có thể chia sẻ khái niệm quản trị kỹ thuật số và kinh nghiệm quản lý sáng tạo với ASEAN, để dẫn dắt việc thực hành các nguyên tắc về tham vấn sâu rộng, đóng góp chung và chia sẻ lợi ích./.
Thế Vũ