Triển vọng nào trong khôi phục quan hệ thương mại Trung-Ấn?

0
141
Dù đã nỗ lực đưa chuỗi công nghiệp thoát khỏi sự phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc, song cả Mỹ và Ấn Độ đều không đạt được kỳ vọng.

Bloomberg ngày 23/2 đưa tin, thống kê sơ bộ từ Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ cho hay tổng kim ngạch thương mại giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong năm 2020 đạt 77,7 tỷ USD, như vậy Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Bài báo cho biết: “Sự phụ thuộc vào máy móc nhập khẩu của New Delhi vượt quá nỗ lực hạn chế thương mại với Trung Quốc”. Cũng theo bài báo, các dữ liệu cho thấy Ấn Độ đã nhập khẩu 58,7 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc trong năm 2020, đứng thứ nhất. Trong khi đó nhập khẩu của Ấn Độ từ Mỹ và Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) lần lượt đứng thứ hai và ba. Truyền thông Ấn Độ ngày 23/2 cho rằng “năm 2020, xuất khẩu của Ấn Độ sang Trung Quốc tăng lên đáng kể, trong khi nhập khẩu sẽ giảm”. BBC (Anh) ngày 23/2 đưa tin “năm 2020, quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước láng giềng Châu Á, đã xấu đi nhanh chóng. Hai nước đang tham gia vào một cuộc xung đột biên giới và Ấn Độ đã cấm khoảng 220 ứng dụng của Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này không ngăn cản được Trung Quốc vượt qua Mỹ và trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ trong năm 2020”. Số liệu của Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ cũng cho thấy, mặc dù kim ngạch thương mại song phương giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong năm 2020 thấp hơn năm 2019, nhưng vẫn đủ để Trung Quốc thay thế Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ.

Trong khi đó, thương mại của Ấn Độ với Mỹ giảm xuống còn 75,9 tỷ USD trong năm 2020. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, năm 2020 tổng kim ngạch nhập khẩu của Ấn Độ đã giảm khoảng 40%. Nhập khẩu của Ấn Độ từ các thị trường nhập khẩu truyền thống như Mỹ, UAE, Saudi Arabia, Iraq đều đã giảm nhiều hơn 40%, khiến kim ngạch thương mại Ấn Độ-Trung Quốc trở thành “điểm sáng”.

Tuy nhiên, tờ Press Trust of India ngày 23/2 đưa tin, dữ liệu mới nhất của Chính phủ Ấn Độ cho thấy tổng kim ngạch thương mại giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong năm 2020 là 87,65 tỷ USD, giảm 5,64% so với 92,89 tỷ USD của năm 2019.

Trong đó, xuất khẩu của Ấn Độ sang Trung Quốc tăng 16,15% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức cao lịch sử 20,87 tỷ USD. Nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 10,87% xuống 66,78 tỷ USD. Thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc từ 56,95 tỷ USD năm 2019 giảm 19,39%, còn 45,91 tỷ USD vào năm 2020.

Bài báo cũng dẫn lời một quan chức của Hiệp hội Xuất khẩu Ấn Độ cho biết, “đây là một tín hiệu tích cực phản ánh khả năng cạnh tranh ngày càng tăng của các nhà xuất khẩu Ấn Độ”.

Tờ Bloomberg cho rằng trước bối cảnh xung đột địa chính trị, Chính phủ Ấn Độ đã cấm hàng trăm ứng dụng của Trung Quốc trong năm 2020, kéo dài thời gian phê duyệt các dự án đầu tư của Trung Quốc và kêu gọi tăng cường khả năng tự lực, tự cường “Made in India” (Sản xuất tại Ấn Độ). Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn phụ thuộc nhiều vào máy móc hạng nặng, thiết bị viễn thông và đồ gia dụng của Trung Quốc.

BBC dẫn lời nhà nghiên cứu kinh tế học Amitendu Palit của Đại học Quốc gia Singapore cho biết, việc tiếp tục phụ thuộc vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc là do Ấn Độ thiếu nguồn cung trong nước đối với các mặt hàng này. Hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc giá rẻ, số lượng dồi dào và có thể nhập khẩu nhanh chóng, trong khi hàng hóa nhập khẩu từ các nguồn khác không hiệu quả về chi phí và tiện lợi như Trung Quốc. Nỗ lực của New Delhi để giảm sự phụ thuộc vào Bắc Kinh vẫn còn là một chặng đường dài. Kế hoạch tăng cường năng lực sản xuất của Ấn Độ (PLI) phải mất ít nhất bốn hoặc năm năm để tạo ra các năng lực sản xuất đủ lớn trong các lĩnh vực cụ thể. Cho đến lúc đó, sự phụ thuộc vào Trung Quốc sẽ ngày càng lớn.

Mỹ từng giành vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ từ Trung Quốc vào năm 2019; điều này đã gây ồn ào trong dư luận Ấn Độ. Tuy nhiên, việc Trung Quốc một lần nữa trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ dường như thể hiện việc nhiều biện pháp của Chính phủ Ấn Độ đối với Trung Quốc từ năm 2019 như điều tra vấn đề hỗ trợ của nhà nước đối với sản xuất hàng hóa, tăng thuế quan và các biện pháp hạn chế thương mại khác nhau đã không đạt được hiệu quả. Ấn Độ đã cố gắng tăng xuất khẩu sang Trung Quốc trong những năm gần đây. Sự gia tăng đáng kể xuất khẩu sang Trung Quốc vào năm 2020 có nghĩa là nếu quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc tiếp tục xấu đi. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu của Ấn Độ.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu chỉ ra rằng từ dữ liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong năm 2020, Trung Quốc xuất khẩu hầu hết các mặt hàng sang Ấn Độ, từ nông sản, nguyên liệu công nghiệp, máy móc thiết bị, sản phẩm công nghiệp, và các nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Khi Trung Quốc và Ấn Độ nối lại quan hệ thương mại song phương vào năm 1990, kim ngạch thương mại song phương chỉ đạt 2,6 tỷ USD thì 30 năm sau đó, kim ngạch thương mại song phương đã tăng vọt và tạo ra giá trị cao nhất là 92,8 tỷ USD vào năm 2019. Ấn Độ, quốc gia thâm hụt thương mại trong nhiều năm, đã đưa ra chiến lược quốc gia “Sản xuất tại Ấn Độ” vào năm 2014, và đặt ra mục tiêu giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc.

Ông Lục Dương (Lu Yang), nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Vành đai và Con đường của Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc trả lời phỏng vấn của Thời báo Hoàn Cầu cho rằng, khi dịch bệnh vừa bùng phát vào đầu năm 2020, Ấn Độ đã áp dụng các biện pháp nhằm “chia tách” nền kinh tế và thương mại khỏi Trung Quốc ở nhiều cấp độ khác nhau. Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc không chỉ phục hồi nhanh chóng mà còn củng cố vị thế “công xưởng thế giới” trong thời kỳ đại dịch. Không gian cho hợp tác kinh tế và thương mại Trung Quốc-Ấn Độ rất rộng lớn và hai bên cần có nhau. Dù còn nhiều bất ổn, giới doanh nghiệp hai bên vẫn hy vọng thời gian ngắn tới quan kinh tế thương mại giữa hai nước có thể khôi phục trở lại bình thường./.

Xuân Tuấn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here