Người “chèo lái” mới của WTO là ai?

0
80

Cuối cùng thì Nhà kinh tế học người Nigeria Ngozi Okonjo-Iweala đã được bầu làm Tổng Giám đốc tiếp theo của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Bà Okonjo-Iweala là người phụ nữ đầu tiên, cũng như người châu Phi đầu tiên trong lịch sử 25 năm của tổ chức đảm đương chức vụ này. Trên thực tế, bản thân tổ chức đa phương này – kể từ khi thành lập năm 1945 – chưa bao giờ có người đứng đầu là phụ nữ.

Người phụ nữ châu Phi đặc biệt

Tiến sĩ Okonjo-Iweala đã làm nên lịch sử ở Nigeria khi trở thành nữ Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của nước này (trong các giai đoạn 2003-2006 và 2011-2015) và một thời gian ngắn giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao vào năm 2006. Bà Okonjo-Iweala là một nhà kinh tế dày dạn kinh nghiệm và một chuyên gia phát triển quốc tế; có bằng kinh tế của Đại học Harvard và bằng Tiến sĩ Kinh tế khu vực và Phát triển của Viện Công nghệ Massachusetts.

Bà Okonjo-Iweala cũng đã làm việc tại Ngân hàng Thế giới (WB) trong 25 năm, vươn lên vị trí Giám đốc điều hành số hai vào năm 2007, xử lý danh mục đầu tư hoạt động trị giá 81 tỷ USD ở châu Phi, Nam Á, châu Âu và Trung Á. Trong thời gian làm việc tại WB, Tiến sĩ Okonjo-Iweala là người đi đầu trong nhiều sáng kiến giúp đỡ các nước nghèo. Năm 2010, bà đã quyên góp được 50 tỷ USD từ các nhà tài trợ cho Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), là quỹ của WB dành cho các quốc gia có thu nhập thấp nhất.

Việc bổ nhiệm Tổng giám đốc mới của WTO trở nên cần thiết sau khi ông Roberto Azevedo chính thức từ chức vào ngày 31/8/2020, một năm trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Ông Azevedo nói rằng ông muốn để cho các thành viên WTO có đủ thời gian để chọn người kế nhiệm. Tuy nhiên, điều này đã khiến WTO không có “người cầm lái” trong một thời gian đầy khó khăn. Trật tự kinh tế quốc tế tự do đã – và vẫn đang – phải đối mặt với phản ứng, trong khi cuộc chiến thương mại và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã có tác động tiêu cực đến thương mại toàn cầu.

Việc Mỹ miễn cưỡng đối với các bổ nhiệm của cơ quan phúc thẩm cũng làm đình trệ nỗ lực giải quyết tranh chấp thương mại gây tranh cãi của WTO. Các cuộc đàm phán cho Chương trình Nghị sự Phát triển Doha đã bị đình trệ – mà không có bất kỳ quyết định thuyết phục nào về các vấn đề quan trọng, chẳng hạn như các chương trình dự trữ công cho an ninh lương thực. Hơn nữa, bất chấp sự phản đối của các nước đang phát triển, các nước phát triển vẫn quan tâm đến việc chỉ đạo các cuộc đàm phán hướng tới “Các vấn đề Singapore”, bao gồm đầu tư, chính sách cạnh tranh, mua sắm chính phủ và tạo thuận lợi thương mại. Sự chia rẽ giữa các nước phát triển và đang phát triển trở nên gay gắt, với việc chính quyền Tổng thống Trump chính thức đệ trình đề xuất năm 2019 để loại bỏ cơ chế tự tuyên bố của WTO để xác định tình trạng nước đang phát triển – một động thái sẽ ảnh hưởng đến Ấn Độ.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất mà hệ thống thương mại đa phương phải đối mặt hiện nay là đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, khiến thế giới phải đối mặt với cuộc suy thoái sâu sắc nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2. Việc các nước đóng cửa, lệnh cấm xuất khẩu và hạn chế thương mại sau đại dịch chỉ làm nổi bật tầm quan trọng của việc giữ cho các tuyến đường thương mại mở đối với hàng hóa, thiết bị y tế và vaccine. Giờ đây, vaccine đã có mặt và một vấn đề cấp bách hơn là việc các nước phát triển sử dụng các thỏa thuận mua trước (APA) để đảm bảo vaccine trước, trong khi để các nước đang phát triển phải chờ đợi. Nhận thức được sự bất bình đẳng trong phân phối và mua sắm vaccine, Nam Phi và Ấn Độ đã đệ trình đề xuất trước WTO về việc đình chỉ quyền sở hữu trí tuệ (IP) liên quan đến COVID-19 để cho phép các nước sản xuất vaccine một cách kịp thời với giá cả phải chăng.

Với việc ông Azevedo từ chức, đã đến lúc WTO chứng kiến một phụ nữ và một người châu Phi ở vị trí đứng đầu. Đã có những người đứng đầu WTO đến từ châu Âu, châu Đại Dương, châu Á và Nam Mỹ. Tuy nhiên, tổ chức này chưa bao giờ do một người châu Phi lãnh đạo, mặc dù châu lục này đại diện cho 27% thành viên của WTO, với 35% thành viên từ các nước đang phát triển. Việc Tiến sĩ Okonjo-Iweala được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc WTO là một kỳ tích đáng chú ý, diễn ra vào thời điểm thế giới vô cùng chia rẽ về màu da, chủng tộc và sắc tộc.

Bà Fadumo Dayib, nữ ứng cử viên Tổng thống Somali đầu tiên, coi việc bổ nhiệm đối với Tiến sỹ Okonjo-Iweala “như một sự xác nhận năng lực và kỹ năng lãnh đạo của phụ nữ châu Phi cũng như sự xuất sắc của phụ nữ châu lục này bất chấp những rào cản và trở ngại có hệ thống mà họ phải đối mặt”. Tiến sĩ Okonjo-Iweala mang đến một bộ kỹ năng ấn tượng cũng như một cái nhìn mới mẻ về WTO vì bà chưa từng làm việc trong tổ chức này trước đây. Vì bà Okonjo-Iweala là Chủ tịch Hội đồng Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) và là Đặc phái viên về đại dịch COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới, nên các quốc gia thành viên – đặc biệt là các nước đang phát triển và các nước kém phát triển – có thể hy vọng đặt việc sản xuất và phân phối vắc-xin lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của WTO.

Tuy nhiên, mặc dù đã học tập và làm việc ở Mỹ trong phần lớn cuộc đời và cũng trở thành công dân Mỹ có hai quốc tịch, Tiến sĩ Okonjo-Iweala – người được châu Phi, Liên minh châu Âu và khu vực Caribe ủng hộ – đã không nhận được sự hỗ trợ tương tự từ chính quyền Tổng thống Trump khi đó. 

Bài toán khó đối với Tiến sĩ Okonjo-Iweala

Thực tế, như Eurasiareview nhận định, Tiến sĩ Okonjo-Iweala đến từ Nigeria, một quốc gia đang phát triển, đồng nghĩa với việc bà hiểu sâu hơn về các vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị và văn hóa ảnh hưởng đến các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Đã từng làm việc để nâng cao các nước kém phát triển tại IDA và thông thạo các tình hình thực tế cơ bản mà một quốc gia đang phát triển phải đối mặt rất có thể là yếu tố cân bằng mà tổ chức yêu cầu. Điều này rất quan trọng vì WTO đôi khi bị cáo buộc là không trung lập và đóng vai trò thiên vị, ủng hộ các quốc gia phát triển.

Các nước đang phát triển sẽ theo dõi cách tân Tổng giám đốc giải quyết các vấn đề như các điều khoản đối xử đặc biệt và khác biệt (S&D) đang bị tranh chấp bởi các nước phát triển. Trong khi nhiều người cho rằng vai trò của Tổng giám đốc WTO hoàn toàn là hành chính, thì vị trí này thực sự sử dụng quyền lực mềm đáng kể và đã có một số trường hợp sử dụng quyền lực mềm này trong quá khứ. Một ví dụ tuyệt vời về điều này là những nỗ lực của ông Azevedo đã giúp đạt được sự đồng thuận giữa các quốc gia về “Gói Bali” vào năm 2013.

Tiến sĩ Okonjo-Iweala sẽ tiếp quản một tổ chức không có lãnh đạo kể từ tháng 8/2020 và có thể đang đối mặt với cuộc khủng hoảng sâu sắc nhất của nó. WTO đã không thể đảm bảo một thỏa thuận thương mại đa phương trong nhiều năm và cũng không thể đáp ứng thời hạn đến năm 2020 để chấm dứt trợ cấp cho việc đánh bắt cá quá mức. Đáng chú ý nhất là kể từ năm 1995, WTO đã không thể hoàn tất bất kỳ vòng đàm phán nào của các cuộc đàm phán thương mại toàn cầu, do đó không mang lại bất kỳ lợi ích nào cho các thành viên. Vòng đàm phán Doha bắt đầu vào năm 2001 đã không thể mang lại lợi ích cho các nước nghèo; trong đó rất nhiều quốc gia là các nước châu Phi.

Tổ chức này cũng đã không thành công trong việc đạt được bất kỳ hiệp định lớn nào kể từ năm 1995, ngoài Hiệp định tạo thuận lợi thương mại vào năm 2017. Ngoài ra, tất nhiên, thương mại quốc tế đã bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch COVID-19, thúc đẩy một cuộc suy thoái mà sẽ ảnh hưởng đến chúng ta trong nhiều năm. Trong bài báo của mình, Giáo sư kinh tế của Đại học Harvard, Kenneth Rogoff, đề cập rằng “sự sụp đổ ngắn hạn về sản lượng toàn cầu hiện đang diễn ra dường như có thể sánh ngang hoặc vượt quá bất kỳ cuộc suy thoái nào trong 150 năm qua”.

WTO đã phải vật lộn với sự xáo trộn lớn trong thương mại quốc tế do đại dịch COVID-19 gây ra. Tổ chức này cần được cải tổ và Tiến sĩ Okonjo-Iweala, với niềm đam mê thương mại và lời hứa về sự lãnh đạo chủ động rất có thể là động lực dẫn dắt mà WTO rất cần. Thế giới hiện nay đang trong tình trạng hỗn loạn với đại dịch COVID-19 là một yếu tố góp phần chính.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 7/2020 cho tờ “The Africa Report”, bà Okonjo-Iweala nói rằng “Chủ nghĩa đa phương chưa bao giờ cần thiết hơn bây giờ… Một hệ thống thương mại đa phương là hệ thống có thể tạo ra kết quả cho tất cả mọi người, các giải pháp cùng có lợi. WTO phải là trung tâm của vấn đề đó”. Với sự lãnh đạo đúng đắn, WTO có thể củng cố sự phù hợp của mình với thế giới, bằng cách thúc đẩy tính minh bạch và khả năng dự đoán, giảm căng thẳng thương mại và bằng cách giúp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển cho tất cả mọi người.

Khắc Hiếu 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here