Tin kinh tế Mỹ

0
72
(CNN)
(CNN)

1. Ông Tom Vilsack đối mặt với các câu hỏi của Thượng nghĩ sỹ về vấn đề thương mại, ghi nhãn xuất xứ và sản phẩm sữa.

Ngày 2/2/2021, ông Tom Vilsack, người được Tổng thống Biden đề cử làm Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ đã có phiên điều trần về các vấn đề liên quan đến thương mại thuộc lĩnh vực của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), bao gồm cả việc ghi nhãn quốc gia xuất xứ và định giá sữa.

Ông Vilsack đã từng lãnh đạo USDA dưới thời chính quyền của Tổng thống Obama. Ủy ban Nông nghiệp Thượng viện đã đồng ý tiến hành quy trình nhanh và trình đề cử của ông lên Thượng viện vào chiều ngày 2/2 sau phiên điều trần. Ông Vilsack đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng và dự kiến ​​sẽ được phê chuẩn với số phiếu đa số.

Ông Vilsack bắt đầu phiên điều trần bằng việc xác nhận ông đã từng ở vị trí này trong nhiệm kỳ trước nhưng hy vọng cả USDA và nhiệm kỳ của mình lần này sẽ khác trước. Ông thấy rằng “mình đã quay trở lại” nhưng hiện giờ tất cả mọi việc đều khác trước từ thời điểm đến con người, bộ máy.

Thượng nghị sĩ John Boozman, dự kiến sẽ là Phó Chủ tịch Ủy ban Nông nghiệp Thượng viện, bắt đầu phiên điều trần về thương mại, lưu ý rằng các nhà sản xuất Mỹ “phụ thuộc vào các mối quan hệ bền vững khắp thế giới”. Ngoài ra, ông nêu bật vai trò của Thứ trưởng nông nghiệp phụ trách thương mại, một chức vụ được quy định trong dự luật nông trại năm 2014, có ý nghĩa rất then chốt để duy trì và tạo ra những mối quan hệ mới.

Đối với các câu hỏi về nhiệm vụ của thứ trưởng USDA cần làm gì để tăng cường lĩnh vực chính sách thương mại và USDA sẽ phối hợp thế nào với USTR, ông Vilsack cho biết USDA có “trách nhiệm” đảm bảo mối liên hệ chặt chẽ giữa USDA và USTR. USDA có thể “tham gia đóng góp ý kiến, khuyến nghị và định hướng”, và có thể phối hợp với USTR trong công tác thực thi cam kết, bao gồm Hiệp định Mỹ – Mexico – Canada. Về trách nhiệm của thứ trưởng, ông Vilsack nêu ba nhiệm vụ chính cho vị trí này. Một là đảm bảo sự hiện diện các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ tại các thị trường xuất khẩu; Hai là nỗ lực tạo ra các cơ hội thị trường mới và quan hệ đối tác và Ba là quảng bá các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ.

Ông Vilsack được hỏi hai lần về việc ghi nhãn quốc gia xuất xứ (COOL), một biện pháp mà WTO đã liên tục bác bỏ. Thượng nghị sỹ Deb Fischer và John Thune khuyến cáo Vilsack xem lại COOL và nỗ lực tuân thủ WTO. Fischer cho rằng hệ thống ghi nhãn hiện tại “đã không theo kịp với những kỳ vọng đang thay đổi của người tiêu dùng”.

Trả lời vấn đề này, ông Vilsack cho biết ông rất sẵn lòng làm việc với Quốc hội tìm một giải pháp và lưu ý rằng rằng “Chúng tôi đã 3 lần cố gắng để thắt chặt quy định COOL nhưng không thành công vì Canada đã kháng nghị lên WTO, hiển nhiên là dẫn đến hành động trả đũa. Tôi hoàn toàn sẵn sàng lắng nghe bất kỳ ai và tất cả những ai có ý tưởng làm thế nào để có thể phá vỡ bế tắc hoặc có giải pháp nào đó”.

Đề cập đến những khó khăn của ngành sữa và giá sữa, thượng nghị sỹ Kirsten Gillibrand đề nghị ông Vilsack cam kết phải quan tâm đến các doanh nghiệp sữa nhỏ và vừa cũng như các hãng lớn. Bà cũng cho rằng việc định giá sữa cần tính đến chi phí sản xuất. Trả lời nội dung này, ông Vilsack cho biết hệ thống tiếp thị sữa nên đưa số liệu xuất khẩu sản phẩm sữa trong dữ liệu định giá để đảm bảo người nông dân sẽ có lãi.

Hệ thống quản lý nguồn cung cấp sữa của Canada, cái gai đối với các tổ chức sữa lớn của Mỹ, thực sự đã tính toán đến chi phí sản xuất khi định giá tối thiểu cho sản phẩm sữa. USTR dưới thời chính quyền Trump đã có khiếu nại trong khuôn khổ Hiệp định USMCA đối với việc thực hiện của Canada. Hội đồng Xuất khẩu Sữa Mỹ đã ủng hộ khiếu nại, nhưng một số nhóm, phần lớn là đại diện cho người lao động và các cơ sở sản xuất sữa nhỏ hơn đã phản đối, và đòi thực hiện cải cách hệ thống của Mỹ.

2. Các thượng nghị sĩ Mỹ thúc giục Nhà Trắng hành động trước tình trạng thiếu chíp bán dẫn cho ô tô

Ngày 2/2/2021, một nhóm gồm 15 thượng nghị sĩ Mỹ có cả Lãnh đạo phe Đa số Chuck Schumer và thượng nghị sỹ Cộng hòa John Cornyn đã thúc giục Nhà Trắng làm việc với Quốc hội để giải quyết tình trạng thiếu vi mạch bán dẫn toàn cầu gây khó cho ngành sản xuất ô tô. Các thượng nghị sĩ, từ các bang có ngành sản xuất ô tô như: Michigan, Ohio, Tennessee, Wisconsin, Illinois, Indiana và Nam Carolina, trong thư gửi tới Nhà Trắng đã cảnh báo “tình trạng thiếu hụt đe dọa sự phục hồi kinh tế sau đại dịch”. Các nhà sản xuất ô tô trên khắp thế giới đang phải tạm đóng cửa các dây chuyền lắp ráp vì gặp phải các vấn đề trong việc cung cấp chất bán dẫn, một phần do các hành động của chính quyền Trump kiểm soát các nhà máy sản xuất vi mạch chip của Trung Quốc.

Sự thiếu hụt này đã ảnh hưởng đến Volkswagen, Ford Motor Co, Subaru Corp, Toyota Motor Corp, Nissan Motor Co Ltd, Fiat Chrysler Automobiles và các nhà sản xuất xe hơi khác. Các thượng nghị sĩ, thúc giục Nhà Trắng “hỗ trợ bảo đảm nguồn kinh phí cần thiết để nhanh chóng thực hiện các quy định liên quan sản phẩm bán dẫn trong Đạo luật Ngân sách Quốc phòng mới đây, thúc đẩy ngành sản xuất bán dẫn nói chung và khuyến khích sản xuất chất bán dẫn tại Mỹ sau này”.

Các nhà sản xuất ô tô trên khắp thế giới đang điều chỉnh dây chuyền lắp ráp đồng thời cắt giảm một số sản phẩm do sự thiếu hụt, chậm trễ trong sản xuất chất bán dẫn mà một số nhà sản xuất đổ lỗi cho tốc độ phục hồi hậu đại dịch nhanh hơn dự kiến. Theo McKinsey, trong năm 2019, ngành ô tô chiếm khoảng 1/10 trong tổng số 429 tỷ USD thị trường bán dẫn.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here