Phát triển bền vững là giấy thông hành để chúng ta đến với tương lai

0
80
(Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam)
(Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam)

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, thuộc đoàn đại biểu Đảng bộ Khối Doanh nghiệp TƯ, chủ đề với khát vọng phát triển đất nước của Văn kiện Đại hội XIII là thông điệp về con đường đi tới.

Đại hội XIII của Đảng đã thành công tốt đẹp, với việc 100% đại biểu đồng ý thông qua Nghị quyết Đại hội XIII. Trong thời gian diễn ra Đại hội, nhất là các phiên thảo luận Văn kiện Đại hội tại Hội trường và tại đoàn, điều gì khiến ông cảm thấy ấn tượng nhất từ các cuộc thảo luận?

Có hai ý tôi muốn chia sẻ.

Một là, chủ đề với khát vọng phát triển đất nước. Tôi coi đây là một thông điệp của Đại hội XIII về con đường đi tới của chúng ta.

Tôi nói vậy vì khi nhìn lại, lịch sử phát triển của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh là một hành trình khát vọng. 30 năm đầu tiên, từ năm 1911 đến năm 1945, là hành trình hiện thực hóa khát vọng độc lập tự do.

30 năm tiếp theo (1946 -1975) là hành trình cả dân tộc bước vào cuộc chiến tranh giải phóng, thực hiện khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước.

35 năm sau đó, từ khi giải phóng miền Nam (năm 1975), hay 25 năm kể từ khi Đổi mới (1986), đến năm 2010 là hành trình của khát vọng chiến thắng đói nghèo. Việt Nam đã kể cho thế giới câu chuyện về một cuộc thoát nghèo vĩ đại, thực hiện chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường, đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình thấp.

Và từ thập kỷ thứ 2 của thế kỷ XXI, với Đại hội XIII, chúng ta bắt đầu một hành trình khát vọng mới, đưa đất nước đến phồn vinh với tầm nhìn tới năm 2045 – kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước.

Hai là, mục tiêu phấn đấu đến giữ thế kỷ XXI trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN.

Mục tiêu phát triển là mục tiêu tổng quát, bao trùm, nhưng cũng rất cụ thể, mà chúng ta có thể cân đong đo đếm được.

Cụ thể, có thể hiểu thế nào là nước phát triển, thưa ông?

Trở thành nước phát triển là tham gia vào câu lạc bộ những nước giàu có nhất trên thế giới. Nghĩa là, chúng ta phải tăng GDP tính theo đầu người lên ít nhất gấp khoảng 5 lần so với hiện nay, phải đạt được 12.000 – 15.000 USD/người/năm.

Nhưng đó không phải là mục tiêu duy nhất. Chúng ta còn đặt mục tiêu chất lượng của mô hình phát triển là định hướng XHCN – một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Năm 2015, các nhà lãnh đạo của gần 200 quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã thông qua Chương trình Nghị sự 2030 – xác lập 17 mục tiêu phát triển bền vững như một khung khổ mới cho chiến lược phát triển của các quốc gia bằng việc bảo đảm cân bằng giữa các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường. Những mục tiêu phát triển bền vững rất gần với mô hình nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà chúng ta đang theo đuổi.

Có thể nói, phát triển bền vững là giấy thông hành để chúng ta đến với tương lai.

Nhưng thực hiện cũng không dễ dàng, vì phần lớn doanh nghiệp của chúng ta vẫn đang ở quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, và vẫn còn thiếu thốn trăm bề. Chính phủ đã có chương trình quốc gia phát triển bền vững để định hướng và yểm trợ, nhưng tôi vẫn mong Ban Chấp hành Trung ương khóa tới sẽ có nghị quyết riêng về vấn đề này, bởi đây là vấn đề hệ trọng, cần có quyết tâm chính trị cao và cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Mục tiêu về GDP tính theo đầu người là một thách thức không hề nhỏ…

Chúng ta hoàn toàn tin đây là một mục tiêu hiện thực, nếu nhìn vào những thành quả và nền tảng phát triển của chúng ta trong những năm qua và đặc biệt là những cơ hội bứt phá trong kỷ nguyên vàng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và ý chí tinh thần của dân tộc Việt.

Chúng ta cũng tin vào khả năng đoàn kết, sáng tạo và sức ứng phó kiên cường của cả hệ thống chính trị – xã hội, của đồng bào ta và nền kinh tế mỗi khi đất nước lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Tâm thế đất nước trong đại dịch Covid-19 năm 2020 là một ví dụ điển hình.

Tất nhiên, khó khăn cũng vô cùng lớn. Thế giới sẽ biến động khó lường, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và thị trường thế giới có nguy cơ thu hẹp lại. Những lợi thế phát triển theo chiều rộng của nền kinh tế nước ta không còn nhiều. Xu hướng già hóa dân số sẽ diễn ra nhanh. Nước ta sẽ là một trong những quốc gia sẽ chịu nhiều tác động nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng…

Trong khi đó, về chủ quan, thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta còn nhiều vướng mắc, năng lực và trình độ công nghệ của nền kinh tế chưa cao, chất lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu, kết cấu hạ tầng còn chưa hoàn thiện…

Theo xếp hạng của thế giới, môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, năng suất lao động của nền kinh tế Việt Nam dù có nhiều bứt phá, nhưng vẫn còn ở mức trung bình và trung bình thấp. Chúng ta vẫn chưa lọt được vào nhóm 3 – nhóm 4 nền kinh tế tốt nhất trong ASEAN.

Có thể nói, trong hành trình này, đổi mới thể chế sẽ vẫn là định hướng lớn, thưa ông?

Để bứt phá, vượt lên, cải cách thể chế kinh tế đóng vai trò dẫn dắt, mở đường. Trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, lần đầu tiên, tôi thấy khái niệm thể chế phát triển bền vững.

Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030, mục đầu tiên có ghi: tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường…, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Thể chế phát triển sẽ ngược với thể chế kìm hãm, thể chế quản lý, là thể chế của nhà nước kiến tạo, dẫn dắt sự phát triển. Trong môi trường này, các doanh nghiệp được tự do kinh doanh, an tâm kinh doanh, nhưng cũng sẽ có sự hỗ trợ, hậu thuẫn để đầu tư vào công nghệ, đổi mới, sáng tạo hay các ngành công nghiệp quan trọng, mang tính dẫn dắt, đòi hỏi quy mô đầu tư lớn, rủi ro cao.

Lúc này, doanh nghiệp cần cả bàn tay thị trường để phân bổ hiệu quả nguồn lực và bàn tay nhà nước để hậu thuẫn, thúc đẩy. Hay nói một cách hình ảnh, thể chế cần có tầm nhìn để đón “đại bàng”, cả ở trong nước và nước ngoài.

Nhìn vào lịch sử nền kinh tế thế giới, chúng ta cũng thấy, thời gian 20 – 25 năm là khoảng thời gian đủ để các nền kinh tế, điển hình là các nền kinh tế Đông Á, đã từ nghèo nàn lạc hậu, trở thành các con rồng, con hổ. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với khát vọng phát triển, tôi tin rằng, hành trình trở thành nước phát triển của Việt Nam sẽ ngắn thời gian…

(Khánh An/baodautu.vn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here