Sáng kiến Vịnh Bengal về Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật Đa ngành (BIMSTEC) đã qua 23 năm kể từ khi thành lập vào năm 1997. Là một sáng kiến hợp tác khu vực, BIMSTEC thúc đẩy hợp tác trên 7 lĩnh vực kinh tế trọng điểm bao gồm thương mại, đầu tư, vận tải và thông tin liên lạc… Các nước thành viên hiện đang đàm phán để thành lập Khu vực Thương mại Tự do BIMSTEC nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa các nước thành viên.
Các thành viên BIMSTEC tham gia một số lượng lớn các Hiệp định thương mại, hiện đang có hiệu lực, bao gồm các Hiệp định thương mại ưu đãi, các khu vực thương mại tự do, khuôn khổ các hiệp ước thương mại và các thỏa thuận hợp tác kinh tế. Ví dụ, Khu vực Thương mại Tự do Nam Á (SAFTA) và Khu vực Thương mại Tự do ASEAN (AFTA) là hai trong số các hiệp định thương mại lớn mà một số nước BIMSTEC hiện đang liên kết. Bên cạnh đó, còn có một số hiệp định thương mại song phương giữa các nước trong BIMSTEC.
Trong các thành viên BIMSTEC, Ấn Độ tham gia vào nhiều hiệp định thương mại nhất, ký kết 28 hiệp định song phương hoặc khu vực với các quốc gia khác nhau trên thế giới. Nền kinh tế lớn khác là Thái Lan đã ký kết 22 FTA. Trong khi đó, Bhutan và Nepal có số hiệp ước thương mại ít nhất, mỗi nước chỉ tham gia vào 3 hiệp định. Bangladesh, Sri Lanka và Myanmar cũng là những thành viên có số hiệp định thương mại hạn chế.
Vì các nước thành viên chính tham gia vào các hiệp định thương mại khu vực và song phương khác nhau với một hoặc nhiều quốc gia thành viên, thách thức đối với BIMSTEC FTA là tìm hướng làm gia tăng thêm thương mại cho các nước thành viên. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các nước thành viên nhỏ hơn đang tham gia với số hiệp định thương mại hạn chế và có mức độ hạn chế trong thương mại nội khối với các nước thành viên.
Thương mại và đầu tư hiện tại giữa các nước BIMSTEC chịu ảnh hưởng lớn bởi trình độ phát triển kinh tế, sự gần gũi về địa lý, cơ sở dịch vụ hậu cần xuyên biên giới và các thỏa thuận hợp tác khu vực khác nhau. Một FTA mới trong khuôn khổ BIMSTEC sẽ khó đảm bảo sự gia tăng thương mại và đầu tư mà không giải quyết các vấn đề nêu trên. Do đó, BIMSTEC không chỉ theo đuổi việc ký kết một FTA mà còn rất quan trọng là cần có một số hiệp định liên kết bao gồm tạo điều kiện dễ ràng về thương mại và kết nối xuyên biên giới. BIMSTEC nên thúc đẩy cả thương mại và đầu tư trong và ngoài khu vực trong các hiệp định khung về thương mại, đầu tư và kết nối trong khu vực BIMSTEC.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)