Viện trợ của Nhật cho Bangladesh

0
68
(industryglobalnews24.com)
(industryglobalnews24.com)

Nhật Bản đã nổi lên là nước cho vay lớn nhất của Bangladesh về giải ngân viện trợ trong năm tài chính này, vượt qua Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Theo các quan chức Cục Quan hệ Kinh tế (ERD), Nhật Bản đã giải ngân khoản viện trợ trị giá 714,44 triệu USD trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 11 của năm tài chính 2020-21, gần gấp đôi số tiền của WB và ADB cộng lại. Một quan chức cấp cao của ERD cho biết, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đứng đầu danh sách năm nay khi Bangladesh lần đầu tiên được đảm bảo 331 triệu USD hỗ trợ ngân sách của Nhật Bản vào tháng 8 để đối phó với COVID-19 về kinh tế.

Trong năm tài chính 2019-20, JICA đã giải ngân khoản tiền trị giá 1,69 tỷ USD cho Bangladesh và 1,2 tỷ USD trong năm tài chính 2018-19. Sự hỗ trợ của JICA đã bắt đầu tăng lên kể từ năm 2017-18 khi đối tác phát triển giải ngân khoản hỗ trợ trị giá 1,54 tỷ USD, so với năm tài chính 2016-17 là 899 triệu USD.

Trong khi đó, WB, nhà cho vay đa phương lớn nhất của Bangladesh, đã giải ngân 1,42 tỷ USD trong năm tài chính 2017-18, 2,03 tỷ USD trong năm 2018-19 và 1,51 tỷ USD trong năm 2019-20. Bên cho vay đa phương lớn thứ hai là ADB đã giải ngân 938 triệu USD trong năm 2017-18, 1,25 tỷ USD trong năm 2018-19 và 1,70 tỷ USD trong năm 2019-20.

Nhật Bản không chỉ là đối tác phát triển song phương lớn nhất của Bangladesh mà còn là nhà tài trợ lớn thứ ba trong số các nước đang tài trợ cho Bangladesh. Dữ liệu ERD cho biết, tính đến năm 2020, Bangladesh đã nhận được tổng cộng 14,25 tỷ USD hỗ trợ từ Nhật Bản.

JICA hiện đang tài trợ cho nhiều dự án quan trọng và ưu tiên hàng đầu của Bangladesh như metrorail (đường sắt nội đô) ở Dhaka, nhà ga thứ 3 của Sân bay Quốc tế Shahjalal ở thủ đô, và cầu đường sắt bắc qua sông lớn Jamuna.

Tháng 8/2020, JICA đã ký gói ODA lớn nhất từ trước đến nay trị giá 3,2 tỷ USD để tài trợ cho bảy dự án của chính phủ Bangladesh. Gói ODA thứ 41 này sẽ cung cấp 857,5 triệu USD cho dự án xây dựng cầu đường sắt qua sông Jamuna, 770 triệu USD cho dự án mở rộng Sân bay Quốc tế Hazrat Shahjalal, 695,5 triệu USD cho tuyến đường sắt nội đô MRT-6, 536,6 triệu USD cho MRT-5, 18,4 USD triệu USD cho dự án cải thiện đường cao tốc Chattogram-Cox’s Bazar, 108 triệu USD cho dự án cải thiện chuỗi giá trị thực phẩm và 272 triệu USD cho dự án phát triển đô thị và quản lý thành phố.

Lãi suất của khoản vay Nhật Bản cũng rẻ nhất trong số tất cả các đối tác phát triển ở Bangladesh. Hiện tại, lãi suất là 0,65% với thời gian đáo hạn là 30 năm. Bangladesh cũng được ân hạn 10 năm đối với các khoản vay đã ký gần đây./.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here