Kinh tế Mỹ

0
71
(AFP)
(AFP)

1. Hạ nghị sĩ Jackie Walorski (R-IN) hy vọng các nỗ lực cải cách thuế sẽ được tiếp tục dưới thời Chính quyền Biden

Ngày 13/1/2021, Inside Trade dẫn phát biểu của Hạ nghị sĩ Jackie Walorski (Indiana – Cộng hòa) tại Hội thảo thường niên của Hội đồng Ngoại thương Quốc gia (NFTC), theo đó, bà Walorski cho biết sẽ tiếp tục các nỗ lực nhằm kiềm chế việc Chính quyền Biden sử dụng các sắc lệnh hành pháp cho triển khai các ưu  tiên chính sách về thuế.

Hạ nghị sỹ Walosrki, thành viên tại Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ  viện, là một trong những tiếng nói tại Quốc hội đã chỉ trích mạnh mẽ việc Chính quyền Trump sử dụng thuế quan. Bà cũng từng nhiều lần lên tiếng chỉ trích quy trình loại trừ của Bộ Thương mại Mỹ nhằm để các công ty có thể đưa sản phẩm nhôm, thép của mình ra khỏi danh sách chịu áp thuế theo điều khoản 232 của Luật Thương mại mở rộng 1962, cho rằng quy trình này “không hiệu quả, không nhất quán, không rõ ràng và không công bằng”.

Theo Inside Trade, dưới Chính quyền Trump, một số Thượng nghị sỹ hàng đầu của đảng Cộng hòa như Chủ tịch Ủy ban Tài chính Chuck Grassley (Iowa) và một số thành viên Ủy ban, Thượng nghị sỹ Pat Toomey (Pennsylvania) và Rob Portman (Ohio) đã từng nỗ lực thúc đẩy các cải cách quy chế đối với điều khoản 232 song đã không thể đạt được đồng thuận trong Ủy ban do các nghị sỹ khác lo ngại, không muốn bị xem là chống lại Tổng thống  Trump.

Tại hội thảo, bà Walorski nhấn mạnh cam kết tiếp tục theo đuổi nỗ lực cải cách điều khoản 232 bất kể Tổng thống nắm quyền thuộc đảng phái nào, trong đó có việc chuyển một số cuộc điều tra sang Bộ Quốc phòng và thúc đẩy việc bỏ phiếu tại Quốc hội đối với các quyết định về biện pháp thuế; tỏ tin tưởng sẽ hợp tác được với một số nghị sỹ đảng Dân chủ trong theo đuổi việc cải cách trên. Tuy nhiên, bà Walorski cũng lo ngại về khả năng nỗ lực cải cách không nhận được đủ sự ủng hộ tại Quốc hội, cũng như chưa rõ quan điểm của Chính quyền Biden với việc cải cách điều khoản 232.

Bà Walorski tỏ hy vọng Tổng thống đắc cử Biden sẽ có cách tiếp cận khác khi tiếp quản các hồ sơ điều tra dưới thời Tổng thống Trump như điều tra 301 về chính sách tiền tệ và nguồn gốc gỗ đối với Việt Nam, thuế dịch vụ số với Pháp và  nhiều quốc gia khác…, mong muốn Chính quyền Biden sẽ tiến hành đàm phán chuyên sâu với các nước để giải quyết trước khi sử dụng tới công cụ thuế quan trong bối cảnh công ty và doanh nghiệp Mỹ đã và đang gặp nhiều khó khăn.

Inside Trade thông tin thêm, cho biết Tổng thống đắc cử Biden hiện chưa  cho biết về khả năng hành động với các biện pháp thuế theo điều khoản 232 mà Chính quyền Trump đã triển khai. Giới đánh giá tin rằng trong ngắn hạn các biện pháp thuế sẽ được duy trì, trong khi nhóm nghiệp đoàn lao động đã kêu gọi việc tiếp tục duy trì các biện pháp thuế theo điều khoản 232 cho đến khi có một giải pháp lâu dài, có thể thực thi được.

2. NYT: Mỹ cấm toàn bộ các sản phẩm sợi bông và cà chua từ Tân Cương, Trung Quốc

Ngày 13/1/2021, theo the New York Times, Chính quyền Trump đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu đối với sản phẩm bông, cà chua cũng như tất cả sản phẩm từ nguyên liệu trên từ Tân Cương, Trung Quốc với lí do vi phạm nhân quyền và có hành vi sử dụng rộng rãi lao động cưỡng bức tại khu vực này.

Theo New York Times, lệnh cấm cho phép các quan chức hải quan ngừng nhập khẩu các sản phẩm nghi ngờ được làm bằng nguyên liệu thô từ Tân Cương, dù nhập khẩu vào Mỹ trực tiếp từ Trung Quốc hay qua một quốc gia khác. New York Times đánh giá động thái này của Mỹ có thể khiến các nhà sản xuất may mặc và thực phẩm gặp khó khăn trong đảm bảo chuỗi cung ứng dù các doanh nghiệp này đã có nỗ lực tránh xa, không liên quan tới các hành vi tàn bạo tại Tân Cương, khu vực cung cấp chính nguồn nguyên liệu bông, than, hóa chất, đường, cà chua và polysilicon, một thành phần trong các tấm pin mặt trời, sau đó được cung cấp cho các nhà máy trên khắp Trung Quốc và thế giới.

Scott Nova, giám đốc điều hành của Hiệp hội Quyền của người lao động (The Workers Rights Consortium) cho rằng lệnh cấm là lời cảnh tỉnh đối với bất kỳ thương hiệu may mặc nào tiếp tục phủ nhận của hiện trạng sử dụng lao động cưỡng bức trong công nghiệp sợi bông; cho rằng lệnh cấm sẽ buộc ngành công nghiệp may mặc, từ Amazon, Nike cho đến Zara cần xác định lại cách nhập khẩu nguyên liệu và sử dụng lao động; bất kỳ thương hiệu toàn cầu nào hiện chưa rút hoặc chưa có kế hoạch rút sản xuất khỏi Tân Cương sẽ gặp thảm họa về cả pháp lý và danh tiếng.

Hiệp hội Quyền của Người lao động ước tính các thương hiệu và nhà bán lẻ Mỹ nhập khẩu hơn 1,5 tỷ sản phẩm may mặc sử dụng nguyên liệu Tân Cương mỗi năm, chiếm hơn 20 tỷ USD doanh thu bán lẻ. Trung Quốc cũng là nhà sản xuất cà chua lớn nhất thế giới, với Tân Cương chiếm phần lớn sản lượng đó.

Mark Morgan, quyền ủy viên Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ cho biết, lệnh cấm đã gửi đi một thông điệp rõ ràng tới các cộng đồng doanh nghiệp về việc cần biết rõ chuỗi cung ứng mình đang sử dụng để đảm bảo hoạt động đúng luật pháp, bao gồm việc không sử dụng lao động cưỡng bức.

NYT cũng cho biết thời gian qua, Chính quyền và Quốc hội Mỹ đã tiến hành nhiều biện pháp hạn chế với Tân Cương, như áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với hàng chục công ty và cá nhân do bị cáo buộc vi phạm nhân quyền; hay xem xét các đạo luật ngăn chặn hàng nhập khẩu từ Tân Cương, trừ khi các công ty có thể chứng minh rằng các chuỗi cung ứng chạy qua khu vực này không có lao động cưỡng bức.

Tuy nhiên, các chuyên gia thương mại cũng lo ngại về năng lực đảm bảo thực thi lệnh cấm mới của các quan chức hải quan Mỹ, dẫn báo cáo công bố vào tháng 10/2020 của Văn phòng giải trình trách nhiệm Chính phủ Mỹ cho thấy cơ quan hải quan Mỹ hiện đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân viên, và các vấn đề khác dù đã có nguồn lực dành để ngăn chặn hàng hóa được làm bằng lao động cưỡng bức.

Brenda Smith, trợ lý Ủy viên điều hành tại Văn phòng Thương mại của Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ, cho biết việc liên hệ các sản phẩm nhập khẩu với nguyên liệu thô được sản xuất ở Tân Cương là một thách thức, khẳng định Cục cũng đang áp dụng các phương pháp theo dõi mới để phát hiện ra các sản phẩm được làm bằng lao động cưỡng bức./.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here